Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 1

Tiểu thuyết gốc · 2515 chữ

Tôi vốn là con gái duy nhất của Huyện lệnh huyện Gia Lâm ở xứ Kinh Bắc, mẹ tôi mất sớm khi tôi mới lọt lòng, sau đó cha tôi lấy thêm vợ lẽ là Huệ Nương. Cha vốn không ưa tôi lắm, vì mỗi lần nhìn tôi, ông đều nhớ đến người vợ quá cố của mình. Tôi ở với cha được 10 năm thì ông đổ bệnh mà qua đời, vinh hoa phú quý trong nhà cũng từ đó mà ngày một vơi đi. Huệ Nương đối xử với tôi không nặng cũng không nhẹ, nhưng với tôi cũng là ân nặng như núi. Từ khi cha tôi mất, bà ấy ngày đêm dệt vải kiếm tiền, mua một mảnh ruộng nhỏ để cày cấy lấy cái ăn, hai người một lớn một bé đỡ đần nhau sống qua ngày.

Những tháng ngày ấy, chưa từng có một lần nào tôi suy nghĩ về tương lai của mình. Tôi cho rằng, có thể mãi mãi về sau, cho đến khi Huệ Nương đi theo cha mẹ tôi, thì tôi vĩnh viễn sẽ sống một cuộc đời như thế này mà thôi. Nhưng Huệ Nương thì không nghĩ vậy, năm tôi 13 tuổi, Huệ Nương lục trong hòm tủ cũ kỹ ra một cuốn sách, bà gọi đó là “Sơ học vấn tân”. Huệ Nương biết chữ Hán, nhưng ngoại trừ tên tôi ra, bà không dạy thêm tôi viết bất cứ chữ nào khác. Bà nói, phận là đàn bà con gái thì chữ không được biết nhiều. Tôi không dám hỏi tại sao, tôi sợ bà sẽ không dạy chữ cho tôi nữa.

Năm tôi 15 tuổi, tôi còn nhớ, năm đó là năm Quang Thuận thứ tám, xuân đến hoa nở rộn ràng khắp nơi.Tiết trời ấm áp, thi thoảng lại có vài đợt gió xuân xen kẽ lẫn vài hạt mưa lất phất, dịu dàng. Khi ấy tôi hãy còn đứng ngoài ruộng, mải mê tính toán xem vụ chiêm này rốt cuộc chúng tôi có thể thu được bao nhiêu, thì Huệ Nương đột nhiên gọi tôi về nhà gấp.

Tôi về đến nhà, bước chân qua ngưỡng cửa đã thấy bóng dáng Huệ Nương bận rộn nơi hòm cũ. Tôi không nhanh cũng không chậm tiến vào trong nhà , hỏi: “Dì gọi con về gấp là có chuyện gì thế?”

Huệ Nương không trả lời, bà liếc mắt nhìn tôi rồi lấy ra cơ man nào hộp lớn hộp bé. Lau chùi cẩn thận, bà mới nói: “ Cái này là của mẹ con để lại cho con, trong này có trang sức và quần áo mà hồi còn sống mẹ con vẫn hay dùng. Trước lúc qua đời cha con một mực đòi được chôn cất cùng mấy thứ này nhưng ta đem giấu đi, phần là nghĩ rằng sau này sẽ có chỗ dùng tới cho con”

Tôi mơ hồ cũng hiểu được ý của Huệ Nương. Trước đây bà ấy vẫn thường nói, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Có lẽ bà ấy đã giúp tôi ưng thuận được nhà nào đó.

Huệ Nương cũng không để ý đến tôi, lại vừa mở hộp vừa nói: “Xưa mẹ con vốn là con nhà quyền quý, vốn ở chốn kinh thành Thăng Long hết mực xa hoa, lại lưu lạc tới chốn này, bằng lòng lấy cha con. Năm ấy cha con chỉ mê nhan sắc của mẹ con mà lại không biết đến đức hạnh của bà ấy, âu cũng là một nỗi may mắn” Nói đoạn, bà đưa cho tôi cặp vòng ngọc màu xanh biếc “Con xem, đây là cặp vòng ngọc phỉ thúy. Mẹ con ngày xưa rất trân quý đôi vòng này. Con cũng phải thay bà ấy giữ gìn”

Tôi đưa tay đỡ đôi vòng ngọc. Huệ Nương nói đây là vòng ngọc phỉ thúy. Tôi chưa từng thấy phỉ thúy bao giờ nên cứ mân mê đôi vòng đó mãi. Tôi biết ngọc vốn là thứ quý giá, năm xưa cha tôi cũng từng có một hòn ngọc lớn, ông thường cất giữ làm của riêng, tuyệt không cho ai đụng vào. Ngọc cầm nhiều trên tay cảm thấy rất mát mẻ, tôi tự nhiên lại phát hiện ra bên trong đôi vòng đều khắc chữ nhỏ. Tôi soi đôi vòng ngọc ra chút ánh sáng, cố cảm nhận được nét chữ khắc nhỏ. Là một chữ “Ngô”. Năm xưa cha tôi chưa từng nói đến tên họ của mẹ tôi, Huệ Nương lại càng không. Những gì tôi biết về mẹ chỉ là một người đảm đang tháo vát, nhưng vì sinh tôi mà bất hạnh qua đời.

Huệ Nương lần sờ hồi lâu, cuối cùng cũng lấy ra được một bộ xiêm y, bảo tôi cẩn thận đem đi thay. Thứ xiêm y này có hương rất thơm nhưng không nồng, lại mềm mại, Huệ Nương nói thứ này được làm từ lụa vải được vua ban, quả nhiên mặc vào cảm giác sẽ rất khác so với thứ vải thô ráp thường ngày tôi vẫn mặc. Tôi bước ra cho Huệ Nương xem, bà ấy cứ tấm tắc khen đẹp.

Sau khi thay xong xiêm y trở lại, Huệ Nương mới bảo tôi ngồi xuống cạnh bà, hỏi: “ Con ở với ta có thấy khổ không?”

Tôi lắc đầu, nói: “Không khổ, ở với dì con không khổ”

“Nói láo” Huệ Nương bật cười, tiếp “Sáng sớm dệt vải, chiều đi gánh nước, tối lại xay lúa giã gạo sao lại nói là không khổ? Con là không muốn nói ra chứ gì?”

Tôi lặng lẽ lắc đầu.

“Hôm nay ta ra chợ, người ta đồn rằng mai mốt kia nhà vua sẽ đến đây” Huệ Nương buông tiếng nhẹ nhàng “Nghe rằng là đến chùa Diên Hựu cầu phúc, từ nhà ta đến đó cũng không quá xa”

“Dì muốn con đến chùa Diên Hựu ư?” Tôi nhìn Huệ Nương, hỏi.

Huệ Nương lại chẳng đáp lại tôi, hai mắt lại hướng ra cửa nhìn xa xăm mà rằng: “Dục cầu sanh phú quý, tu hạ tử công phu”

Tôi đương nhiên là không hiểu ẩn ý trong câu nói của Huệ Nương, nhưng tôi hiểu bà ấy muốn tôi đến chùa Diên Hựu làm gì. Hai người chúng tôi tuy mang danh mẹ kế con chồng, nhưng Huệ Nương đối với tôi chẳng khác gì con đẻ. Bà ấy cất công dệt vải ngày đêm bán lấy tiền cho tôi cái ăn cái mặc, lại dạy tôi biết đọc biết viết, hiểu đạo lý luân thường. Tất nhiên bà ấy cũng mong tôi sớm ngày được gả vào một gia đình danh môn thế gia, không phải sống một cuộc đời lăn lộn vất vả nữa. Nhưng dẫu sao, đó cũng chỉ là ước nguyện của một mình Huệ Nương, tôi lại không mang trong mình cái ước mong chim sẻ hóa phượng hoàng kia.

Cuối cùng, nhà vua cũng thật sự đến chùa Diên Hựu. Mọi người nô nức sắm sửa quần áo đẹp để đi ngự xa giá, còn tôi thì cứ chần chừ lại chẳng muốn đi. Đối với tôi mà nói, thay vì đến đó để nô nức một phen thì chi bằng ở nhà dệt vải có khi lại có ích hơn. Huệ Nương lại không nghĩ thế, bà ấy bắt tôi phải thay xiêm y đẹp rồi lên chùa, miệng cứ dặn đi dặn lại tôi nhất định phải nhân cơ hội này tìm kiếm được một mối nhân duyên tốt.

Chân trước chân sau, tôi cứ thế mà lại đến nơi. Trai gái khắp nơi đổ xô đến xem xa giá không ngớt, cảnh tượng vui vẻ náo nhiệt biết bao nhiêu. Pháo kèn ầm ĩ cả một góc trời, đoàn người xa giá cũng dập dìu không kén. Vậy mà tôi lúc này lại cứ thấp thỏm lo âu. Huệ Nương bảo tôi đi tìm mối lương duyên tốt, nhưng tôi biết đi đâu tìm? Mặc xiêm y đẹp đi hội chùa ngàn lần vạn lần cũng đâu có thể nhặt được một mối nhân duyên? Một người như tôi có thể lấy được một tấm chồng là may mắn lắm rồi, còn mong đợi tốt hay không tốt cái gì nữa chứ?

Lòng tôi tự nhiên buồn biết mấy. Tôi bèn đi một đoạn cách xa đoàn xa giá, kiếm một chỗ ngồi. Thoáng nghĩ, nếu hôm nay tôi cứ thế trở về, liệu Huệ Nương có đánh tôi không? Nhưng cũng không thể trách tôi được, tôi làm sao có thể tự biến cho mình cái khả năng tốt hơn chứ?

Tôi nhìn về phía đoàn xa giá náo nhiệt đông vui. Hay là tôi tự bao gan, xin vua ban cho tôi một mối lương duyên tốt? Vừa thầm nghĩ tôi lại tự cười bản thân ngốc nghếch làm sao. Tôi dựa vào cái gì mà có thể đến diện kiến nhà vua chứ? Chỉ sợ, tôi mới lại gần đã bị quân lính trói cổ đuổi đi rồi.

Nghĩ đến đây tôi cảm thấy bản thân ngày càng khôi hài, tiện tay hái một nhành hoa trên đầu. Tôi khẽ ngửi, là hoa ngọc lan trắng. Khi còn sống, cha tôi vốn là một người rất mê cây cỏ hoa lá, khi ấy khắp sân nhà chỗ nào cũng ngập tràn tiếng chim, màu xanh cây lá. Có những khi ông quên ăn quên ngủ chỉ vì cây nhỏ chẳng thể ra hoa, thậm chí có những lần lại đau thương cả một ngày dài vì cây hoa chết héo. Tôi còn nhớ đôi lần cha bồng tôi kéo cành lan, ngắt hoa bưởi, cảnh sắc êm đềm biết bao nhiêu. Thoáng chút nghĩ ngợi chuyện năm xưa mà cứ như là mới ngày hôm qua, nơi đầu mũi tôi lại phảng phất một hơi cay đượm.

“Này cô kia !

Tiếng người sau lưng làm tôi giật mình hốt hoảng đánh rơi cả bông hoa trên tay, quay đầu nhìn lại. Người trước mặt tôi là một mỹ nam tuấn tú, ngũ quan cân đối, thân thể vạm vỡ. Thân mặc áo bào đỏ thêu hình sư tử, bên hông lại giắt theo một thanh đao. Nếu tôi đoán không nhầm, chắc có lẽ đây là một binh lính trong đoàn xa giá của nhà vua.

“Xin hỏi…”Tôi e dè nhìn hắn, nói.

Y tiến đến chỗ tôi, cúi người nhặt bông ngọc lan trắng đưa cho tôi, nói: “Bệ hạ có lời muốn cô đến ngự giá”

Tôi chần chừ nhìn bông hoa trong tay, lại ngước nhìn y. Y cứ thế bước một đoạn dài rồi quay lại nhìn tôi. Tôi mím môi bước theo sau y.

Y dẫn tôi đến xa giá của nhà vua. Mới từ xa tôi đã trông thấy cơ man nào cờ nào nghi trượng, lại gần thì thấy lọng, quạt xa hoa bề thế. Xe kiệu son thiếp chạm khắc rồng phượng, hai bên kiệu đều có binh lính vây quanh , ai ai cũng nghiêm trang khí khái. Người ngồi trên kiệu kia tất nhiên chẳng ai khác ngoài nhà vua, một thân Hoàng bào choáng ngợp cảnh sắc, thế rồng cuộn hổ ngồi uy nghi đĩnh đạc không thể nào nhầm lẫn được của con nhà đế vương.

Tôi tiến vào trong đoàn xa giá, nhất nhất đều theo sau tên binh lính kia. Y quỳ lúc nào, tôi quỳ lúc ấy.Đầu gối tôi còn chưa kịp chạm đất thì bên trên đã có lời: “Ta từ trên kiệu, nhìn thấy nhà ngươi một mình dưới gốc lan. Nói cho ta nghe vì lẽ gì mà ngươi lại đứng đó?”

Tôi một mực cúi đầu, bề ngoài thì tỏ vẻ điềm tĩnh ung dung, nhưng bên trong tôi tim gan lại loạn nhịp sợ hãi. Suy đi tính lại từng câu chữ, tôi nói: “Dân nữ vốn con nhà hèn mọn, nghe tin bệ hạ hạ giá đến xứ Kinh Bắc xa xôi này thì mừng khôn xiết. Dân nữ những mong có thể được sắm sửa chỉnh tề mà đến ngự lãm thánh giá, nhưng lại xét đến thân phận nghèo hèn, không dám tùy tiện đến gần nhìn mặt rồng, chỉ dám đứng dưới gốc lan từ xa mà ngự lãm, kính mong bệ hạ thứ tội”

“Giỏi cho cái miệng khéo ăn khéo nói” Trên đầu tôi lại truyền đến tiếng nói “Ngươi tiến lại gần đây cho ta xem”

Tôi từ từ từng bước từng bước đến gần nhà vua, mỗi bước đi lại thêm một nỗi lo sợ. Cuối cùng tiến lên được chừng năm bước chân, tôi đứng lại, ngẩng đầu nhìn nhà vua.

“Nhà người tên họ là gì? Người ở đâu đến?”

“Dân nữ tên Lê Thị Dung, người xứ Kinh Bắc này” Tôi thật thà đáp lại.

“Vậy cha mẹ ngươi làm gì? Nhà có mấy anh chị em?”

“Cha mẹ dân nữ qua đời từ sớm, trong nhà chỉ có một mẹ kế nuôi dưỡng dân nữ, ngoài ra không còn ai hết”

Tôi nghe thấy nhà vua “ô” một tiếng lớn, nói: “Khác máu mà lại không tanh lòng, quả thật là hiếm có khó tìm. Nhà ngươi năm nay đã đủ tuổi cập kê chưa? Mẹ kế đã ưng ý mối nào cho ngươi chưa?”

“Bẩm bệ hạ, dân nữ vừa tròn mười lăm. Đương tuổi sức lực cường tráng nên dân nữ vẫn muốn ở nhà phụng dưỡng mẹ già, vẫn chưa có ý định thành gia lập thất”

Lời nói đến đây, tôi lại cảm thấy bản thân quá lanh lợi rồi. Tôi không nhịn được mà cắn mạnh môi dưới.

“Tính ra ngươi đã đến tuổi kết phát phu thê, lại chưa có hôn phối. Ta nhìn ngươi rất ưng ý, vừa có dáng vẻ lanh lợi thông mình lại vừa nhìn hiền lương thục đức, phong thái này nếu không tìm được chỗ đài các kiêu sa mà gả vào thì thật là lãng phí thiên ân” Bệ hạ đương uống ngụm trà, cười hướng tôi mà nói, giọng nói lại nửa đùa nửa thật.

Tôi còn chưa kịp hiểu ra dụng ý của bê hạ thì tên hoạn quan bên cạnh ngài đã hô lớn: “Còn không mau quỳ xuống tạ ân đức bệ hạ!”

“Tạ ân đức” ? Không lẽ …

Đột nhiên tôi hoảng sợ như sét đánh ngang tai, hai đầu gối mềm nhũn ra tựa hồ như chẳng thể chống đỡ nổi thân hình phía trên nữa.

“Dân nữ nào dám, bệ hạ quá lời rồi”

Tôi còn chưa dứt lời thì nhà vua đã tiến đến nắm lấy tay tôi, vỗ nhẹ lên mu bàn tay như trấn an, lại quay lại nói với người hầu cận: “Nhà người đi sắp xếp một chỗ cho phu nhân cùng ta về kinh thành, ngày mai đến nhà phu nhân đưa lễ vật thông báo tiến cung”

Bạn đang đọc Thị Dung Truyện sáng tác bởi QuyChang15
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi QuyChang15
Thời gian
Lượt đọc 8

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.