Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Giáp và khiên

Tiểu thuyết gốc · 1700 chữ

Một đêm nhanh chóng qua đi, người xấu số được hỏa táng theo nghi thức của bộ lạc. Sau phút buồn thương, mọi người lại trở về cuộc sống như thường ngày. Họ không có thời gian để bi ai quá lâu, người đã chết không thể sống lại, người còn sống vẫn cứ phải đấu tranh để tồn tại.

Con thú săn mồi hung ác, to lớn sau khi chết cũng chẳng khác gì những con mồi khác. Nó cũng bị lột da, xẻ thịt làm thức ăn cho mọi người.

Chẳng biết do tâm lý hay do động vật ăn thịt không giống như loài ăn cỏ, Hoàng Bảo lần đầu ăn thịt Hùm mà chẳng thấy ngon miệng chút nào. Miếng thịt trong miệng cứ toát ra mùi tanh hôi dù có cả xả, ớt làm gia vị.

Hôm nay Hoàng Bảo không đi theo đội săn, hắn đã hiểu rõ sự nguy hiểm trong hoang dã. Con người để tồn tại ở đây cần có vũ khí sắc bén, sự nhanh nhạy, tính cảnh giác, sức mạnh cơ thể và một bộ giáp bảo vệ.

Hiện tại Hoàng Bảo cần làm khiên và giáp cho bộ lạc. Vũ khí thì chưa có kim loại nên hắn không có biện pháp nào cả nhưng khiên, giáp đều có vật liệu thay thế.

Đội hái lượm hôm nay cũng không ra ngoài mà tập trung giúp đỡHoàng Bảo. Tất cả da thú của bộ lạc được chất đống ngay trước cửa hang. Những tấm da này đều đã được xử lý bằng tro củi và phơi khô cẩn thận. Mọi người tiến hành phân loại ra những tấm dày, dai để sử dụng cho các chiến sĩ, những tấm còn lại được để qua một bên.

Hoàng Bảo làm hai loại khiên. Một loại được làm từ ván gỗ ghép lại thành hình chữ nhật, có kích thước khoảng 60cm x 1m2, có thanh cầm ở chính giữa, dùng để che chắn.

Ván gỗ được làm bằng cách dùng rìu đá chém mạnh làm nứt ở đầu gỗ, sau đó chèn một mảnh đá dẹt vào đó, cuối cùng gõ mảnh đá đó xuống dần đến khi gỗ tách ra. Do vậy ván làm ra khá dày, dù được đã được mài đi các mảnh gỗ nhưng nó vẫn rất gồ ghề.

Loại còn lại dùng dây leo đan thành vòng tròn đường kính 60cm có trọng lượng nhẹ hơn để treo ngay cổ tay.

Cả hai loại đều được dùng da thú bao bọc bên ngoài, sau đó cố định bằng dây thừng và đinh gỗ. Loại dây thừng này dùng sợi của các vỏ cây có tính dai bện lại nên chắc hơn dây cỏ rất nhiều.

Do điều kiện có hạn, bộ lạc chỉ có thể làm 10 cái khiên lớn, 20 cái khiên nhẹ được bọc da, còn lại là khiên thô chỉ có dây leo đan lại.

Áo giáp da cũng được làm rất đơn giản, dùng một tấm da thú lớn cắt một lỗ ngay chính giữa để chui đầu vào, dây da thú được buộc cố định lại ở eo, phần dưới được thả tự do để hoạt động dễ dàng. Da thú lớn không đủ sẽ dùng các mảnh da khâu lại bằng kim gỗ và những sợi dây thừng nhỏ.

Các vị trí yếu hại như trước ngực và sau lưng cũng được chú ý hơn. Các mảnh da được khâu đè lên trên tăng độ dày. Những mảnh da thú thừa cũng không hề bị bỏ đi mà được tận dụng để bao cổ tay và bắp chân.

Xã hội nguyên thủy là họ chưa có khái niệm của riêng mình, đều là làm chung, ăn chung, phân chia theo sức mạnh nên cũng chẳng ai hề hà gì. Họ đơn thuần chất phác nên cũng chẳng có ai biếng nhác cả, mọi người đều tập trung cao độ hoàn thành công việc của mình.

Sau khi làm xong giáp và khiên, Hoàng Bảo cũng nhân cơ hội này làm áo cho phụ nữ, người già và trẻ em trong bộ lạc. Những mảnh da mỏng không thể làm khiên và giáp được sử dụng cho họ, cắt tương tự giáp da nhưng ngắn hơn, dùng dây cột lại ở hai bên. Trông nó như áo ba lỗ kiểu croptop vậy, chỉ che được phần ngực, hở phần eo. Khi những người phụ nữ mặc vào còn trông sexy hơn là khi cởi trần nữa.

Mất cả ngày trời mọi người mới hoàn thành xong. Số da thú còn lại của bộ lạc cũng chỉ còn lèo tèo vài tấm có lông dày. Ngoại trừ Vu, bây giờ bộ lạc ngay cả tấm chăn da thú cũng chẳng còn ai có. Tuy lại phải tích trữ da thú lại từ đầu, xót thì xót đấy nhưng ai cũng hiểu tác dụng quan trọng của những đồ vật mới này nên khi nhận đồ họ đều rất vui vẻ.

+++

" Nu, chị Khê! Hôm nay hai người theo ta đi lên núi nhé!" Sau khi phân khiên, giáp và áo da và hướng dẫn sử dụng cho mọi người. Hoàng Bảo vẫn không đi cùng đội săn đi vào rừng, hắn rủ Nu và chị Khê leo lên đỉnh núi đằng sau hang động. Hoàng Bảo muốn quan sát tìm hiểu kỹ hơn về nơi này.

" Mi lên núi làm gì?" Khê lên tiếng thắc mắc.

" Ta muốn xem có gì giúp ích cho bộ lạc không. Chị Khê đi ra ngoài nhiều, chắc rõ hơn ta về xung quanh đây chứ?" Hoàng Bảo trả lời.

" À, được!" Nghe vậy Khê và Nu cũng không hỏi thêm, gật đầu đồng ý.

Mặc vào giáp da, cầm theo vũ khí, sau khi mặt trời mọc, ba người bắt đầu leo núi. Trên núi mọc nhiều cây Đá. Loài cây này mọc trên đá, mất vài năm mới lớn bằng cổ tay, nó cứng chắc hơn rất nhiều so với các loài cây gỗ khác nên người trong bộ lạc thường sử dụng nó làm vũ khí.

Trên đường đi ba người câu được câu không trò chuyện với nhau. Chủ yếu là Nu và chị Khê nói, Hoàng Bảo lắng nghe. Hắn cũng biết thêm nhiều điều về nơi này.

Càng lên cao thực vật càng thưa thớt. Mất cả gần một buổi bọn họ mới đến nơi. Trên đỉnh núi rất quang đãng, xung quanh chỉ toàn là đá, xen lẫn trong đó là một vài bụi cây cỏ dại. Có một tảng đá lớn khá bằng phẳng ở chính giữa. Đây là nơi bộ lạc tế Phạ trước khi mùa mưa đến.

Ba người tiến lên cúi người trước tảng đá rồi mới quan sát xung quanh. Ngọn núi Hoàng Bảo đang đứng không phải cao nhất, nhưng đứng ở vị trí này, hắn không khỏi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước đất trời.

Thung lũng bên dưới rất rộng, trải dài theo hướng tây bắc - đông nam, hang đá bộ lạc quay mặt về hướng đông bắc. Từ trên này nhìn xuống có thể thấy khu vực hoạt động của bộ lạc chỉ chiếm một phần rất nhỏ bé. Thấp thoáng sau rừng cây, dòng sông uốn lượn dọc theo thung lũng như muốn chia nó thành hai nửa. Trên một vài bãi cỏ xen kẽ với rừng cây còn có thể mơ hồhồthấy trông thấy các động vật đang ăn cỏ. Phía xa là những dãy núi trùng điệp không thấy điểm cuối, bầu trời bao la xanh thẳm như bao lấy tất cả, ánh mặt trời tỏa ánh sáng chiếu xuống khắp mọi nơi.

Hít một hơi thật sâu cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên, Hoàng Bảo mới lên tiếng hỏi: " Chị Khê, bộ lạc có sang bên kia sông không?"

" Mùa khô và mùa đông nước cạn mới sang đó tìm thức ăn, chỉ có đội săn và vài người phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh mới được đi theo. Bên đó nhiều thức ăn hơn nhưng rất nguy hiểm." Cô biết Hoàng Bảo sau khi được Phạ chỉ dạy thì có vài chuyện đột nhiên không rõ, không hề thắc mắc, cô trả lời hết những gì mình biết.

" Ồ! Kia là cái gì vậy?" Hoàng Bảo chỉ về một góc bên kia sông. Nơi đó cây cối mọc thành một vòng tròn lớn, trông y như bị sụp xuống vậy, chính giữa còn có thể nhìn thấy một vật thể lớn có màu đen, không rõ hình dạng.

" À. Ta đến đó rồi. Đấy là một hòn đá lớn. Lớn hơn cả hòn đá kia nữa!" Khê chỉ vào tảng đá tế Phạ. " Nhưng mà nó có mùi máu, không ai dám đến gần đấy cả. Vu nghe rồi cũng không cho chúng ta đi nữa."

"Mùi máu? " Hoàng Bảo nhíu mày suy nghĩ. Qua một lúc lâu, hắn đột nhiên "A!" lên một tiếng khiến Nu và chị Khê giật cả mình.

" Sao vậy?" Nu lên tiếng hỏi.

" Ta muốn đến đó xem thử, có thể đấy là thứ bộ lạc rất cần hiện tại." Hoàng Bảo trả lời với ánh mắt tràn đầy sự chờ mong.

" Thứ gì vậy?" Nu tò mò.

" Ta phải đi đến mới biết được, đến khi đó lại nói cho mi." Hoàng Bảo do chưa chắc chắn nên không thể trả lời Nu ngay được.

Máu có chứa các tế bào hồng cầu có chứa các nối nguyên tử sắt, tạo nên màu đỏ sậm có mùi đặc trưng. Sắt gỉ cũng có mùi tương tự. Cho nên, Hoàng Bảo nghi ngờ nơi đó có chứa quặng sắt.

Dựa theo vòng tròn ở xung quanh khối đá, rất có thể đó là một mảnh thiên thạch từ trên trời rơi xuống cách đây rất lâu. Hoàng Bảo không khỏi nhớ đến mảnh thiên thạch Hoba ở Namibia, được cấu tạo từ sắt và niken, được cho là tảng sắt tự nhiên lớn nhất ở bề mặt Trái đất.

Bạn đang đọc Việt Châu Viễn Cổ sáng tác bởi hoavanvu
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi hoavanvu
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 6
Lượt đọc 76

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.