Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 18

Phiên bản Dịch · 3724 chữ

Chương 18

Trả túi da cho ta

Xem những bộ phim nước ngoài, khi một người bệnh chết trên giường của bệnh viện, bác sĩ điều trị chính sẽ trịnh trọng tuyên bố, người đó chết vào lúc mấy giờ, mấy phút. Không biết Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc cổ đại có quy tắc này hay không, nhưng tôi biết trong các câu chuyện về thế giới âm phủ của Trung Quốc, cho dù nói người nào đó “chết rồi” (thường là chỉ “đã tắt thở” rồi), nhưng chỉ cần tâm khẩu vẫn ấm, thì không được đưa đi chôn, bởi vẫn có cơ hội sống lại. Vào những lúc như thế, người đó “sống” hay “chết” rất khó để phán đoán, bởi vì mặc dù tim vẫn còn ấm nóng, có nghĩa là cơ quan nội tạng và cơ thể người đó vẫn ở trong trạng thái “sống”, vì vậy không thể tuyên bố rằng người đó đã chết, mà đã chưa chết, nhưng sự hoàn hồn của người đó cũng chỉ là hoàn hồn mà thôi, không thể gọi là “phục sinh” - sống lại. Thế thì sự hoàn hồn này chẳng qua cũng chỉ là sự hôn mê tương đối nghiêm trọng, tức là chìm đắm trong mộng mị, tác dụng và hiệu quả đối với việc tuyên truyền về âm phủ không khiến người ta phải chú ý. Vì vậy nếu thật sự muốn để những kẻ ngu ngốc cảm nhận được sức mạnh hồi thiên của âm phủ và lúc nào cũng có thể khiến bạn “hồi địa”, tốt nhất là để người nào đó chết hẳn một lần.

Thế là trong những câu chuyện hoàn hồn của chúng ta, còn có không ít những trường hợp “tim không còn nóng ấm”, mà cả thể xác đều đã mất đi vết tích của sự sống, cũng chính là nói, người đó thật sự đã chết rồi, nhưng vẫn thuận lợi quay về dương thế. Để tạo được hiệu quả kinh động này, không còn nghi ngờ về việc chủ nhân thời đó đã phải rất mạo hiểm, bởi vì bắt đầu từ giây phút người đó chết, “căn nhà” mà linh hồn đã từng ở bắt đầu phải đối mặt với quá trình thối rữa, sau đó mục nát theo quy luật tự nhiên. Kiến thức y học về mặt này tôi không rõ lắm, nhưng có đọc tiểu thuyết tội phạm của Shimada Sôji[1], đại khái giới thiệu về quá trình này. Ví dụ người chết sau khoảng hai đến ba tiếng đồng hồ là thi thể sẽ cứng lại, mười hai đến mười lăm tiếng, thi thể bắt đầu trương phình, sau ba mươi sáu tiếng, thi thể bắt đầu xuất hiện sự thối rữa và biến sắc hơn bốn mươi tám tiếng đồng hồ, rất nhiều bộ phận trong cơ thể bắt đầu mềm đi và phân hủy, bắt đầu dính dính nhớp nhớp, tóc và móng tay, móng chân rất dễ bị rơi ra. Cũng chính là muốn nói, nếu linh hồn hoàn xác sau khi chết hai ngày, thì anh ta sẽ phải đối mặt với tình trạng cơ quan nội tạng đã bắt đầu rữa nát. Nhưng trong những câu chuyện về thế giới địa phủ của chúng ta, thì thể xác đó có chết sáu, bảy ngày cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc hoàn hồn, bởi vì tiêu chuẩn để đánh giá thể xác đó chỉ là nhìn bề ngoài, cho dù cơ quan bên trong đã thối rữa bầy nhầy, chỉ cần nhìn bên ngoài vẫn là hình dạng của con người, thì linh hồn có thể quay về được, mà một khi linh hồn đã quay lại, thì người đó lập tức có thể ngồi dậy ăn uống bình thường.

[1] Tác giả nổi tiếng người Nhật Bản.

Nếu thời gian kéo dài lâu hơn, lâu đến mức thi thể biến dạng, đến hình dạng bên ngoài cũng không thể nhìn ra là kiểu gì nữa, thì lúc ấy phiền phức rồi, vì vậy dưới âm phủ khi phát hiện ra việc bắt nhầm người, thì tốt nhất là phải nhanh nhanh thả người ta về. Những câu chuyện mà chúng ta đọc đều là trường hợp thả về kịp thời, bởi vì những trường hợp không thả về kịp thời thì không được ghi thành chuyện, chúng ta cũng chẳng có cơ hội để đọc. Theo tôi thấy, những trường hợp không được thả về kịp thời có lẽ cũng không ít. Trong Quảng dị ký do Đới Phu viết, kể về Thừa Vương Giáp huyện Kim Đàn bị bắt nhầm, cũng may gặp được Thôi Hy Dật từng chơi với nhau hồi còn sống, đang làm một chức quan sai dưới âm phủ, lúc này mới được phán xét rõ ràng. Nhưng cho dù là thế, Thôi phán quan vẫn phải dặn dò âm sai: “Vương Thừa huyện Kim Đàn là bạn thân của ta, theo sổ sinh tử huynh ấy chưa đến số chết. Sự việc đã xảy ra rồi, hy vọng sớm được trả về. Thời tiết nóng nực, sợ là thi thể sẽ hỏng.” Từ đó có thể thấy, nếu không dặn dò cẩn thận, thì chuyện lỡ xe không được trả về có thể sẽ xảy ra.

Nếu một khi xảy ra chuyện “thi thể bị hỏng” mà người đó nhất định phải hoàn dương, thì làm thế nào? Thế thì đành phải sửa chữa “căn nhà” đó, để linh hồn có thể vào ở. Chương trước tôi có nhắc đến chuyện xác của Thôi Mẫn Xác người Bác Lăng, đấy là vì Diêm Vương sai người đến Tây Thiên xin thuốc trùng sinh, dùng thuốc bôi lên thi thể, sẽ khiến xương trắng sinh ra thịt, tự nhiên lục phủ ngũ tạng cũng được khôi phục nguyên trạng. Câu chuyện đó cũng được ghi chép trong Quảng dị ký. Xem ra tác giả của cuốn sách này rất quan tâm đến “căn nhà” của linh hồn, còn mấy câu chuyện trong đó đều đề cập đến việc sửa chữa “căn nhà”, nhưng phương pháp không giống nhau.

Huyện úy huyện Vũ Thành - Ngụy Tĩnh, bạo bệnh mà chết, sau khi cho nhập quan lại vì sự cố mà chưa đem chôn được, không ngờ mười hai ngày sau lại sống lại. “Khi thi thể cho vào áo quan, anh em họ hàng rời đi. Mẹ ông ta mở nắp quan tài ra, thì thấy có hơi thở. Vì để lâu ngày, cơ thể đã thối rữa.” Cho dù là như thế, Ngụy Tĩnh uống một cốc sữa bò, lại có thể nói chuyện được. Thì ra có một vị hòa thượng tàng trữ đồ ăn cắp, khi Ngụy Tĩnh xét xử đã giảm nhẹ tội cho ông ta rất nhiều, nhưng thích sử Tào Châu chê ông nương tay, mang án đó về tự mình xét xử, cuối cùng đánh chết vị hòa thượng kia. Vị hòa thượng này là một tên hồ đồ chỉ biết bắt nạt kẻ yếu không dám động vào kẻ mạnh, xuống âm phủ, không tìm thích sử Tào Châu tính toán, mà vu khống Ngụy Tĩnh đã giết hắn ta. Thế là dưới âm phủ cho bắt Ngụy Tĩnh đi, sau khi mặt đối mặt, hòa thượng đuối lý, cuối cùng âm phủ phải thả Ngụy Tĩnh về. Nhưng đám lâu la nói: “Không dễ gì, thi thể của ông ta đã bắt đầu mục rữa rồi.” Dưới âm phủ sai người đi lấy một bao thuốc, đưa cho âm sai, nói: “Có thể giúp ông ta lấy lại xương thịt”, âm sai trả Ngụy Tĩnh về nhà, nghe trong phòng có tiếng khóc lóc, Ngụy Tĩnh kinh hãi không dám vào, âm sai cưỡng ép lôi ông ta vào trong vườn, đến cửa nhà, rải thuốc vào trong quan tài (quan tài mặc dù được đóng chặt, quỷ sai lại có thể ra vào tự nhiên), sau đó kéo tay Ngụy Tĩnh đẩy vào quan tài. Sau khi Ngụy Tĩnh sống lại, hơn một tháng sau, da thịt trên người mới dần dần hồi phục như cũ.

Theo như câu chuyện này, thì loại thuốc đó không phải là của Thôi Mẫn Xác dùng còn thừa, mà là được âm phủ lưu trữ, xem bộ dạng tên quan dưới âm phủ không thấy hoảng sợ lắm, có thể thấy việc bắt nhầm người dưới âm phủ là chuyện thường xảy ra, bắt nhầm nhưng không thả về kịp thời cũng là chuyện thường thấy. Chỉ là đưa Ngụy Tĩnh xuống âm phủ để đối chất, vốn chỉ là một án treo, nói thả về thì thả về, sao phải đợi tận mười hai ngày sau? Có lẽ đầu óc của những kẻ dưới âm phủ chậm chạp quen rồi, biết trong tay mình có thuốc sửa chữa “căn nhà” của linh hồn chăng? Hoặc thuốc mặc dù không nhiều, nhưng đủ dùng cho không ít người, không đến nỗi không có chỗ quay về?

Ngoài ra, từ câu chuyện này có thể hiểu thêm một điều nữa, Ngụy Tĩnh nghe thấy trong vườn có tiếng khóc, liền sợ hãi không dám vào trong, vì vậy, người nhà có người chết không nên khóc lóc mãi không thôi, cho dù phải nhẫn nhịn đau thương, khóc không thành tiếng cũng đành, không những bản thân người nhà khóc, mà còn thuê thêm người ngoài đến khóc, thì sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn hồn của người chết. Trong truyện Ôn tướng quân ở quyển tám cuốn Tục tử bất ngữ do Viên Mai viết, “dặn người nhà không được khóc, khóc sẽ khiến hồn tan, không thể quay về sống lại” cũng là muốn nói tới ý đó.

Chuyện Ngụy Tĩnh xảy ra ở thời Võ Tắc Thiên, đến thời Đường Huyền Tông, loại thuốc đó từ dạng bột đổi thành dạng viên. Huyện úy Hoắc Hữu Lân, bị một con dê chết tố cáo, bị bắt xuống âm phủ đối chất. Diêm Vương hỏi: “Vị dê tiên sinh này nói, ngươi đã giết chết nó, sao ngươi có thể làm chuyện độc ác như thế?” Hữu Lân đáp: “Là vì Thích sử Đoạn Sùng Giản đại nhân muốn ăn thận dê, thôi thúc, giục giã mãi, đồ tể đành phải giết dê mổ bụng ra lấy nguyên quả thận, tôi chỉ là người ở giữa đi truyền lệnh thôi.” Diêm Vương lại sai phán quan kiểm tra danh sách thực đơn của Đoạn Sùng Giản, thì ra con dê này có trong danh sách, bèn tức giận đùng đùng mắng con dê đã chết kia một trận: “Số ngươi chắc chắn phải làm đồ ăn cho Đoạn Sùng Giản, ngươi không những không cảm tạ sự vinh dự và hạnh phúc vì được phục vụ thủ trưởng, mà còn tố cáo cái gì? Thật là điêu dân không biết điều!” Hoắc Hữu Lân được thả về. Trên đường về, đi ngang qua nhà của đại phu ngự sử, hỏi thì được biết người đương nhiệm chức ngự sử đại phu lúc ấy là Địch Nhân Kiệt, danh thần thời Võ Tắc Thiên, “danh thám” hàng nghìn năm sau trong các câu chuyện, quan trọng nhất là cậu ruột của Hoắc Hữu Lân, liền vào hỏi thăm. Cũng may khi ông ta đi một vòng, Địch công nói với ông ta: “Ngươi xuống đây cũng đã được bảy ngày rồi, trời lại nóng thế này, thể xác chắc chắc sớm đã hỏng rồi”, rồi lệnh cho tả hữu lấy ra hai viên đan, nói với Hữu Lân: “Sau khi mang về, nghiền thành bột, chỗ nào trên thi thể hỏng thì rắc vào.” Phần chuyện phía sau không cần nói nữa, dù sao thì sau khi Hoắc Hữu Lân hoàn dương, trên mặt và cơ thể trông rất đáng sợ, nếu không nhờ viên thuốc cậu cho, thì bộ dạng ấy thật là làm tổn hại đến hình tượng của quan viên chính phủ quá, nha dịch của huyện úy e rằng cũng không được nhận, chỉ sợ phải ra ngoài đóng vai cương thi mà thôi.

Cho dù không lo thiếu thuốc trong kho, nhưng cách coi hình dạng của nghi phạm như trò đùa thế này cũng là có khuyết điểm lớn. Vì vậy có một cách ngăn ngừa việc đó xảy ra: “Phàm là chuyện gì, thuốc được giao cho địa giới chủ giả, tránh trường hợp xấu xảy ra.” “Địa giới chủ giả” ở đây chính là thần thổ địa, thuốc dưới âm phủ được phát thẳng cho cơ sở, do thần thổ địa đích thân hoặc sai người trông coi thi thể, lúc cần dùng thuốc bôi lên đó, để đạt hiệu quả đảm bảo sự tươi sống của thi thể, cho tới khi sự việc kết thúc. Những trường hợp này chúng ta có thể thấy ở trong Thông u ký do Trần Thiệu đời Đường viết (cũng có thể đọc ở Hội xương giải nguyện lục do Dật Minh thời Đường viết), nhưng những chuyện chưa biết đó thật sự cũng kéo dài quá lâu, có những việc trải qua chín mươi năm cũng chưa được giải quyết, cuối cùng đành bỏ mặc. Sau đó, kết quả tốt đẹp tới mức khiến người ta phải ngưỡng mộ.

Nhà Vi Phúng ở Nhữ Dĩnh, thông thuộc thi thư, vui vẻ điền viên, tự mình trồng trọt. Hôm đó tiểu đồng đi cắt cỏ trong vườn, nhìn thấy có tóc người dưới đất, chôn không sâu, mà tóc lại nhiều nhưng không bị rối, như vừa được chải chuốt xong. Vi Phúng thấy lạ, bèn đích thân dùng tay cẩn thận đào lên như những chuyên gia khảo cổ thứ thiệt. Khi đào sâu được một thước, bắt đầu thấy đầu một người con gái, da dẻ, dung nhan vẫn xinh đẹp như còn sống. Tiếp tục đào xuống, thì cả thi thể lộ hết ra ngoài, chỉ có quần áo là mủn đi theo tay người đào. Một lúc sau, người con gái dần tỉnh, có thể ngồi dậy, sau đó đứng ở đó, cúi người làm lễ, tự xưng là nữ nô tên Lệ Dung của tổ tiên nhà Vi Phúng. Nguyên nhân người con gái tên Lệ Dung này hàm oan mà chết không thể bỏ qua, tóm lại là án oan được đưa xuống để âm phủ phán xét, nhưng người phán quan đó đã từ chức rồi, phán quan mới tới nhậm chức cũng giống hệt quan lại trên nhân gian “không phải chuyện của mình, tạm gác ở đấy đã”, kết quả là án này thành án chết, không ai giải quyết, treo ở đấy gần một thế kỷ. Cũng may năm nay Thiên Đế phái thiên quan đi tuần thị, kiểm tra những vụ án còn tồn đọng, một loạt những người hàm oan được giải phóng, nên cô ta mới có cơ hội hoàn dương, đương nhiên việc Vi Phúng bới đất cũng là kết quả của việc ma xui quỷ khiến. Từ đó về sau, Lệ Dung ở cùng với Vi Phúng, cùng nhau tu tiên đạo, luyện nội đan trong lò. Sau nhiều năm, hai người cùng biến mất tại nơi ở, có lẽ là cùng nhau vào núi hoặc thăng thiên trở thành “thần tiên” rồi.

Một án có nguyên nhân rõ ràng như thế mà bị chìm đi hơn chín mươi năm, thật sự khiến người ta không thể kiềm chế được muốn buột miệng mà chửi, nhưng đây chỉ là một ngón tay nhỏ trong mười ngón tay, mặt quang minh của âm phủ vẫn là chủ đạo. Đầu tiên, mặc dù linh hồn của cô gái kia ở dưới âm phủ gần một thế kỷ, nhưng cô ta không hề bị giam, mà được phép đi lại khắp nơi, không bị trói buộc, ví dụ đến cửu u mười tám ngục học miễn phí. Chủ yếu và cũng đáng tuyên truyền nhất là, vì để giúp thi thể của cô ta luôn tươi mới, âm phủ đã tiêu phí hàng tấn dược phẩm, cho dù món tiền này do trung ương và địa phương chi, thì cuối cùng vẫn là móc từ hầu bao của người nộp thuế, chuyện này cũng khiến người ta phải cảm động rồi. Thế là tôi liền nghĩ đến một tiết mục radio nghe trên xe buýt vài hôm trước, nói rằng tòa án của Đức vì cần nhân chứng ột tên kẻ trộm chưa tới một phút làm chứng trước tòa, đã để nhân chứng bay từ Ý đến Đức, tiền vé máy bay khứ hồi do chính phủ Đức chi trả, trên xe không ít người cảm thán trước tin tức này, nhưng nếu đem so sánh với tổ tiên chúng ta dưới âm phủ, thì hành động của bọn họ có đáng gì đâu! Vì vậy khó trách được khi tới đời Minh, những tình tiết này vẫn được ghi chép lại trong Mẫu đơn đình hoàn hồi ký, tiếp tục khiến không ít người Trung Quóc phải cảm động không thôi.

Có điều từ sau đời Đường, dự án dùng dược phẩm tái tạo hay bảo dưỡng thân thể của người chết bị dừng lại, chỉ đến đầu thời Thanh, trong Kiến vấn lục do Từ Nhạc viết, mới lật lại câu chuyện cũ từ hàng nghìn năm trước này, dùng câu chuyện Thang Công trong Liêu trai chí dị lược bớt đi, trở thành câu chuyện thần thoại dùng bùn Mâu Ni bôi giữ thi thể. Nhân vật chính trong câu chuyện vẫn là Thang Sính, người này dưới ngòi bút miêu tả của Bồ Lưu Tiên[2], là dùng “Công quá cách”[3] của đạo học để biểu dương đức tính thuần chính của mình, tự xưng tội ác lớn nhất của mình “chẳng qua là năm bảy, tám tuổi từng giết một con chim non mà thôi”, còn biết giả vờ hơn vị Cừu Quý Trí rút roi ra đánh con bò già một cái mà buồn đau tới tận cuối đời, nhưng vào tay của Từ Nhạc, lại trở thành một đại hiếu tử không làm quan chết không nhắm mắt.

[2] Bồ Lưu Tiên: tức Bồ Tùng Linh.

[3] Công quá cách: có nghĩa là dùng điểm số để đánh giá chỉ số thiện ác của mình.

Khác nội dung trong Liêu trai là tên Thang Sính đó khi chết đã đậu tiến sĩ, mà trong Kiến vấn lục lại đổi thành khi anh ta làm tú tài đã lâm bạo bệnh mà chết. Linh hồn của Thang tú tài bị quỷ tốt bắt đến chỗ Đông Nhạc Đại đế, có lẽ người này có thói quen làm việc gì cũng phải mặc cả một chuyến, lúc này liền khẩn cầu đại đế, nói mình là đại hiếu tử, không thể chết lúc này được, có hai lý do, một là “nhà còn mẹ già, không ai chăm sóc, Sính chết rồi mẹ biết sống với ai?”, hai là “cả đời đọc sách chưa đạt được kết quả gì”, không đạt được công danh cảm thấy có phần bất hiếu. Đông Nhạc Đại đế nói: “Số ngươi chỉ đến đấy thôi, công danh cũng chỉ đến đây là chấm dứt, ta chẳng có cách nào khác cả. Nếu ngươi là đệ tử Nho gia, thì nên đi tìm Khổng Tử thánh nhân đi.” Cũng may Khúc Phụ cách Thái Sơn không xa, linh hồn Thang tú tài nhanh chóng được áp giải tới miếu Khổng Tử. Không ngờ Khổng Phu Tử cũng theo luật quan mà làm: “Sống chết theo Đông Nhạc, công danh do Văn Xương, ta không can dự được.” Văn Xương Đế quân đang ở tận Tứ Xuyên, lần này thì rắc rối to rồi, Thang tú tài ra khỏi miếu Khổng Tử, không ngừng hỏi thăm khắp nơi. Vừa hay Quan m Bồ Tát đi ngang qua đất này, nghe thấy tiếng khóc lóc kể lể của Thang tú tài, lòng đại từ đại bi trỗi dậy, nói: “Thật đúng là đại hiếu tử, sao không thể đặc biệt chiếu cố một lần!”, nói rồi liền ra chỉ dụ. Quỷ tốt áp tải anh ta nói: “Giờ nói gì cũng muộn rồi, thi thể anh ta đã thối rữa rồi.” Bồ Tát nói không sao, liền lệnh cho thiện tài đồng tử đến Tây Thiên lấy bùn Mâu Ni, bôi khắp thân thể của Thang tú tài. Bùn đó có lẽ chính là “thuốc trùng sinh” mà Thôi Mẫn Xác thời Đường từng dùng, nhưng Diêm Vương vì lấy thuốc này mà phải mất tới mười mấy năm mới quay về được, thiện tài đồng tử nhờ vào nhân duyên của Bồ Tát mà chỉ mất có ba ngày.

Tiện đây cũng nhắc đến việc thi thể thối rữa của Thang Sính phục sinh tronh Liêu trai, trong đó Quan m Bồ Tát “trát đất làm thịt, dùng cành liễu làm xương”, dùng phương pháp liên hoa tái sinh của Na Tra Thái Tử. Giờ Từ Nhạc chỉ muốn bùn Mâu Ni của Tây Thiên bị tuột tay, thì sẽ không cẩn thận khiến phép thần thông của Quan m Bồ Tát đi đến một con dốc trơn trượt. Hơn nữa thứ bùn này màu sắc, hương thơm nhức mũi. Thiện tài mang hồn Thang Sính quay về, thi thể anh ta quả nhiên đã thối rữa, ruồi nhặng bâu bên ngoài, dòi bọ đục bên trong. Sự tu bổ thi thể của bùn Mâu Ni toàn bộ là tự động. “Thiện tài dùng bùn đắp quanh thi thể, mùi hôi thối bắt đầu bớt dần, ruồi nhặng tản đi, dòi bọ cũng rời đi, thi thể bị thối rữa trước đó đã hoàn toàn trở lại như bình thường, dần dần có sinh khí.” Sau đó thiện tài nhét linh hồn của Thang Sính vào thi thể đó từ đằng miệng, thi thể lập tức ngồi dậy. Sau đó Thang Sính làm cử nhân, đỗ tiến sĩ, làm huyện lệnh tại địa phương, chết khi đang đương nhiệm, ăn hại không biết bao nhiêu thóc gạo của bách tính, cũng chẳng làm được việc gì lợi nước lợi dân.

Bạn đang đọc Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 2) của Loan Bảo Quần
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 13

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.