Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Độc Giang

Tiểu thuyết gốc · 2153 chữ

Lại nói Diệu Thiện và Huyền Đỉnh bày biện đàn đúng như Kinh Tâm yêu cầu, bên trên là bàn thờ bày hương hoa ngũ quả, đèn nến giấy mã đầy đủ, giữa bàn là một bát hương, phía sau bát hương là một chiếc chuông nhỏ, bên tả là một chiếc đĩa, trong gắn một lá Bùa, trên Bùa ghi dấu chú Thiên Gia – Kinh Tâm - Phong ấn – Ý - Bức - Ngọc Nương, bên cạnh nữa đặt một thanh kiếm trắng, trên kiếm ghi chữ hán tự “Thoải Phủ Chí Nam Việt”, bên dưới là tọa ngồi, xung quanh cắm tám đèn giới rơi vào tám hướng, đặt ở các vị trí nến giữ hồn, các tọa ngồi bày các vị trí, hướng Đạo Đồng Tâm Bát Tự, Trùng Đạo, Thiên Sinh Đạo, Hầu Tướng, Dẫn Nhập, nến Giữ Hồn, Nhu Lình Thiên, Hậu Hướng Đạo.

Bấy giờ Kinh Tâm đưa tay lên đầu rút cây trâm cài ra, cắm vào bát hương lớn giữa đàn, đoạn ngồi về vị trí hướng Đạo Đồng Tâm Bát Tự, miệng niệm chú mà khấn.

(Hướng Đạo Đồng Tâm Bát Tự: là vị trí trung tâm của lễ đàn tràng, dành cho người duy trì nghi lễ, *Trùng Đạo: là vị trí đối diện với hướng Đạo Đồng Tâm Bát Tự, dành cho tác nhân của nghi lễ ngồi vào, *Thiên Sinh Đạo: vị trí dành cho yếu nhân, Vong Hồn duy trì thuật dẫn, *Hầu Tướng: vị trí cho tướng m Hầu, *Dẫn Nhập: vị trí thủ hộ, phòng vệ, thoát ly, dị ảnh, vị trí này quan trọng, đặt lên cho các Vong Hồn tiếp vào các nghi lễ cúng tế, hiến hồn, chỉ xuất hiện trong các nghi lễ về hồn có Thiên nhân giữ vào trùng đạo, người ngồi ở hướng đạo đồng tâm bát tự phải có Căn Số U Ẩn mới xếp được vị trí dẫn nhập cho binh tướng, nếu căn số không đủ thì binh tướng sẽ thoát ra ngoài từ vị trí dẫn nhập này. Nến Giữ Hồn: nơi đây để tám đèn hoặc nến nhằm giữ cho thức của người ở vị trí gia chủ của đàn và người ở vị trí hướng đạo được bình an, Nhu Lình Thiên: là nơi đặt các vật dẫn trong nghi lễ nhưng không phải Vong Linh thường.Hậu Hướng Đạo: vị trí giữ hồn người chủ trì lễ tế, nếu vị trí này bị xâm phạm lễ tế đàn sẽ hỏng. Pháp sư thông thường bố trí vị trí này sau vị trí hướng Đạo Bát Tự Đồng Tâm, nên gọi là Hậu Hướng Đạo. Pháp sư cao tay thường bố trí vị trí này trùng với bát hương trên hương án, để lợi dụng sức của hồn cho giữ lấy lửa trên hương án.)

Bấy giờ Huyền Đỉnh dâng hai lá Bùa lên cho Ngọc Mẫu, Mẫu liền niệm chú giải vào đó, lập tức từ trong Bùa xuất ra hai hồn tướng, một là ngọn lửa cháy đỏ bừng bừng, chính là Hỏa thiên Di Quỷ chấp chính của Vu Sơn, bóng hồn còn lại hiện ra là một bà già có khuôn mặt méo mó, mũi chảy dài xuống cằm, con mắt lồi ra khỏi tròng mắt, đó chính là Lý Thị Quỷ của Vu sơn.

Bấy giờ Hỏa Thiên Di nhìn thấy Kinh Tâm trong lòng không được vui, Huyền Đỉnh biết được nguyên do là do mối thù cũ, liền nói với Quỷ:

- Thiên phu nhân ở đây duy trì đàn lễ để hồi sinh cho Cửu Tổ, nếu là người hiểu đạo lý hãy lạy phu nhân. Quỷ nghe Đỉnh nói thế liền chắp tay mà lạy phu nhân.

Thế rồi tất cả theo sự bài trí của Kinh Tâm, mọi người cùng ngồi vào các vị trí đã được định sẵn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Thánh Mẫu phủ Thoải, Ngọc Mẫu Lưu Ngọc ngồi vào vị trí Trùng Đạo.

Thứ hai, đệ tử Thanh Trúc tự, Diệu Thiện Tiên Sinh ngồi vào vị trí Thiên Sinh Đạo.

Thứ ba, Tiên Cô Thủy Phủ, Chầu Tư Mạn Đà La ngồi vào vị trí hầu tướng

Thứ tư, Quỷ chấp chính Vu Sơn, Hỏa Thiên Di ngồi vào vị trí dẫn nhập

Thứ năm, Cuồng Phong Tiên Sinh, đại đệ tử Vu Sơn, Huyền Đỉnh ngồi vào vị trí hậu hướng đạo.

Ngoài ra còn để tám tọa ngồi trống ở phía sau vị trí Thiên Sinh Đạo, còn gọi là Hậu Thiên Sinh Đạo.

Tại vị trí tám nên giữ Hồn đều được chầu tư trông cẩn thận, đều không thắp sáng.

Bấy giờ Kinh Tâm rút trên đầu ra một cây trâm, trâm đó có tên gọi là Liễu Sinh, là vật chủ dùng cho các nghi thức lễ tế liên quan tới hồn, Quỷ Lý Thị bước lại, Kinh Tâm liền trao trâm cho Quỷ, Quỷ đặt nó vào vị trí nhu lình thiên.

Mọi việc an bài đâu đó, Kinh Tâm truyền cho các vị trí những lời niệm chú để họ biết được quyết yếu của thuật Trùng Hồn, đoạn nói:

- Thuật Trùng Hồn này là bí thuật của Thiên Gia, chỉ có mình ta là biết được, năm xưa ta truyền bí thuật này cho một người duy nhất trên đời được biết, đó là Trần Khang, con trai của Trần Cao Vân, hắn chính là Tổ khai sáng nên Vu Sơn, hắn kế thừa và phát triển thành một thuật có tên gọi là “Quỷ Tri Vô Tận”, rồi án thuật ấy lên người Vu Thần Vu Sơn Vương, do có bị thuật định căn ấy trên người nên Vu Thần trọn đời không thể tan hồn, nhược bằng hồn người có tan nát đến đâu chỉ cần có người đệ tử nào dùng được thuật Quỷ Tri Vô Tận này, đều có thể thu thập hồn của Vu Thần về được trọn vẹn, trên đời ngoài thuật Lục Túc Thiền Minh của Phật gia, không có thuật thứ hai nào có thể so sánh được với bí thuật Trùng Hồn của Thiên Gia và thuật Quỷ Tri Vô Tận của Vu Gia. Nay ta sử dụng thuật đó để thu thập tàn hồi cho Cửu Tổ của Vu Sơn là Huyền Vi Cửu Tổ, nhưng hồn hắn vốn đã bị nát từ khi nhảy xuống vực núi, phải nương theo các Quỷ mà tồn tại nên khó thực hiện hơn so với hồn người thường mới chết xong, việc này thành được chỉ có sáu phần, thế nhưng nhờ có oai lực của Thánh Mẫu Lưu Ngọc, và sự hộ trì của hai Huyền Nhân U Ẩn là Tiên Sinh Diệu Thiện và Tiên Sinh Huyền Đỉnh, đều là các bậc thông hiểu huyền thuật, có căn cơ sâu bền và có định lực to lớn về Huyền Môn, nên việc này chắc chắn sẽ thành, tuy nhiên các thức nào quay trở lại, các thức nào không thể quay lại, ấy là còn tùy vào nghiệp lực của Cửu Tổ, các vị xin nhớ đồng lòng mà làm cho.

Ngọc Mẫu và các Huyền Nhân, Quỷ Thần đều cùng gật đầu, vậy là Kinh Tâm bắt đầu thi triển chú thuật, liền đó thấy cây trâm liễu sinh sáng lên, được một lúc sau thì từ từ có một bóng mờ trắng xuất ra từ cánh tay trái của Cửu Tổ, ngồi vào vị trí Hậu Thiên Sinh đạo thứ nhất, dần dần tụ lại thành hình một con chim cắt, đó chính là Quỷ giữ nhãn thức của Cửu Tổ, tên là Kinh Ma Lạc, chim vừa xuất ra đã đảo mắt ngó nghiêng xung quanh, định nói gì đó nhưng gặp ngay ánh mắt trừng trừng nghiêm nghị của Hỏa Thiên Di trên đàn, liền im bặt. Quỷ Lý Thị đứng cạnh giơ một ngón tay lên ra hiệu, chim hiểu ý, ngồi im bất động.

Cây nến thứ nhất trong các nên giữ hồn sáng lên.

Huyền Đỉnh và Diệu Thiện lấy thế làm mừng, trong lòng khấp khởi vui sướng nhưng do là người Huyền Nhân dày dặn kinh nghiệm trong việc đạo nên cùng kìm nén được, không để lộ ra ngoài, tập trung chú tâm vào việc trì chú trợ niệm cho phu nhân, chẳng để cho bị xao lãng.

Chỉ khoảng năm phút sau, quả nhiên lại có sự linh ứng, cây nến thứ hai liền sáng lên, từ trong cánh tay trái của Cửu Tổ xuất ra một bóng hình trắng, bay ngay về vị trí Hậu Thiên Sinh đạo thứ hai nằm bên cạnh vị trí chim Kinh Ma Lạc, dần dần tụ lại thành hình một Quỷ trắng muốt, chống cây kiếm đứng sừng sững, đó chính là Quỷ Kỷ Như, giữ nhĩ thức của Cửu Tổ.

Chầu Tư lại ra hiệu, Quỷ nhìn quanh, định thốt lên gì đó nhưng gặp cả Hỏa Thiên Di, Huyền Đỉnh và Kinh Ma Lạc đang bất động, liền lặng im chờ đợi.

Cứ vậy lần lượt các nến thứ ba, tư, năm sáng lên, các Quỷ từ trong cánh tay Tổ lần lượt xuất ra ngồi ứng vào các vị trí Hậu Thiên Sinh đạo ứng với tỉ thức, thiệt thức, thân thức của Cửu Tổ.

Bấy giờ Giang Màu A Dặc bò lại ngồi vào vị trí ý thức thứ sáu của Tổ, nói:

- Ý thức của Cửu Tổ bị tôi phá nát rồi, không trở ra được đâu, xin làm qua thức thứ bảy.

Kinh Tâm nghe nhưng không nói gì, vẫn kiên nhẫn trì chú, thêm nửa tiếng đồng hồ trôi qua, Kinh Tâm cho giải đàn, nói:

- Mặc Na Thức của Cửu Tổ đã rút lui vào trong A Lại Da Thức thứ tám của Cửu Tổ, hai thức đó tự nó duy trì trong bản mệnh của Cửu Tổ không có Quỷ trông giữ, các Quỷ không can thiệp được vào hai thức đó, do vậy mà thuật Trùng Hồn không trùng được hai hồn đó. Thế nhưng nó đã được giữ lại trong bản mệnh, sẽ không bị tan đi.

Tất cả các vị ngồi trong đàn đều xả thiền, từ từ rút khỏi trạng thái thiền định trì chú, đoạn Huyền Đỉnh hỏi:

- Vậy Cửu Tổ sẽ ra sao?

Kinh Tâm nói:

- Cửu Tổ sẽ sống có đầy đủ giác quan, nhưng vì không có thức thứ sáu là ý thức nên sẽ bị u mê ngu ngơ, không được tinh ranh nhanh nhạy như trước, nhận thức đối với thế giới sẽ khó khăn hơn, đôi khi nói năng đọc viết cũng khó, chỉ sống như đứa trẻ, đôi khi ý thức chẳng bằng đứa trẻ, nhưng chí ít vì thức thứ năm là thân thức đã được phục hồi nên cũng không phải sống đời thực vật. Ý thức được A Lại Da Thức sinh ra và nuôi lớn lên, nên theo thời gian, chỉ cần A Lại Da Thức chưa tan, dần dần sẽ có ý thức trở lại. Lại nữa, vì không có thức thứ bảy là Mặc Na Thức, nên tất cả những chuyện trong quá khứ sẽ không nhớ được gì, Mặc Na Thức của Cửu Tổ rút lui vào trong A Lại Da Thức nên chỉ cần thức này còn, từ từ găp được vị cao nhân trị cho, vẫn có cơ may phục hồi được. Còn đối với A Lại Da Thức, do Cửu Tổ là người Huyền Nhân U Ẩn có hai giọt khí mạnh mẽ, nên thuật không can thiệp vào được.

Bấy giờ mọi người cùng bước lại xem, đoạn cùng dùng các mắt Huyền Môn mà nhìn, quả nhiên giọt khí hồng của Cửu Tổ đã tách ra thành hai giọt khí trắng và đỏ, từ từ trở về vị trí của chúng là đỉnh đầu và huyệt đan điền.

Diệu Thiện ngồi xuống bên cạnh, sờ vào người Cửu Tổ, thì thấy thân thể Cửu Tổ dần ấm lại, đoạn đưa tay lên mũi, đã bắt đầu có hơi thở nhịp nhàng.

Tất thảy người của Vu Sơn thấy thế, trừ Hỏa Thiên Di ra, còn từ Huyền Đỉnh trở xuống, đều vui mừng quỳ mà lạy Kinh Tâm.

Kinh Tâm nói với Diệu Thiện:

- Còn chưa tỉnh ngay được đâu, Tiên Sinh chẳng cần thăm dò, chí ít cũng phải vài ngày nữa, họa chăng có...

Ấy thế nhưng phu nhân chưa dứt lời đã chợt im bặt, giật mình kinh hãi, Cửu Tổ chợt mở choàng mắt trợn trừng trừng, tay nắm chặt lấy tay của Diệu Thiện Tiên Sinh, rồi từ trong hai con mắt trợn ngược, có dòng máu đỏ chảy tràn ra mặt, đôi mắt cứ nhìn Diệu Thiện chăm chăm, một đôi mắt xen lẫn biết bao cảm xúc, nhớ thương, phẫn nộ, uất ức, bi ai...

Bạn đang đọc Tựa Độc Giang sáng tác bởi espgtrong
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Kanolin
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 14

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.