Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 63

Phiên bản Dịch · 1011 chữ

PRẾT - VI - HIA MÙA KHÔ 1979.

Đầu tháng 4/ 1979, sư đoàn 307 bước vào giai đoạn củng cố lực lượng và xây dựng thế phòng thủ chiến lược. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phối thuộc cùng f309 giải phóng và truy quét tàn quân địch ở Mundunkiri, trung đoàn 94 về lại đội hình sư đoàn 307, sư đoàn 309 bằng đường không và đường bộ đã lật cánh sang MT479 cùng với e726 của Đắc Lắk (hay Gia Lai?), thay thế khu vực này là sư đoàn 2 chủ lực quân khu 5, đơn vị có truyền thống “cho thuê” chi viện cho các mặt trận ngoài Quân khu 5, vừa nghi binh rút khỏi đội hình Quân đoàn 4, về nước bằng đường không lẫn đường bộ, sau đó vòng lại truy quét chiến trường Đông bắc, qua ngõ Quốc lộ 13 Tây Ninh – Stungtreng – Vonsai – Konhek (đơn vị của các bác Hungnt E1F2, Vutrieuduong E1F2) đồng thời với việc tăng cường lực lượng từ hậu phương sang như sư đoàn 315 (đơn vị của bác dongminhkh) được bố trí đến bờ sông Mê Kông, trung đoàn 20 CANDVT tăng cường cho tỉnh Preah Vihear, các đoàn chuyên gia được thành lập từ đoàn 5501 đến đoàn 5504. Đoàn 5504 phụ trách địa bàn tỉnh Preah Vihear, căn cứ đoàn bộ ở thị xã Kulen và Phnom Thbeng, chịu trách nhiệm từ Rovieng giáp với lực lượng của QK7 (tỉnh Congpong Thom) và đến núi Hồng của f302 QK7. Bản đồ tác chiến của mặt trận 579 ở Phòng Tham mưu f307, chằng chịt các kí hiệu di chuyển và bố trí quân, tình hình chiến trường lúc đó yêu cầu tính khẩn trương cao độ của toàn MT579.

Tiểu đoàn 210 (e20 CANDVT) được đưa vào thay thế cho d1 e95, trấn thủ chùa Preah Vihear, đội hình d1 e95 được chuyển về địa bàn Phum Kamtuot (c1 ở hướng đông, c2 do quân số còn ít tăng cường thêm c4 bố trí tại Phum Char, c3 bố trí ở ngầm Saem là giao lộ của đường 69 và 120, khối d bộ bố trí trong Phum Kamtuot). Có sự thay đổi lớn về nhân sự trong thời gian này, Thiếu tá Ma Thanh Toàn e trưởng e95 (sau này là Tư lệnh QK2) cùng một số cán bộ cấp trung đoàn, tiểu đoàn về nước đi học và chuyển vùng, đội ngũ cán bộ cấp b,c cũng về Hòa Cầm - Đà Nẵng học trường quân chính của Quân khu 5, đội ngũ này cuối năm 1979 đầu năm 1980 trở lại đơn vị, thay thế các vị trí do sự thuyên chuyển. Trung đoàn 95 thành lập thêm d10 để bảo vệ khu vực e bộ (d trưởng đầu tiên là Trịnh Minh Hổ sau này là Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Bình Định). Lực lượng trinh sát Sư đoàn lúc này mới thực sự tập trung, chốt ở phía bắc f bộ f307 tại giao lộ 120 và 69 (ngầm Saem), suốt cả hành trình chiến dịch bị chia năm xẻ bảy, anh em trong toàn đơn vị bây giờ mới tập trung, chăm lo củng cố xây dựng đơn vị, trong sư đoàn chỉ có C trinh sát là không có ai thuyên chuyển, vì quân số còn ít, cơ bản sử dụng cán bộ tại chỗ, anh em hầu hết là lính mới nhập ngũ các năm 1977, 1978. BCH đến tháng 9/ 1979 mới bổ sung hoàn chỉnh đủ bốn người, từ các đơn vị của d32 trinh sát QK đi học chuyển về.

Tháng 9/ 1979 sau đợt bổ sung quân số tháng 7/ 1979 bao gồm anh em các tỉnh QK5 (đa số là Khánh Hòa) toàn Sư đoàn bước vào đợt truy quét đầu tiên sau chiến dịch. Được e20 CANDVT hỗ trợ phía sau của địa bàn, mỗi e có một d thực hiện nhiệm vụ này. Vốn gắn bó với e95 ngay từ chiến dịch, tôi được điều về trung đoàn “anh cả” này cùng hơn mười anh em khác. Khó khăn lớn nhất lúc đó của anh em ta là quân trang, hầu như không ai còn bộ quần áo nào lành lặn, nhiều anh em bộ binh phải dùng cả dây kẽm mìn KP2, khâu những đường chỉ đã bị bung, giày vải đã hư toàn bộ, nhìn anh em CANDVT được trang bị giày bata thấp cổ ai cũng thích. Nhìn đoàn chiến sĩ ra đi trong trang bị như vậy, cả Tư lệnh Phạm Bân và Chính ủy Lê Lung không khỏi chạnh lòng, chính Tư lệnh cũng vào kiểm tra công tác chuẩn bị của d1 e95 với đôi giày đã không còn nguyên vẹn.

Cánh quân thứ hai của đợt truy quét là d7 e29 thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Cầu Cháy (giáp với địa bàn của đoàn 5504) về hướng Anlongveng, để có thể hỗ trợ cánh quân của d1e95 từ phía sau, nếu có tình huống không thuận lợi. Để bảo đảm cho bộ đội cơ động nhanh và hiệu quả, vì địa hình truy quét khá khó khăn, phải vượt qua nhiều suối lớn, ta chỉ dùng hỏa lực cá nhân là chính, hạn chế dùng hỏa lực mang vác nặng, đội hình truy quét hướng e29 được hỗ trợ pháo binh của e572 QK5 tại Kulen, và e95, e94 vẫn giới hạn trong tầm pháo chi viện của sư đoàn.

Cánh thứ ba là d4 e94 do mới về lại đội hình sư đoàn, nên nhiệm vụ truy quét có phần hạn chế hơn, đảm bảo địa hình khu vực núi Cụt về đến Choamkhsan cùng với e576 pháo binh của f.

Sau lễ Quốc Khánh 2 – 9 đội hình truy quét của các hướng trong toàn sư đoàn 307 lên đường, giữa những cơn mưa lớn, triền miên của vùng cực bắc Campuchia.

Một nhiệm vụ mới bắt đầu, với muôn vàn khó khăn vất vả ở phía trước.

Bạn đang đọc Kí Ức Của Một Người Lính Trinh Sát Sư 307 của Võ Văn Hà
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.