Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Du sơn ngoạn thuỷ (1)

Tiểu thuyết gốc · 3886 chữ

Sau lần gặp gỡ ấy, Ngọc Châu cứ đều đặn mười ngày một lần thay Bích Xuân đến trường võ trong bí mật. Tuy nhiên dạo gần đây, Ngọc Châu không hiểu sao lại chẳng xuất hiện, Duy Nhưng cứ trông mãi.

Bích Xuân thấy bộ dạng thiếu đi sức sống của Duy Nhưng thì tội nghiệp, giọng điệu vẫn ra vẻ nói:

- Ngươi đừng mong nữa, cha mẹ ta thời gian này đều đang ở nhà, chị ấy không thể đến được đâu.

Duy Nhưng thất vọng, khẽ thở dài. Cậu nhìn Bích Xuân miễn cưỡng gật đầu. Bích Xuân không nghe cậu ta hồi đáp gì, lại suy nghĩ gì đó rồi nói:

- Chị Ngọc Châu lành tính, lại có dung nhan “ngư trầm, nhạn lạc” (1), cả Phú Xuân này không ai sánh bằng. Ngươi thích chị ấy ta cũng không lấy làm lạ.

Duy Nhưng phì cười:

- Em thì hiểu được bao nhiêu? Bé con à, chẳng phải tôi đã dặn em nên về đọc thêm sách văn sao? Em còn nhỏ lắm, chưa phù hợp để bàn những chuyện thế này.

Bích Xuân nghe Duy Nhưng trêu chọc mình thì nóng tính, theo lẽ thường cô bé phải quát lên tức tối nhưng chợt nảy ra lời lẽ đáp trả, bèn cẫng mặt tự tin:

- Dù sao chị Ngọc Châu cũng không thích ngươi.

Quả nhiên hiệu nghiệm, Duy Nhưng thái độ đột nhiên có chút bất thường, Bích Xuân được đà tiếp tục:

- Ngươi đừng vọng tưởng rằng chị Ngọc Châu hay đến bởi vì ngươi, là ta đã năn nỉ chị ấy đến thay bởi ta không thích bác cháu các ngươi. Còn nữa, cha ta nói, chị ấy đã bằng lòng gả vào cung cho đức vua, ngươi dẹp mộng đi. Nếu ta là chị ấy, ta cũng sẽ vào cung làm phi tử của vua còn hơn là kẻ không có tiền đồ như ngươi!

Duy Nhưng cả giận, định bụng mắng Bích Xuân một trận thì bên ngoài cửa tự khi nào Hoàng Phùng Gia đã đứng đó. Bích Xuân biết là người của cha nên càng vui mừng reo lên:

- Ngài Hoàng Đô đốc!

Hoàng Phùng Gia mỉm cười, xoa đầu Bích Xuân:

- Trần tướng cháu đâu?

Bích Xuân lễ phép thưa:

- Dạ, cha cháu đang ở phủ ạ!

Người đàn ông trung niên kế bên Đô đốc Hoàng Phùng Gia là Đại tư mã Nguyễn Văn Danh, một trong tứ trụ đại thần của vua Cảnh Thịnh. Nguyễn Văn Danh tiến đến Bích Xuân, ân cần hỏi han:

- Đã lâu không gặp cháu Cúc, càng lớn càng giống hệt Bùi Đô đốc, không chừng về sau sẽ trở thành một đại mỹ nhân như mẹ cháu vậy.

Bích Xuân không tán thành, khẳng khái nói:

- Cháu không muốn làm đại mỹ nhân. Cháu sẽ trở thành nữ tướng oai phong như mẹ, giúp vua đánh giặc!

Danh và Gia hai người nhìn nhau rồi cười sảng khoái, tấm tắc khen chí khí cô bé mười tuổi này không tầm thường. Không hổ danh là ái nữ của vợ chồng Diệu Xuân. Hoàng Phùng Gia chợt để ý đến Duy Nhưng đang đứng thừ người bên trong gian nhà, ông ghé nhỏ tai Nguyễn Văn Danh khiến Danh cũng chú ý đến cậu ta. Nguyễn Văn Danh đánh tiếng về cậu thanh niên lạ mặt.

Bích Xuân bĩu môi trả lời:

- Thưa ngài Đại tư mã, y tên Lê Duy Nhưng người cha cháu mới nạp. Tính y thô lỗ, suốt ngày ức hiếp cháu.

Danh và Gia nghe họ Lê Duy bỗng có ý dè chừng. Hoàng Phùng Gia bước lên một bước, toan nhảy bổ vào động thủ với Duy Nhưng thì Trần Quang Diệu vừa lúc xuất hiện chắn trước cửa gian nhà.

Bích Xuân kêu lên tiếng “cha” rồi nhanh đến bên cạnh ông. Nguyễn Văn Danh và Hoàng Phùng Gia cung kính cúi đầu ra mắt. Trần Quang Diệu liền đỡ cả hai, chậm rãi nói:

- Các ngươi, người là Đại tư mã, người là Đô đốc, không cần phải làm thế với ta.

Nguyễn Văn Danh chấp hai tay trước ngực, ôn hòa nói:

- Ơn nghĩa của Trần tướng, Danh tôi không bao giờ quên.

Trần Quang Diệu huơ tay, cười xòa:

- Ngươi khách khí làm chi chuyện ấy. Hãy hành xử cẩn thận, đừng quá thể hiện với ta, bọn quan thần sẽ nghi kị.

Hoàng Phùng Gia từ nãy giờ vẫn không rời mắt khỏi Duy Nhưng, lớn tiếng quát:

- Thằng con kia, mi có mắt như mù chăng mà không thi lễ với Trần tướng?

Duy Nhưng giật mình, lật đật đứng trước mặt Trần Quang Diệu mà quỳ xuống:

- Xin Trần tướng thứ lỗi, tôi không dám bạo gan mà chen vào giữa lúc ngài và ngài Đại tư mã nói chuyện.

Quang Diệu tỏ ra thoải mái với Duy Nhưng, bảo cậu đứng dậy rồi giới thiệu cho Danh và Gia về thân thế cậu. Ông thẳng thắn cho hai người họ rõ Duy Nhưng thuộc dòng dõi tôn thất nhưng lại che giấu việc cậu là hậu duệ của vua Lê Chiêu Thống.

Trần Quang Diệu thuyết phục hai họ Nguyễn Hoàng:

- Tính ra, y mang họ Lê Duy nhưng chỉ là hư danh. Thực ra nhánh của tổ tiên y đã rời xa hoàng thất từ cả trăm năm trước, quân ta chính là diệt trừ nhánh Lê Chiêu Thống, không nên truy bắt người vô tội.

Nguyễn Văn Danh không chút nghi ngờ, khen Duy Nhưng mặt mũi tuấn tú. Chợt, thấy nét mặt Trần Quang Diệu lạ lẫm, đoán rằng ông ta có tâm tư, Nguyễn Văn Danh tự nhiên nói:

- Trần tướng, ông hiếm khi gặp riêng tôi nếu không phải chuyện nghiêm trọng, nay hẹn tôi đến đây, hẳn là có chuyện cần giải quyết.

Trần Quang Diệu gật đầu, nhìn qua Duy Nhưng rồi quay sang Hoàng Phùng Gia ý tứ ra lệnh:

- Ta muốn xem ngươi động thủ với y.

Duy Nhưng vẫn chưa hiểu ý đồ của Diệu. Trong khi đó, Hoàng Phùng Gia lại hứng thú không ai bằng, sấn lên, bất ngờ xuất thủ. Duy Nhưng nhờ mỗi ngày đều chăm chỉ luyện tập các công pháp của Trần Quang Diệu nên nội lực tăng lên đáng kể, ra đòn cũng dũng mãnh, quyết liệt hơn. Tuy võ thuật của Duy Nhưng khá nhưng Hoàng Phùng Gia là vị tướng vào sinh ra tử bao trận chiến nên dường như việc đánh bại cậu dễ như trở bàn tay. Phát hiện ra sơ hở, Hoàng Phùng Gia dùng cạnh bàn tay, chặt ngay vào vai gáy đối phương. Duy Nhưng đau đớn rú lên, cậu mất thăng bằng ngã lăn vài vòng.

Hoàng Phùng Gia hùng hổ quát:

- Thằng giặc con nhà mi cớ sao lại biết tuyệt học của hoàng gia?

Nguyễn Văn Danh cũng tiến lên hỏi:

- Tuyệt học hoàng gia gì cơ?

Hoàng Phùng Gia chỉ vào Duy Nhưng, lớn tiếng:

- Lê triều cũ đều truyền dạy một số kĩ năng gia truyền cho con cháu hoàng thất. Thằng giặc con này thành thạo các tuyệt kĩ đó.

Không để Duy Nhưng lên tiếng, Trần Quang Diệu giải vây:

- Chẳng phải ta đã nói y là dòng dõi tôn thất họ Lê sao? Nếu biết tuyệt học Lê Duy gia chẳng có chi là lạ.

Hoàng Phùng Gia định nói nhưng Nguyễn Văn Danh chen vào:

- Trần tướng nói chí phải! Tôi đoán Trần tướng đang muốn gửi gắm cậu trai này cho tôi chăng?

Trần Quang Diệu nghiêm trang nói:

- Đại tư mã thật tinh tường, vừa nhìn đã hiểu được đại ý của ta. Ta muốn ngươi giúp đỡ đưa y vào cung, hộ giá cho đức vua.

Nguyễn Văn Danh im lặng vài khắc rồi vui tươi nói:

- Được! Tôi còn tưởng ông Trần tướng có chuyện chi to tát. Đoàn hộ giá binh đang được tuyển rất gắt gao mà vẫn chưa có ai ưng ý. Nay Trần tướng đã giúp tôi tìm người, tôi tạ ơn ông mới phải.

Trần Quang Diệu nghe vậy thì mừng thầm, nhìn Duy Nhưng vẫn còn ngẩn người, lớn giọng:

- Còn không mau lạy tạ Đại tư mã?

Lời nói của Diệu tỏ uy lực, Duy Nhưng răm rắp làm theo. Nguyễn Văn Danh cười ha hả, lấy lý do không nên ở lâu trong trường võ, ông cùng Đô đốc Hoàng Phùng Gia lên ngựa ra về.

Bích Xuân từ nãy giờ vẫn không hề lên tiếng, đợi cho hai người Nguyễn Hoàng đi khuất, cô bé tò mò hỏi cha:

- Cha ơi, liệu y được việc chăng? Không khéo y gây rắc rối cho nhà ta nữa đấy!

Trần Quang Diệu chau mày nhìn con gái. Bích Xuân thấy cha đanh mặt thì im bặt, không dám nói thêm nữa. Ông đưa Duy Nhưng một tấm bản đồ khu Phú Xuân có đánh dấu phủ Trần gia, dặn cậu đúng ba ngày sau phải có mặt tại đấy. Nói rồi, Trần Quang Diệu cùng Bích Xuân cũng rời khỏi trường võ.

Duy Nhưng xem xét tấm bản đồ, xem ra đường đến phủ họ Trần không khó. Rồi cậu lại nghĩ đến chuyện vào cung làm hộ giá cho đức đương kim hoàng thượng, như một giấc mơ cậu chưa từng nghĩ đến. Duy Nhưng từ lâu đã rất ngưỡng mộ Tây Sơn Thái Tổ, nay lại sắp trở thành hộ vệ bên cạnh vua Cảnh Thịnh, hậu duệ của đức Thái Tổ, cậu thật sự cảm thấy hào hứng. Hình bóng nàng Ngọc Châu đột nhiên thoáng qua tâm trí Duy Nhưng, cậu thở dài u sầu. Nghĩ đến ngày tháng sắp tới phải túc trực bên cạnh vua, cơ hội gặp lại Ngọc Châu dường như tan biến. Duy Nhưng mong sao ba ngày sau, sẽ được nói lời tạm biệt cô tại phủ Trần Quang Diệu.

- Duy Nhưng mau vào đây!

Tiếng gọi của Lê Hưng vang lên từ gian nhà khuất phía sau, Duy Nhưng liền chạy vào trong. Lê Hưng cẩn thận hỏi:

- Đã đi hết chưa?

Duy Nhưng vừa nói vừa dang tay đóng cửa:

- Đã đi hết rồi!

Đôi mắt Lê Hưng ánh lên sự khinh thường:

- Hoàng Phùng Gia, không ngờ ngươi lại ở đây.

Duy Nhưng ngạc nhiên nói:

- Bác biết Hoàng Đô đốc à?

Lê Hưng gật nhẹ, nói:

- Hắn là con trai duy nhất còn sống của Thạc quận công Hoàng Phùng Cơ. Các anh em hắn hi sinh anh dũng cho quân ta, Hoàng Phùng Vạn còn theo phò đức Chiêu Thống không rõ sống chết ra sao. Riêng quận Thạc (2) vì căm thằng giặc Hữu Chỉnh, dấy binh thất bại bị ép thuốc độc mà chết. Vậy mà thằng giặc Gia ấy lại đi thờ giặc Tây, quận Thạc ở nơi chín suối trông lên lại muốn chết thêm nhiều lần nữa.

Duy Nhưng thầm nghĩ Hoàng Phùng Gia chỉ mới là thần, bỏ Lê theo Tây Sơn mà bị Lê Hưng căm thù như vậy, huống hồ cậu lại là hậu duệ chính thống Lê triều mà nguyện trung cho kẻ thù nhưng Lê Hưng vẫn không thán oán nặng lời. Bấy nhiêu cũng đủ thấy ông yêu thương cậu dường nào. Nghĩ thế, Duy Nhưng khóe mi rưng rưng.

Lê Hưng nhìn cháu, hoài niệm về những ngày tháng còn trẻ, chợt lắng đọng đôi lần, nở nụ cười đượm nét bi ai:

- Thân thế bác ngay cả mẹ cháu cũng không nắm rõ, chỉ biết bác là dòng dõi xa đời nhưng không rành trực hệ của bác. Nếu cháu có hứng thú bác sẽ kể hết cho cháu.

Duy Nhưng chiễm chệ ngồi xuống chiếc ghế gỗ nhỏ, tâm thế sẵn sàng lắng nghe. Lê Hưng nhấm nháp chút vị trà, ánh mắt xa xăm bắt đầu kể:

- Đức Kính Tông Huệ hoàng đế băng hà, các hoàng tử đều còn nhỏ nên Thành Tổ Triết vương có ý lập Cường quận công Duy Trụ, đích tôn bốn đời của đức Anh Tông Tuấn hoàng đế và cũng là phu quân thứ nữ của vương thế tử Tráng. Tuy nhiên, vì hoàng hậu của đức Kính Tông là con của Thành Tổ Triết vương nên bà đã nài cha lập con của bà với đức Kính Tông và được ông ưng thuận. Cũng không rõ cớ vì sao, thời gian ngắn sau đó, Cường quận công phạm tội rồi chết trong ngục, cơ ngơi bỗng chốc tan biến.

Duy Nhưng chau đôi mày làm phần da nơi ấn đường nhăn đi một chút. Cậu khẳng định nhất định Cường quận công Lê Duy Trụ bị hại bởi cuộc chiến quyền lực. Lê Hưng cũng cho là phải, ông nói tiếp:

- Trưởng tử của Cường quận công không phải là con của cụ với bà chính thê họ chúa nên sau khi hay tin quận Cường mất, ông âm thầm đến trấn Kinh Bắc an cư lạc nghiệp. Bác là cháu bảy đời của Cường quận công.

Duy Nhưng trông khá kinh ngạc, vẻ mặt ấy làm Lê Hưng không khỏi buồn cười. Lê Hưng tiếp tục:

- Các cụ sau Cường quận công đều nối đời làm nông. Đến đời nội tổ phụ bác thì cho các con đọc sách. Cha bác am hiểu văn sử, lại kết bạn với Di Ái Trần tiên sinh là bậc tinh thông kinh sách không ai bằng. Di Ái Trần tiên sinh cũng chính là tôn sư của bác, bác vẫn còn nhớ lần đầu Trần tôn sư đã nói bác câu: “Những điều cha con không làm được thì chính con sẽ hoàn thành điều ấy”. Cha bác muốn bác học văn nhưng bác lại ham thích võ học nên đã lén tôi luyện các môn võ trên đời. Nhờ ơn nghĩa của tôn sư, các kì thi bác đều đỗ cao, buổi đầu nhậm chức Hàn lâm viện hiệu thảo.

Duy Nhưng chứng kiến từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, cậu như không tin được những gì mình nghe bèn hỏi:

- Bác là quan văn sao?

Lê Hưng chậm rãi gật đầu, hớp ngụm trà thông cổ rồi lại nói:

- Quyền lực cao nhất mà bác đạt đến là chức Tham tri chính sự đời đức Chiêu Thống đế. Bác ngày đêm không quên rèn binh khí, luyện võ đến mức Chiêu Thống đế phong bác làm võ tướng kiêm luôn văn thần để đối phó với tình thế bất ổn.

Duy Nhưng ngưỡng mộ càng thêm ngưỡng mộ, Lê Hưng đối với cậu là bậc anh hùng, chỉ tiếc rằng chưa gặp thời. Công ơn dạy dỗ của Lê Hưng với cậu cao hơn thái sơn, nhưng việc cậu làm giờ đây phụ sự mong mỏi của ông. Duy Nhưng chẳng dám lên tiếng, cậu tự thấy áy náy.

Lê Hưng cắt mạch suy nghĩ của cháu, nói:

- Đức Chiêu Thống không phải như những gì mà chúng tuyên truyền.

Nghe Lê Hưng nhắc về cha mình, Duy Nhưng có chút cảm thấy nhớ nhung. Tư thế cậu cũng bắt đầu trang trọng hơn như bày tỏ lòng thành kính đến người cha thiên tử. Lê Hưng mỉm cười. Điệu cười mang nỗi đau xót.

- Chiêu Thống đế nhỏ hơn bác hai mươi mốt tuổi đời nhưng so ra tuy ngài sinh ra mang dòng chính thống hoàng gia, lại sống khổ hơn kẻ thường như bác. Niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ ba mươi lăm, lúc này bác vừa được thăng Hàn lâm thừa chỉ sau thời gian ngắn, làm quan triều đình khi nội tổ phụ cháu, đức Hựu Tông Diên hoàng đế đã qua đời từ lâu. Đức Chiêu Thống và các anh em bị chúa Trịnh giam cầm trong mười một năm. Sau khi được thả ra, ngài lại bị phe của Trịnh thái phi và thái phi Nguyễn thị, lúc này đang là Chiêu nghi, sinh mẫu của Lê Duy Cận kết hợp bày mưu tiêu diệt nhằm trừ đi đối thủ tranh vị thái tử với Cận. Chúa Trịnh bấy giờ là Đoan Nam vương biết chuyện nên nhanh chóng đối phó, ông ép Cận làm tờ biểu nhường vị thái tử và truất y xuống tước Sùng Nhượng công.

Duy Nhưng chưa từng nghe Lê Hưng hay bà Kim kể về chuyện này, thêm xót xa cho cuộc đời của vua cha mình, Duy Nhưng tự trách vì bản thân đã từng có lời lẽ không đúng về cha. Lê Hưng thở dài nói:

- Cháu có trách thì hãy trách Duy Đản này, đừng trách đức Chiêu Thống. Mọi sự đều là bác, chính bác đã gợi ý Quốc mẫu (3) việc sang Thanh triều ý định xin viện, không phải do ngài ấy. Ngài ấy một lòng muốn ly khai khỏi họ Trịnh, sau lại bị thằng giặc Chỉnh tiếm quyền. Hỡi ôi! Vua tôi như tấm bình phong để bọn giặc mặc sức mượn danh nghĩa để rồi chúng nó xem ngài là tấm bia tha hồ bắn phá. Đáng thương thay…

Lê Hưng dứt lời, vẻ mặt thống khổ muôn phần đau thương. Duy Nhưng thương tâm, hai bác cháu ôm nhau cùng khóc.

- o0o -

Ba ngày trôi qua rất nhanh, Lê Hưng dặn dò cháu hết sức cẩn thận. Duy Nhưng vâng lời bác, cung kính chào hỏi rồi rời đi. Phủ họ Trần không cách xa trường võ là bao, chỉ cần tìm đến con sông An Cựu, đi thêm một đoạn thì đến.

Duy Nhưng dừng chân tại ngọn núi nhỏ Hữu Bật Sơn, uống vài ngụm nước rồi nghỉ ngơi một lát. Khí trời nóng nảy, cậu vốn định nương nhờ bóng râm dưới gốc cổ thụ nhanh thôi nhưng cái nắng làm cơ thể lười nhác. Duy Nhưng lấy ra tấm bản đồ, toan xem xét đường đi nhanh nhất thì bất ngờ có người giật đi.

- Đúng là họ Trần rất chu đáo, bản đồ rất dễ nhìn!

Giọng nói trong trẻo quen thuộc này chợt khiến Duy Nhưng run lên. Cậu ngước nhìn, mồm miệng há hốc, lắp bắp:

- Ngọc Châu…? Cô là Ngọc Châu đó sao? Không phải tôi bị nắng rọi nhiều quá nên đang mê man đấy chứ?

Ngọc Châu xếp tấm bản đồ lại thành nhiều lần, cất vào trong ngực áo, tươi cười nói:

- Không phải ta đâu. Hồn ma của ta đấy!

Duy Nhưng lén dùng móng tay bấm mạnh vào vùng da dưới đầu móng, cảm giác đau nhói lên, biết là mình không mơ, liền không giấu vui mừng, nói:

- Cô làm sao biết ta ở đây?

Ngọc Châu thấy dáng vẻ trước mặt cô trông khá buồn cười, muốn đùa y thêm:

- Ta là hồn ma. Hồn ma thì có mặt khắp nơi, chớp mắt một cái có thể nhìn thấu ngươi ở phương nào.

Duy Nhưng đưa tay gãi gãi sau gáy, gượng cười nói:

- Cô đừng trêu tôi nữa mà.

Ngọc Châu đột nhiên nghiêm mặt, thở hắt một tiếng, tiến về phía Duy Nhưng, ngồi phịch xuống, bĩu môi mà nói:

- Ta không thèm trêu ngươi! Ai thèm trêu ngươi? Ngươi chán ngắt!

Duy Nhưng mỉm cười, trong lòng hiện có một xúc cảm rất yên bình. Ngọc Châu đưa cậu cái bánh được gói trong lá dong, vẫn còn nóng hổi, tỏa hương thơm lừng. Duy Nhưng càng thêm ấm áp, cắn ngay miếng thật to, cảm thán vị ngon lành của món ăn.

Ngọc Châu phì cười:

- Thấy ngươi ăn ngon miệng như vậy, lẽ ra ta nên đem theo nhiều hơn.

Duy Nhưng lắc đầu đáp:

- Bánh rất ngon nhưng tôi no lắm. Rủi ăn không hết, bánh dư sẽ bị đổ đi, như thế không nên.

Ngọc Châu gật đầu đồng tình, Duy Nhưng nói cũng chí phải. Cô bất giác nhớ về kí ức xưa khi theo cha rong ruổi mọi nẻo đường, nhìn cha chiến đấu, khổ ải chạy giặc, khó khăn chồng chất khó khăn. Thức ăn khan hiếm đến độ mọi người phải cắn răng ăn trái khổ qua mọc ven rừng sống qua ngày. Còn nhớ lần đó, bữa ăn của các bà vợ và con cái chúa Nguyễn cùng mấy kẻ nô bộc là như nhau, các lính tráng võ tướng thì khẩu phần nhỉnh hơn bởi chúa Nguyễn cho phép họ ăn kèm với nhúm cá nhỏ đặng có sức xông trận. Chuyện ăn thứ thực phẩm vị đắng quả là một cực hình đối với trẻ con, Ngọc Châu khi ấy chỉ bốn hay năm tuổi, khóc lóc xin mẹ được ăn cá. Do rằng Ngọc Châu là ái nữ độc nhất trong năm người con của chúa Nguyễn bấy giờ nên rất được nội tổ mẫu cưng chìu. Bản thân bà chấp nhận nhịn phần ngon để các binh lính ăn thoải mái nên nếu chỉ vì đứa cháu gái vòi vĩnh mà y theo thì thật hổ thẹn. Chúa Nguyễn biết được việc, mắng con thậm tệ. Từ kí ức đó, Ngọc Châu trở nên ngoan ngoãn và đi vào khuông phép hơn cho đến khi nương tại vợ chồng họ Trần.

Duy Nhưng không biết Ngọc Châu nghĩ ngợi gì mà sắc mặt suy tư, cậu buộc miệng hỏi:

- Cô nhớ cha đúng không?

Ngọc Châu quay sang Duy Nhưng, hỏi ngược:

- Sao ngươi biết?

Duy Nhưng thật thà nói:

- Tâm trạng cô cũng như tôi vậy. Chúng ta đều xa người thân.

Ngọc Châu từ từ hé môi cười:

- Lão Trần ấy nhờ ta chờ đón ngươi nhưng ta không thích yên một chỗ nên đã lén đi tìm ngươi.

Duy Nhưng sực nhớ mình đã dừng chân khá lâu rồi, sợ rằng trễ nãi, cậu vội vàng sắp xếp nắm tay Ngọc Châu leo lên ngựa:

- Chúng ta mau đến phủ của Trần tướng thôi.

Ngọc Châu ngồi phía trước, Duy Nhưng choàng hai tay qua người cô giữ vững dây cương. Cô gái trẻ vươn chút rộn ràng. Duy Nhưng bỗng không nhớ đường trong tấm bản đồ, vừa nãy định xem thì bị Ngọc Châu giật mất, cậu đinh ninh Ngọc Châu sẽ biết hướng đi.

Ngựa cứ đi mãi theo điều khiển của Ngọc Châu, càng đi càng xa rời khu dân sinh sống, Duy Nhưng không tránh có nhiều thắc mắc.

- Hình như đường này sai rồi…

Ngọc Châu phật ý nói:

- Sao lại sai?

Duy Nhưng kéo mạnh cương ngựa dừng lại, nhìn cảnh chung quanh toàn rừng cây, khó hiểu nói:

- Chúng ta càng đi càng lạc vào nơi không người.

Ngọc Châu lại nói:

- Sao lại không người? Chẳng phải có ngươi và ta sao?

Duy Nhưng lắc đầu nói:

- Chẳng phải chúng ta đến phủ Trần tướng sao?

Ngọc Châu lộ vẻ lém lỉnh, đáp:

- Ta có nói sẽ đưa ngươi đến phủ họ Trần sao? Chúng ta hãy cùng nhau ngao du sơn thủy!


*Chú thích:

(1) Ngư trầm, lạc nhạn: Chim sa, cá lặn, nói vẻ tuyệt sắc của nữ nhân.

(2) Quận Thạc: Cách gọi chỉ Thạc quận công Hoàng Phùng Cơ.

(3) Quốc mẫu: Mẹ của vua Lê Chiêu Thống.

Bạn đang đọc Huyết Long Chủy Thủ sáng tác bởi khadinh1905
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi khadinh1905
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 9

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.