Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Cả nước lên đường

Tiểu thuyết gốc · 2518 chữ

Trở về thời bắc thuộc

Chương 63

Phạm Cường hạ xuống chiếc ống nhòm, bên kia bờ dòng sông Hương cả một mảnh đen kịt quân Phù Nam đang đóng bè, chuẩn bị qua sông. Nhiệm vụ trấn khu giữ bờ sông Hương này là tiểu đoàn của chàng, tiểu đoàn hai. Sau lưng tiểu đoàn là một thông đạo lớn hướng tới Tư Phố. Chàng đưa ống nhòm cho viên chính ủy đứng bên cạnh rồi nói.

“Đông hơn hôm qua, còn phải cầm cự bao lâu nữa?”.

“Mệnh lệnh từ sư đoàn trưởng vẫn thế, cố thủ càng lâu càng tốt, phía sau vẫn còn người dân đang di chuyển”. Người chính ủy lắc đầu.

Cả hai vốn xuất thân từ những người lính đầu tiên ở Khúc Dương nên không xa lạ gì nhau cả. Người chính ủy tên Đỗ Trung khẽ lắc đầu.

“Đặc công của tiểu đoàn cũng bị phân tán đi giải cứu thêm người rồi, cũng không có thêm nỏ mạnh đâu, tiểu đoàn một, tiểu đoàn bốn đang chặn bọn Chiêm trên thượng nguồn”.

Phạm Cường khẽ thở dài rồi gọi người lính thông tin lại nói.

“Gọi Antonius đi, hôm nay đại đội bốn, năm, sáu lên. Đại đội của anh ta tuyến đầu”.

Người lính đứng nghiêm chào rồi bước nhanh đi mất.

Antonius trải qua khảo nghiệm tân quân thì đã được bổ nhiệm làm đại đội trưởng đại đội năm. Quân đội Đại Việt không phân tây ta mà trộn lẫn họ với nhau, đương nhiên cũng xét đến yếu tố thể hình nữa, đặc biệt là bộ binh hạng nặng. Brecker cũng thuộc đại đội năm, trung đội ba, tiểu đội xung kích.

Nhận được tin báo, những người lính của đại đội rất nhanh chóng có mặt, xếp hàng thẳng tắp. Antonius đứng nghiêm chào họ rồi nói.

“Các người có nhớ những gì chúng làm chứ?”

“Có”. Cả đại đội hét lớn.

“Hôm nay chúng ta sẽ lên tuyến đầu. Đến lúc gặp chúng, ta sẽ nhét kiếm của mình vào họng chúng, sâu đến nỗi chúng sẽ ị ra sắt dưới địa ngục. Hy vọng các ngươi cũng thế.”

Cả đại đội nghiêm trang đặt tay lên ngực.

“Chiến thôi, cố đừng chết hôm nay, còn nhiều người cần các ngươi đưa xuống địa ngục lắm”.

Cả đại đội giơ tay chào quân lệnh rồi theo tiếng kèn mà tiến ra phía bờ sông, nơi công binh đã dựng sẵn những công sự tạm thời. Bên kia bờ, miên man quân Phù Nam có thủy quân yểm trợ đã bắt đầu lên bè sang sông.

Quân Đại Việt giờ đây đã tinh nhuệ, bài bản hơn rất nhiều, nhưng cũng có đến quá nửa là tân binh, mặc dù có lợi thế về khí tài quân sự và tận dụng địa hình nhưng họ phải đối mặt trực diện với một đội quân đông gấp bốn lần. Không còn lợi thế chiến tranh du kích, bởi mục tiêu trước mắt của họ là bảo vệ dân chúng nên họ cũng có thiệt hại nhất định.

Lúc này, liên quân Lang Xan và Phù Nam một đường đẩy mạnh tới tận Lô Dung, theo như Thiều Hoa dự tính, chỉ thêm nửa tháng nữa là họ sẽ phải lui về tận sông Mã, bỏ đi một nửa Cửu Chân.

Phía bắc, Đống Tàm sau khi nhìn thấy những gã lính Hán liên tục chuyển về cả đống đầu lâu thì hắn đã hiểu. Vậy là không có chuyện lấn chiếm nữa, toàn dân đã ở Giao Chỉ. Muốn có lợi, buộc phải công hạ Giao Chỉ. Nhưng biết làm sao được, cưỡi lên lưng hổ khó xuống, vả lại nếu nhị vương đã chết thì hắn đỡ ngại hơn nhiều. Lũ khốn khôn lỏi, chúng để dân Việt căm thù hắn, có chiếm cũng khó trị.

Thế là liên quân của Đống Tàm cũng đánh mạnh, đẩy lùi sư đoàn Bách Việt về sâu Long Uyên, lập phòng tuyến phía bắc Mê Linh hơn trăm dặm.

Thăng Long, những đoàn dân chạy nạn mang theo bầu không khí tang tóc phủ xuống cả Giao Chỉ. Những bước chân lầm lũi và đôi mắt vô hồn đã phản ánh về diễn biến cuộc chiến.

Lạc trầm ngâm ngồi nhìn đi nhìn lại tin báo do các cánh quân gửi tới. Hắn không ngờ, cái giá phải trả lần này lại đắt đến vậy. Mới chỉ hơn nửa tháng, đã có gần một vạn dân chúng bị tàn sát và còn đang không ngừng tăng lên. Những người dân vẫn ngùn ngụt kéo về khu đồng bằng này, nhưng hắn thật sự không vui nổi.

“Các ngươi thích đi săn chứ?”.

“Xin ngài ra lệnh, chúng tôi sẽ phục tùng”.

“Đến gặp Sẹo, bảo hắn đưa cho ngươi chó thính mũi nhất. Giúp ta săn ít người Hán”.

Lạc đưa cho gã một mảnh lụa ghi nhiệm vụ, tên anh cả cung kính đón lấy, quỳ xuống lạy một lạy rồi nhanh chóng biến mất. Chỉ còn Lạc ngồi một mình trong soái trướng, hắn nghiến răng kèn kẹt.

“Lưu Cương đúng không? Đông Hải vương phương bắc đúng không? Bố nhớ mày rồi thằng chó”.

Giữa tháng chín âm lịch, Đại Việt lập các bia căm thù, nói rõ việc tàn sát dân thường là do quân Hán làm. Kèm theo đó là những chiến dịch tuyên truyền, kêu gọi thanh niên trai tráng nhập ngũ. Thực ra Lạc muốn làm thế từ đầu cơ, nhưng đây là vấn đề niềm tin. Nếu bất cứ quân địch nào đến, cũng gọi người đi, thì hắn làm vua có tác dụng gì nữa. Thứ hắn muốn không chỉ là quân mà còn là tinh thần đoàn kết dân tộc.

Thực ra Lạc và nhị vương đã tính đến điều này khi còn ở Cấm Khê. Nhị vương hiến đầu không chỉ là kế để đánh bại Mã Viện, mà nó còn kéo dài giả tượng Lĩnh Nam suy yếu. Bởi chiến lược tập trung dân, nên đây là lý do mất đất chính đáng. Các thế lực xung quanh vốn kiêng kỵ nhị vương sẽ nhảy ra, còn Lạc sẽ co lại để đánh lừa nhà Hán.

Người dân bị lùa đi khỏi quê hương vẫn cảm ơn hắn, phải biết quê hương là thứ mà ai cũng hướng về, muốn vận động họ đi thì rất khó, phía Giao Chỉ nhờ có uy tín của nhị vương và chiến công trong việc chống Mã Viện nên mới dễ dàng.

Hơn thế nữa, việc cải cách quân đội còn mới mẻ, đây là một cơ hội cực kỳ tốt để đào tạo ra một chi cường binh, những thế lực thuộc tầm trung này sẽ là viên đá mài dao vô cùng tốt, cũng là cơ hội để thử nghiệm hệ thống cung ứng hậu cần của hắn. Đây là một thách thức, nhưng cũng là một cơ hội để lực ngưng tụ của đất nước hắn đạt tới đỉnh cao.

Tháng chín âm lịch, bộ quốc phòng Đại Việt ra lệnh tổng động viên, kêu gọi toàn thể nam nữ đủ tuổi và sức khỏe ra chiến trường bảo vệ đất nước.

Những đoàn văn công của bộ VHTT bắt đầu phát huy tác dụng dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo, khắp nơi trên Đại Việt đều nơi nào có điểm tuyển quân thì sẽ có họ. Họ tuyên truyền, vận động, biểu diễn một loạt các bài hát cách mạng được Lạc chế lại lời, ví dụ đơn cử như bác Hồ thì sẽ đổi thành thần linh trong bài “Thần linh cùng ta hành quân chẳng hạn”.

Phải nói lực sát thương của những bài nhạc cách mạng là chí mạng, kết hợp với tiếng kèn, trống và những lời tuyên truyền hào hùng thì ai nấy đều máu nóng tê rần. (Lúc viết tác cũng hay nghe nhạc đỏ lắm, khuyến khích mọi người bật luôn mà đọc).

Một loạt các câu chuyện có thật hoặc không được truyền đi khắp nơi, như một gia đình có hai cha con cùng xung phong nhập ngũ, hoặc có cô gái vì muốn tham gia quân ngũ mà trốn nhà ra đi. Có cô gái nọ quyết thủ tiết chờ người thương dù anh ấy có trở về hay không.

Thanh niên cả nước sục sôi, đứng chen lấn kín mít tại những điểm tuyển quân. Dân Việt vốn có truyền thống đánh giặc từ xa xưa, đất nước lâm nguy, vốn dĩ ai nấy cũng đã sôi máu rồi, lại thêm chuyện quân Hán tàn sát dân chúng. Khắp cả nước đều là những câu chuyện hào hùng, sôi sục, những ngọn lửa căm hờn.

Một hôm, tại một điểm tuyển quân ở Thăng Long, Lạc cũng có mặt ở đó. Hắn say sưa nghe đoàn văn công đang hát bài “Cô gái Thăng Long” (chế từ cô gái PaKo nhé). Giọng hát cao vút của đoàn văn công bay qua cả ngàn cái đầu đang nóng hừng hực phía sau.

“...Mong lắm, ngày chiến thắng anh về, bản làng vui náo nức...Nhiều lắm, giặc chưa hết chưa về…”.

“Hay, hay lắm”.

“Giặc chưa hết chưa về, hay, hay”

“Tôi muốn xung phong ngập ngũ, xin cho tôi ra trận”. Một thanh niên nhảy cả lên mà gào.

“Mẹ kiếp, chó mới trốn ở nhà, tôi cũng đi đánh giặc”. Một người khác cũng hét đỏ cả mặt.

Lạc lúc ấy mới bước ra, ra hiệu cho mọi người yên lặng. Hắn chắp tay lại cúi thật sâu.

“Ta xin cảm tạ các ngươi, các ngươi đều là anh hùng của đất nước”.

Mọi người ai nấy lặng yên xúc động, không ít người ở đây đã từng cùng Lạc đánh trận ở Cấm Khê. Thấy Lạc nghiến răng, một chàng thanh niên đứng đầu giơ tay, chàng dắt theo một cô gái trẻ, cái bụng đã bắt đầu to.

“Thưa vương, tôi đã qua khảo hạch, sắp được ra trận. Nhất định tôi sẽ bảo vệ đất nước, xin ngài an lòng”.

Lạc vô cùng cảm động không nói nên lời, hắn nghẹn ngào một lúc rồi chỉ tay vào cô gái.

“Đây là vợ của anh ư?”.

“Thưa vương, đúng thế, chúng tôi sắp có con rồi. Tôi sẽ ra trận, tôi muốn bảo vệ gia đình”.

Những người thanh niên xung quanh nghe thế đều đỏ ngầu con mắt, nắm chặt tay. Lạc cũng phải dằn lòng lại, hắn sắp không chịu được mà khóc mất.

“Ta xin hứa, nếu anh có mệnh hệ gì, ta sẽ nhận đứa bé này làm con nuôi”.

“Ha ha, ở đây ai mà không có cha mẹ, con cái, người thương, ngài nuôi sao được hết. Ngài đừng lo, tôi chết rồi, con tôi lớn lên vẫn còn tự hào vì bố nó chết vì bảo vệ đất nước. Ngài đã cho chúng tôi nhà cửa, ruộng vườn, thịt cá để ăn rồi”.

“Nhưng nếu được thì…” Anh chàng hơi gãi đầu.

“Anh cứ nói, tôi sẽ làm hết sức mình”. Lạc nghiêm nghị nói, hắn có gì mà không thể đáp ứng những anh hùng của đất nước chứ?

“Chúng tôi mới học, không biết nhiều chữ, xin ngài giúp đặt tên cho con chúng tôi”.

Cả hai vợ chồng cùng quỳ xuống, một mặt chờ mong. Phải biết thời này, được gặp vua nó là cả một sự lên trời rồi, chứ đừng nghĩ đến chuyện khác. Những người khác cũng đầy mặt chờ đợi.

Lạc ngẫm nghĩ, hắn nhìn hai vợ chồng, rồi lại quay sang nhìn cả ngàn người khác.

“Có rồi, ha ha, có rồi. Tên con anh sẽ là Chiến Thắng”.

Chàng trai ngớ ra mấy giây rồi cũng phá lên cười, chàng quay sang sờ bụng cô vợ rồi hả hê nói.

”Hay, hay, tạ ơn vương. Con à con có tên rồi”.

“Chiến thắng”. Chàng ngửa mặt lên trời hét lớn.

“Chiến thắng”. Lạc cũng lấy hết sức bình sinh mà gào lên.

“Chiến thắng….Chiến thắng”.

Cả ngàn con người cùng gầm vang, những tiếng hô chiến thắng vọng lên tới tận trời xanh.

Sau hôm ấy, Lạc quyết định tung thêm con át chủ bài kích động nhất. Những nữ binh cũ trong quân của Lĩnh Nam, vốn dĩ họ cũng đang đợi để tái trang bị và được cố ý giữ lại. Bởi hướng chuyên nghiệp hóa, nữ vẫn có quyền tòng quân nhưng họ cần chiến lược riêng, nên ba sư đoàn trước đều là nam, chỉ có hậu cần và quân y có nữ. Thế là quyết định từ bộ quốc phòng ban ra, sư đoàn u Cơ thành lập. Một sư đoàn biên chế toàn là nữ binh, minh chứng cho câu nói nổi tiếng ở đất Nam.

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Lại một lần nữa, các tiểu đoàn nữ đóng ở các trại huấn luyện khắp Giao Chỉ được trang bị và lên đường. Họ cố ý hành quân qua những con đường lớn, nhịp bước và giọng hát của họ vang vào tận sâu trong lòng những người dân đứng kín mít bên đường.

“...Cờ sao quyết thắng, lấp lánh soi sáng đường bước đi...Khi quê nhà vẫn còn bóng quân xâm lược, thì phải chiến đấu quét sạch nó đi…”.

Những người chứng kiến hận không thể cùng họ mà đi đánh giặc, những đoàn quân đi đến đâu, người dân cũng đi theo tới đó. Họ không biết hát mà nhịp tay dậm ngực theo tiếng bước chân. Ai ai cũng ngước mắt đầy tự hào nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

Nửa tháng tổng động viên, sư đoàn đoàn u cơ và hai vạn người nữa sẵn sàng lên đường, hai vạn quân này tính thành quân dự bị bổ sung chứ không vào biên chế sư đoàn.

Tuyến đường ray Long Uyên-Thăng Long cũng được mang ra thử nghiệm, những chiếc xe goòng chở vũ khí cho quân ra Cửu Chân sẽ được quay đầu bằng những chiếc xe goòng trọng tải 500kg không thành, có ván ngồi tạm và tay vịn tháo rời. Mỗi xe chở mười người lính, nối tiếp nhau mà đi, quân trang thì tới Long Uyên sẽ phát.

Phía ngoài khu tập kết cả một rừng cờ đỏ. Vô số em bé, người già đứng cầm hoa, họ cứ thấy người lính nào đi qua là tặng hoa, vỗ tay.

“Các anh hùng đi nhá”.

“Các anh hùng cố lên nhá”.

Những người lính gạt nước mắt rồi bước ra phía khu tập kết, họ leo lên xe Goòng rồi hòa theo sự bắt nhịp của người đội trưởng mà bắt đầu hát vang theo từng câu.

“...Đường hành quân dẫu núi cao bao vực thẳm, cũng không sánh bằng lòng hờn căm cao ngất trời… Đại Việt ta hỡi, hãy phất cao cờ đỏ thắm tươi... ”.

Bạn đang đọc Ta Trở Về Thời Hai Bà Trưng sáng tác bởi tunglamsk209
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi tunglamsk209
Thời gian
Lượt thích 9
Lượt đọc 431

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.