Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Thiếu Niên

Tiểu thuyết gốc · 3774 chữ

Đầu tháng ba vừa mới qua Tết Âm, sắc xuân còn chưa kịp rút lại, trời đã giáng từng đợt mưa dài, cùng với đợt đợt gió Bấc rét lạnh, dường như là ải khảo nghiệm khắc nghiệt lên kẻ lữ hành.

Vùng thượng du của con sông Hồng ở Lạc Châu vào mùa thi hàng năm vốn là chốn tụ tập đông đúc của cơ số thuyền hoa của các tiểu thư nhà phú quý neo đậu để khơi đãi sĩ tử vào kinh dự thi. Tục lệ này hầu như vào mùa thi nào cũng có, mục đích chính là để các tiểu thư này chọn ra ý trung nhân vừa long hợp ý, đợi chàng thi đậu công danh sau thì kết mối lương duyên. Thế nhưng năm nay mưa gió thất thường, làm sông Hồng vốn hiền hòa ưu nhã cũng bừng lên lửa giận, cuồn cuộn nước xiết hệt như thủy long trở mình, khiến ngay cả người đi trên bờ sông cũng phải sợ hãi tránh xa, càng không nói đến tục lệ thuyền hoa nay lại vắng mặt.

Lúc này, phía xa xa có chiếc xe ngựa cũ kỹ chậm rãi lăn bánh trên con đường đầy đá sỏi, thỉnh thoảng lại chững lại vì một vũng bùn nào đó, hoặc nghiêng ngả như cành liễu vì cuồng phong bạo vũ. Con ngựa lái xe đã già, vó chân của nó không còn uy mãnh như xưa mà mang đầy vẻ mệt nhọc. Chiếc xe nó kéo đằng sau cũng không có chút nào khá hơn, bánh xe dường như đã mòn hết cả, thân xe chi chít những vết rạn, gió bấc thổi qua lưu lại từng đợt âm thanh “ ca, ca” giống như sắp sụp đổ đến nơi.

Mưa phùn rơi đợt đợt, xuyên qua những vết thủng lớn như lỗ châu mai, Trần Kính Nghiệp nằm cuộn người trong xe, đưa lưng lên trời để che mưa, trong ngực lại ôm một bọc vải màu vàng, cả người hăn đã ướt nhưng bọc vải vẫn còn khô ráo, xem ra là được che chắn rất kỹ lưỡng. Nhìn qua gương mặt mà đoán thì hẳn là chỉ mới hai mươi xuất đầu, ngũ quan cũng coi là có chút tuấn tú, thế nhưng không đến mức nổi bật, làn da hơi sậm màu vì nắng, thân thể vì tấm áo vải sờn cũ dính nước mưa bám chặt vào mà lộ ra vẻ ốm yếu gầy còm.

Mưa càng lúc càng dày đặc thêm mà không có chút dấu hiệu ngừng khiến lão phu xa trở nên lo lắng không thôi. Lão đã ngoài năm mươi tuổi, cả nhà trên dưới mấy miệng ăn chỉ dựa vào con ngựa già cho nên lúc này lão càng lo cho sức khỏe của nó. Chợt, một đạo thiên lôi giáng xuống, chiếu sang cả một khoảng không gian, con ngựa già đột nhiên hí dài một tiếng, hai vó trước chồm lên, tỏ rõ vẻ sợ hãi làm lão phu xa sợ hết hồn, đành chỉ vào một phương hướng, nói to:

-Công tử, trời mưa quá lớn, ngựa già đã kiệt sức rồi, hay là chúng ta đến quán trọ phía trước nghỉ ngơi thôi.

Trong mưa to gió lớn, mây đen che kín trời át đi ánh trăng, dễ thấy một điểm sáng nhỏ lấp lóe phía nơi cuối đường, tuy yếu ớt như chút ánh sáng đom đóm, nhưng cũng đủ để dẫn đường. Trần Kính Nghiệp thò đầu ra xem xét, trong lòng thì lại suy tính một phen. Vốn dĩ từ lúc bắt đầu khăn gói đi thi đến nay, đường thì đi được chưa bao xa mà hầu bao ít ỏi đã không còn lại mấy, vì vậy hắn cũng chẳng thiếu những khi nhịn đói hoặc là ngủ bờ ngủ bụi. Đơn cử như lúc này, đã ba ngày rồi chưa có gì bỏ bụng, thuê cái xe ngựa chẳng qua là sợ hãi gặp cướp nên tìm cái chỗ nghỉ ngơi mà thôi, bất quá xui xẻo trời đổ mưa to, làm ngủ thì không được bao nhiêu mà lại bị một thân ướt nhẹp, sáng mai có lẽ lại khó tránh khỏi cảm lạnh. Bây giờ hầu bao trong túi tính toán ra chắc có lẽ cũng chỉ đủ được bữa ăn nhẹ, nhưng đường đến kinh còn xa, chi bằng giữ lại chút tiền phòng thân. Trong đầu nghĩ ngợi rất nhiều, Trần Kính Nghiệp nói :

-Phu xa, khoảng cách đến đích đến đã không còn xa, cần gì phải phí tiền vào những chỗ xa hoa này. Hay là ngươi ráng chịu khó một chút, ta sẽ còn thưởng thêm mấy đồng ?

Trong xã hội này, phu xa thuộc về nghề nghiệp tầng lớp thấp kém dân đen, tốn nhiều sức lại ít công, cho nên dưới gánh nặng tiền bạc, thường thường nghe đến thưởng tiền có lẽ không ít liều mạng bức ép thêm một chút. Thế nhưng đối với lão phu xa lại có chút khác biệt, con ngựa già này là do một tay lão nuôi lớn từ lúc còn non trẻ, đi qua năm tháng tráng niên hung dũng, cuối cùng đến thảm cảnh già yếu này, nhìn thấy dáng vẻ sợ sệt lại yếu đuối của nó, lão cũng không đành long mà hành hạ thêm nữa, bèn nói :

-Công tử, lão có thể không cần thưởng, nhưng ngựa thật đã không thể tiếp tục nữa, nếu đi thật sự có điềm nguy hiểm !

Lời nói đã nói đến đây, Trần Kính Nghiệp cũng không nghĩ được gì để biện giải thêm, đành phải gật đầu đồng ý. Nhưng lời nói đến miệng, trong đầu lại sáng ra một chút sáng kiến gì đó, thế là bồi thêm một câu:

-Có thể, thế nhưng lát nữa đến trọ ngươi dừng ở phía ngoài, để ta vào trước.

Lão phu xa cũng không để ý loại yêu cầu này, chỉ cho là tiểu thư sinh muốn cùng chủ quán trọ mặc cả một chút, dù sao hắn cũng biết tiểu thư sinh là cái quỷ nghèo. Nghĩ vậy, tay khiển cương ngựa về hướng điểm sáng kia, con ngựa già dường như là biết sắp được nghỉ ngơi, bước chân cũng nhanh nhẹn hơn hẳn.

Chẳng mấy chốc, hình dáng của quán trọ cũng dần dần hiện ra. Phía xa nhìn lại cảm giác không lớn, nhưng lại gần mới biết so với một vài đại hộ nhân gia nhỏ thì còn lớn hơn, tuy bài trí không quá đẹp đẽ. Trước cổng dán đầy câu đối Xuân ở hai bên, khắp hai tầng lầu treo đủ các loại đèn long, tuy phần lớn đã bị nước mưa xối ướt, dập tắt. Xe ngựa đến gần thì dừng, lão xa phu gì cương ngựa, nhảy xuống nhường đường. Một chốc lát sau, rèm xe mở ra, Trần Kính Nghiệp từ bên trong bước ra, toàn thân hắn lúc này đã đổi từ bộ áo vải sờn cũ kia thành một bộ bạch y, đầy đầu tóc rối giờ cũng đã vấn lại gọn gàng, thần thái cũng không còn tùy tiện mà đã trở nên khí khái phong lưu hơn nhiều, đều nói “ người đẹp vì lụa”, nhìn hắn ngay lúc này lại có mấy phần sang quý hơn trước. Thậm chí nếu như bên người có cái nha hoàn hoặc thư đồng hầu hạ, người khác đều có lẽ sẽ cho rằng hắn là công tử của nhà phú quý nào đó xuất hành, làm lão xa phu một phen trố mắt.

Sửa soạn một phen, bật cái dù trúc, phe phẩy quạt giấy, cũng coi là có chút khí thế công tử gia, Trần Kính Nghiệp trong lòng nghĩ ngợi, cất bước. Còn chưa đến bậc cửa, đã có gã gia đinh bước ra chào hỏi, có lẽ là vì khí độ vẻ ngoài của hắn, gã gia đinh dường như nhiệt tình lên rất nhiều, trong miệng không ngừng tuôn ra lời nịnh hót tỷ như “Công tử ngọc thụ lâm phong”, hoặc là “Dung mạo thần tuấn” loại câu nói, Trần Kính Nghiệp nghe được trong lòng bật cười không thôi, ngoài mặt lại tỏ vẻ xe nhẹ đường quen.

Lúc nãy trên xe ngựa nhìn thấy quán trọ này tuy ánh sáng không mạnh lắm, nhưng lại rất liền mạch, khắp nơi đều có ánh đèn, nghĩ đến là rất náo nhiệt. Bây giờ chứng kiến mới biết quả không sai, nhất là đại sảnh, ánh đèn sáng trưng như ban ngày xuyên thấu cả cửa tranh mà chiếu ra bên ngoài, tiếng nghị luận ầm ĩ bên trong cũng có thể dễ dàng nghe thấy được, dường như muốn át cả tiếng mưa . Cánh cửa mở ra, ánh sáng màu vàng giống như bầy ong không có vách ngăn, tràn đầy tính xâm lược mà chiếm đóng cả một khoảng không gian đen tối bên ngoài, Trần Kính Nghiệp nâng mũi lên hít sâu một hơi, lập tức ngửi được mùi thức ăn ngon lành đã lâu chưa thử qua, cơn đói trong bụng lại cồn cào trỗi dậy.

Bây giờ là đầu tháng ba, sĩ tử khắp các Châu bắt đầu tụ tập về kinh dự thi, theo như bây giờ mà tính ra đa phần người có lẽ cũng đã lên kinh, hơn nữa tục lệ thuyền hoa của mọi năm cũng đã tắt hẳn, vậy mà quán trọ này lại có nhiều thư sinh ở trọ như vậy, thật là một điều kỳ lạ. Trần Kính Nghiệp vừa đi theo tiểu nhị chỉ dẫn, thuận miệng hỏi:

-Tuy rằng trời đột nhiên mưa to, nhưng đường từ đây đến kinh cũng không gần, sao lại tụ tập nhiều sĩ tử như vậy. Chẳng lẽ đều là cống sĩ đến kinh dự thi đều ở đây hết hay sao ?

Gã tiểu nhị nghe được thì kinh ngạc không thôi, nói:

-Chẳng lẽ công tử không biết sao ? Mấy ngày nay trời đúng là đổ mưa to, nhưng lúc sáng lại hơi tạnh một chút, có một nữ tử xinh đẹp không biết từ đâu ra đến quán trọ chúng ta nói muốn mở tiệc hậu đãi đồng sinh lên kinh dự thi. Tiểu nhân cũng chỉ biết nàng gọi Quách Quân Trúc, người Kiêm Châu, có vẻ rất nổi tiếng. Chúng ta chỉ là đưa tên nàng loan ra ngoài, buổi chiều đã có vô số tài tử đến, chật kín cả đại sảnh, cho đến chiều nay nàng rời đi mới dần dần thưa bớt. Nhưng bởi vì trời đột nhiên đổ mưa to, cho nên cũng có không ít người ở lại nơi này. Tiểu nhân vốn dĩ cho rằng công tử ngài cũng vì chuyện này mà đến, xem ra là không phải.

Họ Quách, Trần Kính Nghiệp cũng từng biết qua mấy người, tuy nhiên là nữ nhân lại nổi tiếng đến tình trạng nhất hô bách ứng như thế, thật đúng là chưa nghe qua ai bao giờ, cái tên Quách Quân Trúc này tự nhiên cũng càng thêm xa lạ, tuy nhiên sự không liên quan đến mình, hắn cũng nhanh chóng đem chuyện này vứt ra.

Ngày mưa, người ở lại trọ đông đúc, cũng có không ít kẻ chỉ ghé qua rồi lại lên đường. Tiểu nhị dẫn Trần Kính Nghiệp đến một chỗ bàn trống, phía trên còn chưa khô hẳn, xem ra người ở đây vừa mới đi còn chưa lâu, gã nhanh tay dùng khăn lau nhẹ trên bàn cùng mặt ghế một chút, lại bày ra tư thế xin mời, nói :

-Công tử gia mời ngồi, không biết công tử ngài dùng gì?

-Một phần cơm cùng thịt bò là đủ.

-Được, của ngài hết thảy hai mươi đồng tiền.

Tiểu nhị làm trong quán trọ đã lâu, chuyên nhìn mặt mà bắt hình dong, gã nguyên bổn thấy Trần Kính Nghiệp ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, khí độ bất phàm, trong lòng chắc mẩm là vị công tử nào đó xuất phủ dạo chơi cho nên thái độ nhiệt tình hẳn ra, những mong sẽ được thưởng cho chút tiền thừa, nhưng nhìn thấy Trần Kính Nghiệp loay hoay tìm tòi trong ngực một hồi mà vẫn chưa lấy ra chút tiền nào, trong lòng thầm hô không may, không khỏi liên tưởng đến một loại trường hợp xấu nhất, lại không khỏi cầu mong cho không xảy ra bết bát như vậy. Nhưng đúng thật là xui xẻo thay cho gã, loại tình huống này thật đúng là do Trần Kính Nghiệp cố ý làm ra, sau một hồi mò mẫm không có kết quả gì, Trần Kính Nghiệp phải đành giang tay ra mà nói:

-Thật xui xẻo, lúc ra phủ quên cầm theo ngân lượng. Không bằng như vậy, các ngươi viết một trương giấy nợ, ta điểm chỉ để các ngươi đến tiền trang lãnh tiền là được.

Tháng ba vừa qua Tết Âm, lại gặp trời mưa to, công việc đình trệ cũng khiến cho quán trọ không mở được bao nhiêu sinh ý, cho nên khoảng thời gian này thường là không cho ghi nợ. Nếu là theo lẽ thường, có thể tiểu nhị đã lập tức đuổi người, thế nhưng thực tế hắn vẫn đinh ninh Trần Kính Nghiệp là vị công tử ở phủ nào đó cho nên không dám vọng động, sợ hãi bị liên lụy một thân. Nhưng chuyện ở trên đã có nói, chính mình cũng không thể nhắm mắt cho qua, đành nói :

-Công tử…Nhưng là….Tệ quán cũng không cho ghi nợ…

Trần Kính Nghiệp đầu tiên là sững sờ một chút, sau đó giận tím mặt nói :

-Ngươi có ý gì ? Không cho ghi nợ vậy chẳng phải là muốn đuổi ta đi phải không. Có tin hay không ta quay về cho người đến san bằng quán trọ rách nát này ?

Đêm chưa tàn, đám tài tử ở trọ còn chưa đi ngủ hẳn, vẫn còn kha khá người ngồi lại bàn luận kinh nghĩa học vấn, cứ hai bàn thành một nhóm, bất giác từ khi nào đã tụ lại thành một đoàn tổ chức thành một cái tiểu hội nghị, tiếng nói rôm rả. Nhưng người có tính bát quái, chẳng biết từ lúc nào sau khi tiểu nhị bị Trần Kính Nghiệp răn dạy một phen, từ một người im lặng mà nhìn sang, đến hai người, ba người, rồi rốt cuộc cả đoàn người trong đại sảnh đều im lặng mà nhìn qua một màn đặc sắc này, nhìn xem tiểu nhị bị mắng đến máu chó xối đầu, đủ loại ngôn ngữ nào đều có thể mắng ở trên đầu, đến nỗi người xem trong đầu đều thoáng qua một cái ý niệm : Thảm a!

Đương nhiên, động tĩnh náo đến như vậy, người phía trên cũng không thể tiếp tục nhìn lấy. Lại đợi thêm một chút liền có tiếng bước chân “cộc cộc” đến gần, Trần Kính Nghiệp thoáng khẽ liếc nhìn, thì ra là một nam tử trung niên, thân hình có chút to béo. Nam tử vừa đến gần một chút liền nói :

-Công tử bớt giận, tiểu nhị trong nhà ngu độn không hiểu ý, còn xin công tử bỏ quá cho. Nhưng là công tử cũng biết, mấy ngày nay trời mưa nhiều, người ra đường cũng ít, lữ hành lại càng ít hơn, cho nên quán trọ sinh ý không nhiều lắm, tệ quán cũng thật không nguyện ý cho nợ. Bất quá công tử thân phận sang trọng, cho mượn nợ một chút cũng không phải vấn đề lớn, chỉ là nếu công tử nguyện ý, tệ quán thật ra muốn hỏi xem công tử có mang theo lệnh bài phòng thân hay không, phòng ngừa trường hợp phía trên hỏi cũng còn có điều xác minh.

Lệnh bài, vốn là thứ một số nhà giàu có đúc ra, nhằm mục đích chứng rõ thân phận, cũng là thứ đồ một số công tử ăn chơi thích cầm nhất đi cậy thế hiếp người. Nhưng bởi vì tính quý giá, hơn nữa đúc lên cũng tốn kém, bình thường nhà giàu có cũng chưa hẳn đúc nổi, chỉ có một số nhà đặc biệt phú quý mới bỏ ra nổi cái gì này mà trang bị cho con em ra ngoài, miễn bị người khác ức hiếp. Chưởng quỹ yêu cầu lệnh bài, vừa là nhường nhịn, cũng vừa là khảo nghiệm thân phận của đối phương, như đối phương chỉ là nhà bình thường phú quý, vậy liền không cần phải nể mặt mũi nữa.

Trần Kính Nghiệp ngẫm lại một phen, cũng từ trong túi móc ra một mặt lệnh bài hình tròn, đưa qua. Chưởng quỹ cầm lấy, nâng lên một phen, ước lượng khối lượng đại khái không sai biệt lắm, là cái lệnh bài thật, lại thấy phía trên đề một chữ “Trần”, hai bên chạm trổ tinh mỹ, liền biết thân phận đối phương không bình thường, vội vàng trả lại :

-Thì ra là Trần công tử, kính đã lâu, kính đã lâu, mời công tử tiếp tục dùng trà, đồ ăn sẽ mang lên ngay. Còn về phần giấy nợ, đợi sáng mai công tử thức dậy rồi điểm chỉ cũng không có vấn đề.

Chưởng quỹ lăn lộn nhiều năm, đương nhiên hiểu rõ thức thời. Nếu là đã biết được thân phận đối phương không tầm thường, tự nhiên sẽ nhượng bộ, dù sao thân phận đối phương cao như vậy, làm gì để ý chút tiền này, không chừng còn có thể kiếm chút thiện duyên. Trong lòng nghĩ như vậy, đã lui về phía sau căn dặn nhà bếp làm thêm mấy món ngon tới, lại lấy ra vò rượu đưa đi. Chỉ chốc lát sau, bàn rượu thịt được dọn lên, mùi thơm nức mũi.

Mưa rơi bên ngoài rả rích, người lữ hành dưới mưa trong bóng đêm hối hả ngược xuôi, trong quán trọ tốp năm tốp ba thư sinh kết bạn chuyện trò cười cợt, hơi đất ẩm dâng lên man mát khoan khoái, thật cũng là có một chút ý cảnh. Trần Kính Nghiệp chậm rãi gắp một chút thức ăn lên, tư vị không tệ, tuy không bằng đầu bếp của những nhà giàu có, nhưng cũng đã rất chuẩn vị.

Bất chợt, đại môn quán trọ “oành” một tiếng bật ra, âm thanh to lớn kéo hấp dẫn hầu hết người trong trọ, Trần Kính Nghiệp cũng không ngoại lệ. Dăm ba kẻ gia đinh lập tức ùa ra, sợ có người đến phá quán, kẻ nào cũng mang theo gậy gộc tiến đến vây quanh cửa. Nhưng Trần Kính Nghiệp lại nhìn thấy rõ ràng, người đến chẳng qua là một phụ nhân, gọi phụ nhân là bởi vì nàng nhìn qua hẳn là cũng trên dưới năm mươi tuổi, cách không xa, thân hình gầy còm xanh xao, mái tóc tán loạn quanh đầu, cả người di chuyển bằng cách lê lết dưới sàn nhà, trên lưng lại cõng một tiểu hài tử, tiểu hài nhìn có vẻ không ốm yếu bằng mẹ, nhưng ở cái tuổi này lại nhìn như thế, nhưng thực ra lại thảm hơn so với phụ nhân nhiều.

Đối với hai mẹ con đột nhiên xuất hiện này, mọi người đều là ngạc nhiên bí ẩn. Nhưng có lẽ chưởng quỹ rất quen biết với bọn họ, chưa bao lâu đã xuất hiện lại gần đôi mẫu tử, giận mắng:

-Lại là hai mẹ con các người, lại đến phá quán lão tử phải không ?

Trong miệng gã nói đến nghe có vẻ ghê gớm, nhưng phụ nhân thực ra lại là cái người yếu đuối, nàng không khỏi đau khổ cầu xin:

-Lục chưởng quỹ, xin ngài nghĩ đến tình nghĩa phu quân ta từng làm ở đây, liền cho chúng ta một ít cơm thừa canh cặn cũng được a. Ngài xem, hài tử đều đói đến mức này, kéo dài một chút nói không chừng khó sống nổi qua hôm nay a!

Họ Lục chưởng quỹ lại càng nghe càng tỏ ra ghét bỏ, mắng:

-Lại đến xin ăn ? Coi bổn gia là quán ăn miễn phí hử. Người đâu, đem đôi tiện phụ này ném ra ngoài cho ta, miễn cho bẩn đến trọ quán !

Mấy tên gia đinh đã đợi từ lâu, lúc này tiến lên, thẳng tay dùng sức kéo phụ nhân ra ngoài. Thế nhưng, phảng phất như bắt được sợi dây cứu mạng, phụ nhân lại dùng tay bám chặt vào sàn nhà, vậy mà lại chống lại được hai tên tráng hán từ phía sau. Chưởng quỹ thấy vậy thì càng dục, gia đinh lại càng mạnh tay, nhưng lực cầu sinh của nữ tử còn lớn hơn, vậy mà chống lại một lúc lâu.

Gió bấc từ phía ngoài trời đen lặng lẽ thổi vào, ý đồ xâm chiếm một mảnh không gian ấm áp, vô thức mang theo mùi hôi thối từ cơ thể đôi mẫu tử kia lan tràn khắp đại sảnh làm khách trọ không khỏi bịt mũi mà lui về phía sau. Trần Kính Nghiệp ngồi ở đó, gân xanh trên trán bạo nhảy, nhưng không phải bởi vì mùi hôi thối kia, mà là bởi vì nhìn thấy thảm cảnh của hai mẹ con kia, lại đốt lên một ngọn lửa vô danh trong lòng hắn.

Thời gian chậm rãi trôi qua, đã một khắc trôi qua kể từ lúc phụ nhân kia bước vào quán, mùi hôi thối vẫn còn ở đó, không chỉ khách trọ mà Lục chưởng quỹ cũng đã mất hết kiên nhẫn, gã hét to :

-Được, được, điếm phụ bẩn thỉu kia, coi bổn chưởng quỹ hiền lành thì dễ lấn đúng không. Người đâu, lên cho ta đánh chết điếm phụ kia!

Gã vừa dứt lời, đột nhiên cảm giác bên phải như có đợt cuồng phong ào đến, vừa quay đầu lại thì đã thấy một nắm đấm dừng ở trước mặt, trong lòng sợ hết hồn, run rẩy ngã về phía sau. Định thần lại một chút, ngẩng đầu lên đã thấy một tên bạch y thiếu niên đứng ở nơi đó, thần thái giận dữ, chậm rãi nói :

-Dừng tay !

Bạn đang đọc Quan Lộ sáng tác bởi tuoitrengongcuong

Truyện Quan Lộ tại TruyenYY đã đến chương cuối. Hãy nhấn vào nút Theo Dõi để được nhận thông báo khi có chương mới nhé! Chúc đạo hữu có những giây phút vui vẻ tại YY Giới.

Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi tuoitrengongcuong
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 21

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.