Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

hai nhà Đổng Viên quyết liệt

Phiên bản Dịch · 1808 chữ

Phỉ Tiềm ngồi lung la lung lay trên xe ngựa, vuốt vài tờ giấy trong tay với gương mặt nghiêm trọng.

Hắn không bị choáng váng say xe, mà choáng vì nội dung trong tờ giấy. Đây là tin tình báo từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nói về việc điều động quan lại ở Lạc Dương và các huyện xung quanh.

Cái tên Lưu Biểu cũng có trong tờ giấy, nhưng chẳng viết chi tiết lắm, ngoài ra còn có một vài quan viên đến địa phương nhận chức nhưng không được viết rõ ràng.

Những tin tình báo này là do hắn đổi được từ chỗ Viên Thuật, chẳng rõ nguyên nhân là do khoảng cách khá xa hay Viên Thuật có một mạng lưới tình báo ngầm khác không nói ra nên một số chỗ không hề ghi chi tiết.

Tuy vậy những tin tức chính vẫn được ghi chép một cách kĩ càng. Nếu không có đống giấy trong tay, chắc Phỉ Tiềm vẫn còn mù mờ về tình hình tại Lạc Dương.

Thật ra Phỉ Tiềm khá may mắn, ban đầu hắn chỉ định đi lãnh đống vật tư Viên Thuật tặng cho, ai dè đâu ở trong công phủ lại nhìn thấy mấy viên quan công báo đặt giấy tờ hớ hênh trên bàn, thế là hắn vội vàng lấy giấy bút ra ghi chép lại.

Lại nói về “Công báo”, thứ đồ chơi này xuất hiện sớm nhất vào thời đầu nhà Tây Hán. Lúc đó Tây Hán ban hành chính sách quận huyện chế, cả nước chia ra thành rất nhiều quận, mỗi quận lại chia thành vài huyện.

Vì thế dưới tình huống bình thường, mỗi khi triều đình ban hành một sắc lệnh gì đó, tốc độ thi hành tương đối chậm chạp. Quan viên sở tại ở các quận huyện có đôi khi vì tự bảo vệ lợi ích hoặc muốn xem thử biến hóa trong triều mà giả vờ lý do để kéo dài thêm. Tương tự phong cách làm việc của nhân viên công chức ở Bắc Kinh thời hiện đại. Thế là công báo ra đời.

“Công báo” có hai nhiệm vụ chính: “Thông tấu” và “Đãi triêu trúc”.

Đãi Triêu Trúc chỉ đơn giản là các báo cáo tại kinh thành chờ hoàng đế phê duyệt.

Riêng mục thông tấu có nghĩa là chuyển các đơn thư từ quan viên địa phương đến chính quyền trung ương thông qua quan viên Đại Hồng Lư. Đồng thời thông tấu cũng phụ trách sao chép lại báo cáo để lưu trữ, và truyền tin giữa hoàng đế và các châu quận.

Vì thế, Công báo, cũng tức là báo chí do triều đình ban hành, còn có tên gọi khác là Triêu báo, hoặc để báo, để sao, điều báo, tạp báo.

Do đó Phỉ Tiềm đoán chỗ Viên Thuật còn có một số tin tức bí ẩn hoặc tình báo quan trọng khác, nhưng tất nhiên mấy thứ đó đều được cất giữ rất kĩ lưỡng.

Đống tin tức Phỉ Tiềm thu được cũng chỉ là thông tin đại chúng cho nên Viên Thuật không hề chú trọng, bởi vậy mới để đại trên bàn.

Dựa theo biến động về các chức vụ gần nhất, Phỉ Tiềm cảm thấy triều đình đang ủ mưu rất bất thường.

Nếu một người chưa quen thuộc Đông Hán, nhìn loại công báo này có lẽ chỉ thấy triều đình đơn giản luân chuyển công tác mà thôi. Nhưng Phỉ Tiềm đã trở thành một thành viên của sĩ tộc, mặc dù bây giờ nhà họ Hoàng chỉ là sĩ tộc loại hai, nhưng một số cái tên hắn vẫn biết được.

Ví dụ Thái Úy Đổng Trác cùng Tư Đồ Hoàng Uyển, Tư Không Dương Bưu mang hết tâm huyết đến gặp bệ hạ, xin điều tra lại vụ án Trần Phiền, Đậu Võ và những người trong đảng để đòi lại công đạo.

Sau đó án oan được giải, triều đình quyết định kêu gọi họ phục chức.

Vậy chuyện này đại khái xảy ra vào cuối tháng chín hoặc đầu tháng mười, trùng vào thời điểm Phỉ Tiềm vừa rời khỏi Lạc Dương. Khi đó Hoàng Uyển vừa mới được phong làm Tư Đồ, còn Vương Doãn được thăng lên Thái Bộc, chưởng quản Thượng Thư Lệnh.

Trần Phiền, Đậu Võ là ai? Đây là hai phản tặc nổi danh thời điểm Kiến Trữ nguyên niên, bị triều đình gán tội, dẫn đến họa đảng cấm nổi tiếng.

Sau đó Đổng Trác đề nghị sửa lại toàn bộ án oan của những người mang tội trong họa đảng cấm năm đó. Lưu Hiệp chuẩn tấu hết, khôi phục chức tước cho con cháu Trần Phiền, cũng đề bạt con cháu của bọn họ làm quan.

Con trai Trần Phiền là Trần Dật được sắc phong chức Lỗ tướng quốc. Cháu Đậu Võ là Đậu Phụ, được phong hiếu liêm quận Quế Dương.

Phỉ Tiềm phát hiện bên trong tin tức này vô tình hay cố ý mà thiếu đi tên của một người, cụ thể là tên của một vị lãnh tụ sĩ tộc…

Bên cạnh đó Vương Doãn được phong chức Thượng Thư Lệnh cũng là một tin nóng hổi. Ban đầu Tư Đồ là chức quan quản lý ngành giáo dục, hiện giờ lão kiêm thêm chức Thượng Thư Lệnh, mà đồng thời quan viên trên khắp đế quốc đều do Thượng Thư đài phê duyệt.

Điều đáng nói ở đây, cái ghế Thượng Thư Lệnh ban đầu là của Mã Nhật Đê, mà Mã Nhật Đê lại là lão thần thời Hán Linh Đế.

Tiếp theo có một số thay đổi nhân sự triều đình, càng chứng minh suy đoán của Phỉ Tiềm chính xác. Tuân Sảng thuộc nhà họ Tuấn trực tiếp từ bình dân thăng lên Bình Nguyên tướng quân. Công văn còn chưa kịp gửi xuống, lão lại được Đổng Trác đổi thành Quang Lộc Huân. Sau đó vừa nhận chức được ba ngày lại “xét thấy có năng lực” nên phong luôn chức Tư Không.

Tuân Sảng là ngôi sao sáng trong giới sĩ tộc Dĩnh Xuyên, cũng có thể nói là một thế lực ngầm trong phe Thanh Lưu. Vừa nhận hiệu triệu của triều đình, lão chỉ cần đợi chín mươi lăm ngày đã được tuyển thẳng vào hàng Tam Công.

Ngoài ra người Dĩnh Xuyên lên đời cũng nhiều lắm, không riêng gì nhà họ Tuân mà cả nhà họ Trần và nhà họ Hàn cũng thơm lây.

Trần Kỉ nhà họ Trần được phong làm ngũ quan trung lang tướng vì…có cha là danh sĩ Trần Thực, sau đó vài ngày cũng được nâng lên làm Thị Trung.

Hàn Tan nhà họ Hàn cũng là danh sĩ Dĩnh Xuyên, bối phận ngang hàng với Tuân Sảng và Trần Thực, tuy nhiên danh vọng thua hai người đó một chút nên được thăng làm Đại Hồng Lư.

Dựa theo tình huống trước mắt, Lý Nho đang muốn thông qua việc chiêu mộ Tuân Sảng để đạt được hiệu quả nhất định, nâng đỡ phe sĩ tộc Dĩnh Xuyên lên vũ đài chính trị nhằm đối đầu với sĩ tộc cắm rễ lâu năm trong triều, thậm chí còn lôi kéo được Vương Doãn.

Thủ đoạn của Lý Nho làm Phỉ Tiềm sởn tóc gáy. Đồng thời điều hắn lo lắng nhất đã đến. Thái Ung là đại nho đương thời, triều đình hy vọng lão cống hiến thêm cho quốc gia nên thăng làm Ngự Sử, làm việc ở Thượng Thư đài.

Lý Nho đúng là đáng chết, ngươi lôi kéo sĩ tộc Dĩnh Xuyên thì cứ việc, mắc mớ gì phải nhắc tới tên sư phụ Thái Ung của ta làm gì?

Sau đó còn có một số quan viên địa phương bổ nhiệm. Mặc dù không biết trong triều đình đến tột cùng đang xảy ra chuyện gì, nhưng theo khả năng phán đoán của hắn, không phải tất cả đều là quyết định của Đổng Trác và Lý Nho.

Ví dụ Từ Chu Bí, Ngũ Quỳnh tiến của Hàn Phức thăng từ thứ sử Ký Châu thành Ký Châu Mục. Chu Tuấn là lão thần hai triều nên sắc phong làm Hà Nam Duẫn. Lưu Đại từ Thị Trung thăng lên thứ sử Duyện Châu. Viên Thiệu được triều đình phong chức Thái Thú Bột Hải, kiêm danh hào Kháng Hương Hầu. Bảo Tín được phong làm Tế Bắc Tướng…

Hiển nhiên uy tín lâu năm trong triều của nhà họ Viên cũng không phải ăn chay. Ngoài mặt có vẻ như họ âm thầm rút vào bóng tối, nhường hào quang cho sĩ tộc Quan Tây, từ bỏ cả chiêu bài Thượng Thư Đài.

Nhưng thực chất Viên Ngỗi đang mượn tay Đổng Trác, Lý Nho để đưa người thân tín luồn lách vào các vị trí quan trọng trong đế quốc.

Trong danh sách trên, ngoại trừ Chu Tuấn vẫn chưa tỏ thái độ ra, toàn bộ quan viên có tên đều giơ cao lá cờ chống Đổng Trác, chẳng lẽ đây chỉ là trùng hợp thôi sao?

Phỉ Tiềm suy đoán, hiện nay tại triều đình Lạc Dương mây mù giăng lối, tình cảm ít ỏi giữa nhà họ Đổng và nhà họ Viên đã hoàn toàn tan thành bọt nước, tiến đến giai đoạn giương cung bạt kiếm với nhau.

Nguyên bản nhà họ Viên định triệu Đổng Trác vào kinh vì họ nghĩ tên này do chính gia tộc đề bạt, cho nên ít nhiều cũng xem như học sinh nhà họ Viên, phải biết uống nước nhớ nguồn.

Dè đâu vừa mới bước qua cổng thành Lạc Dương, thằng mập Tây Lương đã trở mặt không nhận người quen, chẳng những phế hoàng đế mà còn cố tình nâng đỡ những sĩ tộc loại hai, sau đó còn lôi kéo Vương Doãn của nhà họ Vương.

Cục diện hiện tại làm Viên Ngỗi rất xấu hổ, lão không tranh nổi mấy chức quan lớn với Lý Nho, cho nên đành phải bằng vào tích lũy bao đời của nhà họ Viên để làm một cuộc giao dịch với Đổng Trác, Lý Nho.

Kết quả Đổng Trác nắm gần hết các vị trí quan viên trung ương, còn nhà họ Viên lặng lẽ cho người của mình cài cắm vào bên trong các quan.

Bởi vậy Phỉ Tiềm suy đoán, chiến dịch chống Đổng Trác hình thành có lẽ một phần cũng vì vài hành vi tàn bạo đến từ Đổng Trác, nhưng phần lớn là do quan hệ giữa Đổng Trác cùng Viên Ngỗi chuyển biến xấu, hai gia tộc không cách nào thỏa hiệp bằng chính trị nên mới phải dùng vũ lực.

Bạn đang đọc Quỷ Tam Quốc [bản dịch] của Mã Nguyệt Hầu Niên
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimsa
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 20

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.