Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

3. NGHỀ CỦA TƯ DUY?

Phiên bản Dịch · 1703 chữ

*3. NGHỀ CỦA TƯ DUY? *

Ở phần trên, tôi đã nêu ra khá nhiều nghịch lý trong nghề trading để thấy rằng tính logic chặt chẽ có thể là chướng ngại lớn cho những ai luôn áp dụng lối suy luận thông thường vào công việc này.

Một định kiến khác cho rằng nghề trading là phù hợp cho giới trí thức, tầng lớp có thói quen ưa tư duy, lý giải mọi vấn đề cuộc sống. Khả năng tư duy có phải quyết định sự thành công trong nghề này hay không? Tôi xin dài dòng một chút qua phát biểu nổi tiếng của triết gia René Descartes “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (I think, therefore, I am).

Trước hết, chúng ta hãy đọc bài viết của tác giả Phạm Việt Hưng, mô tả ảnh hưởng sâu rộng của tư duy Descartes lên mọi mặt của đời sống như sau:

“Tư duy đề-các là tư duy biểu đồ, tư duy giải tích, tư duy logic, tư duy lý tính, tư duy chứng minh, tư duy mổ xẻ: mổ xẻ tới từng thành phần chi tiết để thấy rõ mối liên hệ nhân-quả giữa các thành phần, giống như khoa giải phẫu mổ xẻ thân thể con người để thấy rõ từng cơ quan nội tạng, hay như khoa vật lý đập vỡ vật chất ra thành từng phần tử ngày càng nhỏ bé – phân tử, nguyên tử, electron, proton, neutron, quarks, nhằm khám phá ra bản chất của vật chất, hoặc như khoa sinh vật soi kính hiển vi vào từng tế bào, từng chuỗi ADN nhằm khám phá ra bản chất sự sống.

Kiểu tư duy ấy đặc trưng cho triết học nhị nguyên của Tây phương và đồng thời là hệ tư duy đang thống trị trong xã hội hiện đại – tư duy máy móc, tư duy cơ giới, tư duy logic hình thức, tư duy computer.

Thật vậy, mặc dù Descartes đã ra đi từ hơn 350 năm nay, nhưng phương pháp nghiên cứu của ông vẫn đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta: đâu đâu cũng thấy hệ trục toạ độ đề-các (cartesian coordinates) – biểu đồ kinh tế, biểu đồ tài chính, biểu đồ chứng khoán, biểu đồ y tế, biểu đồ khí hậu, biểu đồ dân số, biểu đồ sức khoẻ, điện não đồ, điện tâm đồ, bản đồ định vị, … Dường như bất cứ một báo cáo, một khảo sát, một công trình nghiên cứu nào cũng phải có biểu đồ phân tích tình hình, nếu không, báo cáo hoặc công trình ấy sẽ bị coi là kém chất lượng, kém khoa học. Đó là hiện tượng “đề-các-hoá” (cartesianisation) trong nền văn minh kỹ trị ngày nay. Hiện tượng này biểu lộ ở hai cấp độ:

1.Máy móc hoá, cơ giới hoá tư duy tính toán.

2.Máy móc hoá, cơ giới hoá toàn bộ tư duy của con người.

Cấp độ 1 đánh dấu bước nhẩy vọt của nền văn minh vật chất, đặc biệt kể từ khi có computer. Biểu lộ dễ thấy nhất là computer có mặt ở khắp nơi, phục vụ mọi công việc tính toán, từ việc đơn giản nhất như dịch vụ bán hàng cho tới những công việc vô cùng phức tạp như tính toán quỹ đạo bay của con tầu vũ trụ, tính toán xác suất va chạm của các hạt cơ bản để tìm ra một loại hạt mới, v.v. Trong vô vàn ứng dụng đó, rất nhiều ứng dụng liên hệ chặt chẽ với hệ toạ độ đề-các. Chẳng hạn, tên lửa tìm diệt những mục tiêu trên mặt đất hoặc trên mặt biển chính là những vũ-khí-computer được hướng dẫn tìm mục tiêu theo bản đồ định vị. Hoặc trong trường hợp vừa qua đặc nhiệm SEAL của Mỹ bất ngờ tiêu diệt Bin Laden, chắc chắn họ đã có trong tay bản đồ định vị chính xác nơi ở của tên trùm khủng bố này. Tóm lại, chúng ta sẽ không thể hình dung nổi một nền văn minh vật chất hiện đại nếu không có tư duy đề-các. Đó là lý do để câu châm ngôn của Descartes, “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”, trở thành một trong những câu châm ngôn nổi tiếng nhất trong toàn bộ nền văn minh nhân loại, được bàn luận nhiều nhất dưới nhiều góc độ, từ khoa học cho tới triết học.

* : * Thật vậy, chúng ta không thể thuyết phục bất kỳ ai là tư duy không quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Ở đây, tôi chỉ muốn chỉ ra một điều là dường như người ta đặt nặng trọng tâm vào tư duy đối với một công việc đòi hỏi khá nhiều về quan sát và cảm nhận thị trường bên ngoài cũng như nội tâm bên trong như công việc trading. Bạn hãy đọc tiếp những ý kiến này:

“Triết gia Descartes tin rằng ông đã tìm ra chân lý căn bản nhất khi ông đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng: “Tôi tư duy, do đó tôi hiện hữu”. Thực ra, ông đã diễn tả một sai lầm căn bản nhất của con người, đó là: đánh đồng khả năng suy nghĩ với bản thể hiện tiền, và đồng nhất bản thân mình với sự suy nghĩ…” - Eckart Tolle

“Khi ông Descartes nói: “Tôi suy nghĩ, tức là có tôi đây” (I think, therefore I am). Quan điểm của ông ta là nếu tôi suy nghĩ thì phải có một cái “tôi” để cho suy nghĩ được hình thành.

Khi tuyên bố “tôi suy nghĩ”, ông ta tin rằng ông ta có thể chứng minh được có một cái “tôi” tồn tại. Chúng ta có một tập khí rất mạnh là tin vào một cái ngã. Tuy nhiên khi quán chiếu sâu sắc chúng ta có thể thấy được chỉ có suy nghĩ mà không cần người suy nghĩ. Không có người đứng đằng sau suy nghĩ đó – chỉ có suy nghĩ thôi. Chừng đó là đủ rồi. Bây giờ nếu có ông Descartes ở đây, chúng ta có thể hỏi ông: “Này ông Descartes, ông nói là: ‘Anh suy nghĩ, tức là có anh đây. Nhưng anh là gì?” – Anh là suy nghĩ của anh. Suy nghĩ là đủ rồi. Có một suy nghĩ biểu hiện mà không cần có một cái ngã đứng đằng sau suy nghĩ ấy…”- Thích Nhất Hạnh.

Hai vị thầy đã chỉ ra sai lầm trong phát biểu của Descartes ở trên là hai bậc thầy tâm linh hàng đầu của nhân loại hiện nay. Bạn có thể thấy là khi đang ngủ chúng ta không tư duy nhưng vẫn cứ hiện hữu đó thôi; hoặc đôi khi chúng ta chỉ đơn thuần nhìn một đối tượng như nó là mà không suy nghĩ (như một trẻ sơ sinh chẳng hạn) thì ta vẫn có đó chứ có biến mất đâu. Phát biểu Descartes chỉ nhấn mạnh vào phần ý thức, bỏ qua sự tồn tại và hoạt động của vô thức mà trong thực tế, các xung động xuất phát từ vô thức mới là gốc rễ của mọi rắc rối trong cuộc sống. Chỉ tin cậy vào tư duy quả là một thiếu sót lớn!

Thực tế hơn thì thiền sư Viên Minh – một vị thầy giác ngộ đã chỉ rõ vai trò và hạn chế của tư duy như thế này:

“Có thể nói, suy nghĩ hay tư duy là điểm ưu việt, độc đáo nhất của loài người. Suy nghĩ nâng cao trình độ nhận thức và đem lại cho con người vô số thành tựu tốt đẹp trên nhiều lãnh vực. Suy nghĩ hình thành tư tưởng, lý luận, biện giải, hiểu biết, quan niệm, chủ thuyết, triết học và rất nhiều hoạt động tri thức khác, kể cả khoa học thực dụng nhất cũng phải xem tư duy là yếu tố then chốt. Người không biết suy nghĩ thì chẳng khác gì gỗ đá.

Tuy nhiên, vì hoạt động của tư duy quá phức tạp, thiếu chính xác, thường bị bóp méo bởi tính chủ quan của bản năng, tình cảm và lý trí trong giới hạn của những kiến thức phiến diện, mơ hồ, manh mún, nên tư tưởng không khỏi bị lệch lạc, võ đoán, hồ đồ... Điều này đã đưa đến biết bao tai họa cho con người.”

Về công việc trading, nếu nhìn bao quát một chút thì thấy rằng chúng ta học hỏi từ phương Tây nên hầu hết kiến thức và phương pháp giao dịch là do họ sáng tạo và đúc kết nên chúng mang nặng tư tưởng Descartes. Trong khi đó, trading là một công việc hết sức đặc biệt, nó công kích vào phần chìm sâu trong vô thức của con người, mạnh mẽ và liên tục. Mỗi người luôn phải đối diện với bản thân mình từng giây từng phút, đối diện với sự tham lam, sợ hãi, nghi ngờ, tức tối, kiêu căng, ngã mạn... trong một cái vòng luẩn quẩn, nhận biết được mà không giải quyết được. Bằng chứng là một người có thể dễ dàng nhận ra các lỗi lầm giao dịch của mình đã được mô tả rất nhiều trong các tài liệu cùng các giải pháp, cách kiểm soát, những điều cần làm và không nên làm, v.v... theo kiểu duy lý phương Tây, nhưng đồng thời anh ta cũng đang hành động một cách phi lý khi đối diện thị trường trái ngược với những suy nghĩ hiểu biết của mình; anh ta không ý thức được mình đang phá bỏ mọi nguyên tắc đặt ra hoặc ý thức được nhưng không sao dừng lại được. Điều gì chi phối anh ta vậy? Tư duy có giúp ngăn chặn được không?

Tôi xin lập lại là tư duy không thì chưa đủ trong công việc trading, thậm chí đôi lúc nó còn gây trở ngại cho sự quan sát và cảm nhận thị trường và bỏ qua yếu tố quyết định là nội tâm trader.

Bạn đang đọc Đạo Trading của Vô Vi
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy14742415
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 6

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.