Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 19.2

Phiên bản Dịch · 3358 chữ

3

Hình và hồn trong việc mượn xác hoàn hồn, tuyệt đại đa số khoảng cách giữa họ đều không xa, khi kết hợp khá thuận tiện, thậm chí còn có thể đi lại với nhau thân thiết như họ hàng. Thỉnh thoảng cũng có những trường hợp cách xa nhau hàng trăm dặm, nhưng cũng không gặp trắc trở gì, đã là âm dương hai thế giới thì có thể liên hệ với nhau, cùng trong một làng, cùng trên địa cầu, dù là ở cách xa trăm ngàn dặm thì cũng chẳng phải chuyện gì to tát.

Trong Động linh tiểu chí, Quách Tắc Vân viết về câu chuyện do một người đồng niên với ông ta là Hứa Tố Quân từng đích thân trải nghiệm qua. Tố Quân nhậm chức dịch bộ, từng có người Pháp mang công văn đến, một người Việt Nam đã chết nay sống lại, nhưng nói tiếng Trung Quốc, tìm phiên dịch đến, mới biết là người ở huyện Sơn Đông mượn xác hoàn hồn. Chính phủ Pháp cảm thấy chuyện này rất quái dị, nên yêu cầu triều đình nhà Thanh cử người đến Sơn Đông kiểm tra. Kết quả điều tra thế nào trong truyện này không đề cập đến, nhưng nhiều năm về sau, khi Quách viết Động linh tiểu chí, lại ghi lại chuyện mà người bạn thơ Dương Vị Vân từng kể. Dương nói năm đó anh ta đang làm sở trưởng sở tài chính Sơn Đông, có một vị chủ tịch huyện tới chơi, kể rằng ở một làng trong huyện có người nông dân, bệnh chết sau đó sống lại, ngữ khí buồn bã vô cùng. Người đó vốn không biết chữ, đột nhiên lại có thể cầm bút viết sách, văn phong rất hay, tự nhận là một người Việt Nam nào đó mượn xác hoàn hồn. (Thời ấy Việt Nam và Triều Tiên giống nhau, những người tỏ tường văn tự chữa Hán trong phần tử tri thức rất nhiều.) Dương Vị Vân cảm thấy chuyện này khá hiếm, liền lệnh cho huyện lệnh giải người quê ở Sơn Đông đó tới, cung kính hỏi thăm. Dương nghe người ta nói người Việt Nam giỏi việc khoan giếng, nên hỏi người đó có biết hay không, người này nói rằng mình có thể tìm mạch nước, cũng có thể khoan giếng. Xem ra hai chuyện này chỉ là một, người Sơn Đông và người Việt Nam kia không ngại vạn dặm xa xôi, đã hoán hồn đổi xác cho nhau. Giải thích cho việc này cũng không phải khó khăn gì, chỉ cần để Diêm Vương Trung Quốc và Diêm Vương Việt Nam gặp nhau, đổi lại hồn cho hai người bọn họ là xong.

Bình thường mà nói, chỉ xét riêng về phần “linh hồn” thì việc mượn xác tái sinh của nó chỉ có lợi mà không có hại.

Một linh hồn vốn đã bị chôn vùi dưới đất sâu nơi âm tào địa phủ, có thể tự do quay lại trần gian nhập vào thân phận của một người, việc này không thể không nói là việc vui bất ngờ, mà đôi khi còn là đại hỷ, cùng lắm thì hai bên chủ khách nhất thời có chút sợ hãi và ngượng ngạo. Cho dù địa vị từ giàu có trở thành bần hàn, nhưng sống nghèo khổ thì vẫn hơn là chết sung sướng, cũng chưa nghe có trường hợp nào vì chuyện này mà tự sát. Điều đau khổ và tương đối ảnh hưởng tới nhân tình thế thái, không phải việc từ người giàu có trở thành người nghèo hèn, mà là sự thay đổi về hình dạng. Giống như Lý Thiết Quả, từ tiên phong đạo cốt trong nháy mắt trở thành một kẻ vừa xấu vừa tàn tật, ông ta là thần tiên, điều đó không ngăn cản ông ta du ngoạn nhân sinh, có thể “chân nhân không lộ tướng”, quan trọng nhất là ông ta không có vợ và bạn bè để nhận ra hình dạng của mình, vì vậy cũng chẳng cảm thấy có gì không thích hợp. Nhưng với người phàm trần thì không thể thế. Trong truyện Thổ nhân giáp ở quyển U minh lục do Lưu Nghĩa Khánh viết có kể chuyện xảy ra vào năm Nguyên Đế thời đầu Đông Tấn. Thổ Nhân Mỗ Giáp, bạo bệnh mà chết. Lên đến trời (khi đó vẫn còn quan niệm về Thiên đế Tư Minh), Tư Minh lão gia phát hiện anh ta chưa đến số chết, vội vàng trả anh ta về lại dương thế. Nhưng chân của Mỗ Giáp lại giở chứng, không đi được. Mấy tên âm sai bắt đầu nổi cáu, bởi vì nếu Mỗ Giáp bị đau chân không kịp quay về dương gian, thì họ sẽ phải ngồi tù oan. Thế là hỏi ý kiến tư mệnh. Tư mệnh suy nghĩ hồi lâu, nói: “Cũng may vừa có tên Hồ Nhân Khang Ất, nhà ở Tây Môn, cách nhà Mỗ Giáp không xa. Chân của tên ấy rất khỏe, đổi cho nhau, cả hai chẳng ai tổn hại gì.” Nhưng tên Hồ Nhân này ngoại hình rất xấu, đôi chân đó đặc biệt trông rất kỳ dị, Mỗ Giáp không chịu đổi. Quỷ sai nói: “Nếu ngươi không đổi, thì phải ở đây lâu đấy.” Mỗ Giáp chẳng còn cách nào khác, đành phải đồng ý. m sai lệnh cho hai người nhắm mắt lại, trong giây lát, chân của hai người được đổi cho nhau. Sau khi Mỗ Giáp sống lại, vừa nhìn xuống đôi chân, quả nhiên đã đổi thành chân của Khang Hồ rồi, lông lá rậm rạp, mùi hôi thối bốc lên. Mà Mỗ Giáp vốn là người hay tự trách thương bản thân, nên đến ngay cả chân tay cũng xót xa vô tận, giờ thành ra bộ dạng thế này, tự nhiên buồn bã muốn chết. Cũng may người nhà nói Khang Hồ còn chưa bị đem chôn, Mỗ Giáp liền đến nhà Khang Hồ xem, nhìn thấy đôi chân của mình trên người Khang Hồ, bất giác không kìm được nước mắt tuôn rơi, thương xót một hồi cho đôi chân nhìn thì đẹp mà vô dụng đó. Chuyện phiền phức còn ở phía sau, thì ra con trai của Khang Hồ là một người có hiếu, sau khi biết chuyện đổi chân, mỗi khi năm hết Tết đến, nhớ đến cha mình, lại không kìm được sự buồn đau, chạy đến phủ Mỗ Giáp, ôm lấy đôi chân với đám lông rậm rạp, hôi thối mà khóc lóc. Thỉnh thoảng gặp Mỗ Giáp trên đường, người con hiếu thảo đó cũng vuốt ve đôi chân cha, khóc lóc không ngớt. Đôi chân đó vốn là của cha ruột người ta, nếu từ chối thì xem ra không được hay ho cho lắm, thế là Mỗ Giáp đành tìm cách tránh, mỗi lần ra ngoài, đều lệnh cho người ra cửa, nhìn trước ngó sau, tránh con trai của Khang Hồ đột ngột xông ra…

Mới chỉ đổi chân thôi mà đã như thế rồi, nếu đổi cả thể xác của Khang Hồ thì con ông ta còn thế nào nữa? Mượn xác hoàn hồn, bản chất của việc này không tồn tại tính không xác định, số lượng những cô gái thôn quê bao giờ cũng nhiều hơn những cô nương trong hoàng cung, chắc các vị mượn hồn cũng không vì chuyện này mà nảy sinh những suy nghĩ khác, mà những người đẹp trai, râu rậm chỉ là số ít thôi, nhưng một khi nhập vào xác một người râu rậm, cho dù bản thân có chấp nhận, thì vợ cũng chưa chắc để ông ta vào nhà. (Trong truyện Linh Bích nữ mượn xác hoàn hồn ở quyển một Tử bất ngữ do Viên Mai viết, nói về linh hồn của Tuấn Tiếu sau khi nhập vào thể xác của một người phụ nữ xấu, lại có thể biến người phụ nữ xấu đó thành người phụ nữ đẹp, nhưng những ví dụ có thể biến cũ thành mới thế này quá ít, tốt nhất đừng ôm hy vọng thì hơn.) Nhưng đây không phải thứ khiến chủ nhân của nó khó chịu nhất, nếu để linh hồn của nam nhập vào xác của nữ thì thế nào? Xảy ra trường hợp đó không thể không khiến người ta nghĩ đến cảnh ngộ của Lâm Chi Tường ở trong vương quốc nữ nhi.

Truyện Tuần kiểm phụ hồn trong quyển bảy cuốn Cô Thặng do Nữu Tú viết, có ghi lại một câu chuyện xảy ra vào thời Khang Hy. Ở huyện Hà Nguyên, ti Lam Khẩu có tuần kiểm Vương Học Cống, sau khi chết không lâu, người con gái chưa xuất giá của ông ta vì khóc thương cha mà sinh bệnh, mấy ngày sau cũng chết. Nhưng khi đang cho cô ta vào trong quan tài, thì cô ta đột nhiên ngồi dậy, tự nhìn xuống cơ thể mình nói: “Ta là Vương tuần tư, sau lại ăn mặc như con gái thế này?” Thì ra Vương Học Cống dương thọ chưa hết, nên được trả về dương gian, phụng mệnh Diêm Vương, mượn luôn thi thể con gái của ông ta. Vốn Diêm Vương có ý tốt, không ngờ, cô gái duyên dáng khuê các này lại cởi bỏ vải buộc chân, cắt đi mái tóc dài của mình, thế cũng không có gì làm lạ, lạ là cô ta tìm tới gặp huyện thái gia, yêu cầu khôi phục lại chức cũ cho cha mình.

Trong Duyệt vi thảo đường bút ký do Kỷ Quân viết, ghi lại một truyện có những thành phần ác bá. Chuyện này xảy ra vào giữa năm Càn Long ở thị bộ viên ngoại trưởng công thái gia. Nhà ông ta có một đầy tớ, mới hơn hai mươi tuổi, trúng gió mà chết, ngày hôm sau lại sống lại. Nhưng từng lời nói, hành động của chị ta lại giống hệt như nam nhi, gặp chồng cũng không có vẻ gì là tỏ ra quen biết. Sau khi mọi người nghiên cứu tìm hiểu nguyên do, chị ta mới nói mình vốn là đàn ông, sau khi chết xuống âm phủ, phán quan kiểm tra thấy dương thọ của anh ta chưa hết, nên theo lý phải được hoàn dương, nhưng có một điều kiện, phải trở thành nữ nhi, thế là trong nháy mắt đã thấy nằm trên giường người khác. Lại hỏi tới danh tính, quê quán của chị ta, chị ta kiên quyết không chịu nói, người khác biết ngay có ẩn tình, cũng không truy hỏi nữa. Đến tối, chồng kéo chị ta vào giường, nói thế nào chị ta cũng không chịu thuận theo. Nhưng chồng chị ta thoạt nhìn thì tưởng người lỗ mãng, nhưng lại là một hảo hán không tin vào tà ma, cuối cùng cũng khiến chị ta phải nhìn nhận sự thật, trở lại làm phụ nữ. Từ đó mỗi lần vợ chồng ân ái xong, chị ta đều khóc lóc không thôi, thút tha thút thít khóc cho tới sáng. Có người còn nghe thấy chị ta lầm rầm nói: “Lão phu đọc sách hơn hai mươi năm, làm quan ba mươi năm có lẻ, sao lại phải chịu nỗi nhục này hả trời!” Nói thì nói thế, nhưng nhục thì vẫn phải chịu. Nghe nói cho tới tận khi chết, chị ta cũng không chịu tiết lộ chút tin tức nào về thân phận trước kia của mình, sợ tin truyền về quê cũ sẽ khiến “người thân đau lòng, mà kẻ thù thì hỷ hả.”

4

Đọc câu chuyện ở trên, cảm thấy âm phủ phân phát thi thể cho việc hoàn hồn, cũng hoàn toàn không phải là tùy cơ hoặc tùy hứng. Cùng là hoàn hồn, trong nháy mắt liền xảy ra những biến đổi lớn, hoặc rơi xuống vực sâu, hoặc bay lên tận mây xanh, thật không khỏi khiến người ta phải cảm thán trước sự trớ trêu của tạo hóa. Thế là chủ đề trừng phạt cái ác, ca ngợi điều thiện bắt đầu thu hút sự chú ý của mọi người, từ đó việc nhân quả luân hồi không chỉ thêm một phương thức nữa để thực hiện nhanh hơn, mà việc luân hồi này còn mang cả một ký ức hoàn chỉnh của kiếp trước, càng có ý nghĩa giáo dục hơn. Kết quả của hơn ba mươi năm làm quan là hằng đêm “nhẫn nhịn nỗi nhục của một kẻ nô lệ”, thì từ đấy có thể suy đoán được khi làm quan ông ta như thế nào.

Nhưng những câu chuyện có nội dung dùng việc mượn xác hoàn hồn để tuyên truyền luật nhân quả còn có một phương thức khác, hòan toàn không liên quan gì đến linh hồn và thể xác của chủ nhân. Trong truyện Mượn xác hoàn hồn trong quyển ba Vọng vọng lục, kể về Mỗ Giáp nào đó là một đại tài chủ, bán hàng giá cao, mở cửa hàng cầm đồ, nhưng đối xử với người khác thì rất hà khắc. Ông ta đã hơn sáu mươi tuổi, sau khi thê thiếp lần lượt qua đời, chỉ còn lại một đứa con trai, giờ đang lâm trọng bệnh sắp chết. Hôm đó, canh ba nửa đêm, đột nhiên có người gõ cửa, thì ra là mang tiền đến lấy lại đồ đã cầm. Mỗ Giáp trong lòng đang buồn bực, liền mở miệng quát mắng người kia, nói ngày mai hãy đến. Người đó nói: “Sáng sớm ngày mai thì đã đến thời hạn rồi, tôi phải gom góp mọi thứ mang đi bán, mới gom được đủ tiền, chính là muốn chuộc lại món đồ đó.” Mỗ Giáp suy nghĩ nhanh, thầm tính toán con trai cũng sắp chết rồi, cả đời cắt da cắt thịt bách tính, vì tiền làm bao việc thất đức như thế, giờ còn giữ lại chút tiền đó để làm gì nữa. Hôm sau, ông ta trả lại hết những ruộng vườn và đồ vật mà người dân mang đặt, đốt hết những giấy ghi nợ đang cầm trong tay. Nhưng con trai ông ta cuối cùng vẫn phải chết, ông ta ôm thi thể con khóc lóc, đến nửa đêm vẫn còn ngồi trước linh cữu rơi nước mắt. Đột nhiên, có một người đẩy cửa đi vào, ông ta ngẩng đầu lên nhìn, nhận ra đấy là người thường xuyên tới tìm ông ta vay nợ. Người đó nói: “Con trai ngài là một quỷ đòi nợ, sau khi đòi hết những gì ông nợ anh ta từ kiếp trước rồi thì đương nhiên phải đi, vì vậy ông cũng đừng đau buồn quá. Tôi thấy ông trượng nghĩa, nguyện làm con trai ông, sống cùng ông nốt những năm còn lại.” Nói xong, người đó biến mất, cùng lúc đó thi thể trên giường cũng sống lại. Ngày hôm sau, Mỗ Giáp đến nhà người đó nghe ngóng, mới biết người đó đã chết tối qua, còn con trai ông hiện giờ là do anh ta mượn xác hoàn hồn.

Trong quyển ba cuốn Hữu đài tiên quán bút ký do Du Việt viết có một truyện, được viết cũng khá kỳ diệu. Ở Tô Châu có một người đàn ông mất đi đứa con trai trong lần loạn lạc năm 1860, nhưng trong trận loạn đó lại thu nhận một đứa trẻ bị lạc cha mẹ. Sau trận loạn lạc, ông ta trở về quê cũ, nhận đứa trẻ đó làm con nuôi, còn lấy vợ cho con. Nhưng thật không may người con nuôi cũng chết, hôm ấy, đúng lúc chuẩn bị nhập quan, thì người con nuôi lại sống lại, vái cha, nói: “Ly biệt cha mẹ đã lâu, cha mẹ vẫn khỏe chứ?” Động tác và giọng nói ấy, chính là của đứa con ruột ông ta. Khi hỏi kỹ lại, người con này nói sau khi bị lạc, lưu lạc tới một vùng đất nào đó, sau khi loạn lạc qua đi, mới nhờ thuyền người ta về lại nhà. Đang nói, thì ngoài cửa có người đi vào, thì ra chính là “người ta” mà con trai ông vừa nhắc đến, nói: “Tôi đưa con ông về nhà, không ngờ vừa vào đến cửa, con ông lâm bạo bệnh mà chết rồi, giờ thi thể của anh ta vẫn ở trên thuyền tôi.” Lúc này ông ta mới hiểu, thì ra linh hồn của con đẻ mình mượn xác của con nuôi để tái sinh.

Xem qua thì tình tiết của hai câu chuyện này rất giống nhau, nhưng nếu đọc kỹ thì cách hồn mượn xác trong hai câu chuyện lại khác nhau. Mặc dù là “mượn xác hoàn hồn” nhưng chủ thể trong hai câu chuyện đó vẫn là ma. Câu chuyện đầu tiên không giống thế, chỉ cần da thịt là của con trai, còn bên trong là linh hồn của ai, thì cũng vẫn là con trai tôi, thế thì không phải là “mượn hồn sống lại” sao? Căn cứ vào quy tắc từ trước tới nay của những câu chuyện kiểu này, thì việc đứa con trai sống lại lưu luyến không quên được “nhà cũ” của linh hồn mình, anh ta nên chủ động đi thăm bố mẹ cũ, vợ con mình, nếu ở đây có ý gì đó liên quan tới việc “báo ứng”, thì chính là việc anh từ một kẻ nghèo rớt mồng tơi đột ngột thành người giàu có, đầy đủ. Lương Công Thần đã đưa ra suy nghĩ cảm thán của mình ở phần kết của câu chuyện, nói rằng: “Đứa con đòi nợ đi rồi, đứa con trả nợ đến, cùng trong một cơ thể, thiện ác chỉ báo ảnh hưởng là ở đây.” Đương nhiên, cũng có thể suy nghĩ về câu chuyện này từ một góc độ khác, lão tài chủ tham lam cả đời, kết quả cuối cùng là, con quỷ đòi nợ đi rồi, lại thấy một con quỷ đòi nợ khác đến, chỉ có điều con quỷ này sẽ ở lại mãi, không đi nữa. Suy nghĩ lương thiện một chút, đứa con được sống lại nhờ linh hồn của người khác, nghĩ đến những người nghèo bị ông ta hại cũng không ít, ông trời thế là cũng không xử tệ với ông ta rồi.

Câu chuyện thứ hai nhìn từ góc độ báo ứng thì có vẻ hợp lý hơn, đứa con trai mà ông lão bị lạc mất, vẫn chưa biết sống chết thế nào, vì vậy ông ta nhận nuôi con của người khác cũng là một hành động cao đẹp, cuối cùng con giả biến thành con thật, coi như người tốt được báo đáp rồi. Nhưng có một lỗ hổng lớn, khiến toàn câu chuyện không có tính kết nối cho lắm. Mặc dù con đẻ đồng ý hoàn hồn rồi, ngoài cửa là thi thể của chính mình, bề ngoài hoàn chỉnh không thiếu thốn gì, nội tạng bên trong vẫn tươi mới như còn sống, hà tất phải đi mượn thể xác của người khác? Nếu Du Khúc Viên cũng giống Lương Công Thần hứng chí đưa ra nhận xét, nói rằng: “Con đẻ về rồi, con nuôi cũng không chịu đi, con đẻ, con nuôi hợp trong một thân thể.” Có thể như thế cũng khiến câu chuyện rõ ràng hơn. Huồng hồ bên cạnh đó còn có con dâu ông ta nữa, nếu con đẻ ông ta không mượn xác của con nuôi, không những phải xây một căn nhà khác, mà cưới con dâu khác cũng phải tốn mớ tiền nữa.

Kiểu quả báo xảy ra trong đề tài mượn xác hoàn hồn này, hình như xuất phát từ sự sáng tạo của những người ở đời Thanh, còn trước đó chưa từng nghe qua.

Bạn đang đọc Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 2) của Loan Bảo Quần
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 11

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.