Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Sướng và Khổ

Tiểu thuyết gốc · 2395 chữ

Bóng đêm như tấm màn đen bao phủ cả đại địa, ru nhân loại chìm vào cơn mộng mị. Nhưng ban đêm, cũng là lúc bắt đầu một ngày mới của nhiều loại sinh vật. Ở trong rừng râm, những loài bò sát thân dài không chân nhẹ nhàng uốn lượn qua những tán lá, bụi rậm. Trên ngọn cây, từng đàn dơi há cái hàm rộng phun ra sóng âm xác định phương hướng.

Bên bờ ao hồ văng vẳng tiếng hợp xướng ca của họ hàng nhà ếch nhái. Nhóm Thợ săn và con mồi đang trình diễn những màn rượt đuổi sinh tồn một cách ngoạn mục. Nguy hiểm là như thế nhưng đây lại là hoạt động bình thường nhất trong đêm.

Ai thắng, ai thua nhiều khi không thể nói trước. Bữa nay ta thắng, người trở thành đống thịt nát trong dạ dày ta. Bữa mai ta thua, ta trở thành một loại chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể ngươi. Tất cả, đều không có gì là lạ cả. Thế giới vẫn vận hành theo đúng những pháp tắc được định ra ngay từ khi tạo hóa còn chưa bắt đầu.

Nhà tù hang Hùm nằm trong khuôn viên hoàng cung Hoa Lư, nơi giam giữ những phạm nhân quan trọng. Ánh đuốc vẫn sáng một cách leo lét. Hai hàng ngự lâm quân đứng canh như tượng đá, tay nắm cán đao, ánh mắt bình tĩnh như thể đã đứng đó cả ngàn năm.

Tại sao nơi đây lại giam giữ trọng phạm? Bởi những khinh phạm nếu không được thả thì cũng đã trở thành phân của loài hổ dữ. Những người bị giam, đơn giản là chưa có thời gian xử lý mà thôi. Nhà tù hang Hùm là nhà tù đầu tiên của nước Việt, do chính khai quốc Hoàng Đế Đại Thắng Minh Đinh Bộ Lĩnh thành lập.

Vì sao gọi là hang Hùm. Là bởi loài hổ dữ được nuôi ở chuồng bên cạnh. Phạm nhân bị tử hình bằng cách bị gõ cho ngất rồi ném vào chuồng cọp làm thức ăn. Không có buổi xử kiện nào diễn ra và cũng chẳng có luật pháp nào để có căn cứ và so sánh. Tất cả đều do sự phán đoán chủ quan của Hoàng Đế.

Nhà tù là nói cho sang chứ cũng không phải được xây dựng bằng gạch hay đá mà bản chất chính là một cái hang tự nhiên. Ngoài cửa hang người ta quây lại bằng gạch và vôi vữa. Lối ra duy nhất là cánh cửa bằng gỗ lim. Bên ngoài thì có hai hàng ngự lâm canh giữ.

Ngoài gian tù hang Hùm thì cách đó không xa còn một nhà tù khác gọi là nhà tù Hang cá sấu. Cơ cấu y như hang Hùm, chỉ khác biệt duy nhất là một bên nuôi cọp và một bên nuôi cá sấu. Có lẽ Đinh Bộ Lĩnh cảm thấy chán ngán nếu như chỉ có một cách tử hình phạm nhân bằng cách cho hổ ăn ?

Đinh Liễn dưới sự hộ tống của Thống lĩnh Thiên tử Quân và bộ hạ chậm dãi đi đến hang Hùm. Hắn đến đây tất nhiên là có việc. Nếu vô sự, hắn giờ này đã có thể đang ngồi trong thư phòng xem sách hoặc tán gẫu với yêu tinh hệ thống. Nhưng tại sao hắn lại không đến ban ngày mà đợi đêm tối mới giá lâm nơi đây? Cũng bởi hắn quá bận mà thôi. Thân làm Hoàng Đế, lại đang trong thời kỳ chuyển tiếp thế hệ và chuyển giao quyền lực, hắn có trăm công ngàn việc cần xem xét và xử lý.

Đây chính là sự khác biệt giữa một vị Hoàng Đế và một vị dân thường.

Trong tưởng tượng của người dân, làm Hoàng Đế đương nhiên là sung sướng. Là người lãnh đạo tối cao của đất nước, là một người chủ vĩ đại của quốc gia. Đến bữa không lo bị đói, đi lại có quân theo hầu. Ăn thì toàn của ngon vật lạ như nem công chả phượng, sâm nhung hổ cốt, tổ yến tay gấu. Mặc thì thượng đẳng tơ tằm, cao sang quyền quý. Trong nhà thì tam cung lục viện. 72 phi tần, 3000 mỹ nữ. Tỉnh thì trấn áp thiên hạ, say thì gối đùi mỹ nhân. Đây không phải là nhân gian tiên cảnh, là mơ ước của tất cả sinh linh?

Hoàng Đế thì lại ước ao cuộc sống như một người dân bình thường. Hàng ngày, gà gáy thì dậy đi làm, buổi trưa lăn ra gốc cây mà ngủ, tối về cơm nước no nê là say một giấc nồng đến tận sáng. Cuộc sống ít âu lo, tự do, tự tại như vậy không phải là cuộc sống của thần tiên? Người xưa có câu: ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo.

Thế nhưng, tất cả những hình ảnh đầy ao ước đó đều chỉ là mặt ngoài như đồng tiền đều có hai mặt.

Người ta nhìn thấy Hoàng Đế cao quý, sung sướng vật chất nhưng người ta không nhìn thấy sự cô độc và bất đắc dĩ của đấng chí tôn. Ngươi ăn ngon đấy nhưng mỗi lần ăn ngươi lại lo thức ăn có độc. Ngươi mặc đẹp đó nhưng mỗi lần dạo phố lại sợ bị kẻ thù nhận ra chạy tới xiên vào người. Ngươi nhiều tiền đó, nhưng ngươi tiêu một đồng phải hỏi ý kiến tay chân ( quan lại).

Ngươi cao quý đó, nhưng bên cạnh chẳng có ai để giãi bày. Ngươi đi ngủ với vợ, có thằng đứng bên cạnh nhìn ghi chép. Chưa tận hứng nó la hết giờ. Ngủ thì chỉ ôm gối một mình. Cả nước có bao nhiêu vấn đề? Ngươi phải giải quyết hết. Sai sót người ta bảo ngươi là Hoàng đế tồi. Lâu lâu gọi mỹ nhân ra giải stress, nó bảo ngươi hoang dâm vô độ. Thời tiết hạn hán hay mất mùa, chúng nó kháo do ngươi thất đức hôn quân...

Ngươi luôn phải đề phòng tất cả mọi người từ anh em, thê thiếp, con cái. Ngay cả cha ngươi, ngươi cũng phải đề phòng. Đệ tử, thuộc cấp lại càng phải thế. Ngươi luôn trong trạng thái lo sợ, bất an như thể : luôn có điêu dân muốn hại trẫm. Như vậy là Sướng hay Khổ?

Ngươi bảo ta là bách tính thì sướng ư? Đó chỉ là mặt ngoài. Làm lụng vất vả cũng là ta. Đóng tô đóng thuế cũng là ta. Đi phu lao dịch cũng là ta. Đi lính biên cương vẫn là ta.

Nắng ngoài đồng ta phải chịu. Mưa giông gió giật ta phải chịu. Mất mùa đói kém ta cũng chịu. Con cái đói khổ ta cũng chịu. Bệnh tật đau ốm không tiền không bạc ta cũng chịu....

Như vậy, ta Sướng hay Khổ?

Nếu giờ thay đổi, bắt Hoàng Đế đi cày ngươi sao làm được. Cho người nông dân lên quản lý đất nước, ngươi phải làm sao? Tất cả là bởi hoàn cảnh khác nhau, thiên phú khác nhau, chuyên môn khác nhau, thói quen khác nhau, cuộc sống khác nhau.

Vậy, như nào mới là Sướng, như nào mới là Khổ.

Phật nói: sinh lão bệnh tử là Khổ. Nguyên do là Tham sân si mạn nghi. Muốn thoát bể khổ, quay đầu là bờ... Diệt tham, diệt dục, diệt muốn, diệt cầu, diệt ham, diệt báo...vô ngã, vô thường. Niết bàn hết Khổ.

Chúa Je Su nói: Khổ bởi ít tình yêu, thiếu tình thương. Muốn sướng, bớt khổ hãy yêu nhau đi. Yêu không phân biệt, yêu không biên giới, yêu không lý do, yêu là hết thảy. Tình yêu đủ lớn sẽ không thấy Khổ. Tình thương đủ nhiều sẽ không thấy thiệt. Đó là tinh thần Đại Ái.

Lão tử lại nói: Khổ chính là bởi vì tranh giành. "Người đánh xe giỏi không xông bừa tới trước. Người chiến đấu giỏi không giận dữ, khéo thắng địch là không tranh với địch, khéo dùng người là hạ mình ở dưới người. Đó là cái đức của sự không tranh, đó là cái khéo của sự dùng người, đó là hợp với chỗ cùng cực của Đạo Trời.

Ngũ sắc làm người ta mờ mắt; ngũ âm làm người ta ù tai; ngũ vị làm người ta tê lưỡi, hưởng thụ làm cho người ta mê muội, vàng bạc làm cho hành vi người ta xấu xa. Cho nên bậc đắc đạo cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái xa xỉ, đa dục mà chọn cái chất phác, vô dục. Bậc đắc đạo bận áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.

Trời đất vĩnh cửu. Trời đất vĩnh cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.

Người đắc đạo đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì họ không tư lợi mà thành được việc riêng của mình ư?" (*)

Khổng Tử lại nói: Khổ là bởi vì thế gian không có trật tự. Ai cũng tư lợi, ai cũng muốn hơn, ai cũng muốn nhiều cho nên mới Khổ. Muốn hết khổ phải lập lại trật tự.

Vua ra vua, tôi ra tôi nên có Cương Quân thần. Chồng ra chồng, vợ ra vợ ấy là Cương Phu Thê. Cha ra cha, con ra con ấy là Cương Phụ Tử. Đó là Tam Cương.

Lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí , Tín làm tiêu chuẩn phân chia kẻ tiểu nhân và bậc quân tử. Ấy là Ngũ thường.

Cá nhân lấy tu thân làm trọng. Có khả năng thì tề gia. Có năng lực thì trị quốc, có sức mạnh thì bình thiên hạ.

Muốn cho xã hội bớt khổ phải xây trường, dựng lớp, giáo hóa chúng sinh, nâng cấp tư tưởng cho dân chúng.

Pháp gia tuy có cái nhìn giống Nho gia về nguyên nhân cái khổ nhưng biện pháp lại khác hẳn. Định ra quy tắc, xây dựng pháp luật, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Nhà tù, quân đội chính là công cụ để giải quyết nỗi Khổ.

Như vậy, các vĩ nhân đều có cái nhìn khác nhau về Sướng và Khổ. Họ cũng đều nêu ra phương pháp giải quyết. Như vậy, rốt cuộc ai đúng ai sai?

Thật ra, ai cũng đúng cả. Khổ hay Sướng thật ra chỉ là một loại cảm xúc, một loại ý thức. Như vậy Sướng Khổ do Tâm. Tùy Tâm mà sinh, tùy Tâm mà diệt. Khi bạn làm chủ được cảm xúc, làm chủ được ý thức , làm chủ được hành động, làm chủ được thói quen, làm chủ được thái độ, tức bạn làm chủ được số phận chính mình.

Khi bạn làm chủ được chính mình, đó là bạn đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Trạng thái này gọi là Niết bàn, ngộ đạo.

Có một câu chuyện thế này:

Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị hành giả ghé thăm chùa. Hành giả biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng: “Trước khi đắc Đạo, ngài đã làm những gì?”

Lão hòa thượng trả lời: “Ta chẻ củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”

Lão hòa thượng nói: “Ta vẫn chẻ củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả lại hỏi: “Vậy cái gì gọi là đắc Đạo?”

Lão hòa thượng ôn tồn trả lời: “Trước khi đắc Đạo, lúc chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ về nấu cơm, nấu cơm rồi lại lo ngày mai đi chẻ củi gánh nước. Sau khi đắc Đạo, chẻ củi thì là chẻ củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì là nấu cơm.”

Kỳ thực, đắc Đạo hay chưa chỉ khác nhau ở một chữ “Tâm” này mà thôi. Trước khi đắc Đạo, lão hòa thượng cũng giống như những người phàm phu khác, tâm không thể tĩnh tại, làm chuyện gì cũng nghĩ tưởng về quá khứ và tương lai. Chỉ khi đã khắc chế cái tâm này, thì lòng người mới có thể ung dung tự tại, tinh thần mới có thể thảnh thơi…

Vậy mới nói, hết thảy mọi phiền não trong đời là bởi tâm phàm quá nặng. Chỉ khi buông bỏ mọi dính mắc trong tâm, chúng ta mới có thể giải thoát chính mình. Đạo Phật giảng “xả”, giảng “buông”, khuyên con người hãy từ bỏ mọi chấp trước và dục vọng, bởi chỉ khi đã xem nhẹ mọi thăng trầm thì nội tâm mới có thể an nhiên.

" Vì sao cuộc sống lại quá mệt mỏi?"

Đó là bởi những thứ kiểm soát tâm trạng của bạn có quá nhiều! Ví như sự thay đổi của thời tiết, sự nóng lạnh của tình người, những phong cảnh khác nhau, v.v. đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.

Và tất nhiên, đó đều là những thứ mà bạn không thể kiểm soát. Nếu không thể kiểm soát, sao không xem nhẹ chúng đi. Khi đã xem nhẹ rồi, thì bầu trời dẫu u ám hay trong xanh, con người dẫu chia ly hay tái hợp, vạn vật dẫu xoay vần biến đổi,thì lòng ta an nhiên không sợ hãi, thuận theo tự nhiên mà yên ổn.

Nỗi đau của hôm nay bắt nguồn từ sự phóng túng của hôm qua; nỗi khổ của đời này đều do nghiệp chướng từ kiếp trước. Bởi vậy, biết đối diện với hoàn cảnh, chấp nhận thực tại, sống thuận theo tự nhiên, thì tất cả mọi buồn phiền hay oán trách mới có thể tan hòa vào trong sự cảm ân…

---------

P/s: Chương này đề cập đến Sướng và Khổ , đề tài triết học muôn thuở. Tác đã lồng ghép vào để độc giả có nhiều góc nhìn khác nhau về nhân sinh quan.

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Lượt thích 2
Lượt đọc 81

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.