Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

THUỒNG LUỒNG Sát Thát anh hùng truyện (Ngoại Truyện phần 1)

Tiểu thuyết gốc · 1800 chữ

Chương 139: THUỒNG LUỒNG Sát Thát anh hùng truyện (Ngoại Truyện phần 1)

Trích Sử Văn Các – Đại Việt Bi Hùng Truyện

Gần hai trăm năm trước, Hoàng đế nhà Lý trẩy binh ngang cửa Thần Phù (Thanh Hóa) để đi đánh Chiêm Thành thì gặp sóng to gió lớn suốt mấy ngày liên tục, biển vần vũ dữ dội. Những âm thanh kêu gào ẩn trong màn mưa dày đặc, như cuồng long thịnh nộ. Cây cối đổ ngang và cột buồm gãy lìa, tơi tả. Nhiều thuyền chài của ngư dân đắm ngoài bể khơi. Nhà vua vội vàng thu hạm đội vào sâu trong cửa sông. Trăn trở mãi không yên.

Điềm dữ, điềm chẳng lành, chuyến này xuất chinh không lẽ là trái ý trời. Vua nhìn ra song cửa, mưa chưa từng dứt hạt suốt ba ngày qua. Mây đen nghẽn đặc. Lớp lớp nặng trĩu giữa bầu không. Ban sáng có quan tướng địa phương đến bẩm báo, kể vua nghe về một vị đạo sĩ đang tu luyện gần đây. Nhà vua suy nghĩ suốt đêm rồi quyết tâm mời cao nhân đến hỏi chuyện. Lúc diện kiến nhà vua, vị đạo sĩ chỉ cười nhẹ và bình thản nói rằng, phúc đức của nhà vua đủ khiến long thần kính nể, ngày mai cứ giong thuyền lên đường, chẳng việc gì phải sợ cả. Quả thật, đến nửa đêm thì trời ngưng nổi gió. Tuy nhiên, sáng hôm sau, lúc binh thuyền khởi hành, nhìn xa xa ngoài biển, sóng vẫn chất chồng cao như núi. Nhà vua lo lắng vô cùng, nhưng kì lạ là hạm thuyền đi đến đâu sóng đều tan ra phẳng lặng. Thấp thoáng đằng trước, có bóng dáng vị đạo sĩ đang bước đi trên mặt nước, trấn áp những cơn sóng dữ để mở đường cho nhà vua…

Gần hai trăm năm trôi qua, triều Lý huy hoàng ngày xưa đã sụp đổ, rất nhiều người trong tông tộc bị họ Trần tàn sát. Ba hạm đội của Thất hoàng tử đang vượt qua cửa biển Thần Phù, chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi nữa thôi, đất liền, Đại Việt, sẽ trở thành kí ức. Đền Áp Lãng Chân Nhân (vị chân nhân trấn áp những cơn sóng dữ) u hoài trong đêm đen tịch mịch, hàng cau già năm nay không trổ buồng, Thất hoàng tử đứng mãi giữa lưng thuyền, buồn tênh. Sao không thể khóc được, vị hoàng tử đã qua tuổi ngũ tuần, râu tóc lốm đốm bạc, sao không thể khóc cho vơi bớt những hận thù, bi ai. Sáu ngàn người trên ba hạm đội này, sáu ngàn con dân Đại Việt này biết phiêu dạt về đâu?

- Thưa cha, chúng ta có đất Thanh Hóa, Diễn Châu rộng lớn, kéo dài đến Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý, chúng ta có thể tử chiến với chúng kia mà… Cần gì phải bỏ nước ra đi?

Đứa con chống kiếm quỳ dưới sàn thuyền, một cơn gió chông chênh, Thất hoàng tử lặng im như tượng, ông biết rằng vận khí nhà Lý đã hết, phúc đức khiến long thần kính nể thuở xa xưa đã không còn. Ông biết, nhưng ông chẳng nỡ nói với các con của mình. Thôi thì mọi tội lỗi, mọi lời chỉ trích hèn kém ông xin gánh hết. Chôn chặt trong cõi lòng.

Khi đất liền hóa thành một vệt màu hoang ảo, ông từ tốn đi xuống khoang thuyền, quỳ sụp trước bàn thờ tiên tổ nhà Lý. Ông đã liều mạng lẻn vào Thái miếu, thu gom tất cả bài vị, đồ tế khí của dòng họ mang theo chuyến đi này. Một chuyến đi không có ngày trở lại. Từ Thái Tổ Hoàng đế, Lý Công Uẩn, người khai triều lập đại, định đô ở Thăng Long, mở đầu cho kỷ nguyên rồng bay lên trời. Rồi Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, cùng dựng xây một Đại Việt cực kỳ cường thịnh, Bắc đánh Tống, Nam bình Chiêm, chiến công vang lừng trong sử sách. Cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng, triều Lý mãi mãi dừng lại ở đó, khi nữ hoàng bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Biển ngoài kia mênh mông không có điểm dừng, những hậu nhân họ Lý này sẽ phiêu bạt đến đâu. Sẽ nảy mầm trên mảnh đất hoang vu nào? Bao giờ mới được quay về cố hương?

*

Buồng cau, dây trầu không thể nảy mầm trên mảnh đất lạnh lẽo và nhiều núi đá này. Không thể. Dù cố gắng đến lần thứ bao nhiêu, họa lắm một vài quả đâm chòi được, nhưng qua mùa đông khắc nghiệt lại khô héo.

- Thưa cha, tất cả binh tướng đã sẵn sàng, chỉ chờ…

Đứa con kính cẩn đứng dưới thềm. Cơn gió mùa đông rét mướt ngoài kia, và tuyết rơi đầy. Thất hoàng tử từ tốn mặc giáp phục, khoác lên người tấm áo choàng trắng toát. Ông quỳ sụp trước bài vị tổ tiên:

- Chúng con sa cơ lỡ vận, đến nương nhờ đất người, được vua Cao Ly đối đãi rất hậu, ban cho đất đai, thực ấp rộng lớn, được tự do trồng trọt, cày cấy, con cháu còn được kết hôn với phụ nữ Cao Ly… Nhưng mà, buồng cau, dây trầu không thể sống sót trên đất người… E rằng qua ba, năm đời nữa, cả tiếng nói tổ tiên chúng cũng quên mất… Tội con quá lớn, không thể giữ gìn nổi tập quán, phong tục của cha ông…

Đứa con cũng hạ kiếm quỳ sụp xuống, sau lưng ông. Nhang khói tỏa ấm nếp nhà, cây nêu dựng ngoài kia chuẩn bị đón Tết. E rằng năm nay chẳng có Tết nữa rồi:

- Thưa cha, cả triều đình Cao Ly đều di tản khỏi kinh đô Khai Thành đến đảo Giang Hoa cố thủ, bọn Thát Đát vô cùng tức giận, chúng đang điều động đại binh thủy bộ tấn công rất gấp…

- Không thể để thủy bộ chúng phối hợp nhau được, ba hạm đội chúng ta mang đi từ Đại Việt nay đã đã phát triển thành sáu hạm đội, kỵ binh thảo nguyên sợ nước, chiến đấu trên biển rất kém, trận này chúng ta thừa sức đánh bại lũ Thát Đát đó!

Thất hoàng tử nói với chất giọng đanh thép, ông từ tốn đứng dậy, tung tấm áo choàng trèo lên lưng ngựa. Loài chiến mã có bộ lông trắng muốt như hoa tuyết mùa đông. Dù tuổi đã không còn trẻ nữa, ông vẫn can đảm xông pha giữa trận tiền, đôn đốc tướng sĩ chiến đấu hết mình. Năm đó (1232), một cánh thủy quân Mông Cổ bị Thất hoàng tử đánh tan, chỉ còn cánh bộ chơi vơi trong đất liền không thể tấn công bản doanh Giang Hoa, dù đảo chỉ cách bờ biển có vài dặm đường. Đồng thời, tên tướng Mông Cổ là Saritai bị nhà sư Kim Doãn Hầu lãnh đạo dân quân giết chết ngay tại chiến trường, buộc quân Mông phải cay đắng rút quân. Sau chiến thắng này, Thất hoàng tử càng được người Cao Ly nể trọng, quân dân trong vùng gọi ông là Bạch Mã tướng quân.

*

Nhiều năm sau này, người ta vẫn thấy Bạch Mã tướng quân ngồi một mình trên đỉnh núi cao mãi trông ngóng về trời Nam xa xôi:

"Ngựa Hồ hí gió Bắc,

Chim Việt ở cành Nam"

Tất cả chỉ là một màu biển trầm lặng, hoang vu. Ông đã gieo quả cau cuối cùng vào đất, chôn chặt nó trong tâm can. Dĩ nhiên, cũng như những quả trước đó, nó không thể nảy mầm. Một lão già bảy mươi chín tuổi hoài nhớ quê hương, thật buồn. Vài người con lớn của ông cũng đã già, những đứa cháu sinh ra trên đất người nói rất sõi tiếng Cao Ly, và bập bẹ dần quên tiếng Đại Việt. Quên, để cơn gió cuốn đi hết những lãng quên này. Ông chỉ ước một ngày, khi bốn phương thanh bình, khi nước này và nước kia không còn phân chia biên giới nữa, đám con cháu hậu nhân sẽ đem tro cốt ông trở về chôn cất lại làng Đình Bảng, cùng nằm với vua cha Lý Anh Tông, với các vị tiên hiền triều Lý. Mỗi ngày ông đều đi bộ lên đỉnh núi này, mỗi ngày, đều đặn suốt tháng năm. Một chút hoài nhớ giúp ông sống sót đến cái tuổi ngoài thất thập. Một chút hoài nhớ giờ bảng lảng như sương khói chợt tan mau.

- Thưa cha, năm nay thế quân Thát Đát rất mạnh, chúng đi đến đâu đều đốt phá, hủy hoại ruộng lúa, hoa màu, và thảm sát dân chúng đến đó… Vài thành trấn phía Bắc không chịu nổi nạn đói đã đầu hàng, và quân giặc vẫn xử tử tất cả…

- Chúng đang kéo cả thủy bộ đến đây ư?

Ông vẫn nhìn chân mây đổ bụi, vẫn nhìn làng mạc và ruộng dâu do chính tay những con dân Đại Việt khai phá trên mảnh đất Cao Ly này.

- Bọn Thát Đát thừa biết thủy chiến không thể nào đánh bại chúng ta, tên Jalairtai Qorchi đã phái một cánh kỵ binh rất tinh nhuệ tấn công, e rằng…

- Chúng muốn khóa mặt biển và san bằng thực ấp này ư… Chúng muốn đẩy ta vào con đường cùng… Phải phiêu bạt một lần nữa… Không, con trai à, ta đã quá già… Ta không thể chạy trốn nổi nữa… Ta đã già lắm rồi…

Bạch Mã tướng quân chống gậy chậm rãi đi xuống sườn dốc, rừng thưa thớt, những cây thông reo vang trong gió. Bản nhạc trầm mặc quanh chân thác mồ côi. Vài đàn hươu nhởn nha gặm cỏ.

- Chúng có bao nhiêu kỵ binh?

- Thưa cha, khoảng ba ngàn!

- Chúng ta có sáu ngàn, hai ngàn quân phải phòng thủ mặt biển, vậy là còn bốn ngàn… Bốn ngàn bộ binh chiến đấu với ba ngàn kỵ binh thảo nguyên ư… Con trai, con đã nghĩ ra đối sách nào chưa?

- Chúng ta không thể cố thủ, vì không bao giờ có quân tiếp viện đâu, sau hai mươi mấy năm chiến tranh tàn phá, triều đình Cao Ly đã kiệt quệ rồi…

Ông bỗng dừng lại, xung quanh là một vùng cỏ lau lưa thưa trải dài đến tận chân trời, thật trống vắng, hoang vu và lạnh lẽo:

- Con trai, ta đã cũng đã quá kiệt quệ rồi, hãy để ta được chết trên sa trường, trong trận chiến cuối cùng này…

Bạn đang đọc Hùng Ca Đại Việt sáng tác bởi phamtrongnghia
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi phamtrongnghia
Thời gian
Lượt đọc 83

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.