Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Vô Thượng Thánh Nhân

Tiểu thuyết gốc · 2018 chữ

Trong khi giới thượng tầng của đất nước Việt Minh đang khẩn trương họp bàn để tìm cách đối phó với cuộc xâm lăng đến từ phía Nam thì trong dân chúng kinh đô đang nổ ra một làn sóng bàn luận vô cùng to lớn. Từ hang cùng ngõ hẻm, từ quán trà đến quán nước, từ trong nhà đến ngoài đồng, từ công trường cho đến sông ngòi, đâu đâu cũng thấy người bàn luận say sưa. Người trí thức cũng nói, người nông dân cũng nói, người buôn bán cũng nói, đến chúng nô lệ hay nô tì cũng nói. Họ nói về một ông Hoàng Đế thánh nhân lo cho dân cho nước.

Dân chúng người Việt vốn là những người ở tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Trước kia chịu nhục nhã hơn 1000 năm làm nô lệ cho người phương Bắc. Nay giành được độc lập và khai quốc thành công để trở thành những người tự do được hơn chục năm. Cuộc sống hàng ngày thật ra cũng chưa có gì thay đổi, việc làm cứ làm, việc đóng thuế vẫn cứ đóng, người giàu vẫn cứ giàu, người nghèo vẫn cứ nghèo.

Tuy đất nước có Kinh Đô, có Hoàng Đế nhưng các chính sách nhằm thay đổi hiện trạng sinh hoạt của nhân dân thì vẫn chưa có. Tất cả chỉ là độc lập trên danh nghĩa còn cuộc sống của dân chúng thì vẫn khổ sở như xưa. Nay nhân ngày khai trương quảng trường Đinh Tiên Hoàng, Việt Hoàng Đinh Liễn đã chính miệng tuyên bố cách tân đất nước và có nhiều chính sách vì dân. Đây chính là điều mọi người hết sức hưng phấn.

Đầu tiên, người Việt từ nay có sẽ có chữ viết của riêng mình, người Việt sẽ không còn mang tiếng ăn nhờ ở đậu và xài chùa của dân tộc khác nữa. Chính Việt Hoàng là người sáng tạo và cho phép tất cả mọi người đều được học chữ và thậm chí đều phải học chữ. Việt Hoàng đã nói người không biết chữ chính là người mù - mù chữ, cho nên tất cả mọi người dân đều phải học chữ để khai dân trí biến thông minh.

Người thông minh rồi có thể kiếm tiền nhiều hơn, ăn thịt cá nhiều hơn, có thể làm quan để làm nở mày nở mặt tổ tiên, có thể giúp dân giúp nước nhiều hơn. Nếu mọi người dân đều biến thông minh thì đất nước ấy đều toàn người giỏi giang. Vì thế, ngài mong muốn tất cả dân chúng ủng hộ mình đánh đuổi giặc dốt.

Đây là điều xưa nay chưa từng có, chưa từng xảy ra, chưa từng xuất hiện nên dân chúng vô cùng hào hứng và mong chờ. Được học chữ vốn là điều xa xỉ của những người giàu có hay trong tầng lớp trâm anh thế phiệt. Ai cũng biết có học sẽ đổi số phận, thay cuộc đời. Học hành chính là lá bài hộ mệnh cho bản thân và con cháu.

Nhà nào có con đỗ đạt thì chẳng khác nào mộ tổ bốc khói xanh. Làng nào có người đỗ đạt thì đó cũng là vinh hiển của cả làng. Họ nào có người đỗ đạt thì mặt mày nở rộ vui sướng. Xưa kia, người ta không so làng nào nhiều người giàu có mà so xem làng nào nhiều người đỗ đạt vinh hiển.

Người Việt vốn trọng giáo dục từ xưa, người có chữ, người có học tức người có học vấn thường được đánh đồng với người có văn hóa. Thời Bắc thuộc, người Việt đại đa số không được giáo dục đàng hoàng. Các chính quyền không cho phép mở trường dạy học đại trà vì sợ có một ngày người dân biến thông minh sẽ đứng lên lật đổ chính quyền bọn chúng.

Nếu có thì chỉ là các lớp tư nhân dạy cho tầng lớp quan lại giàu có để thuận tiện cho việc sai bảo nô dịch. Hơn nữa. chữ viết cũng là chữ Hán, văn hóa, phong tục người Hán nhằm biến người Việt thành người Hán. Quá trình hơn ngàn năm này gọi là quá trình Hán Hóa.

Bây giờ, Hoàng Đế đã ra pháp chỉ mở trường dạy chữ. Ngay cả các tầng lớp thấp nhất trong xã hội như bọn nô tì, nô lệ cũng được phép học chữ và bắt buộc phải học chữ. Ngươi cứ thử nghĩ mà xem, trên đời này đại đa số mọi người thấy được cái quý giá đều vơ vét vào thân mình chứ mấy ai chịu đem ra chia sẻ với người khác, lại càng ít người buộc người khác phải nhận lấy. Thế nên Việt Hoàng trong dân chúng chính là vô thượng thánh nhân.

Không những Việt Hoàng ra pháp chỉ mở lớp dạy chữ cho toàn thể dân chúng mà ngài ấy còn mở lớp dạy nghề. Đàn bà con gái có trường học dạy nghề riêng, đàn ông con trai vào quân đội cũng được học nghề. Học xong nghề còn được sắp xếp công việc cho làm để kiếm tiền. Ai tài giỏi thì được cho vay tiền mở xưởng hoặc mở cửa hàng. Việt Hoàng nói đây là cuộc chiến thứ hai mà ngài khởi xướng: cuộc chiến chống giặc đói. Cho nên dạy nghề toàn dân là một hành động vô cùng vĩ đại không kém việc dạy chữ.

Trong tay có một nghề có thể đi dạo khắp thiên hạ. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. (*) Có cái nghề trong tay thì không sợ chết đói, giỏi một nghề trong tay thì có thể giàu có. Học chữ là để biến thông minh, học nghề là để kiếm cơm cho giỏi. Nếu ai ai cũng có nghề trong tay thì cơm áo không lo, khi ấy sẽ không còn người đói, không còn người ăn mày, không còn người ăn trộm, ăn cướp, đất nước sẽ phồn vinh thịnh vượng.

Sau khi phát động chiến tranh chống giặc đói, giặc dốt thì Việt Hoàng lại ra chính sách bãi bỏ việc lao dịch trên cả nước. Tất cả người dân nước Việt sẽ không phải đi lao dịch hàng năm nữa. Thay vào đó, khi nhà nước muốn xây dựng cầu đường, kênh mương, thủy lợi, đê điều và các công trình khác đều sẽ theo hình thức tự nguyện làm việc và có trả tiền công hàng tháng.

Nhà nước còn cho phép tư nhân lãnh việc xây dựng các công trình trên của nhà nước. Nhà nước trả tiền, tư nhân tự chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân công và tiến hành xây dựng. Sau khi công trình được kiểm tra và thẩm định đúng thời gian, tiến độ, chất lượng sẽ tiến hành bàn giao cho nhà nước.

Hình thức này quá mới lạ nhưng lại tiềm ẩn nguồn lợi vô cùng to lớn cho những người thông minh, nhanh nhạy, tiềm lực tiền bạc mạnh mẽ. Hơn nữa, cũng tránh được việc ma sát, xung đột lợi ích trực tiếp giữa nhà nước và dân chúng. Nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được nguồn lớn nhân lực và nhân tài vào việc khác.

Với dân chúng phía dưới, việc bãi bỏ lao dịch là tin quá vui vẻ rồi. Cái chữ “lao dịch” và chữ “bắt lính” là ác mộng với dân chúng bao nhiêu đời nay. Giờ bãi bỏ chúng đi khiến mọi tầng lớp nhân dân hân hoan mừng rỡ. Còn công việc xây cất thì nhà nước bảo ai làm, làm như thế nào thì dân chúng không quan tâm.

Chính sách “bắt lính” cũng đã được Việt Hoàng ra pháp chỉ thay đổi. Tuy người dân vẫn phải đi lính một cách bắt buộc không những trong chiến tranh mà còn cả thời bình (chính sách cũ được gọi là Ngụ binh ư nông tức là bắt đi lính khi có chiến tranh, khi hòa bình thì đuổi về trồng lúa) nhưng không phải như trước kia.

Đi lính bắt buộc chỉ có ba năm là để huấn luyện quân sự và để được nhà nước đào tạo nghề. Thời gian đi lính cũng được trả tiền công đàng hoàng như đi làm công bên ngoài. Số tiền này sẽ được gửi về cho gia đình hoặc giữ lại để sau khi giải ngũ làm vốn mở xưởng hoặc cửa tiệm.

Hết hạn thời kỳ đi lính, người muốn giải ngũ sẽ được giải ngũ và được nhà nước sắp xếp công ăn việc làm. Người muốn tiếp tục đi lính thì sẽ được huấn luyện sâu thêm và có thể làm tiến thân theo hướng này và được nhận lương cùng tiền hưu trí.

Khái niệm tiền hưu trí cũng được Việt Hoàng đưa ra lần này. Những người phục vụ cho nhà nước và Việt Hoàng thì sau năm 50 tuổi sẽ được nghỉ làm ở nhà nhưng vẫn nhận được tiền công hàng tháng để sinh sống như khi còn đang làm việc cho đến khi chết mới dừng. Đây là điều chưa bao giờ có trong lịch sử.

Xưa nay, người đi làm công sẽ nhận được lương hưu hàng ngày, hàng tháng hoặc hàng năm. Lương có thể bằng sản phẩm làm ra hoặc lương thực hoặc bằng tiền. Không còn làm nữa thì sẽ không còn được nhận thù lao. Có chăng thì được thưởng cho một khoản tiền gọi là chu cấp một lần đối với những ông chủ tốt. Điều đó khiến cho cuộc sống sinh hoạt khi về già của người dân trở nên bấp bênh nghèo đói.

Vì thế, khi còn sức khỏe, khi còn có thể làm việc thì không ai muốn nghỉ hưu cả. Nghỉ hưu lúc này đồng nghĩa với mất việc và nghèo đói. Cho nên mới nảy sinh ra tư tưởng khi còn đương chức đương quyền thì vơ vét tham nhũng để khi về già còn có của mà tiêu dùng. Người còn đến tuổi nghỉ hưu thì tìm cách ôm quyền cố vị, tư tưởng tiến bộ không còn nữa mà thay bằng sự già nua trì trệ. Người trẻ dù có tài năng cũng không được bổ nhiệm ngay mà phải chờ các cụ hết sức về vườn cái đã mới mong tới lượt mình.

Những người có chức có quyền thay vì dành thời gian lo cho dân cho nước thì dùng trí, dùng sức đấu đá nhau để giữ ghế. Thay vì dành thời gian dạy bảo huấn luyện con cháu thành tài thì lại thả lỏng cho con cháu phá làng phá xóm, khi nam phách nữ, chơi bời trác tác, bất chấp con cháu kém cỏi vô dụng vẫn sắp xếp chỗ này, nhét vào chỗ kia, cơ cấu chỗ nọ.

Một đất nước như vậy dù có là đế quốc hùng mạnh cũng phải suy tàn. Những người khai quốc có vĩ đại đến đâu cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của đế chế trăm năm sau. Không phải do đất nước ấy không có người tài, không phải do đất nước ấy không có đủ tài nguyên, cũng không phải do đất nước ấy gặp thiên tai mất mùa.

Là do đất nước ấy có cơ chế không còn phù hợp, bộ máy cai trị tham nhũng và thối nát. Đất nước ấy bị hủy diệt ngay từ bên trong nó. Cũng như khi con người có hệ thống phòng vệ và sức đề kháng thì người ta sẽ khỏe mạnh. Khi sức đề kháng suy giảm thì chỉ cần một vết thương nhỏ hay một trận cảm sốt cũng đủ khiến họ về với ông bà tổ tiên. Như vậy, tất cả đều do cơ chế mà ra.

---------

(*) Nhất nghệ tinh nhất thân vinh: Giỏi một nghề thì vinh hiển cả đời, giỏi một nghề hơn biết nhiều nghề mà không xuất sắc nghề nào

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Lượt thích 5
Lượt đọc 45

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.