Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

1.3 BẢN NGÃ - NGŨ UẨN -> BẢN NGÃ (CÁI TÔI)

Phiên bản Dịch · 2593 chữ

1.3 BẢN NGÃ - NGŨ UẨN

Hiểu ngũ uẩn để phá kiến chấp về bản ngã

*A. BẢN NGÃ (CÁI TÔI) *

(J. Krishnamurti) - “Cái tôi là gì? Nếu thực sự nhìn chính mình sẽ thấy rằng đó là một mớ kinh nghiệm được tích lũy, các vết thương tâm lý, ý tưởng, ý niệm, ngôn từ. Đó chính là chúng ta: Một mớ ký ức. Chúng ta đang xem xét một điều khá phức tạp, nhưng nếu tôi đi vào từng bước thì có lẽ nó sẽ sáng tỏ hơn. Về mặt tâm lý chúng ta là kết quả của hoàn cảnh giáo dục và xã hội. Xã hội với các chuẩn mực đạo đức, niềm tin và giáo điều của nó, với các mâu thuẫn, xung đột, tham vọng, tham lam, ganh tị, chiến tranh của nó, là chính chúng ta. Chúng ta cho rằng tự bản chất chúng ta có tâm linh, có linh hồn, chúng ta thuộc về Thượng đế, nhưng đó chỉ đơn thuần là những ý tưởng tuyên truyền bởi các tổ chức tôn giáo, hoặc chúng ta nhặt chúng từ sách vở, hay từ cha mẹ, là những người phản ánh sự khuôn định của một nền văn hóa đặc thù nào đó. Vì thế về bản chất chúng ta chỉ là một mớ ký ức, một mớ ngôn từ.

Ký ức đồng nhất với tài sản, với gia đình, với tên tuổi, mỗi chúng ta chỉ là như thế, nhưng chúng ta không thích khám phá ra sự kiện đó ở mình, vì nó quá khó chịu. Chúng ta thích nghĩ rằng con người là một thực thể thông minh phi thường, nhưng chúng ta không được vậy đâu. Chúng ta có thể có khả năng làm thơ hay vẽ tranh, chúng ta có thể quỉ quyệt trong kinh doanh, hay rất khôn khéo khi cắt nghĩa một chủ thuyết thần học nào đó; nhưng thực sự chúng ta chỉ là một mớ các thứ được ghi nhớ - các tổn thương, đau khổ, sự hão huyền, sự thành bại trong quá khứ. Các thứ đó chính là chúng ta. Một vài người có thể mơ hồ nhận ra rằng chúng ta là cặn bã của quá khứ, nhưng chúng ta không nhận biết sâu sắc, và bây giờ chúng ta thử xem lại, nhưng không có nghĩa là thu thập tri thức về mình đâu. Xin hãy thấy sự khác biệt. Ngay lúc thu thập tri thức về mình là chúng ta đang gia cố cho tự ngã trong cặn bã quá khứ. Để nhìn thấy các sự kiện thực đúng về mình từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, phải trong sáng với mọi tri thức về mình… Khi nói rằng tôi có kiến thức về chính mình thì điều đó có nghĩa là gì? Giả sử tôi bị xúc phạm, hay được khen tặng, kinh nghiệm đó lưu lại thành ký ức trong tâm trí tôi (...)

Con người đã đau khổ. Nội tâm con người luôn luôn sống trong một bãi chiến trường của hoạt động tự ngã, cái tôi phải ưu tiên còn người khác thì thứ yếu. Cái tôi phải được ưu tiên, như mối quan tâm của tôi, sự an toàn của tôi, lạc thú của tôi, thành công của tôi, địa vị của tôi, danh tiếng của tôi. Cái tôi phải được ưu tiên, chính là cái tôi đồng hóa với quốc gia, với gia đình, với học thuyết. Và chúng ta hy vọng rằng qua sự đồng hóa sẽ giải tỏa được cái tôi. Chúng ta biết nguyên nhân rồi, nguyên nhân đó chính là thuyết vị kỷ, hay nói trắng ra, nguyên nhân là hoạt động vì tôi. Tất cả chúng ta đều biết vậy. Chúng ta cũng biết hậu quả sẽ như thế nào, nó sẽ tạo ra gì trong thế giới – tức là chiến tranh. Chiến tranh là biểu lộ cùng tột của xung đột bên trong. Chiến tranh xảy ra mọi thời, mọi nơi, trong thế giới kinh doanh, trong thế giới chính trị, trong thế giới của người theo tôn giáo, giữa các ông đạo, các giáo phái khác nhau, các tín điều khác nhau. Chúng ta thừa biết vậy. Trí thông minh bảo chúng ta rằng sự thể là như vậy, nhưng chúng ta lại không sống hòa bình được (…)

Sự mê muội là thiếu hiểu biết về mình, về cái tôi. Tôi muốn nói cái tôi bình thường hoạt động thường ngay, không phải cái tôi đặc biệt nào đó. Tôi muốn nói về cái tôi thường ngày đi làm, cãi nhau, tham lam, cái tôi sợ chết và sợ sống, cái tôi tìm kiếm, dọ dẫm, cái tôi đau khổ, sống trong xung đột, cái tôi quằn quại đau đớn vì mọi thứ, cái tôi thờ ơ. Không biết về cái tôi đó mà đi tìm cái tôi tối thượng nào khác là chuyện vớ vẩn, là hoang tưởng của người không tự biết mình. Vì thế người nào không biết rằng mình chỉ là một mớ ký ức – cả hữu thức lẫn vô thức, là toàn bộ hiện thể mình – người đó chỉ là kẻ mê muội. Vậy thì người đó phải hiểu toàn bộ cơ cấu ký ức của mình và các đáp ứng dựa trên ký ức đó, phải quan sát, nhận ra, xem xét.

Hầu hết chúng ta đều không muốn làm điều này, chúng ta muốn tìm đến ai đó nói cho mình biết phải làm gì… Quan sát chính mình là quan sát ngôn từ, cử chỉ, ý tưởng, cảm giác, các phản ứng, sự chịu đựng sỉ nhục, phấn khởi vì lời khen. Khi quan sát chính mình các ngài sẽ thấy mọi uy lực như truyền thống, điều người ta nói hay không nói, uy lực của đạo sư, của sách vở, sẽ hoàn toàn chấm dứt, bởi vì các ngài trở thành ánh sáng cho chính mình. Và điều này là tối cần vì chẳng có ai có thể cho các ngài chân lý, chẳng có ai có thể chỉ nó ra cho các ngài.”

(Ekhart Tolle) – “Hầu hết mọi người trong chúng ta thường đánh đồng mình hoàn toàn với tiếng nói, với dòng tư duy và cảm xúc không chủ đích, không thể chế ngự được, mà chúng ta mô tả chúng như một thực thể được sở hữu bởi tâm trí của mình. Chừng nào bạn chưa hoàn toàn nhận ra được điều này, thì bạn còn công nhận những tư duy kia là căn tánh của mình. Đây là tâm trí của bản ngã. Chúng ta gọi nó là bản ngã bởi vì đó là cảm giác về cái tôi, về Ta, trong mọi tư duy, mọi ký ức, mọi sự giải thích, mọi ý niệm, mọi quan điểm, mọi phản ứng hay cảm xúc. Theo cách nói tâm linh, đây một là trạng thái vô minh.

Dĩ nhiên, tư duy và những nội dung thuộc tâm trí của bạn đã bị lập trình từ trong quá khứ tuỳ vào điều kiện giáo dục, văn hóa, hoàn cảnh gia đình…. Trọng tâm mọi hoạt động tâm trí của bạn xoay quanh những suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng cố hữu đã thường xuyên lặp đi lặp lại, mà bạn đã hoàn toàn đánh đồng với chúng. Thực thể này chính là bản ngã của bạn.

Trong đa số trường hợp, như chúng ta đã thấy, khi bạn nói “Tôi”, đó là bản ngã nói, không phải bạn nói. Bản ngã thì bao gồm những tư duy và cảm xúc, một mớ những ký ức mà bạn đánh đồng với chúng để trở thành “tôi và những câu chuyện đời tôi”, thành những vai diễn theo tập quán mà bạn không hề biết. Và những đánh đồng này cũng có tính tập thể để trở thành: quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc, giai cấp xã hội, xu thế chính trị. Nó cũng là những đánh đồng có tính cá nhân không chỉ với tài sản, mà còn với những định kiến, ngoại hình, sự bực bội kéo dài, hoặc với những quan niệm về sự hơn thua, thành bại so với những người khác.

Nội dung của bản ngã tuy có khác nhau ở người này so với người khác, nhưng cơ cấu vận hành của chúng thì y như nhau. Nói cách khác: Bản ngã chỉ khác nhau về bề mặt, còn đi sâu vào bên trong, tất cả đều y hệt như nhau. Vậy thì cách giống nhau của chúng thì như thế nào đây? Bản ngã hoàn toàn sống dựa vào sự đánh đồng và phân biệt. Khi bạn sống trong cái tôi, những tư duy và cảm xúc đều do bản ngã, thì nền tảng nhân cách của bạn rất bấp bênh, bởi vì chính tư duy và cảm xúc là những gì rất phù du và ngắn hạn. Thế cho nên, mỗi bản ngã chính nó đều phải liên tục đấu tranh để được sinh tồn và phát triển. Vì thế, để duy trì cho tư duy về cái Tôi, nó cần một tư duy đối nghịch, tư duy của “ người khác”. Khái niệm “Tôi” không thể tồn tại, nếu không có khái niệm “người khác”. Nhưng những người khác hầu hết đều là những đối thủ dưới mắt tôi (…)

Do bản ngã xuất phát từ một ấn tượng rằng có một cái “ta riêng rẽ” nên nó cần tự đồng hóa nó với những yếu tố bên ngoài. Bản ngã ở trong ta luôn cảm thấy nó vừa cần được bảo vệ, vừa cần được nuôi dưỡng luôn. Nhưng nhu yếu tự đồng hóa thông thường nhất của bản ngã thường là đồng hóa ta với chuyện sở hữu tài sản, với công việc chúng ta làm, với địa vị trong xã hội, với tiếng tăm, kiến thức và trình độ giáo dục, sắc diện, năng khiếu đặc biệt, những quan hệ trong lĩnh vực giao thiệp, dòng dõi gia đình, lòng sùng bái về một điều gì đấy. Chúng ta cũng thường tự đồng hóa mình với giống nòi, chủng tộc, quốc gia, chính trị, tôn giáo và những chuỗi đồng hóa có tính chất tập thể khác nữa. Nhưng tất cả những điều đó không phải là bạn! Các giáo thuyết về tâm linh đã xác nhận đau khổ của con người thực ra chỉ là những ảo tưởng trí năng.

Mọi khổ đau thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta: Chúng ta khổ đau vì chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng, cảm xúc tiêu cực thường nổi lên ở trong ta. Vì không biết bản chất chân thật của chính mình, do đó trong nỗ lực đi tìm nguồn cội của mình, chúng ta sáng tạo nên những con người, những nhân vật, những “cái tôi”, những Bản Ngã…không có thực để cưu mang những cảm xúc khổ đau xảy ra ở trong mình. Trong thực tế, có những cảm xúc sướng, khổ, vui, buồn khi ta trải qua một kinh nghiệm tiêu cực trong đời sống. Nhưng không nhất thiết phải có một con người, một nhân vật, một “cái tôi”, một Bản Ngã…, đứng đằng sau kinh nghiệm đó để hứng chịu những khổ đau đó. Do đó, mọi đau khổ thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta.”

(Osho) - “Đứa trẻ được sinh ra. Đứa trẻ được sinh ra không có tri thức nào, không có ý thức nào về cái ngã riêng của nó. Và khi đứa trẻ được sinh ra điều đầu tiên nó trở nên nhận biết không phải là bản thân nó. Điều đầu tiên nó trở nên nhận biết là về người khác. Điều đó là tự nhiên, vì mắt mở hướng ra ngoài; tay chạm người khác, tai nghe người khác, lưỡi nến thức ăn và mũi người từ bên ngoài. Tất cả những giác quan này đều mở ra ngoài.

Đó là điều sinh ngụ ý. Sinh ngụ ý đi vào trong thế giới này, thế giới của cái bên ngoài. Cho nên khi đứa trẻ được sinh ra, nó được sinh ra trong thế giới này. Nó mở mắt, thấy những người khác. 'Người khác' ngụ ý ngươi.

Nó trở nên nhận biết về người mẹ trước hết. Thế rồi, dần dần, nó trở nên nhận biết về thân thể riêng của nó. Cái đó nữa cũng là cái khác, cái đó nữa thuộc vào thế giới. Nó đói và nó cảm thấy thân thể; nhu cầu của nó được thoả mãn, nó quên thân thể. Đây là cách đứa trẻ lớn lên. Đầu tiên nó trở nên nhận biết về bạn, ngươi, người khác, và thế rồi dần dần trong tương phản với bạn, ngươi, nó trở nên nhận biết về bản thân nó. Nhận biết này là nhận biết được phản xạ.

Nó không nhận biết về nó là ai. Nó đơn giản nhận biết về người mẹ và điều người mẹ nghĩ về nó. Nếu nó mỉm cười, nếu mẹ khen con, nếu cô ấy nói: Con đẹp con xinh; nếu cô ấy ôm và hôn nó, đứa con cảm thấy sung sướng về bản thân nó.

Bây giờ bản ngã được sinh ra. Khen ngợi, yêu, chăm sóc, nó cảm thấy nó là tốt, nó cảm thấy nó có giá trị, nó cảm thấy nó có ý nghĩa nào đó. Một trung tâm được sinh ra. Nhưng trung tâm này là trung tâm được phản xạ. Cái đó không phải là bản thân thực của nó. Nó không biết nó là ai. Nó đơn giản biết điều người khác nghĩ về nó. Và đây là bản ngã: sự phản xạ, điều người khác nghĩ. Nếu không ai nghĩ rằng nó có hữu dụng gì, không ai khen ngợi nó, không ai mỉm cười, thế nữa bản ngã cũng được sinh ra - bản ngã ốm yếu: buồn, bị bác bỏ, như vết thương; cảm thấy kém cỏi, vô giá trị. Điều này nữa là bản ngã. Điều này nữa là phản xạ. Đầu tiên người mẹ - và mẹ ngụ ý thế giới lúc ban đầu - thế rồi người khác sẽ gia nhập cùng người mẹ, và thế giới liên tục tăng trưởng. Và thế giới càng tăng trưởng, bản ngã càng trở nên phức tạp hơn, vì ý kiến của nhiều người khác được phản xạ.

Bản ngã là hiện tượng được tích luỹ, sản phẩm phụ của việc sống với người khác. Nếu đứa con sống một mình toàn bộ, nó sẽ không bao giờ đi tới việc phát triển bản ngã. Nhưng điều đó sẽ không giúp ích. Nó sẽ vẫn còn giống như con vật. Điều đó không ngụ ý rằng nó sẽ đi tới biết cái Ngã thực, không. Cái thực chỉ có thể được biết qua cái giả, cho nên bản ngã là cái phải có.

Người ta phải trải qua nó. Đó là kỉ luật. Cái thực chỉ có thể được biết qua ảo vọng. Bạn không thể biết Chân lí một cách trực tiếp. Đầu tiên bạn phải biết cái không là thực. Đầu tiên bạn phải đương đầu với cái không thực. Qua việc đương đầu đó bạn trở nên có năng lực biết Chân lí. Nếu bạn biết cái giả là cái giả, Chân lí sẽ bừng lên với bạn.”

Bạn đang đọc Đạo Trading của Vô Vi
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy14742415
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 5

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.