Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Hoá Giải

Phiên bản Dịch · 966 chữ

Tứ Diệu Đế là nền tảng của giáo lý, là cốt tuỷ của giáo pháp, được đức Phật chứng ngộ trong đêm Thành Đạo và tuyên thuyết ở trong kinh Chuyển Pháp Luân. Trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật nói về bốn Sự Thật: 1) Sự thật về khổ (Khổ Đế); 2) Sự thật về nguyên nhân tạo ra khổ (Tập Đế); 3) Sự thật về tình trạng diệt khổ tức là Niết-bàn an lạc tuyệt đối (Diệt Đế); 4) Sự thật về yếu tố chấm dứt nhân sinh khổ (Đạo Đế).

Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu tiến trình tâm (còn gọi là quá trình nhận thức) thấy được quá trình nhận biết, sao lưu, định danh, định tướng đối tượng, hình thành ra kho chứa ký ức - nguồn nhiên liệu sinh ra khổ. Chúng ta cũng tìm hiểu sự vận hành của các tâm sở biến hành (xúc, thọ, tưởng, tư, tác ý, mạng căn, nhất tâm) để từ đó hiểu được sự tập khởi của ngũ uẩn. Và chúng ta cũng nhận diện được bản ngã (cái tôi) là ảo tưởng, nó chỉ là chuỗi vận hành của những yếu tố tâm-sinh-vật lý, trong đó tuyệt không có một trung tâm hằng hữu nào ngoài ngũ uẩn sinh diệt, tương tác. Và để chiếu phá nó, phải thấy rõ toàn bộ sự vận hành của ngũ uẩn mà đầu tiên phải có sự hướng tâm đúng đắn (như lý tác ý). Cho nên ngũ uẩn (bản ngã) có thể sinh khởi, có thể không.

Tiếp đến, chúng ta đã đi sâu tìm hiểu các dạng khổ tâm lý căn bản (Khổ Đế) bao gồm Khổ khổ, Hoại khổ và Hành khổ. Ba loại khổ này không phải là cảm giác thực mà chỉ là 3 ảo giác phát sanh từ 3 ảo tưởng tham (hữu ái), sân (phi hữu ái) và si (dục ái). Chúng ta cũng tìm hiểu về nguyên nhân tạo ra khổ (Tập Đế), thấy ra ngũ uẩn (hay là bản ngã tham sân si) và chấp ngũ uẩn là nguồn gốc mọi khổ. Tất cả những ảo tưởng phi hữu ái (sân), hữu ái (tham), dục ái (si) (gọi chung là ái dục) bị thúc đẩy bởi một động lực chung đó là vô minh, nên gốc rễ của mọi khổ đau, phiền não chính là vô minh. Vô minh là không thấy bản chất thực tại mà lại thấy thành cái ta ảo tưởng nên sinh ra chấp ngã (chấp ta, của ta, tự ngã của ta), còn ái dục là cái ngã ấy muốn thực tại trở thành “vật” mà mình quy định nên sinh ra chấp pháp (chấp vào 1 hiện tượng, 1 trạng thái, 1 đấng tạo hóa). Một khi đã chấp ngã chấp pháp thì bắt đầu tạo tác để trở thành, có trở thành thì có thời gian, có nhân quả, nghiệp báo, có sinh tử và tất nhiên có phiền não khổ đau.

Vô minh là tình trạng tâm trí si mê, không sáng suốt, không tỉnh thức, không tự giác, quên mình hoặc không tự biết mình. Hay đơn giản như thiền sư Viên Minh gọi vô minh là “không biết sự thật” và ái dục là “mong muốn theo ý mình”, nên nghĩa dễ hiểu nhất của vô minh ái dục là “không biết mà muốn”. Trái lại với vô minh là minh, nghĩa là thấy minh bạch đối tượng như nó đang là, tại đây và bây giờ. Làm sao để MINH?

Giờ chúng ta tìm hiểu Đạo Đế, con đường chấm dứt nguyên nhân sinh khổ, con đường để minh, tức là sáng suốt, có trí tuệ. Đạo Đế mà Đức Phật khai thị là con đường Bát Chánh Đạo gồm có 8 chi phần.

“Mỗi chi phần trong BÁT CHÁNH ĐẠO tuy là một yếu tố độc lập ứng với mỗi phương diện khác nhau trong đời sống nhưng luôn tương giao hòa hợp vô cùng chặt chẽ, không thiếu một yếu tố nào nên không thể đứng riêng rẽ. Nhưng do chú giải sai nên người sau tưởng lầm là riêng rẽ đã phân chia thành từng nhánh ngọn mà tu nên mới gọi là thời mạt pháp.

Chỉ cần thấy đúng sự thật (CHÁNH KIẾN) thì ngay đó có suy nghĩ chân thực (CHÁNH TƯ DUY) hay hướng tâm đúng đắn (như lý tác ý), hai yếu tố này thuộc về nhận thức đúng (tuệ phần). Khi đã nhận thức đúng thì về phương diện hoạt động của thân sẽ có nói năng đúng (CHÁNH NGỮ), hành động đúng (CHÁNH NGHIỆP), và sinh sống đúng (CHÁNH MẠNG), và về phương diện hoạt động của tâm thì lúc đó nó liền trở về với thực tại thân thọ tâm pháp (CHÁNH TINH TẤN), và sống trọn vẹn với thực tại chân đế (CHÁNH NIỆM) do đó tâm không còn tán loạn nữa (CHÁNH ĐỊNH).

Kinh Tứ Niệm Xứ (xem thêm ở phần tham khảo cuối sách) đức Phật dạy 3 yếu tố tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thực ra là 3 chi phần chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh kiến trong Bát Chánh Đạo. Tuy chỉ nói 3 yếu tố nhưng Đức Phật dạy đó là 3 yếu tố dẫn đạo đúng giúp 5 yếu tố kia cũng đúng theo, không thiếu một yếu tố chánh đạo nào. Do đó ngay khi đi, đứng, ngồi, nằm, hít thở, ăn uống, nấu nướng, quét dọn v.v... có tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hay trở về trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thì liền có đầy đủ Bát Chánh Đạo, chứ không phải hành thiền định trước rồi hành thiền tuệ sau như nhiều người lầm tưởng.” – (Thiền sư Viên Minh)

Bạn đang đọc Đạo Trading của Vô Vi
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy14742415
Phiên bản Dịch
Thời gian

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.