Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

CHÁU NGOẠI CỦA HOÀNG ĐẾ (1)

Tiểu thuyết gốc · 2297 chữ

Chương 41 : CHÁU NGOẠI CỦA HOÀNG ĐẾ (1)

Giáo sư Thomas Erics Peterson là một giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ học, đam mê nghiên cứu các nền văn minh cổ đại và những thành tựu rực rỡ của nó. Những lúc đắm mình giữa các văn vật cổ xưa là những khoảng thời gian giáo sư cảm thấy hạnh phúc nhất. Tất cả các nhà khoa học chân chính hầu như đều như vậy, quên mình vì khoa học.

Khoảng thời gian gần đây, giáo sư cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bởi biển văn vật tràn ngập quanh mình, tùy giáo sư nghiên cứu, và quan trọng hơn, đó là những văn vật đại biểu cho một nền văn minh cổ đại với những thành tựu rực rỡ nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Những nghiên cứu của giáo sư chắc chắn sẽ là một trong những phát hiện vĩ đại của giới khảo cổ học thế kỷ 20. Tên tuổi của giáo sư chắc chắn sẽ được vinh danh trong lịch sử khảo cô học.

Đó chính là ‘Kho tàng Fujiwara’.

Nhớ lại trước đây, khi nghe một người bạn nhắc đến ‘báu vật của dòng họ Fujiwara’, với lòng say mê nghiên cứu, giáo sư đã đến gặp Ngài Fujiwara, xin phép nghiên cứu các cổ vật đó, rồi trên cả mong đợi, giáo sư đã được Ngài Fujiwara giao cho quản lý cả ‘Kho tàng Fujiwara’. Thật là bất ngờ ! Thật là hạnh phúc ! Ngài Fujiwara còn thành lập một viện khoa học giao cho giáo sư quản lý. Hiện tại, giáo sư là Viện trưởng của Viện bảo tồn văn hóa Fujiwara, chịu trách nhiệm thống kê, bảo tồn các văn vật của dòng họ Fujiwara vĩ đại. Trong con mắt của một nhà khảo cổ như giáo sư, dòng họ Fujiwara thật vĩ đại, nên mới lưu giữ được nhiều báu vật có giá trị lịch sử đến như thế.

Viện bảo tồn văn hóa Fujiwara đương nhiên không thể chỉ có một người. Giáo sư đã dẫn dắt các học trò của mình và kêu gọi bạn bè cùng tham gia. Bạn của giáo sư đương nhiên cũng là những giáo sư nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Các học trò cũng có rất nhiều người tài giỏi, có ít nhiều tên tuổi trong giới khảo cổ. Do đó, Viện bảo tồn văn hóa Fujiwara dù mới thành lập mà đã có một lượng chuyên gia hùng hậu và đầy quyền uy.

Hôm nay, cũng như mấy ngày qua, giáo sư định tiếp tục nghiên cứu một tấm văn bia có niên đại hơn hai nghìn năm, thì đột nhiên Louis Santos mang đến mấy bức ảnh, nói :

- Giáo sư. Em nghĩ chúng ta nên ưu tiên nghiên cứu mấy vật này trước. Công chúng trên toàn thế giới đều đang mong chờ kết quả nghiên cứu của chúng ta.

Louis là học trò đắc ý nhất của giáo sư, là một tiến sĩ khảo cổ học và hiện đang là trợ lý của giáo sư. Thấy thái độ cậu ta trang trọng như thế, giáo sư liền cầm lấy mấy tấm ảnh xem. Đó là hình ảnh hai món cổ vật theo phong cách Âu châu. Louis giải thích :

- Giáo sư. Hiện tại công chúng đều rất muốn biết lai lịch dòng họ bên mẹ của Ngài Fujiwara. Nhưng ngay cả Ngài Fujiwara cũng không biết. Em nghiên cứu rất kỹ các di vật của mẹ Ngài Fujiwara, phát hiện hai món này rất đặc biệt, rất có thể là bảo vật hoàng gia. Theo em nghĩ, dòng họ bên mẹ của Ngài Fujiwara cũng rất cao quý.

Giáo sư chăm chú nhìn hai bức ảnh một lúc lâu, rồi mới gật gù nói :

- Đúng là rất đặc biệt ! Phong cách này ... có vẻ quen quen.

- Giáo sư. Ngài Fujiwara đã tin tưởng giao cả kho tàng của dòng họ cho chúng ta quản lý. Em nghĩ chúng ta có trách nhiệm giúp Ngài Fujiwara tìm ra lai lịch dòng họ bên mẹ của mình.

- Phải lắm. Chúng ta sẽ ưu tiên nghiên cứu các di vật của mẹ Ngài Fujiwara.

Lời nói của Louis đã thuyết phục được giáo sư. Sau đó, mọi người ưu tiên thống kê, phân loại, nghiên cứu các di vật được Ngài Fujiwara bảo là của mẹ để lại. Đa số đều có phong cách Âu châu. Đúng thế ! Mặc dù Ngài Fujiwara bảo rằng mẹ của Ngài là người Mỹ, nhưng giáo sư dám chắc rằng những di vật có giá trị nhất đều mang phong cách hoàng gia Âu châu. Còn những vật mang phong cách nền văn hóa Mỹ thì rất tầm thường (trong con mắt của giáo sư).

Giáo sư cũng có rất nhiều bạn bè ở Âu châu. Thế là giáo sư đã gửi các hình ảnh và kết quả nghiên cứu sơ bộ đến bọn họ.

Ba ngày sau, một người bạn từ London đã đến chỗ giáo sư. Khi vừa gặp mặt, ông ta đã hồ hởi nói :

- Các anh đã có một phát hiện rất trọng đại đó nha. Khi vừa nhận được tin của anh, tôi đã mua vé máy bay sang đây ngay.

Đó là John Jullius Cooper, một sử gia, tác gia, nhà ngoại giao và người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Giáo sư Peterson hỏi :

- Anh có manh mối gì rồi à ?

- Đương nhiên. Tôi rất có ấn tượng với các bảo vật hoàng gia. Vừa nhìn thấy mấy bức ảnh của anh gửi là tôi đã nhận ra ngay. Tôi mang theo đầy đủ các tư liệu để xác nhận chính xác đây.

Ông Cooper có thân phận đặc thù, Tử tước Norswich đệ nhị. Hơn thế nữa, thông qua huyết thống của cha ông, ông còn là hậu duệ của Quốc vương William IV của nước Anh với bà Dorothea Jordan (là tình nhân, nên con cháu không được công nhận là thành viên hoàng gia, cũng giống như Thủ tướng David Cameron vậy). Ông Cooper không đi một mình mà còn có hai trợ lý với nhiều hành lý.

Ông Cooper tỏ ra rất sốt sắng, nhanh chóng bắt tay vào việc. Mặc kệ sự thắc mắc của giáo sư Peterson, ông lấy ra một tập hồ sơ dày, rồi bảo :

- Trước khi nói ra kết quả, chúng ta cần xác định sự chân thật của các bảo vật.

Thông qua việc nghiên cứu, đo đạc tỉ mỉ, bọn họ chính thức công nhận hai món bảo vật kia đúng là bảo vật hoàng gia của nước Anh. Giáo sư Peterson hỏi :

- Chủ nhân của nó là ai vậy ?

Ông Cooper có vẻ hài lòng với kết quả thu được, tủm tỉm cười bảo :

- Tôi còn nhìn thấy có một bức thư nữa. Chúng ta cần xác định bút tích của bức thư rồi mới có kết luận chính thức được.

Nói xong, ông lấy ra mấy bản chụp các bức thư cổ. Giáo sư Perterson ồ lên kinh ngạc :

- Lẽ nào ...

Mọi người so sánh bút tích giữa hiện vật với các bản chụp, rồi đưa ra kết luận : 90% bút tích là của cùng một người. Không phải 100% là bởi vì bọn họ không phải là chuyên gia về chữ viết, không dám đưa ra kết luận tuyệt đối. Thuật nghiệp hữu chuyên công kia mà. Ngay sau đó, giáo sư Peterson và ông Cooper nhanh chóng liên lạc với những chuyên gia về chữ viết nổi tiếng trên khắp thế giới.

Mấy ngày sau, hàng loạt các chuyên gia từ Anh, Pháp, Đức, Nhật lũ lượt đến nơi, nhiều người còn mang theo các bản chụp thư tịch cổ có liên quan để đối chiếu. Ai nấy đều rất hào hứng khi được tham gia công trình nghiên cứu quan trọng này. Sau nhiều phen nghiên cứu, thảo luận, mọi người đi đến kết luận chính thức : 100% bút tích là của cùng một người, và qua đó, đã có thể xác định 90% thân phận của mẹ Ngài Fujiwara. Lần này chỉ nói là 90%, bởi vì bọn họ đưa ra kết luận thông qua các bằng chứng gián tiếp, không có bằng chứng trực tiếp, chứ theo như lời của ông Cooper : “về lý hay tình thì kết luận của chúng ta cũng đều đáng tin cậy”.

Lời lẽ trong bức thư kia đầy yêu thương trìu mến, nên dù không có xưng hô chính thức nhưng các chuyên gia đều công nhận rằng chỉ có thể viết cho vợ con hoặc tình nhân, những người thân yêu nhất. Mà mẹ của Ngài Fujiwara lúc đó chỉ mới 10 tuổi, không thể là vợ hay tình nhân, chỉ có thể là con gái yêu quý. Của hồi môn là các bảo vật hoàng gia cũng là một bằng chứng quan trọng. Không phải là con gái yêu quý, ai lại lấy các bảo vật hoàng gia làm của hồi môn.

Thông tin được công bố chính thức. Các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới tranh nhau đưa tin. Thế giới chấn động. Và người Mỹ thì vô cùng kích động khi ý nguyện của bọn họ được thỏa mãn, thậm chí còn hơn cả mong đợi nữa.

Thời gian gần đây, Ngài Fujiwara có vị thế ngày càng cao ở nước Mỹ, và đông đảo người Mỹ đều hy vọng có bằng chứng chính thức rằng Ngài Fujiwara là một người Mỹ (có mẹ là người Mỹ cũng được xem là người Mỹ, giống như Tổng thống Barrack Obama sau này). Và giờ đây, qua sự hợp lực của các chuyên gia hàng đầu từ nhiều nước trên thế giới, phần bí ẩn cuối cùng trong lai lịch của Ngài Fujiwara đã được hé lộ : mẹ của Ngài là một người Mỹ, con gái của Hoàng đế Edswards VIII của nước Anh và quý bà Wallis Warfield người Mỹ. Do tình hình nhạy cảm trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cũng như sự bảo thủ của xã hội Anh lúc đó (không chấp nhận một phụ nữ ‘bình dân’, ‘đã có hai đời chồng’ làm Hoàng hậu), nên cả Ngài Fujiwara và mẹ của Ngài đều là người Mỹ cũng không khó hiểu. Hầu hết người Mỹ hài lòng với kết quả này và ra sức tuyên dương nó ra toàn thế giới.

Cả Hoàng đế Edwards VIII và quý bà Wallis Warfield đều là những nhân vật truyền kỳ. Hoàng đế trị vì từ ngày 20/1/1936 và đã thoái vị vào ngày 11/12/1936 để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Nói theo kiểu các nhà Nho là “ái mỹ nhân, bất ái giang sơn”. Hoàng đế yêu bà Wallis Warfield lúc đó đã có hai đời chồng, nhưng quyết định kết hôn đã bị cả Hoàng gia, Giáo hội và Nghị viện phản đối vì lo ngại ‘một cuộc khủng hoảng hiến pháp’. Mặc dù bà Wallis Warfield đã gửi thư đến Nghị viện Anh thông báo sẽ không đi đến hôn nhân với Hoàng đế (chỉ làm tình nhân), nhưng Hoàng đế lại quyết định thoái vị để kết hôn với “người phụ nữ tôi yêu”. Ngôi vị được nhường lại cho em trai là George VI (cha của Nữ vương hiện tại). Hoàng đế trở thành Công tước xứ Windsors, cuộc hôn nhân được công nhận và quý bà Wallis Warfield trở thành Nữ công tước xứ Windsors.

Mặc dù các tài liệu chính thức đều không ghi nhận Hoàng đế Edwards VIII có con cái. Nhưng các chuyên gia đã sử dụng các bằng chứng gián tiếp cùng với các lập luận logic để tuyên bố rằng Ngài Fujiwara là ‘cháu ngoại của Hoàng đế’. Mặc dù các chuyên gia cũng tuyên bố độ chính xác chỉ có 90% vì không có các bằng chứng trực tiếp. Nhưng người Mỹ không quan tâm. Đối với người Mỹ, Ngài Fujiwara ‘tuyệt đối’ là ‘cháu ngoại của Hoàng đế’, bởi theo lý luận của bọn họ : “chẳng lẽ các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật đều sai hết”. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, tình trạng lưỡng cực cũng kết thúc, nước Mỹ đã trở thành cực duy nhất của thế giới, nên tư tưởng cũng rất bá đạo. Khi người Mỹ cần thì 50% cũng có thể xem là đúng, đằng này lại đến 90%. Dám phản đối ? Hãy thử hỏi xem bom đạn của nước Mỹ có đồng ý hay không ? Hơn nữa, lập luận của các chuyên gia đều rất có lý, rất khó phản bác.

Thế là, trong con mắt của người Mỹ, sau đó là đông đảo người dân thế giới, Ngài Fujiwara đương nhiên phải là ‘cháu ngoại của Hoàng đế’. Đối với mọi người, Ngài Fujiwara tài giỏi như thế, vĩ đại như thế, thân phận cao quý là điều bình thường, nếu có xuất thân thấp kém mới là điều khó hiểu. Chỉ những người cao quý mới có thể hưởng thụ nền giáo dục toàn diện và hoàn mỹ như thế. Thời buổi hiện đại này, tiền bạc là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Những người nghèo có thể xuất hiện thiên tài, nhưng khó thể xuất hiện một tài năng toàn diện như Ngài Fujiwara.

Sự kiện tiếp tục phát triển, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, thậm chí làm thay đổi cả cục diện địa chính trị của thế giới.

Bạn đang đọc Ảo Mộng Nhân Sinh sáng tác bởi ThiếtQuanÂm
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi ThiếtQuanÂm
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.