Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Quốc Tử Giám tìm tới gây chuyện

Tiểu thuyết gốc · 2498 chữ

Tuy trù đạo và nho đạo không ác liệt như với luyện dược đạo, thế nhưng chính vì cái câu “quân tử không lại gần phòng bếp” mà hai bên cũng hằm hè hạnh họe nhau.

Nho đạo quen lấy bút làm binh khí, tuyên cáo thiên hạ rằng trù đạo chỉ chăm chăm vào thỏa mãn cái thú miệng lưỡi của người đời, khiến thiên hạ không tu thân dưỡng tính, trái với đạo thánh hiền.

Trù đạo không giỏi mồm mép, nói rằng “dân dĩ thực vi thiên”, đám Nho sinh vẫn chửi rằng “ngu dân, tiện dân” mà tự cho mình thanh cao hơn người thì sao mà hiểu được?

Trang chủ thứ bảy của Mỹ Vị sơn trang càng là người lỗ mãng, trực tiếp chơi bài xé rách da mặt, càng ác độc hơn, bắt toàn bộ quán ăn có dây mơ rễ má với Mỹ Vị sơn trang treo biển: “không tiếp Nho sinh”. Lại nói:

“Cái đám lưỡi trâu các ngươi có giỏi thì bẻ thơ ca ra mà ăn xem có đủ ngũ vị hay không!”

Trù sư cả thiên hạ cũng hưởng ứng, chế giễu:

“Các ngươi không phải nói trù phòng là chốn lỗi đạo thánh hiền sao? Rất xin lỗi. Từ nay chúng ta hối cải rồi, không tiếp Nho sinh nữa, để các ngươi đi đạo thánh hiền của các ngươi.”

Con giun xéo lắm cũng quằn, trù sư bị chửi cho xối máu đầu bao nhiêu năm, oán khí tích tụ đâu có nhẹ? Thành thử một lá cờ của Mỹ Vị sơn trang phất lên, tức thì vạn trù hưởng ứng, dao đầu bếp chỉ hướng Văn Cung.

Nội trong một năm, Nho sinh cả thiên hạ rơi vào cái thế dở khóc dở cười. Làm theo đạo thánh hiền thì chỉ có nước ăn hương ăn hoa, hít gió tây bắc, cắn quả cầm hơi, quả thực không khác gì người rừng.

Cuối cùng, Nho đạo đành phải xuống nước xin lỗi, lại liệt quyển sách chứa câu “quân tử tránh xa phòng bếp” vào hàng cấm thư, chuyện mới lắng xuống.

Thế nhưng...

Từ đó Nho sinh và đầu bếp cũng chẳng ưa gì nhau.

Cũng từ câu nói của trang chủ đời thứ bảy mà “lưỡi trâu”, “mồm trâu” trở thành từ để chửi những kẻ không biết thưởng thức món ngon mà phán bậy phán bạ.

Cũng là từ lóng để chửi Nho sinh thiên hạ luôn.

Trương Mặc Sênh thấy một tên tu Nho lại mở miệng chê bôi món ngon ở đời, cảm há lại không tức giận?

Người nọ bị mắng vốn, lập tức sa sầm sắc mặt:

“Ngươi là trù sư?”

“Phải thì sao?”

“Miệng chó không mọc được ngà voi!”

“Lưỡi bò chỉ nhai rơm nhai rác!”

Nguyễn Đông Thanh thấy Tiểu Thực Thần ngồi chửi nhau ỏm tỏi với kẻ mặc áo nhà Nho càng lúc càng hăng, không có vẻ gì là sắp dừng lại thì hắng giọng một tiếng, hỏi:

“Dám hỏi vị tiên sinh này là ai? Tại hạ tự thấy mình và tiên sinh không oán không thù, hà cớ gì lại đến đây buông lời cay độc như thế?”

“Tế Tửu Quốc Tử Giám Lăng Thanh Tùng. Lão phu được biết ngươi là kẻ làm hai bài thơ Vạn Tử Thiên Hồng, nên mới cố tình tìm đến để xem xét thực hư. Còn tưởng là người đồng đạo, nào ngờ chỉ là kẻ quê mùa, không vào được chốn thanh nhã.”

Người nọ cười khẩy một tiếng.

Nguyễn Đông Thanh càng thấy thằng cha này rỗi hơi kiếm chuyện, thản nhiên nói:

“Tại hạ và tiên sinh vốn không quen biết, ta có là người thế nào thì cũng liên quan gì đến ngài mà tỏ ra hằn học thế? Nếu đây là cái mà tiên sinh gọi là ‘thanh nhã’ thì quả thực Đông Thanh vô phước được hưởng.”

Vừa nói, gã vừa bực bội nghĩ thầm:

“Còn tưởng chỉ có ở địa cầu mới có cái loại người này thôi, xem ra là mình coi thường Huyền Hoàng giới quá rồi.”

Lăng Thanh Tùng thân là người tu Nho, đương nhiên là nhận ra mình đang bị nói móc. Gã nghiến răng, hừ lạnh một tiếng:

“Không dám nhận, chỉ muốn nhắc nhở Bích Mặc tiên sinh một câu chốn cung đình có lệ của cung đình, không phải thứ gì cũng mang lên để trước mặt thánh thượng được. Tiên sinh nên làm gì cho phù hợp thì làm, đừng để đến nỗi rước nhục vào thân, thậm chí...”

Lăng Thanh Tùng không nói hết câu, mà bỏ lửng câu nói đầy đe dọa ấy.

“Không nhọc tiên sinh quan tâm.”

Nguyễn Đông Thanh cười nhạt.

oOo

Sau khi Lăng Thanh Tùng bỏ đi, lục tục có những đoàn người đại diện từ các nơi đổ tới dự hội. Đương nhiên, đối với một thành luôn luôn đứng hạng bét như ải Quan Lâm mà nói, khó mà tránh khỏi bị đám người chê bôi giễu cợt một phen. Đối với chuyện này, Trương Mặc Sênh cơ hồ tức đến nghiến răng nghiến lợi, liên tục làu bàu trong miệng rằng chờ đến lúc hội thi bắt đầu sẽ cho bọn họ đẹp mặt.

Chờ độ nửa canh giờ thì Dực hoàng đế mới xuất hiện.

Lão đứng xa tít tắp, cao tận trên điện nội, Nguyễn Đông Thanh có nheo mắt hết cỡ cũng chẳng thấy được trông lão cao gầy mập ốm thế nào. Chỉ nghe tiếng xướng “hoàng thượng giá lâm”, lập tức nhân mã các phương cơ hồ không hẹn mà cùng quỳ xuống một phen, miệng hô to “vạn tuế”.

Nguyễn Đông Thanh cũng làm theo, quỳ xuống cúi đầu.

Sau đó... không có sau đó.

Dực hoàng đế tuyên bố mở hội, nhưng cũng không nói “miễn lễ”. Thế là, nhân mã các phương không một ai dám vô lễ phạm thượng đứng lên, chỉ có thể tiếp tục quỳ xuống.

Lần lượt, các thành các quận khắp cả nước bắt đầu dâng lên các món sơn trân hải vị, gọi là Hiến Thái lễ. Các thế lực sắp xếp từ cao đến thấp, từ gần đến xa. Thành trấn năm ngoái dành quán quân được sắp xếp chỗ đứng gần với Dực hoàng đế hơn cả, cũng là phe được gọi lên trước nhất. Theo lý này mà suy luận...

Quan Lâm đương nhiên là rơi vào cuối cùng.

Nguyễn Đông Thanh không khỏi rùng mình một cái.

Tuy biết là “nhập gia tùy tục”, xuyên không đến thế giới phong kiến rồi thì phải hành lễ với vua là chuyện thường, thế nhưng dù sao hắn cũng là người hiện đại. Đối với một người ở xã hội pháp trị như Nguyễn Đông Thanh, xưa nay có phải quỳ ai bao giờ?

Thành thử... dăm mười phút thì hắn chịu được.

Nhưng tình cảnh trước mặt, xem ra thời gian phải quỳ gối là tính theo ngày.

Bích Mặc tiên sinh xưa nay vốn không phải người ham vận động, thành thử hắn cũng không cho rằng mình kham nổi. Song hắn cũng không dám đứng lên.

Dực hoàng đế có là hôn quân đi nữa thì cũng là vua một nước, ngay cả chỗ dựa lớn nhất của gã là Võ Hoàng Lý Huyền Thiên cũng phải gọi một tiếng “sếp”.

Bây giờ Nguyễn Đông Thanh mạo muội đứng dậy, dám chắc Dực hoàng đế sẽ cấp cho cái đầu của gã một cái sổ đỏ mới.

Bích Mặc tiên sinh hít sâu một hơi, lần tay lấy lệnh bài của Võ Hoàng, thầm nghĩ:

“Nếu như nhanh thì cũng thôi, còn nhược bằng tốn thời gian quá thì cũng chỉ đành mặt dày nhờ hội phụ huynh can thiệp mà thôi.”

Bấy giờ, chỉ thấy mấy vị cung nga tì nữ dẫn đường đã lên Điểm Tướng Đài, chia nhau đứng đầy sân. Nguyễn Đông Thanh còn không rõ bọn họ đang muốn làm gì, thì bỗng thấy vị cung nữ đứng cách đó không xa mở miệng nói:

“Thành Bạch Đế dâng lên phở Vạn Thọ Vô Cương. Nước dùng hầm từ xương Quỳ thú, cá Hà La phơi khô mà thành. Sợi làm từ gạo Ngọc Thanh, tráng bằng chày Ngọc Trúc, ăn kèm với thịt của Lực và Thượng Phó hầm trong nhiều giờ.”

Nguyễn Đông Thanh nghe lùng bà lùng bùng một hồi, chẳng rõ đông tây thế nào, nên cuối cùng cũng mặc kệ. Gã chỉ thầm kêu may mắn không mang phở sốt vang đến dự thi, nếu không thì đã bị “đụng hàng” rồi!

Hơn một khắc sau, thì màn Hiến Thái mới chấm dứt.

Chỉ nghe cung nữ lớn tiếng đọc:

“Thành Bạch Đế hiến dâng món quý, lại ý nghĩa sâu xa, thánh thuọng long nhan đại hỉ, cho phép chúng khanh gia thành Bạch Đế được miễn lễ. Giờ cho truyền thành tiếp theo!”

Nguyễn Đông Thanh nghe mà nghẹn họng.

Hắn nhìn chung quanh, thấy trên Điểm Tướng Đài không có một trăm quận huyện thì cũng có tám mươi thành quan, lớn nhỏ không đều. Nếu mỗi lần Hiến Thái đều kéo dài một khắc, thì lúc đến Quan Lâm có mà quỳ ở đây phải mười mấy hai mươi tiếng.

Hắn không chịu nổi...

Cuối cùng, Nguyễn Đông Thanh hạ quyết tâm, lấy lệnh bài ra kêu gọi Võ Hoàng.

Thế là, chỉ thấy nhoáng lên một cái, bốn người Nguyễn Đông Thanh giống như bốc hơi, hoàn toàn biến mất khỏi quảng trường. Mấy kẻ chung quanh từng miệt thị trào phúng ải Quan Lâm bấy giờ cơ hồ đều ngốc trệ, mắt chữ A mồm chữ O, anh nhìn tôi tôi nhìn anh...

Không một ai hiểu chuyện gì đang xảy ra cả.

oOo

Nội điện...

Nguyễn Đông Thanh chỉ thấy người hẫng một cái, đã xuất hiện trong một căn phòng rộng rãi thoáng đãng, trải thảm quý giá, cột kèo chạm rồng trổ phụng tinh xảo. Lãng đãng trong không trung là mùi đàn hương nhè nhẹ, có thể khiến người ta tâm bình khí hòa. Gã phủi áo đứng dậy, nhìn quanh một phen, chỉ thấy hai bên tả hữu đứng đầy người là người. Có mặc võ phục chiến giáp, có mặc văn bào cầm trát.

Nguyễn Đông Thanh lập tức liên tưởng tới cảnh thiết triều trong phim cổ trang.

Hắn giật mình, vội vàng nhìn về phía cao nhất, hô:

“Thảo dân Nguyễn Đông Thanh khấu kiến bệ hạ.”

Người ngồi trên ngai rồng là một... thằng nhóc, nhìn qua chỉ mười một mười hai tuổi, má phính mặt phì, cằm nọng to, bụng phưỡn lên, vừa nhìn là thấy người này đi bộ cũng khó khăn, chớ nói chi là chạy trên đường.

Thế nhưng... có lẽ y cũng chẳng cần phải đi bộ làm gì.

Trên thân thằng nhóc béo ú mặc một bộ long bào, đội mão xung thiên, ngoại trừ đương kim hoàng thượng Dực hoàng đế ra thì ai dám ăn mặc như thế?

Lê Dực hắng giọng, hỏi:

“Người này là ai? Vì sao lại được đích thân Võ Hoàng điện hạ đưa vào cung gặp trẫm?”

Võ Hoàng nói:

“Hồi bẩm bệ hạ, người này chính là Bích Mặc tiên sinh ở Quan Lâm, cũng là chỗ quen biết với vi thần.”

“À. Nếu đã là chỗ quen biết của Võ Hoàng thì có thể miễn lễ.”

“Thánh thượng! Vạn vạn không được! Người này vào cung nhìn đông ngó tây, không lập tức khấu đầu trước bệ hạ, có thể thấy là tâm cơ khó lường! Người này hẳn phải nghiêm trị để thị chúng.”

Nguyễn Đông Thanh không khỏi nhìn về phía kẻ vừa lên tiếng đâm dao.

Không phải ai khác, chính thị Tế Tửu Lâm Thanh Tùng!

Dực hoàng đế gật đầu như gà mổ thóc, nói:

“Đúng đúng, Lâm khanh gia nói không sai. Tội vô lễ này nhất định phải nghiêm trị mới được. Người đâu! Cho đánh ba trăm hèo!”

Nghe nói bị đánh, Nguyễn Đông Thanh bất giác nhớ đến phim Thiên Long Bát Bộ: Huyền Từ chịu đánh. Thời xưa người ta dùng gậy gỗ vừa chắc vừa nặng, mỗi một đòn đều chày da tróc thịt.

Đến phương trượng chùa Thiếu Lâm võ nghệ đầy mình còn bị đánh cho chết thẳng cẳng tại chỗ, Nguyễn Đông Thanh làm sao chịu nổi?

Lý Huyền Thiên nói:

“Bích Mặc tiên sinh không phải người tu hành, bị thần thông của thần đưa đến đây khó tránh khỏi bị giật mình, thiết nghĩ về tình về lý có thể miễn tội bất kính.”

“Đúng. Đúng. Võ Hoàng nói phải. Miễn lễ, miễn lễ.”

“Hoàng thượng, chuyện này không thể nói thế được. Có câu pháp bất vị thân. Phép nước không nghiêm thử hỏi làm sao khiến trăm họ tin phục, trăm nhà tuân theo? Kỷ cương đã mất, còn gì là quốc là gia nữa? Hôm nay vi thần liều chết khuyên can, mong bệ hạ trí công vô tư, thiết diện thẩm phán!!!”

Lâm Thanh Tùng bỗng nhiên quỳ một gối, hô.

Dực hoàng đế:

“Đúng đúng, khanh nói rất đúng. Tội này không thể không nghiêm trị được.”

“Bệ hạ, chuyện không thể nói vậy. Luật pháp là chết, người là sống, phải tùy từng tình huống từng trường hợp mà làm. Cứng nhắc tuân theo lệ cũ, khó tránh khỏi bảo thủ cổ hủ, hại nhiều hơn lợi.”

Lần này, người lên tiếng là thái sư đương triều: Trương Hạc – Trương Tòng Khê.

“Đúng đúng. Khanh nói cũng rất phải.”

Lê Dực gật đầu như bửa củi, vỗ tay tán thưởng.

“Hoàng thượng...”

“Khanh nói phải.”

“Bẩm...”

“Khanh nói thực chí lý, vừa đúng ý quả nhân.”

Trên triều đình ỏm tỏi một phen, cuối cùng Lê Dực hoàng đế dùng tay áo lau mồ hôi trán:

“Các khanh gia, thôi thì các khanh cứ cãi với nhau đi, người nào thắng thì là đúng nhất!”

Nguyễn Đông Thanh:

“...”

Để tri ân độc giả ủng hộ truyện, nhóm tác quyết định nhận ý kiến đóng góp về tên các nhân vật phụ ạ. Anh em theo dõi truyện có thể comment tên mình thích, nhóm tác sẽ tham khảo trong quá trình viết và nếu có chọn thì sẽ báo lại! Ngoài ra, trong tương lai khi truyện nhận nhiều đề cử hơn chắc còn nhờ các bạn đã đề cử truyện tham gia đóng góp ý kiến về tên của các đồ đệ còn lại của Đông Thanh (dự kiến còn 4 người).

Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ mà tổn cảo đủ nhiều, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!

Bạn đang đọc Xuyên qua làm nhân vật quần chúng, vô tình dạy một đám đồ đệ thành Thánh nhân sáng tác bởi CổThuyết
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi CổThuyết
Thời gian
Lượt thích 9
Lượt đọc 174

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.