Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chiến lược mũi tên

Tiểu thuyết gốc · 2427 chữ

Thấm thoắt đã lại qua một cái tết nữa. Lạc đứng lặng yên trước ngôi nhà tranh ngắm những cành mai đang chớm nở trong tiết xuân trong trẻo. Cái không khí trong lành tựa như có thể gột rửa đi hết những tội lỗi và toan tính trong đầu. Vẫn là một cái tết hậu chiến làm hắn cắn rứt.

Tuy rằng những người dân Đại Việt đã sơ bộ ổn định và kịp gieo trồng vụ lúa mới. Gần như nhà nào cũng có một vài chiếc bánh chưng nhồi đỗ, có cá tươi ăn. Những người dân nhập cư cũng gần như đã được sắp xếp gọn gàng theo quy hoạch.

Nhưng đất nước vẫn còn nghèo quá, trẻ con chưa có kẹo ăn, cũng chưa có quần áo mới, chẳng có tiền lì xì. Cũng may mắn rằng họ đều rất chất phác, dễ chiều, cũng rất đoàn kết. Người tới trước có nhà cửa thì giúp người tới sau đào ao, dựng nhà. Họ chia nhau những thứ vật chất ít ỏi mà họ có, từ củ sắn củ khoai tới những thứ tinh thần như cành mai, cành đào.

Những người dân nhập cư cũng đã thả xuống tâm trạng lo lắng, bắt đầu lại một cuộc sống mới. Tuy rằng mới đầu hơi vấp váp và chưa quen việc phải đi học bổ túc mỗi ngày, nhưng đây là cuộc sống của hàng ngàn năm trước, thời mà cái đói nó làm chủ rất nhiều phần trong suy nghĩ. Những người hàng ngày thay vì ăn roi, tranh nhau ngụm bánh với chút nước bẩn để làm quần quật mà chuyển sang ăn cơm thì với họ Lạc lúc này chả khác gì đấng cứu thế.

Dựa theo khai báo nghề nghiệp lúc đầu mà họ được sắp xếp sống xen lẫn giữa những người Bách Việt. Những người nhập cư vô cùng bất ngờ khi những người hàng xóm dắt những đứa trẻ cầm hoa cầm đồ ăn sang chúc tết. Cũng chả có gì nhiều đâu, nhà thì rổ khoai, nhà thì con cá Mè, cá Trắm. Những người Việt vốn nổi tiếng với sự hiếu khách và tinh thần cộng đồng, huống chi họ đều từng qua cảnh khổ, tìm đến với nhau cũng dễ dàng hơn.

Tình cảm đồng bào và sự đồng hóa bắt đầu manh nha diễn ra. Đêm giao thừa, cũng có rất nhiều người cũng quỳ trước ngôi sao vàng cầu nguyện. Con người vốn là loài sống quần thể, tuy không phải một sớm một chiều nhưng Lạc tin rằng rồi thời gian và chất lượng cuộc sống đi lên, họ sẽ sớm trở thành một dân tộc với sự kết dính của những người Bách Việt và thần giáo. Đương nhiên là phải kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền nữa.

Lướt qua về sự quy hoạch vùng, thay vì quy hoạch điểm hạt nhân là cấu trúc ưa chuộng của người châu á, Lạc buông hẳn sang quy hoạch theo tuyến cảnh quan. Có nghĩa là thay vì việc phát triển với hạt nhân là các điểm dân cư hoặc thành trì thì sẽ là phát triển dọc theo các phụ lưu sông, hoặc các vùng kinh tế, vùng công nghiệp trong tương lai.

Mặt thuận lợi của nó là tận dụng được rất nhiều tài nguyên, quỹ đất cũng như bảo vệ môi trường, cũng là tiền đề cho việc phát triển giao thông và sản xuất quy mô công nghiệp.

Mặt nguy hiểm nhất chính là chiến tranh, bởi thay vì phòng thủ tại các thành trì thì sẽ chuyển sang chiến đấu tại nhiều điểm chiến lược, mang tính phòng thủ khu vực. Nếu trong một diện tích lớn như Lĩnh Nam cũ thì làm điều này là cực kỳ khó khăn, bởi nguyên việc có đủ quân số để trải ra đã là nhức hết cả đầu rồi.

Đương nhiên là vẫn sẽ có những thành trì tại những địa điểm chiến lược, hoặc thành trì thương mại, nhưng đầu tiên là tiền đâu. Trước mắt tập trung vào việc tự cung tự cấp và duy trì nhập khẩu, cho tới khi hệ thống cung ứng hậu cần hoạt động trơn tru mới thôi.

Nhà Hán nhất định sẽ không để yên, bởi vậy Lạc đang phải chạy đua với thời gian.

Bởi vậy nên một chiến lược có phần hơi phí đất là “mũi tên” ra đời. Thay vì căng sức ra phát triển một mảnh đất rộng lớn với dân số ba quận chừng hai triệu người, hắn muốn vận động dồn dân về một khu vực tam giác ba cạnh chiến lược.

Đầu não là khu trung tâm văn hóa, chính trị Thăng Long. Phát triển với tam giác nhỏ là vùng phụ cận theo lưu vực đồng bằng sông Hồng sản xuất lương thực, thực phẩm, nghề thủ công. Vùng chuyên canh trồng trọt và chăn thả, làm muối, cát...là Chu Diên, Mê Linh Câu Lậu. Với các giống cây trồng như mía, bò sữa, hoa quả, dê, ngựa...v..v. Những tộc nào quen việc nào thì được xếp ở lẫn với dân Bách Việt vào vùng ấy, tỉ như người Ai cập quen trồng lúa thì ở đồng bằng, các tộc du mục thì về Ba Vì nuôi bò sữa, hoặc sâu xuống mạn Câu Lậu để nuôi ngựa chiến, ngựa kéo. Được làm việc như ở quê hương và đối xử tốt thì chắc chắn là đồng hóa sẽ nhanh hơn.

Góc cạnh thứ hai là các khu công nghiệp miền đồi núi Long Uyên giàu tài nguyên và quặng mỏ. Từ năm nay sẽ bắt đầu đưa vào xây dựng các nhà máy sản xuất thép, đồng, giấy, đúc tiền, gạch, dệt….v..v. Đương nhiên trong dân chúng cũng sẽ có những hoạt động mang tính cá thể để tự cung tự cấp, ví dụ như sẽ đưa những làng rèn sắt nhỏ, lò đốt gạch vào trong cộng đồng, hoặc phổ biến máy dệt khung cửi Jenny để người dân có đồ mà dùng. Nhưng quy mô công nghiệp là để hướng tới tương lai, như xuất khẩu vũ khí chẳng hạn.

Góc cạnh thứ ba là khu cảng biển Khúc Dương, ngoài việc manh nha âm mưu phát triển hải quân và đóng tàu thì đây là địa điểm chiến lược để đưa các nguồn lực bên ngoài về nước. Vùng này cũng phát triển công nghiệp phụ trợ như Xi Măng, Than, Thủy Tinh…

Việc co cụm lại làm hắn tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên và nhân lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đơn giản như làm đường bê tông từ Khúc Dương lên Thăng Long dễ hơn gấp mười làm từ Thăng Long vòng qua những hành lang núi đá vôi vào Cửu Chân chứ. Phải biết trong lịch sử sau khi định Giao Chỉ thì Mã Viện phải cho đục cả núi đá vôi để thông qua ải Thần Phù mới có đường đưa quân thủy bộ vào Cửu Chân đấy. Dân đang khổ bỏ mẹ, làm thế khác gì tự hủy.

Một điều lợi khác là có thêm rất nhiều nhân lực, hắn có thể bắt đầu thử nghiệm canh tác theo hướng chuyên canh. Với dân số không ngừng chảy về, hắn sắp có đủ vốn để mở rộng thêm hai sư đoàn nữa, tinh nhuệ chính quy luôn chứ không phải dân binh. Từng ấy quân với buff công nghệ hắn có niềm tin dù hơi gian khổ là sẽ thủ được khu vực này.

Đương nhiên hắn có thể đối mặt với việc sẽ trở thành một thằng hề, co cụm lại có thể mất đi đất đai của cha ông. Nhưng lịch sử thế giới đã có rất nhiều ví dụ, nước Nga rộng lớn cũng đi lên từ một công quốc Rus’ Kiev gồm hai thành phố chẳng hạn. Người Macedonian cũng đi lên từ một thành bang.

Không phá lối cũ, sao xây đường mới?

Điều tối quan trọng là xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần, với chính sách nhập cư thì tương lai một khi dân số và bộ máy bão hòa, đó sẽ là lúc đất nước hắn rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Hắn sẽ lấy lại những gì đã mất. Xây dựng quân đội dù có mạnh đến đâu hay tài năng quân sự thế nào mà quốc lực không có, thì cũng chỉ là con hổ giấy.

Hannibal từng làm khiếp đảm cả đế chế La Mã bởi quân đội hùng mạnh và những chiến lược gia thiên tài cuối cùng cũng ngã gục trước một kết cấu xã hội tối ưu hơn. Dù ông ta có đánh thắng bao nhiêu trận thì bộ máy La Mã vẫn hoạt động và không ngừng tổ kiến những quân đoàn đưa ra mặt trận và cuối cùng phải chịu thất bại trước cách đánh tiêu hao.

Hoặc cũng không thể bắt chước cách cung ứng hậu cần độc đáo của người Mông Cổ. Họ là những người quen với việc ngồi trên ngựa cả ngày và chịu đói, khát giỏi. Họ có thể hành quân liên tục mười ngày chỉ với thức ăn khô, điều đó có nghĩa là họ có rất ít xe thồ nặng, gia tốc hành quân. Mỗi người Mông Cổ lại mang theo từ ba đến năm con ngựa, trên đường họ có thể đổi ngựa, uống sữa ngựa thậm chí là ăn thịt chúng.

Một binh đoàn La Mã sáu ngàn quân thì chỉ có bốn ngàn tám trăm người chiến đấu, số còn lại là lính gác dọc đường, hậu cần. Nhưng người Mông Cổ mang theo sáu vạn người thì cả sáu vạn người đều có thể chiến đấu. Thành Cát Tư Hãn đã tạo ra một thói quen vô cùng sáng suốt là họ nghiên cứu những tuyến hành quân rất kỹ. Giả sử sáu vạn người Mông Cổ hành quân sẽ cần ba mươi vạn ngựa, tức là mỗi ngày số ngựa ấy ăn hết chừng hai mươi cây số vuông cỏ, tầm cỡ Đà Nẵng gì đấy thôi, không nhiều. Thất bại của người Mông Cổ trước nhà Trần cũng có một do phần yếu tố ấy cung ứng hậu cần đóng góp.

Thế nên tựu chung lại, muốn xây dựng một đế chế, hay đi chinh phạt để thúc đẩy phát triển thì thứ đầu tiên chính là bộ máy xã hội và chuỗi cung ứng hậu cần. Giống như khi muốn nhảy cao thì phải khom người xuống. Bởi việc xâm chiếm một quốc gia hay vùng lãnh thổ thì không quá khó, nhưng bình định và cai trị nó mới là một công việc gian khổ. Chứ cứ quân đông, người nhiều mà ăn hết thì chắc thời hiện đại là Trái Tàu chứ không phải trái đất nữa rồi. Nghĩ mà xem, một anh giàu vờ lờ đến cho tiền, xây nhà cho, nó khác với việc một anh cầm dao đến dí vào cổ bắt đóng họ.

Nền tảng vững mạnh sẽ cho phép sự mở rộng chậm, nhưng chắc về sau này khi phát triển chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

“Này, nghĩ cái gì mà đăm chiêu thế, hả vua tôi?”.

Nàng Nội từ dưới bếp mang lên đĩa bánh chưng với con gà luộc bốc khói nghi ngút tươi cười hỏi hắn.

“Tôi đang nghĩ xem có khi nhường cho ai đó làm vua đi thôi, nhưng sợ bỏ thì lại chả được ăn cơm cô nấu. Có phải ai cũng có người đẹp nấu cơm cho ăn đâu”. Lạc thay đổi một trăm tám mươi độ từ trầm tư sang thích đùa.

“Chỉ được cái lẻo mép thôi”. Nàng Nội bĩu môi lườm hắn rồi tủm tỉm cười. Đôi má hơi ửng hồng đẹp rạng rỡ như những cánh đào xuân.

Lạc cười hềnh hệch, trông hắn lúc này chả giống vua tý nào. Hắn vào nhà trong cù cù gọi bé Sáo còn đang ngái ngủ dậy, hai anh em lại đùa nhau khúc khích.

“Nào, dậy ăn đi, tý anh còn phải lên doanh trại ngày kia mới về cơ”.

Bé Sáo nhăn mặt, hàm răng sún mất hai cái răng cửa trông vừa đang yêu vừa buồn cười

“Ứ, anh ở nhà đi, tết mà anh nghỉ có hai ngày, chả chơi với em gì cả”.

“Ngoan, ở nhà với chị Nội, xong anh mang cho con thỏ về nuôi, nhá”.

“Vâng, thế anh về sớm sớm nhá”. Con bé bụm sụm chạy ra giếng rửa mặt.

Nàng Nội cũng khẽ cười cười, lắc đầu nhìn nó. Từ ngày Tô Định sát hại cả gia đình, nàng luôn trong trạng thái chiến đấu. Quãng thời gian ngắn ngủi được buông xuôi này làm nàng thấy thoải mái vô vùng, nhiều lúc nàng cũng thoáng nghĩ qua nếu như thế này mãi có lẽ cũng không tệ.

“Này, cô nghĩ gì đấy? Không phải nghĩ chuyện lấy chồng đấy chứ? Ha ha”.

“Vô duyên”. Nàng lườm hắt xém cháy mặt rồi đột ngột nhớ ra gì đó, nàng nghiêm túc lại hỏi hắn.

“Việc sứ giả nhà Hán sắp sang, chúng ta nên làm thế nào?”.

Lạc cũng nghiêm túc lại, tin tức hắn có không nhiều, qua hai vương, hắn chỉ biết xung quanh Đại Việt bắt đầu có sự rục rịch, nhưng còn chưa rõ đó là gì.

“Tôi cũng chưa biết chắc, liệu cơm gắp mắm đi”.

Ngoài đại dương mênh mông, những đoàn tàu của những thương nhân cũng đang hối hả quay về khắp các nơi trên thế giới. Những đoàn thuyền lần này cũng mang theo không ít người Đại Việt, hầu hết là của bộ Công Thương cài cắm vào đi học buôn bán. Nhưng không phải ai cũng thế, trên một tàu buôn nhỏ về Ả Rập, có một cô gái Đại Việt đã bí mật tự trả vàng cho chủ tàu để được đi cùng.

Đứng bên mạn tàu đón lấy những cơn gió biển, nàng khẽ vuốt ve sợi dây chuyền trân quý của mình rồi nắm chặt lại. Nàng cũng không biết mình có trở về tổ quốc nữa hay không, nàng chỉ biết rằng sứ mệnh ở nơi đó của nàng đã xong. Giờ nàng đã có thể bắt đầu cuộc phiêu lưu của riêng mình, hy vọng thế giới này đẹp đẽ như người ấy đã nói.

Bạn đang đọc Ta Trở Về Thời Hai Bà Trưng sáng tác bởi tunglamsk209
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi tunglamsk209
Thời gian
Lượt thích 6
Lượt đọc 262

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.