Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Đôi đũa tiêu chuẩn make in Việt Nam

Tiểu thuyết gốc · 1968 chữ

Thư phòng Dưỡng Tâm Điện,

Đinh Liễn nghe đến đây thì trong lòng cũng sôi trào niềm tự hào vô bờ bến. Hắn là một người Việt. Hắn đã biết hắn thừa hưởng dòng máu của một trong những dân tộc văn minh nhất thế giới. Tổ tiên của hắn đã để lại cho con cháu một thần khí vô cùng lợi hại. Đó chính là đôi đũa thần kỳ. Không phải thần khí dùng để chinh phạt chém giết như đao, kiếm, rìu, búa như các dân tộc khác mà là đôi đũa dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Đao kiếm búa rìu là lợi khí giết người, đại diện cho máu tanh, man rợ, đau đớn, bất hạnh. Còn đôi đũa lại đại diện cho sinh hoạt, vui vẻ, hòa bình, hạnh phúc. Xét cho cùng, tất cả muôn loài, tất cả cá nhân, tất cả dân tộc, tất cả đất nước không phải cũng truy tìm cái đích là hạnh phúc đó ư.

Đinh Liễn liền nhìn về phía Phú Thọ - nơi từng là kinh đô của 18 đời Hùng Vương rồi quỳ xuống khấu đầu 3 cái.

Khấu đầu thứ nhất hắn đại diện cho toàn tộc Đại Cồ Việt cảm tạ ân đức của tổ tiên. Khấu đầu thứ hai hắn đại diện cho con cháu Lạc Hồng nhận lỗi với tổ tiên vì sự lãng quên bấy lâu nay. Khấu đầu thứ ba, hắn thề nguyện kiếp này sẽ lấy lại tất cả những gì đã mất, lật lại tất cả những gì lịch sử đã lãng quên, lan tỏa công đức của tổ tiên đi khắp muôn nơi.

Khi hắn đứng lên, hai hàng nước mắt đã chảy dài trên má. Đôi đũa, vật bình thường đến không thể bình thường hơn lại có lai lịch cổ xưa như vậy. Mọi người đang sử dụng nó hàng ngày nhưng có mấy ai có thể nhớ đến truyền thuyết kia? Có mấy ai có thể hiểu được ý nghĩa của nó to lớn như thế nào đối với cuộc sống? Có mấy ai cảm ơn ân đức của tổ tiên?

Đinh Liễn quay lại hỏi yêu tinh hệ thống : " Như vậy, ai là người đầu tiên chế tạo ra đôi đũa, ngươi có biết không?"

Yêu tinh hệ thống gật đầu:

“Đôi đũa không phải là bảo vật bình thường, nó là bảo vật khí vận, bảo vật tượng trưng cho cả một nền văn minh. Thế nên sự ra đời của nó cũng không thuận lợi mà tràn đầy trắc trở. Các thế hệ Lạc Việt phải tìm kiếm rất nhiều nguyên liệu, rồi lại phải suy nghĩ xem tạo hình nó như thế nào. Điêu khắc lên đó những gì. Cuối cùng là công đoạn chế tạo mới gian nan”.

Đinh Liễn ngạc nhiên: " Chế tạo thì có gì gian nan chứ?"

"Sao lại không gian nan? Bảo vật khí vận là loại bảo vật ẩn chứa khí vận cho cả một dân tộc, đôi đũa không những chỉ dành cho mỗi Lạc Việt mà cho cả nền văn minh Bách Việt thế nên phải dùng khí vận của cả bộ tộc lớn.

Đó là chưa kể đến đồ hình khắc trên đó cũng phải đại diện cho cả nền văn minh. Nếu nguyên liệu không đủ độ cứng và độ dẻo dai thì tất không thể thành công gánh chịu năng lượng khí vận. Ngay cả nguyên liệu đồng thau dùng để chế tạo Trống Đồng cũng bị thiên phạt đánh cho tan nát. Suốt cả trăm năm, bộ tộc Bách Việt thất bại không biết bao nhiêu lần.

Đến cuối cùng, vợ chồng Quốc phụ Lạc Long Quân và quốc mẫu Âu Cơ phải lên đỉnh Ngũ Lĩnh (*) tế thiên xin chỉ dẫn mới biết là muốn chế tạo thành công phải dùng nguyên liệu là vật sống chứ không phải là vật chết như Đồng hay Sắt. Mà vật sống thì bao gồm cả động vật lẫn thực vật.

Sau này, chính linh vật chim Lạc chỉ dẫn thì vợ chồng Quốc phụ Lạc Long Quân mới tìm đến núi Nghĩa Lĩnh ( Phú Thọ), nơi đây có cây tre tổ gọi là Tre Trăm Đốt. Tre Trăm Đốt là Mộc Tổ Thần của người Việt, ban đầu có 108 đốt tre. Khi vợ chồng Lạc Long Quân đến thì đạt được thỏa thuận với Mộc Thần.

Mộc Thần cho 8 đốt tre về làm nguyên liệu làm bảo vật trấn khí cho Bách Việt. Bù lại, các thế hệ Hùng Vương phải về đây lập Kinh Đô để trấn áp tổ long mạch. Theo truyền thuyết thì 18 đời Hùng Vương có tất cả 108 vị Vua. Vị cuối cùng chính bị mất nước vào tay Thục Phán An Dương Vương của tộc Âu Việt. Sau đó là sự ra đời của một đất nước nước mới, tên là Âu Lạc.

Có 8 đốt tổ tre làm nguyên liệu, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Trong suốt 9 năm 9 tháng 9 ngày 9 giờ, bảo vật Đôi đũa thần kỳ hoàn thành. Ngày hôm đó mây đen ngàn dặm, sấm chớp dày đặc như trút nước. Long cung Động Đình Hồ chao đảo muốn tan vỡ.

Vạn vật hèn mọn cúi thấp đầu lâu, nằm rạp xuống mặt đất thần phục. Hàng tỷ tia sét đánh xuống thần khí này như muốn ngăn cấm, lại như rèn luyện. Cuối cùng, vợ chồng Lạc Long Quân phải dùng cấm huyết bản mệnh khắc hình rồng phượng lên thân đôi đũa mới có thể đại công cáo thành.

Sau khi, bảo vật ra đời, mây ngũ sắc phủ bóng ba ngàn dặm. Ánh sáng màu tím lung linh huyền ảo như tiên cảnh. Khí vận Quốc Gia Bách Việt trường thịnh kéo dài không ngớt. Suốt hơn 2000 năm bảo hộ tộc Việt trước mọi sự xâm lấn của người Hoa hạ.

Từ đó trở đi, đôi đũa bằng tre được nhân dân Bách Việt chế tạo và sử dụng hàng ngày trong sinh hoạt. Bị ảnh hưởng bởi tư tưởng mẫu hệ nên đũa cũng được phân ra làm đũa ăn và đũa cả. Đũa cả dùng để đảo cơm hoặc quấy bột. Đũa ăn thì dùng để ăn.

Vì đôi đũa là bảo vật đại diện cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước nên mang một ý nghĩa đặc biệt. Một đôi đũa tiêu chuẩn của người Việt phải có chiều dài khoảng hai tấc tư tức 24 cm đại diện cho 24 tiết khí trong năm.

24 tiết khí trong năm được chia làm 4 loại như sau:

Biểu thị sự nóng lạnh thay đổi cho nhau có 8 tiết khí: Lập xuân, Xuân Phân; Lập Hạ, Hạ chí; Lập thu, Thu Phân; Lập Đông, Đông Chí.

Biểu thị cho nhiệt độ thay đổi có 5 tiết khí: Tiểu Thử, Đại Thử, Xử Thử, Tiểu Hàn, Đại Hàn.

Biểu thị cho sự liên quan đến mưa, nước có 7 tiết khí: Vũ Thủy, Cốc Vũ, Bạch Lộ, Hàn Lộ, Sương Giáng, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết.

Biểu thị cho sự vật, hiện tượng có 4 tiết khí: Kinh Trập, Thanh Minh, Tiểu Mãn, Mang Chủng.

Đôi đũa có hai đầu, một đầu nhỏ tròn đại diện cho Trời. Một đầu to vuông đại diện cho Đất. Đây là thuyết Trời tròn đất vuông của người xưa.

Đôi đũa được sơn hai màu đen trắng, màu đen ở phía đầu vuông, màu trắng ở phía đầu tròn tượng trưng cho Âm Dương giao thế.

Đôi đũa có hai cái tượng trưng cho hai cái chân tức là Người. Khi so đũa, đầu vuông sẽ chống xuống đất, đầu tròn sẽ chổng lên trời. Điều này có nghĩa là Đầu đội trời chân đạp đất.

Người là vạn vật chi linh, bảo là thiên địa chi tinh.

Đôi đũa có cả Trời, Đất, Người phù hợp với thuyết Tam Tài: Thiên - Địa - Nhân của người xưa.

Thân Vuông khắc hình phượng hoàng đại diện cho nữ tức mẹ Âu Cơ, thân Tròn khắc hình rồng đại diện cho nam tức Cha Lạc Long Quân. Đôi đũa có cả Cha và Mẹ có ý nghĩa là truyền thừa, tổ tiên, kính trọng, biết ơn".

Nguyên liệu đôi đũa cũng phải làm bằng thân cây tre già mới chuẩn. Tre vốn là cây thân cỏ khổng lồ mọc rậm rạp ở các vùng đồng bằng Bách Việt. (**)

Đây là nguyên liệu có sẵn, dễ tìm, dễ chế tạo. Cây tre đã trở thành một phần văn hóa trong tâm thức người Việt. Trong sinh hoạt thường ngày đến những lúc quốc nạn lâm nguy, cây tre luôn là biểu tượng cao đẹp nhất đại diện cho con người Việt, dân tộc Việt.

Đinh Liễn nghe một tràng dài như si, như say. Quá ý nghĩa. Hắn chưa bao giờ nghe thấy có một truyền thuyết nào hay đến thế. Cho dù kiếp trước có tra Google cũng không lấy đâu ra câu chuyện như thế này. Thế mà, đại đa phần cứ nghĩa đôi đũa do người Hoa Hạ sáng chế ra đấy. Hừ, dân du mục chỉ có ăn bốc chứ lấy đâu ra đũa mà ăn. Chỉ có chính gốc dân Nông nghiệp mới có thể tạo ra loại thần khí này.

-----

P/s: Chương này là tác PR cho đặc sản của người Việt nên các độc giả hãy ủng hộ nhé.

(*) Cây tre trong tâm thức người Việt

Cây tre (với nhiều loại khác nhau: trúc, mai, vầu, nứạ..) có ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng có lẽ khu vực Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa mới chính là quê hương, xứ sở của tre và các sản phẩm văn hoá từ tre.

Tại Việt Nam, có nhiều tộc người sống gần gũi cùng cây tre, bảo lưu nhiều giá trị văn hoá từ cây tre. Tuy nhiên, trong văn hoá của người Việt (tộc đa số của Việt Nam), cây tre chiếm một vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả.

Đặc biệt, trong tâm thức Việt, cây tre được coi là một biểu tượng của người Việt, đất Việt. Không ngẫu nhiên, sự tích của loại tre thân vàng đã được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của họ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Thánh Gióng chính là hoá thân của Thần Thợ Rèn - Thần Trống - Thần Chiến Tranh của người Việt cổ. Mặt khác, Thánh Gióng cùng với vũ khí là cây tre là biểu bượng cho sức mạnh chiến thắng thần kì, đột biến của nước Việt Nam đối với những kẻ thù xâm lược lớn, mạnh, phát triển hơn mình gấp bội.

Rất có thể, hình tượng vươn vai lớn dậy hoá thành người khổng lồ của cậu bé làng Gióng có liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của cây tre (theo các nhà thực vật học, trong điều kiện lý tưởng, cây tre có thể cao thêm 15-20 cm mỗi ngày).

Cùng với mái đình, cây đa, bến nước, một hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền (nhất là ở miền Bắc) là luỹ tre xanh quanh làng. Với các luỹ tre xanh ấy, trong nhiều thời kỳ lịch sử, làng Việt đã trở thành những "pháo đài xanh" chống xâm lược, chống thiên tai, chống đồng hoá.

Luỹ tre đã trở thành chiến luỹ và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công và hầm trú ẩn cho các cuộc chiến tranh nhân dân và du kích lâu dài cũng như cho công cuộc trị thuỷ của người Việt.

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Lượt thích 6
Lượt đọc 78

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.