Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Con vua Con chúa

Tiểu thuyết gốc · 5333 chữ

Hai bác cháu Lê Hưng được đưa về Kinh sư đến nay đã gần mười ngày trời. Họ ở trong một căn nhà rộng khoảng ba gian tại trường võ của vợ chồng Trần Quang Diệu trên một ngọn đồi bên bờ sông Hương. Ngày ngày, nhiều thanh niên trai tráng khỏe mạnh đến đấu võ, tỷ thí nhau, lại có đàn bà con gái lấy hình tượng Đô đốc Bùi thị cũng chăm chỉ múa kiếm, luyện nghề. Đàn bà đàn ông không phân biệt, càng tập càng hăng say.

Tiết trời khá nắng gắt, lứa tập sinh vì thế cũng giảm hẳn. Lưa thưa vài người đến một chút rồi lại đi.

Lê Hưng phe phẩy chiếc quạt phiến, một chân co lên, một chân xấp bằng, tay còn lại rảnh rỗi ôm lấy cái chân co, lâu lâu xoa xoa vài cái tạo cảm giác thoải mái. Lê Duy Nhưng rót tách trà, chu đáo mời bác dùng trước.

Lê Hưng thở dài chán chường:

-Nóng thế này vẫn chưa đủ, thằng cháu yêu còn bảo ta xơi nước nóng để nấu chín ta.

Duy Nhưng đặt tách trà lên bàn, thấy mồ hôi Lê Hưng nhễ nhại, cậu tiện tay lấy chiếc quạt khác gần đó, đứng cạnh quạt cho ông. Dường như mở cửa gian nhà không phải là ý hay khi gió luồng mang khí hầm khiến người bên trong bức bối vì trời nóng lại thêm khó chịu. Lê Hưng bảo Duy Nhưng đóng then cửa rồi ông ngã ra phản gỗ tìm kiếm một chút hơi mát.

Lê Hưng gốc Bắc Hà, quanh năm khí hậu se lạnh mát mẻ, có cơn hạ cũng không đến mức như muốn đốt chết người ở Phú Xuân thế này. Ông nhìn Duy Nhưng tỏ ý trách cứ:

-Nếu không phải vì thằng nhóc nhà cháu, bác đã chẳng phải chịu khổ thế này!

Duy Nhưng vài phần mệt mỏi nói:

-Vậy tại sao trước đó bác hung dữ nhưng sau lại dịu đi mà đồng ý cùng cháu dưới trướng Trần tướng?

Lê Hưng hắt ra tiếng bực dọc:

-Nếu lúc đó bọn man binh ấy giết bác và cháu thì mẹ cháu sẽ ra sao? Việc làm của cháu lúc ấy thật khiến bác tức chết. Cháu quyết tâm gia nhập như vậy, sợ rằng cháu sẽ trở thành man binh nên bác buộc phải theo sát sao. Nhớ rằng, tuy cháu đầu quân cho chúng nhưng tuyệt đối không được biến bản chất thành loại man, rõ chứ?

Duy Nhưng miễn cưỡng đáp:

-Được! Được! Sao bác thích gọi người khác bằng những ngôn từ không mấy hay ho thế nhỉ?

Lê Hưng phớt lờ, nói tiếp:

-Thị Ngọc Châu ấy, không nhờ thị thì có lẽ bác cháu ta đã bỏ mạng.

Nghe Lê Hưng nhắc đến cô, Duy Nhưng có chút bồi hồi, lòng chợt nhớ nhung không biết trong mấy ngày nay cô sống ra sao. Cậu khẽ ậm ừ rồi chốc chốc buông tiếng não nề.

Lê Hưng đoán ắt cậu buồn chuyện Ngọc Châu là phi tử vua, ông không muốn đề cập đến cô nhưng vì cứ mãi thắc mắc về thân phận cô gái này, ông bèn lên tiếng:

-Thị họ Nguyễn Phúc, lẽ nào có liên quan đến chúa Nguyễn? – Nhớ đến thái độ của Ngọc Châu khi nhắc đến Tây Sơn Thái Tổ, lại nói cô rất tự hào về cha mình, Lê Hưng càng chắc chắn về suy nghĩ của ông – Quân Tây bạo ngược tàn sát dòng tộc Nguyễn Phúc, Nguyễn Phúc Ánh thần kỳ sống sót nuôi chí giành lại non sông.

Duy Nhưng “ồ” một tiếng, tỏ vẻ hiểu biết:

-Cháu có nghe nói đến người này. Ông ấy là kẻ mà Tây Sơn Thái Tổ e ngại không phải vì sự nguy hiểm mà là bởi sự may mắn của ông.

Một tiếng “Tây Sơn Thái Tổ”, hai tiếng cũng “Tây Sơn Thái Tổ”, Lê Hưng lườm Duy Nhưng rồi lắc đầu:

-Bác có nghe chuyện năm đó vì không muốn Nguyễn Phúc Ánh gặp may nữa, đám Tây ấy quật mồ mã các tiên chúa nhằm cắt đứt long mạch.

Duy Nhưng kinh ngạc, thảng thốt:

-Khủng khiếp vậy sao?

Lê Hưng đanh đôi mày rậm rạp, nói:

-Thế cháu nghĩ cớ chi lòng dân bao năm vẫn nghiêng về họ Nguyễn Phúc dù Nguyễn Phúc Ánh liên tiếp thất bại? Cháu không biết đấy thôi, đám man binh này đi đến đâu cướp bóc đến đấy làm dân tình chán ghét.

Duy Nhưng cố gắng không tin:

-Bác cũng chỉ là nghe nói thôi phải không? Có thể họ quá trung với triều đại cũ nên vài người đôi khi đặt điều chẳng hạn?

Lê Hưng lớn tiếng bất bình:

-Chúng lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” cùng thằng giặc Hữu Chỉnh tiếm quyền đức Hiển Tông. Về sau đức Hiển Tông băng hà, chúng trở mặt truy sát chúng ta ra nông nổi này. Đây là ta chứng kiến mọi thứ, cháu vẫn không tin sao?

-Cháu…

-Các người làm gì mà ồn ồn ào ào nhức cả óc thế này hả?

Giọng nói vang bên ngoài làm ngừng cuộc nói chuyện của bác cháu họ, Duy Nhưng miễn cưỡng mở then cửa. Là một cô gái nhỏ chừng hơn kém mười tuổi, gương mặt xinh đẹp nhưng trông khó gần, điệu bộ hống hách bưng khay thức ăn đặt mạnh lên bàn.

Cô gái nhỏ tên gọi Trần Thị Cúc, ái nữ duy nhất của vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Tuy nhiên, cô hay được cha gọi bằng cái tên Bích Xuân, mang tầng ý nghĩa tốt đẹp.

Bích Xuân vâng lời cha, mỗi ngày đều đến trường võ trông coi và lo chuyện ăn uống cho họ Lê. Cô bé không thích nhưng cũng không dám làm cha phật ý nên đem cái hậm hực của tuổi nít trút lên hai bác cháu Lê Hưng.

Lê Hưng trông thì chẳng thể ưa được tính cách cô bé, ông thán:

-Họ Trần này thật cao tay. Giáo dưỡng con gái kẻ thù lẫn con gái ruột đều hệt nhau, nhìn vào là biết ngay một tay ai nuôi nấng. Chẳng có chút thể thống phép tắc. Thật đúng là man…

Bích Xuân nhăn nhó quát:

-Lão già kia! Ta còn chưa tính chuyện ông nói xấu quân ta sau lưng mà giờ không biết xấu hổ, cha ta tha ông một mạng, không biết ơn lại khinh thường cha ta, người như ông không đáng mặt trượng phu!

Lê Hưng ha hả cười lớn rồi chợt nghiêm mặt:

-Trần đại tiểu thư, thay vì học những thói xấu này, ngày ngày đọc sách Khổng gia hay Đạo đức kinh của Lão tử có lẽ sẽ tốt hơn. Hai chữ “trượng phu” há lại để đứa nhóc con láo toét nhà ngươi tùy tiện nói bừa?

Bích Xuân nghe ý tứ chửi mình thì tức lắm, định bụng nói lại cho hả dạ thì Duy Hưng kéo cô lại mà hỏi:

-Em gái nhỏ, ngày thường phải đi đi về về giữa nhà và nơi này hẳn em sẽ mệt lắm nhỉ?

Thấy Lê Duy Nhưng mặt mũi tuấn tú, giọng nói lại êm ái nhẹ nhàng, Bích Xuân lập tức bỏ ngay ý định mắng mỏ Lê Hưng, chỉ vội liếc ông một cái rồi quay ngoắt sang Duy Hưng mà trả lời:

-Phủ cha ta ở khúc sông An Cựu, cũng không mấy xa nơi này. Vả lại, đường đường là con của cha mẹ ta, đương nhiên phải đi bằng xe ngựa nên mệt mỏi gì chứ?

Duy Nhưng lại hỏi tiếp:

-Vậy Ngọc Châu cũng ở đấy luôn à?

Bích Xuân gật đầu, suy tư một vài khắc rồi cau mày:

-Đừng nói là ngươi để ý đến chị ấy nhé? Ngươi nên bỏ mộng đi, vua rất ưu ái chị Ngọc Châu, ngươi mà có chút tình ý với chị ấy thì bay đầu như chơi.

Duy Nhưng lộ rõ vẻ thất vọng, không nói không rằng bỏ ra ngoài. Lê Hưng gọi với mấy tiếng nhưng không đuổi theo cháu.

Trường võ rộng lớn, đầy đủ các loại binh khí, khu luyện tập cho từng bộ môn. Cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm, tập thương, dùng giáo, ám khí,… đều có riêng mẹo học và bản hướng dẫn. Phía tây là khu bếp, nơi ăn uống; phía đông bắc xây dựng thêm vài mái đình, hồ nước tiện việc thưởng cảnh thi phú.

Duy Nhưng tham quan vài vòng, chán chường ngồi phịch xuống bãi cỏ, hai tay chống ra sau, ngẩng mặt nhìn trời mây. Bỗng, tiếng ngựa hí vang rần phá đi cái không gian tĩnh lặng. Cho rằng kì lạ, Duy Nhưng hiếu kì lập tức chạy tìm.

Lòng vòng mãi thì cuối cùng Duy Nhưng cũng thấy được chú ngựa ấy. Chú ta là một giống ngựa nhỏ, bộ lông trắng toát với phần đuôi hơi ngã màu ngà. Ban đầu, cậu do dự khi trông hình dáng bé nhỏ này nhưng ở chú ngựa lại toát ra thần sắc không hề giống bao con ngựa bình thường khác. Duy Nhưng không rõ liệu nó đã được thuần hóa hay huấn luyện chưa, cậu thận trọng từng chút sờ nhè nhẹ lên thân.

Khẽ đánh mắt hướng lên, Duy Nhưng bị choáng ngợp bởi khung cảnh hữu tình. Cậu không biết tự bao giờ đã lên đến đỉnh đồi. Ánh mặt trời rọi xuống mặt nước sông Hương như rọi lên tấm gương phản chiếu lấp lánh tựa một dải lụa rực rỡ. Từ trên đỉnh, Duy Nhưng nhìn được bao quát dòng chảy con sông, uốn lượn như thân rồng. Cảnh sắc thật hùng vĩ.

-Này! – Bích Xuân đột nhiên xuất hiện – Ngươi làm gì mà đần ra thế?

Duy Nhưng giật mình nhìn sang cô gái nhỏ, nhoẻn miệng cười nói:

-Con ngựa này thật lạ, tôi ở đằng xa vẫn nghe tiếng nó vọng rõ mồn một.

Bích Xuân kênh kiệu, nói:

-Đương nhiên rồi! Đây là con Ngân Câu tiếng tăm không con ngựa chiến nào bằng cả. Nó từng vào sinh ra tử với mẹ ta bao nhiêu trận, giờ đây nó là của ta!

Duy Nhưng trầm trồ khen quý mã, không ngừng vuốt ve. Bích Xuân nghĩ ngợi gì đó, gương mặt xinh xắn bỗng thoáng chút ngờ vực:

-Không phải ngươi có ý đồ cướp ngựa chứ?

Duy Nhưng ghét nhất bị người khác gán mình vào những việc nhơ bẩn, tỏ ý khó chịu nói:

-Em gái nhỏ, tôi không tranh chấp với đứa nhỏ như em. Hãy cẩn thận với lời nói của mình một chút.

Bích Xuân thấy Duy Nhưng phản ứng thì đắc ý:

-Ta cứ nói đấy! Bác cháu ngươi bị cha ta giam lỏng, thấy con Ngân Câu quý giá, hẳn có ý muốn dùng nó chạy đi. Ta nói cho ngươi biết, con Ngân Câu rất thông minh, nếu không phải cha mẹ ta và ta, nó sẽ đá ngươi nếu ngươi dám leo lên cưỡi nó.

Duy Nhưng không kìm được mà quát lớn:

-Cô nên về nhà mà học lại lễ nghĩa đi!

Bích Xuân bị mắng thì tức lắm, vốn tính nóng nảy lại hay khinh địch, cô vung một quyền trực diện nhưng Duy Nhưng nhanh chóng bắt được. Đây là chiêu thức có nét giống với loại võ mà Ngọc Châu từng sử dụng, tuy nhiên, so với Ngọc Châu thì Bích Xuân lại kém hơn rất nhiều.

Duy Nhưng tính tình tuy có chút hiếu thắng nhưng nếu động thủ với cô bé chỉ tầm mười tuổi thế này lại chẳng đáng mặt trượng phu. Chưa kịp nghĩ gì thêm, Duy Nhưng bỗng thấy đau điếng nơi bã vai, không đợi chân tay phản xạ, phần ngực bị cú đấm trực diện khiến cậu văng ra.

Bùi Thị Xuân từ đâu nhảy ra đứng chắn trước con gái. Bích Xuân thấy mẹ thì cả mừng, ríu rít nắm lấy tay bà đung đưa.

Bà vốn cùng chồng vào triều yết kiến vua nhưng vì lo nỗi bất an khi nhớ đến con gái một mình ở trường võ, bà nhanh chóng quay về mặc cho lời can của chồng. Trong gian phòng bác cháu họ Lê chỉ có mỗi Lê Hưng và mâm cơm đã vơi đi phân nửa, bà gằn giọng hỏi về con gái nhưng chẳng được kết quả vì Lê Hưng cũng chẳng rõ cô bé ở đâu. Lê Hưng buông câu khích bác rằng Duy Nhưng còn chẳng biết liệu ông có tâm lo cho con gái kẻ thù chăng? Bùi Thị Xuân giận lắm nhưng dằn lại, đợi khi thấy con sẽ tính toán với y sau. Nghe loáng thoáng một vài đứa giúp việc cáo lại Bích Xuân đi hướng đỉnh đồi, Bùi Thị Xuân đến thì bắt gặp cảnh Duy Nhưng nắm chặt tay Bích Xuân. Nghĩ con gặp nguy, bà liền xông đến giải vây.

-Nó không làm gì con chứ? – Bùi thị sắc mặt lo lắng, kiểm tra con.

Bích Xuân nhân lúc này, chỉ Duy Nhưng mà vờ mếu máo:

-Y mắng con, ức hiếp con. Còn định tung quyền đánh con!

Bùi thị mang ánh nhìn sắc lạnh ném vào cậu. Duy Nhưng bỗng cảm thấy dòng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Biết rằng Bùi thị là nữ tướng nổi tiếng, lại được kế thừa những tuyệt học của đất võ phủ Quy Nhơn nên cậu tạm thời phân trần oan ức dù biết bà chắc chắn không tin mình nhằm kéo dài thời gian nghĩ kế thoát thân.

Bùi Thị Xuân hùng hổ tiến đến Duy Nhưng, quát:

-Thằng giặc nhà mi hiếp đáp con ta lại còn già mồm. Có bản lĩnh thì mau tiếp đòn ta!

Thân pháp lanh lợi của Bùi thị kết hợp các chiêu thức ảo diệu khiến Duy Nhưng nhiều phen chao đảo. Tự biết mình không phải đối thủ, nhớ đến ba mươi sáu kế sách Tôn Tử, kế cuối cùng mang tên “Tẩu vi thượng sách”, không mất thời gian nghĩ ngợi, cậu bèn quay lưng bỏ chạy.

Bùi Thị Xuân thân thủ lẹ làng, trong chớp mắt đã đuổi đến sát nút. Duy Nhưng hoảng sợ vừa chạy vừa la tên Lê Hưng ứng cứu. Bùi thị nhào đến, tung cước vào lưng Duy Nhưng khiến cậu ngã lăn. Thừa thế, bà quặp năm ngón tay như hổ trảo, vừa rụt cả tay lại ngón cái ngón trỏ cũng đồng thời nhỉnh lên. Một cách dứt khoát, Bùi thị nhắm tới cổ họng cậu mà khí thế tiến đến. Lê Hưng lúc này nghe động, quan sát thì biết là thế võ hiểm, lập tức ngăn chặn.

Lê Hưng là võ tướng, tất cả các dòng võ chính thống từ phương bắc đến phương nam đều có xem qua nên dễ dàng nhận ra kĩ thuật Bùi thị. Ông ra đòn trong một số bộ tay của môn phái võ từng theo học khi trẻ gồm Tay trảo và Tay xà đối phó.

Sau một hồi Bùi thị dần thấm mệt, đứa con gái không ngừng hào hứng cổ vũ cho mẹ hụt hẫng khi cả hai ngừng đánh nhau. Bùi thị ban đầu khinh địch nhưng bây giờ phải kiêng dè Lê Hưng vài phần.

Lê Hưng đỡ Duy Nhưng dậy, nóng giận quát lớn:

-Mụ ỷ mạnh hiếp yếu mà xem được sao?

Bùi thị không vừa mắng:

-Hai thằng giặc chúng mi già mồm mép, thằng giặc nhỏ hiếp đáp con ta, lại còn không chịu nhận sai mà càng quấy.

Lê Hưng không muốn nhịn định bụng xông lên thêm lần nữa thì có tiếng Trần Quang Diệu vọng đến. Phút chốc, ông ta đã có mặt tại đây.

Trần Quang Diệu mặt mày không vui, nhìn quanh bốn người kia mà nói:

-Trường võ nơi chiêu sinh dạy học, các người lại lấy làm nơi hỗn loạn. Thấy thế mà được chăng?

Bùi thị sầm mặt, trách chồng:

-Tôi bao lần dặn ông không nên để con gái một mình nơi này. Cớ sao con tôi phải cơm bưng nước rót hầu hạ đám giặc thối như thế để chúng làm càng, ức hiếp? Ông thật tắt trách!

Trần Quang Diệu nhìn Bích Xuân đang nấp sau lưng mẹ cũng lén đưa mắt nhìn cha, ông trầm giọng:

-Bích Xuân học vài món nghề, có thể phòng thân.

Bùi thị không vừa ý sự lãnh đạm của chồng đối với con mà nói chen vào:

-Nếu không phải tôi đến kịp lúc, thằng giặc con ấy đã đánh con chúng ta rồi.

Trần Quang Diệu lại nói:

-Bích Xuân vốn tính ương ngạnh, nếu không phải nó gây sự với người ta trước, ai dám động vào nó?

Hai vợ chồng họ Trần lời qua tiếng lại tuy không rầm rộ nhưng sự nghiêm trọng thể hiện qua ý tứ. Trần Quang Diệu thừa biết vợ mình luôn nuông chìu con, ông không chấp nhặt nữa mà nghiêm giọng nói:

-Lấp lấp ló ló sau váy mẹ làm chi? Mi mau lấy con Ngân Câu mà theo mẹ mi về phủ.

Bích Xuân sợ cha, vội nhìn lên mẹ tỏ ý cầu cứu. Bùi Thị Xuân không phải là người không biết suy nghĩ nhưng vì phu phụ họ nhiều năm quản việc chinh chiến, khi tạm bình ổn thì xa nhau mỗi ngươi canh giữ một khu nên hiếm có cơ hội gần gũi. Bích Xuân là quả ngọt duy nhất chớm nở minh chứng tình cảm của họ nhưng cô bé vừa sinh ra đã không thể ở bên cha mẹ nên bà thương lắm, không muốn con nhận thiệt thòi vì vậy bà luôn chấp thuận mọi yêu cầu của con dù cho vô lý chăng nữa.

Rõ tính chồng khi đã quyết chuyện gì là không dễ dàng lung lay, bà tạm không nói đến bác cháu Lê Hưng nữa, dắt Bích Xuân lên đồi cưỡi con Ngân Câu rời khỏi.

Trần Quang Diệu ngỏ ý tạ tội hai người, Lê Hưng cũng xuôi theo không trách cứ chi thêm. Bên cạnh Diệu lúc nào cũng có mặt tên thuộc hạ Nguyễn Văn Ngoạn ấy. Ngoạn dáng người cao lớn, vạm vỡ, đôi mày luôn cau có khiến Lê Hưng hết sức khó ưa.

Trần Quang Diệu đột nhiên giữ chặt Lê Hưng, Ngoạn hiểu ý xuất thủ liên hồi lên Duy Nhưng. Duy Nhưng bất ngờ dùng chân chống đỡ. Ngoạn ra tay độc, quyết không để đối phương thể hiện bất cứ điều gì. Duy Nhưng nhanh chóng mất đà, loạng choạng trượt ngã.

Lê Hưng hoảng hốt mắng:

-Thằng quỷ nhà ngươi, muốn lấy mạng cháu ta sao?

Ngoạn cúi đầu đáp:

-Xin Lê lão đừng nóng, tôi chỉ là làm theo lời Đô úy, tuyệt nhiên không hề muốn gây thù với hai người.

Trần Quang Diệu khen phản xạ Duy Nhưng tốt nhưng lại chê Lê Hưng không biết cách truyền thụ hiệu quả nên môn võ Duy Nhưng đánh ra chỉ mang tính chất phòng vệ chứ không gây sát thương cao.

Nguyễn Văn Ngoạn vừa rồi dùng lại chiêu thức “Ngọc trản ngân đài” mà Bích Xuân dùng đánh Duy Nhưng. Thực sự chiêu này lợi hại, chỉ là Bích Xuân cơ hội dùng không nhiều, lại còn nhỏ nên lực bung ra không đủ uy quyền.

Đoạn, Trần Quang Diệu cho Ngoạn lui. Ông nói với Lê Hưng:

-Võ học của y chỉ biết nghĩ đến cái trước mắt mà không để ý cái lâu dài, chỉ biết linh hoạt thoát thân mà không biết dứt điểm kẻ địch. Ta sẽ dạy y một ít ngạnh công, ngươi cứ chuyên tâm truyền thụ y tuyệt kĩ của ngươi, không bao lâu y sẽ khá lên.

Duy Nhưng nghe thì chần chừ lên tiếng:

-Trần tướng… Ông thu nhận tôi đã là may mắn cho tôi, giờ đây được ông truyền thụ thật… Tôi không dám nhận.

Trần Quang Diệu nghiêm trọng nói:

-Ngươi đừng tưởng bở. Nếu không phải ngươi đồng ý việc ta yêu cầu, bác cháu ngươi sớm nằm sâu dưới tám thước đất Yên Trường rồi.

Duy Nhưng hiểu điều đó nhưng vẫn thầm biết ơn nên cảm tạ họ Trần. Lê Hưng tạm tin tưởng Diệu sẽ không làm hại cháu mình trong khoảng thời gian này, ông trở về phòng, để lại Duy Nhưng một mình với Diệu ngoài sân trường võ.


Ngạnh công là các công phu chuyên về sức mạnh cơ thể, một khi luyện thành công thì tay chân người tập chai sần, cứng như sắt, cơ thể tráng kiện, cơ bắp cuồn cuộn. Sức mạnh đòn đánh có được khi đòn tiếp xúc cơ thể đối phương với uy lực khủng khiếp có thể dẫn đến chết người.

Gần một tháng được Trần Quang Diệu chỉ dạy công phu, Duy Nhưng tư chất thông minh nên tiếp thu rất nhanh làm Diệu rất đỗi hài lòng.

Hôm nay dường như nhà vua thượng triều bàn việc, trông Trần Quang Diệu có vẻ gấp lắm. Ông tạt ngang trường võ, dặn dò Duy Nhưng một số công việc rồi nhanh chóng thúc ngựa đi khuất.

Lê Hưng miệt mài luyện tập Thập bát ban võ nghệ, không để tâm mấy đến Duy Nhưng. Duy Nhưng vì gần đây dày công học hỏi nên muốn tranh thủ ngày Diệu vắng mà nghỉ ngơi.

Như thường lệ, cậu lên đỉnh đồi, nằm xuống thảm cỏ mềm mại, ngước nhìn ánh dương đang nói chuyện với dòng sông. Khí hậu hôm nay mát mẻ hơn những ngày đầu cậu đến, vài giọt mưa lất phất khiến mọi vật trông dễ chịu hơn. Duy Nhưng lim dim rồi dần chìm vào giấc mộng.

Chợt, Duy Nhưng bị đánh thức bởi một quả táo nhỏ, cậu mơ màng nhìn quanh. Vẻ mặt lơ ngơ của cậu bỗng làm người kia khúc khích cười. Duy Nhưng nhận ra người đằng đấy chính là Ngọc Châu mà cậu luôn nhớ nhung, cậu tức tốc chạy đến nắm lấy tay cô không nói nên lời.

Ngọc Châu e thẹn nói:

-Ngươi muốn gặp ta đến vậy sao?

Duy Nhưng vẫn ngỡ như là mơ, nói:

-Là cô thật sao? Không phải tôi đang say ngủ đấy chứ?

Ngọc Châu cười phì, bảo:

-Ngươi ngốc, ta mang đồ ăn đến cho ngươi này. – Rồi cô đưa mắt nhìn bàn tay mình nằm trọn trong tay Duy Nhưng – Ngươi định nắm tay ta như vậy mãi sao?

Duy Nhưng ngượng ngùng thoáng chút gương mặt anh tuấn đỏ bừng như bị mặt trời chiếu thấu. Nghe lời Ngọc Châu, cậu ngồi dưới gốc cây cổ thụ, cô theo sau cũng ngồi cạnh bên.

Ngọc Châu mở nắp giỏ đựng thức ăn, toàn những món thôn quê dân dã. Trong lần cùng nhau ăn uống tại khách điếm vùng Yên Trường, Ngọc Châu để ý Duy Nhưng chỉ chọn ăn những món ăn đơn giản, không hề chạm đũa vào các món cầu kì nên cô đoán cậu thích thưởng thức món ăn truyền thống. Lần này, nhân biết vợ chồng họ Trần vào cung, Bích Xuân lại không thích bác cháu họ Lê nên cô thuận lợi đến trường võ. Từ sáng sớm, Ngọc Châu đã có mặt trong gian bếp mà không hề để họ Lê hay biết. Hoàn thành việc nấu nướng, cô sai thằng hầu bê thức ăn cho Lê Hưng, phần Duy Nhưng cô tự tay tìm cậu làm cậu ngạc nhiên một phen.

Duy Nhưng ăn rất ngon miệng, những món quê này thoạt nhìn đơn giản nhưng gia vị lại như bùng nổ bên trong. Ngọc Châu cười tươi khi thấy Duy Nhưng ăn sạch giỏ đồ ăn mình mang đến.

Ngọc Châu biết thừa những vẫn muốn Duy Nhưng nói ra nên hỏi:

-Ngon lắm chăng mà giỏ sạch lán thế này?

Duy Nhưng gật đầu:

-Ngon lắm! Những món này mẹ tôi vẫn hay làm, nhưng cách biến tấu của cô thì đây là lần đầu tiên tôi thử qua.

Ngọc Châu biết rằng Duy Nhưng là hậu duệ vua cuối triều Lê nhưng lại không rõ trong những năm còn nhỏ cậu sống nơi nào. Cô tưởng rằng cậu chỉ sống với bác, nay nghe cậu nhắc về mẹ, cô không khỏi lấy làm tò mò.

Ngọc Châu thắc mắc, hỏi:

-Mẹ ngươi hiện sống ở đâu? Phương bắc à?

Duy Nhưng lắc đầu đáp:

-Khi nhỏ tôi mắc bệnh nên mẹ và bác đưa về xứ Kinh Bắc.

Ngọc Châu lại hỏi:

-Vậy trong những người đi phương bắc, có ai là Lê Duy Chỉ không?

Duy Nhưng trả lời:

-Năm đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được nhưng Lê Duy Chỉ là chú tôi. Nghe bác Hưng bảo chú ấy khởi nghĩa không thành công đã bị xử tử.

Ngọc Châu nghe thế lại không hỏi nữa, nhớ đến Duy Nhưng hay áp dụng các kế sách Tôn Tử, cô cho rằng hẳn cậu phải thích lắm. Duy Nhưng thật thà nói:

-Nhắc đến chuyện này cũng rất tình cờ. Trong lần bị bọn trẻ con trong thôn vây đánh, tôi ngu ngốc cứ ngỡ chịu trận là quân tử thì bỗng dưng một người đàn ông xuất hiện dắt tôi chạy đi. Từ đó, mỗi ngày tôi đều mang thức ăn đến cho ông ấy, trông ông cảm kích lắm nên đã giảng dạy tôi rất nhiều thứ, đặc biệt là về Tôn Tử.

Ngọc Châu tiếp tục hỏi:

-Ông ta tên gì thế? Gần nhà ngươi à?

Duy Nhưng mang chút nỗi niềm đáp:

-Tôi nhiều lần hỏi nhưng ông ấy chỉ bảo gọi ông tiếng “thầy” là được. Ông ấy không có nhà, phiêu bạc nay đây mai đó. Kể từ lúc nhận ông là thầy, ông chỉ trú ẩn trong một hang núi thôi. Tôi rời nhà cũng hơn một tháng, không biết ông ấy sao rồi.

Ngọc Châu trêu đùa:

-Bí ẩn như vậy có khi lại là một người bị quân Tây truy bắt.

Duy Nhưng thở dài cười trừ. Người thầy bất đắc dĩ kia của cậu cũng mang hận với quân Tây nên lời Ngọc Châu không hẳn không đúng. Duy Nhưng nhìn Ngọc Châu, bỗng đề cập đến chuyện của cô.

Ngọc Châu nguyên danh Nguyễn Phúc Ngọc Châu, cô thực sự là trưởng nữ của Nguyễn Phúc Ánh, kẻ địch số một của nhà Tây Sơn. Chín năm trước, hay tin người anh cả về đến Gia Định, cô cùng người em trai tên Xương được cha đưa đi đón anh. Phạm Văn Tham từng là tướng Tây Sơn đã quy hàng chúa Nguyễn bỗng có ý phản bội. Bằng một cách nào đó, hắn liên lạc được với Thái úy Tây Sơn là Nguyễn Văn Hưng nhằm bắt cóc trưởng tử của chúa Nguyễn. Mưu sự bất thành, Phạm Văn Tham bị Bá Đa Lộc bắn trọng thương, hắn chỉ kịp cắp lấy Ngọc Châu khi đó chỉ mới bảy tuổi đem đưa cho tên thuộc hạ chờ sẵn rồi ở lại chịu chết.

Khi Nguyễn Văn Hưng tiếp nhận Ngọc Châu cũng là lúc y biết được Tham bị chúa Nguyễn tra tấn, chết không toàn thây. Y giận lắm bèn vung đao định giết Ngọc Châu thì bị Trần Quang Diệu ngăn cản. Diệu cho rằng Tham đã bỏ mạng để bắt con của chúa Nguyễn, giờ đây lại giết đứa nhỏ này há chẳng phải công sức của Tham đổ sông đổ bể? Thấy Hưng sát khí lấn át, Diệu gấp rút cầu xin Tây Sơn Thái Tổ cho mình giữ nhiệm vụ trông coi Ngọc Châu và được ưng thuận. Từ đó, Ngọc Châu được sống tại phủ họ Trần bên bờ sông An Cựu, được Bùi Thị Xuân coi như con cái trong nhà dẫu biết cô là con của kẻ địch.

Đúng như Duy Nhưng nghĩ, quả nhiên vợ chồng Trần Quang Diệu đối xử với Ngọc Châu rất tốt, chỉ là cô quá nhớ nhà nên nhiều lần muốn trốn thoát tìm đường về.

-Ta biết nếu nói ra chuyện này ngươi sẽ không thích – Nét mặt Ngọc Châu toát nét buồn bã – Nhưng Nguyễn Quang Bình có chết đi vạn lần cũng chưa hả dạ ta.

Chuyện quật mộ tổ tiên là điều cấm kị, Duy Nhưng đã nghe Lê Hưng kể về chuyện này nên nếu Ngọc Châu có hận quân Tây Sơn đến đâu cũng không thể trách.

Ngọc Châu buông tiếng não nề, giọng hơi nghẹn ngào nói:

-Tổ tiên ta khai khẩn đất hoang, người người kính trọng ngưỡng mộ, ấy vậy chúng nỡ lòng phá nơi yên nghỉ các tiên chúa. Không những thế, dòng tộc ta cũng bị chúng truy sát, ngay cả đứa nhỏ cũng không tha cho. Cô ta bị chúng cưỡng hiếp mà chết, chú bác ta bị tàn sát dã man, mỗi nơi chúng đến dân đều mang nỗi lầm than.

Lại nhớ đến lời hứa chắc nịch sẽ trở thành phi tử của vua Tây Sơn, Ngọc Châu cười trừ:

-Cha ta mà biết chuyện ta gả cho giặc Tây, chắc ông sẽ giận lắm. “Nhất ngôn cửu đỉnh” cái gì chứ, ta phải tìm cách đối phó thôi.

Ngọc Châu liếc mắt sang Duy Nhưng đang trầm tư, càng nghĩ lại càng không thể hiểu vì sao dòng tộc cậu cũng bị truy sát nhưng cậu không những không mang nỗi thù hận, thay vào đó, cậu lại tỏ lòng tôn kính và muốn đầu quân làm người Tây Sơn như vậy. Chắc có lẽ là, Duy Nhưng chưa trải qua những thứ cảm giác khổ sở bản thân cô chứng kiến, ít ra cậu còn được sống với mẹ, được yêu thương chăm sóc.

Ngọc Châu cũng trầm ngâm, hòa mình vào cảnh sắc thơ mộng một lúc lâu rồi lên tiếng:

-Chắc ngươi vẫn chưa nghe đến chuyện họ Trần và họ Vũ tranh hùng nhỉ?

Duy Nhưng bất giác quay lại, tỏ ý muốn nghe kể. Ngọc Châu nói tiếp:

-Ba năm trước, họ Vũ và họ Trần cũng là những tay cộm cán trong triều nhưng vì mâu thuẫn quyền lực, họ Vũ giết chết gian thần Bùi Đắc Tuyên. Họ Trần phe phái với họ Bùi nên cũng bị tước lấy binh quyền, giáng chức.

Duy Nhưng gật gật đầu mà rằng:

-Tôi rõ cô muốn nói rằng việc này rất khó khăn.

Ngọc Châu nhướng nhẹ đôi mày thanh tú, nói:

-Khó khăn ở đây chính là tên vua trẻ của chúng là kẻ rất đa nghi. Với người chưa từng lập công cán như ngươi, lấy gì y có thể tin được?

Duy Nhưng gương mặt quyết tâm, giọng điệu như đinh đóng cột tuyên bố:

-Quân tử nhất ngôn! Trần tướng nương tay tha chết cho tôi, lại còn dạy tôi rất nhiều thứ nên không thể bội tín được. Nhất định, tôi sẽ giành lại binh quyền cho ông ấy!

Ngọc Châu nghe câu “quân tử nhất ngôn” thì thầm cười. Nghĩ lại bản thân cũng từng nói về những thứ liên quan đến lời hứa, chữ tín, cô cho rằng mình là nữ nhi, không phải quân tử, không cần để tâm nhiều đến những câu thánh hiền đó. Cô và Duy Nhưng tạm thời không đề cập đến những chuyện không vui vẻ giữa các triều đại với nhau nữa. Họ cùng nhau ngắm cảnh núi non sông nước, cùng nhau thưởng thức trà ngon, nói chuyện kỳ lạ nhất trên đời.

Bạn đang đọc Huyết Long Chủy Thủ sáng tác bởi khadinh1905
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi khadinh1905
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 21

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.