Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

tai họa ngầm của nhà họ Hoàng

Phiên bản Dịch · 1644 chữ

Bên trong Phi Long Đình tại núi Lộc, Tư Mã Huy cùng Bàng Đức Công trò chuyện rất vui vẻ. Cả hai tuổi tác đã cao, rất nhiều chuyện đều nhìn thoáng, cầm lên được thì thả xuống được, nhưng học vấn cả đời không lẽ cũng mang theo xuống âm phủ?

Nếu như nói Bàng Đức Công kế thừa triết học Hoàng Lão, vậy thì trong Kinh Thư, Tư Mã Huy chính là người kế thừa trường phái cổ văn thượng thư.

Ban đầu theo sử ký Tư Mã Thiên, Kinh Thư có hai bản gồm kim văn với 29 thiên và cổ văn với 58 thiên. Hai trường phái hình thành từ sự kiện đốt sách chôn nho của Tần Thủy Hoàng.

Nói đi cũng phải nói lại, Lý Tư đã bảo với Tần Thủy Hoàng:

“Thần cho rằng thiên hạ thời xưa loạn lạc là do chư hầu phân tranh, lấy lời xưa để chê thời nay, dùng ý hàm hồ để nhiễu loạn đời thực. Người đời chỉ giỏi những thứ cá nhân vặt vãnh mà không có nền học vấn chính thống. Nay bệ hạ đã nắm được xã tắc, vì vậy thần đề nghị ngoài những học sĩ có quyền hạn sở hữu sách, phải đốt hết những sách chép lại luận điệu Bách gia chư tử, ba mươi ngày sau ai còn giữ sách sẽ bị xăm mình và đày ra Vạn Lý Trường thành. Nếu có người dám dùng lịch sử xét lại, hãy tru di tam tộc.”

Thật ra chiếu thư chỉ giới hạn trong bá quan văn võ, nhưng tin tức truyền ra ngoài làm người dân sợ hãi, họ cũng đốt sách của mình để tránh tai vạ. Trừ sách y học ra, những sách khác đều bị đốt rất nhiều. Sau đó Hạng Vũ đánh gục nhà Tần, cho đốt hoàng cung dẫn đến số sách còn lưu giữ cũng mất đi rất nhiều. Đến tận thời Hán, người ta mới tìm cách phục hồi chúng.

Tục truyền rằng tác giả kim văn thượng thư tên Phục Sinh phải dấu sách trong vách. Đến đời Hán Văn Đế, lão quay về tìm thì Kinh Thư mất đi vài chục chương, chỉ còn sót lại 29 thiên. Sau đó Phục Sinh dạy cho Âu Dương Sinh, Hạ Hầu Thắng (Đại Hạ Hầu), Hạ Hầu Kiến (Tiểu Hạ Hầu), cho nên trường phái kim văn dùng ba bản chú giải của ba nhà này làm gốc.

Về trường phái cổ văn, Lỗ Cung Vương Lưu Dư thời Hán Vũ Đế cho dỡ bỏ nhà cũ của Khổng Tử ở Sơn Đông để mở rộng hành cung, tình cờ phát hiện một bản Kinh Thư được viết bằng chữ khoa đẩu, một loại chữ viết của tộc Bách Việt cổ, cùng với bản Lễ Ký, Luận Ngữ, Hiếu Kinh. Bản kinh thư có tổng cộng 29 thiên, Khổng An Quốc là hậu duệ của Khổng Tử biên thêm 16 thiên và dùng chữ kim văn tìm thêm được 13 thiên nữa.

Với tư cách là người kế thừa trường phái cổ văn, trong quan niệm của Tư Mã Huy, chỉ có cổ văn thượng thư mới thật sự là Kinh Thư. Ngược lại đồ chơi như kim văn thượng thư pha tạp quá nhiều sự kiện dân gian không có thật, tất nhiên nội dung sẽ không được trọn vẹn, đồng thời chẳng truyền tải được gì cho đời sau.

Vì thế khi Kinh Thư phiên bản Trịnh Huyền ra đời, lại được triều đình tôn làm kinh học chủ đạo, Tư Mã Huy tất nhiên đứng ngồi không yên mới chạy đi tìm Bàng Đức Công. Hiện tại thấy kế hoạch của mình và Bàng Đức Công diễn ra êm đẹp, lão không khỏi vui mừng.

Hai người trò chuyện một chút, bỗng nhiên Tư Mã Huy chỉ xuống chân núi:

“Ôi quý hóa quá! Hoàng Công cũng ghé chơi nha!”

Cả ba gặp nhau cũng vô cùng vui vẻ. Tư Mã Huy cười bảo:

“Tốt tốt! Sức khỏe Hoàng Công gần đây thế nào? Có việc gì mà đến tận đây?”

Hoàng Thừa Ngạn cũng cười, chỉ vào Tư Mã Huy và nói:

“Ngươi đến được thì ta cũng đến được. Bàng Công còn chưa nói gì, ngươi định đảo khách thành chủ hả?”

Tư Mã Huy cũng không tức giận, đã đấu khẩu với nhau mấy chục năm rồi, lão cười tủm tỉm lắc đầu:

“Tốt tốt! Nói vậy cũng có vài phần đạo lý, bất quá ta đang thay mặt Bàng Công nói về tương lai của chúng ta.”

Bàng Đức Công một bên cười to:

“Xùy, ta không cần ngươi thay mặt ta nha.”

Cười đùa một trận, ba người cũng dần dần nói về việc chính. Tư Mã Huy không ngại ngùng gì nữa, dù sao Hoàng Thừa Ngạn đã đồng ý tham gia, nên lão kể lại những chuyến thăm viếng của mình, sau đó mới nói đến người ở dưới chân núi là Từ Phúc.

Thật ra Từ Phúc không gọi là Từ Phúc, hắn tên Từ Thứ mới đúng, Tư Mã Huy đi ngang Dĩnh Xuyên tình cờ gặp gõ, phát hiện kẻ này tuy xúc động nhất thời đã phạm tội nhưng lại thể hiện quyết tâm bỏ võ sang văn, dốc lòng cầu học.

Sau đó Tư Mã Huy lại nhận ra dù kẻ này chẳng có chút nền móng học vấn nào cả, tuy nhiên lại có tài học hỏi cực nhanh, bản thân hắn cũng vô cùng chăm chỉ. Vì vậy trong lúc nhất thời lão quyết định đưa danh thiếp mình cho Từ Thứ, bảo hắn đến chỗ Bàng Đức Công.

Dè đâu Bàng Đức Công vừa gặp đã đồng ý cho Từ Thứ ở lại làm Tư Mã Huy có một bất ngờ ngoài ý muốn, chuyện này đại biểu cho việc Bàng Đức Công sẵn lòng truyền thụ một ít tri thức của lão cho Từ Thứ. Bàng Đức Công cũng gật đầu nói:

“Từ Thứ này dù bề ngoài thô lỗ, có điều tâm tư cẩn thận. Tuy không có nhiều học vấn nhưng những gì đã học đều được hắn nghiên cứu rất sâu. Thế là ta quyết định giữ hắn lại.”

Ôi chao, vậy thì tốt quá, xem như đây là một khởi đầu tốt đẹp chứ nhỉ? Tư Mã Huy cũng gật đầu đồng ý, cười ra hiệu Hoàng Thừa Ngạn, phần của ta đã xong rồi, giờ tới phiên ngươi đó. Hoàng Thừa Ngạn lại có chút chần chờ, nhưng suy nghĩ một hồi vẫn quyết định nói với hai người bạn già.

Người ở đất Kinh Châu thường ngày đều thấy Hoàng Thừa Ngạn suốt ngày cười ha hả, nhưng trên thực tế lão cũng có nỗi lo riêng của mình, và việc làm lão lo nhất chính là nhà họ Hoàng chưa có người kế thừa. Đáng lý ra Hoàng Thừa Ngạn cũng có một người con trai, tuy nhiên thời cổ đại mà, trẻ sơ sinh chết nhiều hơn cả cơm ăn.

Hiện nay Hoàng Nguyệt Anh đã lớn, bộc lộ tài hoa ngút trời. Nàng vô cùng thông minh, lại được Hoàng Thừa Ngạn yêu thương, nhưng các thành viên trong gia tộc lại nhất quyết không chịu để một cô gái kế thừa chức gia chủ. Tiếp đến Hoàng Nguyệt Anh chưa chịu kết hôn, điều này làm Hoàng Thừa Ngạn rầu rĩ hết sức.

Cũng chính vì hai nguyên nhân này, làm cho tiền đồ cô không hề ổn định. Thế là rất nhiều người họ Hoàng đều lén lút hướng mắt về Hoàng Tổ ở Giang Hạ. Hoàng Tổ không thuộc chi chính như Hoàng Thừa Ngạn nhưng hắn vẫn nằm trong nhà họ Hoàng, ngày thường cũng coi như có chút liên hệ, cho dù tên này chỉ giỏi đánh trận, chẳng biết quái gì về luyện kim cả, nhưng để lựa chọn giữa Thái thú Giang Hạ Hoàng Tổ và cô gái chưa chồng Hoàng Nguyệt Anh làm gia chủ tương lai, mọi người vẫn nhất trí cho rằng Hoàng Tổ có vẻ sáng giá hơn.

Kế hoạch ban đầu của Hoàng Thừa Ngạn là túm chặt lấy thằng nhóc Bàng Thống, cả hai gia tộc cũng có mối quan hệ thân thiết như keo sơn. Bên cạnh đó Bàng Thông rất thông minh, chắc chắn sẽ giúp nhà họ Hoàng có thể truyền thừa. Đáng tiếc Bàng Thống cùng Hoàng Nguyệt Anh quen thuộc thì quen thuộc, nhưng nhắc đến kết hôn là cả hai chạy bán sống bán chết.

Ngoài ra Bàng Thống chẳng đam mê gì với việc luyện kim, lão đã làm đủ cách nhưng thằng nhóc không chịu học. Hoàng Nguyệt Anh thì cho rằng cưới ai cũng tốt hơn Bàng Thống, nguyên nhân rất chính đáng, bản thân nàng có làn da ngăm đen, lại đi gả cho một thằng cha còn đen hơn cả mình, chẳng khác nào đem nhà họ Hoàng ra làm trò cười trong các quán trà Kinh Châu cả.

Câu chuyện cứ như vậy dây dưa mãi, mắt thấy Hoàng Nguyệt Anh cũng dần lớn tuổi, Hoàng Thừa Ngạn lại gần đất xa trời, lão nhức đầu nghĩ vấn đề này càng lúc càng khó giải quyết, nếu không làm ổn thỏa, nó sẽ biến thành tai họa ngầm của nhà họ Hoàng, đến một ngày đẹp trời bùng phát thì đỡ làm sao?

Một gia chủ tốt là một gia chủ nhân lúc mình còn ảnh hưởng mạnh trong gia tộc, tiến hành lựa chọn một vài người để đầu tư cho tương lai, đây cũng là nghĩa vụ, là trách nhiệm của lão.

Bởi vậy, hôm nay Hoàng Thừa Ngạn muốn tìm Bàng Đức Công để thương lượng một chuyện quan trọng.

Bạn đang đọc Quỷ Tam Quốc [bản dịch] của Mã Nguyệt Hầu Niên
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimsa
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 41

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.