Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Giáo Hội

Tiểu thuyết gốc · 1837 chữ

Kế hoạch của Đinh Liễn rất lớn. Hắn sẽ phải đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần rất nhiều nhân tài, tinh anh trong mọi lĩnh vực. Mà thời đại này tinh anh nằm trong tay hai thế lực là các gia tộc và Phật - Đạo hai nhà.

Thống nhất Phật – Đạo chính là nắm hết tất cả tinh anh vì Triều đình sử dụng. Người của Phật – Đạo nói thẳng ra đều là những người hoạt động tư tưởng hay như cách nói kiếp trước thì họ là những triết gia, bác học, nhà nghiên cứu. Tinh anh loại này chính là động lực của xã hội và thời đại nào cũng thiếu.

Thứ hai, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa sẽ khiến thời đại vật chất bùng nổ, nhịp sống sẽ tăng cao. Điều này cũng gây ra mặt trái cho xã hội. Con người dễ bị stress, tự kỷ, tăng động, điên loạn hơn. Lúc này tôn giáo sẽ đứng ra với vai trò là các bác sĩ tâm lí, chữa lành vết thương tinh thần, giúp mọi người cân bằng trong cuộc sống. Sự mất cân bằng tâm lí chính là đại diện cho sự hủy diệt.

Thử nghĩ mà xem, kiếp trước tổng thống các quốc gia hạt nhân mà bị stress thì rất có thể cả thế giới sẽ bị chôn vùi sau một cái nhấn nút. Cho nên, tôn giáo là không thể thiếu. Càng hiện đại bao nhiêu, càng cần tôn giáo bấy nhiêu.

Thứ ba, Đinh Liễn muốn nhờ hệ thống giáo hội của Phật – Đạo hai nhà để giám sát nhân dân, giám sát các gia tộc và giám sát gián điệp nước ngoài. Đây chính là hai cơ quan gián điệp của hắn. Chi phí không cao nhưng hiệu quả thì vô đối.

Cứ thử tưởng tượng mỗi làng, mỗi thôn đều có một chùa, một quan, lại có hệ thống tín đồ dày đặc thì thử hỏi gia tộc nào dám phản, gián điệp nào dám hiện thân. Chỉ sợ mới manh nha ý định đã bị phát hiện. Chưa kịp khởi sự đã bị bắt cả ổ. Bất cứ gió thổi, cỏ lay chỗ nào hắn cũng có thể biết trước mà ra tay.

Sau này có mở rộng lãnh thổ, nhị môn cũng sẽ giúp hắn tẩy trắng, khuyên răn dân chúng nơi đó ngoan ngoãn nghe lời. Điều này sẽ giúp Việt hóa các tộc người bản địa thành một tộc bách việt lớn hơn.

Đinh Liễn nói thêm.

“Ngoài ra, ta cũng thành lập một cơ cấu khác gọi là Viện Hàn Lâm Khoa Học Đại Cồ Việt. Tổ chức này sẽ gom toàn bộ những nhà bác học, đa ngành, đa nghề, tinh hoa của dân tộc. Mục đích là nghiên cứu, khám phá, sáng tạo ra những thứ mới của thế giới.

Trong đó có Viện nghiên cứu Triết học và tư tưởng Đại Cồ Việt. Ta muốn mời các vị cũng các vị trưởng lão tham dự vào cơ cấu này. Hai vị thử nghĩ mà xem. Kinh Phật thời Đức Phật không có ghi chép, chỉ thông qua trí nhớ đệ tử mà ghi lại. Mỗi đệ tử thiên phú khác nhau, trí nhớ khác nhau, cách hiểu khác nhau sẽ dẫn đến lời Phật dạy không còn nguyên vẹn. Sau hơn một ngàn năm chép qua, chép lại, lại càng lệch đi ý nghĩa do người chép, người dịch dùng bản ngã của mình soi chiếu. Thế nên độ chính xác của kinh sách hiện giờ cũng không còn nguyên vẹn.

Viện nghiên cứu triết học và tư tưởng chính là hợp sức của nhiều người, nhiều trí tuệ để phục hồi lại giá trị nguyên bản của chúng. Tập hợp tư tưởng của bách gia để hoàn thiện pháp môn cho mình. Các vị tham gia vào sẽ giúp thể ngộ đạo được nâng cao, biết đâu vì thế con đường tu luyện lại tinh tấn hơn một bước, đắc quả thành phật, thành thánh?”

Đại sư Khuông Việt và Trương Ma Ni nghe vậy mặt đỏ lên, tim đập bình bịch hưng phấn. Ý tưởng này quá hay. Quá tuyệt vời. Đây chẳng phải là mục đích tu hành của họ hay sao? Tu hành một đời không vì đắc quả thành Phật, thành Thánh, thành Tiên thì là gì đây.

Đinh Liễn cũng thừa cơ tung bom:

“Ngoài viện nghiên cứu Triết học và tư tưởng, ta thành lập thêm một Viên nghiên cứu khoa học Đại Cồ Việt. Mục đích của viện này là nghiên cứu và phát minh ra các công cụ có thể phát ra pháp thuật hoặc thần thông để người bình thường cũng có thể sử dụng”.

Đại sư Khuông Việt và Trương Ma Ni nghe vậy há mồm thở dốc. Đinh Liễn liệu có phải mê sảng hay không? Người thường không tu hành thì không có pháp lực, không có pháp lực thì làm sao phát ra pháp thuật hay thần thông? Đây là quy tắc chung của thế giới.

Tạo ra công cụ phát ra pháp thuật cũng có như các pháp bảo, vũ khí, bí bảo, bùa chú nhưng muốn kích hoạt thì phải có pháp lực kích hoạt. Không có pháp lực thì vật ấy cũng chỉ là vật chết mà thôi. Quả thật Đinh Liễn nói ra khiến họ rất tò mò.

“Theo ta thấy, những người tu luyện là nhằm cường hóa giác quan hoặc thiên phú. Ví dụ như người bình thường chỉ nhìn được tối đa tám dặm. Giờ ta tạo ra một vật giúp người thường cũng có thể nhìn xa trăm vạn dặm hoặc trăm tỷ dặm thì sao? Đó không phải là thiên lý nhãn sao? Nếu người ta có thể nghe âm thanh từ khoảng cách trăm ngàn dặm thì đó có phải là thiên nhĩ thông?

Nếu người ta có thể nói chuyện với khoảng cách trên có phải là truyền âm nhập mật? Nếu người ta có thể chạy với tốc độ trong nháy mắt có phải là thần túc thông? Nếu người ta có thể bay lượn trên trời có phải chăng đó là khinh công thuật? Nếu người ta có thể lặn sâu dưới biển có phải là Độn thủy thuật...”

Nhị vị đại sư rung động. Nếu như Đinh Liễn có thể tạo ra những vật thần kỳ như vậy thì thế giới này sẽ đảo lộn. Đất nước cũng vì thế mà thống trị cả thế giới. Nhưng như vậy thì họ tu hành có ích gì đây?

“Có phải hai vị trở nên hoang mang và nghi vấn con đường tu luyện của bản thân. Đừng có lo lắng. Công cụ là vật ngoài thân. Không thể so với việc bản thân tu luyện. Có thể tăng cường năng lực sinh tồn cho người thường cũng chỉ giới hạn trong thế giới này thôi. Cùng lắm thì du hành ở mặt trăng chứ làm sao mà đi xa hơn được. Chỉ có người tu hành với đủ khả năng phi thăng. Dựa vào ngoại vật cực kỳ khó”.

Đại sư Khuông Việt và Trương Ma Ni cũng bình tĩnh lại. Đinh Liễn hoàn toàn có lý. Nhưng có thể tạo ra những vật như thế họ cũng sẽ vì thế mà có cái so sánh với bản thân. Từ đó họ sẽ càng tu hành thuận lợi. Với lại, thần thông, pháp thuật cũng chỉ là sản phẩm phụ của con đường tu luyện. Đắc pháp thuật, đắc thần thông không phải là đích đến của việc tu hành. Đích đến là phi thăng lên các vi diện cao hơn. Chìm đắm trong sự kỳ diệu của thần thông chính là bỏ gốc lấy ngọn. Sai lầm của sai lầm.

Nghĩ đến đây đại sư Khuông Việt và Trương Ma Ni cảm thấy thật hưng phấn. Cái gọi là Viện Nghiên cứu khoa học Đại Cồ Việt nhất định phải tham gia. Vì bản thân và vì cả môn phái. Mình không tham gia thì mình thiệt, môn phái mình thiệt. Vũng nước đục này nhất định phải tranh.

“Bệ hạ có chắc chắn hay không?”

“Trẫm chắc chắn. Đã có ý tưởng và một chút kỹ thuật. Chỉ cần có nhiều người cùng ra tay nghiên cứu, con đường này nhất định đi thông. Nếu Phật Đạo hai nhà cũng tham gia thì quá tốt. Thành quả sẽ cùng hưởng chung”.

“Vậy thì đa tạ bệ hạ ưu ái tiến cử”.

“Việc cấp bách bây giờ là sau quốc tang. Trẫm sẽ ban thánh chỉ thành lập giáo hội Phật giáo Đại Cồ Việt và giáo hội đạo giáo Đại Cồ Việt. Hai vị phải tranh thủ tụ họp lại các chùa, quan làm một cái đại hội. Tổ chức cũng phải có ban bệ đàng hoàng. Chức vụ thì các vị tự nghĩ. Muốn đề cử hay bầu bán thì tùy. Có dàn khung xong sẽ bổ sung nhân sự phía sau. Cũng không vội mở rộng quy mô ngay”.

“Tạ ơn bệ hạ”.

“Thế còn việc quốc tang của Tiên Đế, bệ hạ tính sao?”

“Trẫm dự định ngày mai trong buổi chầu sẽ bàn việc này. Quy định rõ ràng cụ thể. Trẫm cũng cần nhị vị bảo hộ đến sự an toàn vì kẻ thủ ác vẫn còn chưa bị bắt. Bọn chúng đã xóa sạch dấu vết nên phải dùng mưu mà định. Gấp quá sẽ túng quá làm liều. Trẫm hiện tại đã biết bọn họ là ai, thiên la địa võng ta cũng đã giăng, chỉ chờ thời cơ thu lưới. Nội loạn không bình, làm sao ta có thể an tâm thực hiện các kế sách phục hưng dân tộc?”

“ Bệ hạ cứ an tâm. Sự an toàn của bệ hạ và hoàng gia cứ giao cho Phật Đạo hai môn chúng ta. Chúng ta cũng phải phát uy, nếu không người ta lại coi thường giẫm đạp. Kính xin bệ hạ cứ sắp xếp”.

“Như vậy, xin đa tạ nhị vị. Người đâu, mau sắp xếp cho hai vị hai gian phòng bên cạnh Dưỡng Tâm điện”. Đinh Liễn khéo léo trục khách

Biết ý, đại sư Khương Việt và đạo sĩ Trương Ma Ni cũng thuận thế mà cáo từ:

“Dạ. Tuân mệnh bệ hạ. Kính xin chư vị đi theo nô tài.” Thái giám bước ra nhận mệnh. Đại sư Khuông Việt và Trương Ma Ni làm lễ đáp lại.

Giờ đây, ba nhà đã như châu chấu trên sợi dây thừng. Bảo hộ nhau cũng là tất nhiên. Cao thủ cũng nhiều. Bên Trung Hoa thì không dám nói bởi Nho môn bên đó là quốc giáo. Còn ở Đại Cồ Việt, Phật Đạo hai nhà vẫn là chủ. Hai nhà đã liên thủ thì dù cường long cũng phải nằm sấp.

---

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 8
Lượt đọc 153

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.