Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Ông Lý giao việc nhà

Tiểu thuyết gốc · 2391 chữ

Chương 30: Ông Lý giao việc nhà

Mỗi sáng người trong nhà họ Lý phải lên núi lấy cây liêu xạ về xông cho cậu Đức. Từ nay tôi sẽ cố nhận lấy công việc này.

Hóa ra đám liêu xạ trên rừng là của người nhà ông Lý trồng. Bởi vì cây mọc ở trên núi, hứng sương đêm, ngậm tinh túy của trăng sao đất trời mới mang lại kết quả tốt nhất. Thế mà tôi còn nghĩ bản thân phát hiện ra kho báu. Nếu ông Lý biết tôi và sư phụ lên núi đào hơn phân nửa liêu xạ về trồng không biết ông sẽ phản ứng ra sao nhỉ.

Tôi theo cậu Đức về phòng. Một thùng nước thuốc đã được chuẩn bị sẵn ở trong phòng từ bao giờ. Mùi thảo dược xông ra tận ngoài cửa, tôi còn chưa bước vào bên trong đã ngửi thấy mùi liêu xạ, tía tô, cỏ xước,... Trong này dễ phải có đến hơn mười loại thảo dược chuyên về điều trị kinh mạch, cơ xương khác nữa.

Hơi nước bốc lên mịt mù, tôi bước vào bên trong thôi cũng cảm thấy nóng không biết thùng nước thuốc kia nhiệt độ cao thế nào. Anh Tích cởi bỏ quần áo của cậu Đức, đến phần bên dưới, anh Tích nhìn tôi, tỏ vẻ khó xử lưỡng lự một chút. Tôi hiểu ý nên quay mặt đi, khi nghe tiếng nước động xong xuôi tôi mới quay lại, lúc này cậu Đức đã được ngâm trong thùng nước đến ngang cổ.

“Cậu Đức ngâm mình thế này cũng từ khi mới bị bệnh à?”

“Vâng thưa mợ. Cậu ngâm cũng có đến hơn mười năm rồi, có lúc tưởng như cậu sẽ tỉnh, nhưng mà…”

“Ngâm người thế này bao lâu thì xong?”

“Mỗi ngày ngâm người ba mươi phút mợ ạ.”

Tôi ngồi ở bàn trà, rót một chén nước trà uống cho đỡ nóng. Tôi nhìn cậu cả qua làn hơi nước bốc lên, gương mặt cậu vẫn an nhiên không màng thế sự. Sống mũi cao thẳng tắp, nhân trung sâu rộng, lông mày kiếm, gương mặt đầy sức hút nam tính này nếu mà ở bên ngoài chắc cũng không ít chị em mê mẩn. Tôi cứ ngồi ngẩn ra như thế mà ngắm cậu. Bỗng tôi lại nghĩ đến bình thường người thực vật rất cần được nghe người khác nói chuyện, kể về chuyện xưa. Theo tâm lý học, khoa học hiện đại thì người thực vật vẫn giữ được thính giác, họ vẫn nghe được âm thanh bên ngoài. Chỉ cần có người thân thiết thường xuyên nói chuyện sẽ giúp tăng khả năng tỉnh lại.

Cậu Đức được chăm sóc thân thể rất tốt, rất kỳ công, rất kỹ lưỡng nhưng lại chẳng ai để ý đến khâu tinh thần. Tôi quay ra hỏi:

“Anh Tích đi theo cậu Đức từ bao giờ thế?”

“Thưa mợ, từ lúc cậu 2-3 tuổi tôi đã theo cậu, mà lúc đó tôi cũng đã 10 tuổi rồi.”

“Vậy chắc là anh biết hết mọi chuyện tuổi thơ của cậu Đức chứ? Cậu có thể kể cho tôi không?”

“Việc này…” - Anh Tích có vẻ lưỡng lự nhìn tôi rồi lại nhìn cậu rồi lại cúi mặt xuống, chưa dám quyết định.

Tôi biết anh băn khoăn lo lắng trong lòng nên nói ý định của mình.

“Bởi vì ở chỗ tôi còn có một phương pháp giúp kích thích não bộ của người sống thực vật. Đặc biệt là khi kể về những chuyện ngày xưa.”

Tôi ngồi im lặng chờ đợi anh Tích trả lời. Thật ra là tôi cũng muốn nhân cơ hội này tìm kiếm tung tích của bà Cúc. Biết đâu bà lại xuất hiện trong trí nhớ, trong câu chuyện của anh Tích. Mà tôi chẳng có lý do gì để đào bới lại quá khứ, tìm người kể chuyện xưa. Nhân việc này tôi vừa mong cậu Đức tỉnh lại tôi lại vừa mong có thể nhanh chóng tìm được bà Cúc. Trong lòng tôi thầm khấn cầu trời cho bà nội, bà Cúc phù hộ độ trì cho con.

Dường như trời cao đã nghe tiếng lòng của tôi, sau một lúc vò áo thì anh Tích đã quyết định kể chuyện cho tôi.

“Thưa mợ, nhưng chuyện nhiều và dài lại có chuyện tôi cũng chẳng nhớ nổi nữa. Tôi không biết kể từ đâu.” - Anh ngập ngừng nói.

“Anh chỉ cần trả lời câu hỏi của tôi là được. Tôi cũng không vội, mỗi ngày nói một ít, anh nhớ dần dần rồi kể cho tôi nghe.”

Thấy tôi kiên quyết anh Tích gật gật tỏ vẻ đồng ý. Chẳng mấy chốc đã hết ba mươi phút, mọi người lại giúp cậu Đức lau khô người mặc quần áo và nằm trên giường. Trong phòng được dọn sạch, cửa phòng mở tung ra để không khí lưu thông. Bên ngoài, trời đã về trưa oi ả và nắng gắt, nhiệt độ cũng trở lên nóng bỏng. Cũng may, phòng cậu Đức trước sau đều là cây to xanh mát cũng làm dịu đi nhiều cái oi ả của nắng hè. Ve kêu râm ran suốt cả ngày khiến cho không khí mùa hè vừa sôi nổi lại vừa buồn bã.

Tự nhiên tôi lại nhớ về những ngày hè còn trên thành phố. Quanh khu tôi ở không có nhiều cây xanh như ở làng Hòe, thế nhưng mỗi mùa hè ve cũng kêu nhiều như thế. Thủa nhỏ, tôi thường được nghỉ ở nhà với bà, bà hay dắt tôi đi chơi, ăn chè, hoặc đôi khi là nhặt lá cây ép vào quyển sổ. Tuy rằng ở thành phố, nhưng vì được ở cùng bà nên tuổi thơ của tôi vô cùng rực rỡ, vô cùng ấm áp.

Tôi miên man suy nghĩ cho đến khi chén trà trong tay đã lạnh tanh, chị Xoan từ bên ngoài gọi vào.

“Mợ ơi, mời mợ lên nhà ăn trưa. Đến giờ ăn rồi ạ.”

Hôm nay là bữa trưa đầu tiên từ khi tôi về nhà chồng. Tôi chỉnh lại quần áo rồi theo chị Xoan bước đến phòng ăn. Vẫn là phòng ăn hôm tôi ở lại đây hồi đó, trong phòng ăn lúc này chưa có người chủ nào ngồi, chỉ có mấy người ở chạy qua chạy lại bưng đồ ăn lên. Hóa ra tôi là người đến đầu tiên.

Tôi chuẩn bị bước vào phòng thì bà Huế cũng đến. Tôi chào bà một lễ:

“Con chào mẹ!”

Bà Huế không nhã nhặn như sáng nay tôi gặp được, bà lườm tôi một cái, giọng điệu như mỉa mai:

“Thế nào? Trúng mê hương giờ đã tỉnh hẳn chưa? Ngày mai có cần nghỉ ngơi nữa không?” - Bà nói qua kẽ răng cái giọng cứ ác ác như mấy bà mẹ ghẻ ác độc ấy.

“Dạ, con cũng tỉnh rồi ạ. Mời mẹ vào ăn cơm.”

“Ối dồi, nhà của tôi mà còn phải mời vào ăn cơm…”

Bà ta chưa nói hết thì ông Lý đi từ đằng sau đến, chẳng đợi bà ta nói hết câu.

“Thế không bước vào ăn cơm đi, trưa bảnh mắt ra rồi còn đứng ngoài cửa hết với nhau làm gì?”

Nghe ông Lý Quan nói thế, bà Huế giật mình một cái rồi hạ giọng ngay. Tôi cảm giác như trong con người bà có đến tận hai con người.

“Cái ông này, tôi chờ ông đến chứ còn gì nữa. Không có ông ở cạnh tôi nuốt không trôi.” - Giọng bà ta chuyển sang mềm mại ngọt ngào, cả người như muốn dựa vào ông Lý.

Ông đẩy bà ta tránh xa xa ra, nói “nóng”.

“Vào đây, hôm nay cả nhà ăn cơm ta có việc lớn muốn nói.”

Tôi theo ông vào ngồi. Bé Linh cũng từ đằng xa chạy vọt đến nhào vào trong lòng tôi. Nó cầm tay tôi ríu rít như chim sơn ca. Giọng nói lanh lảnh của bé con tràn đầy sức sống và mang đến cảm giác tinh khiết sạch sẽ nhất ở đây. Tôi có cảm giác nhờ có tiếng con bé mà lòng tôi vui lây.

Tôi ngồi bên dãy trái trên chiếc bàn, cùng dãy tôi có bé Linh, cậu Minh, cô Thanh, cô Lệ, bên dãy trái là bà Huế, vợ chồng cậu Phú, con trai cậu Phú. Ông Lý ngồi ở vị trí chủ tọa. Ông ngồi nghiêm chỉnh khiến cho không khí bữa cơm gia đình cũng trịnh trọng hơn, không thân thiết giống như ở nhà chú thím tôi.

Các món ăn lần lượt được mang lên, đồ ăn phong phú nhưng cũng không quá dư thừa như ngày tôi ở lại ăn cơm hôm chạm ngõ. Mỗi món ăn được làm khá tinh tế, hương sắc đầy đủ. Tôi ngồi cạnh bé Linh, giúp con bé lấy đồ ăn. Ông Lý ăn cơm xong, ngồi chờ mọi người. Cậu Phú gắp miếng to nhồm nhoàm bỏ vào trong miệng, tôi thấy mợ tư - vợ cậu Phú huých cùi chỏ vào tay cậu. Lúc này cậu ta mới cố gắng từ tốn hơn. Tôi lại nhìn sang sắc mặt ông Lý, thấy ông chăm chăm nhìn cậu Phú.

Cả bữa cơm không có lấy tiếng nói chuyện chỉ có tiếng gắp đũa, ăn cơm. Tôi vừa ăn vừa nhìn sắc mặt mọi người, quan sát ông Lý. Nghe người ta nói nhập gia tùy tục, nên tôi cũng phải quan sát kỹ lưỡng một chút, tôi không muốn vừa bước vào cửa đã gây ra họa.

Thi thoảng tôi thì thầm hỏi nhỏ bé Linh xem con bé thích ăn gì, bởi vì tay nó ngắn nên không thể với đến những món ở xa. Bữa cơm trôi qua, ông Lý kêu người làm dọn dẹp bàn ăn đi. Lúc này có lẽ cũng qua mười hai giờ trưa rồi.

Ánh nắng mặt trời cùng nhiệt độ cao khiến cho không khí ngột ngạt hẳn lên hoặc có thể là sắc mặt của ông Lý làm cho căn nhà ăn này biến thành như thế. Không một ai dám lên tiếng, chờ người làm dọn hết lại bưng đến cho mỗi người một chén nước đỗ đen rồi mới lui xuống. Ông Lý nhấp một ngụm nước, bắt đầu nói:

“Mợ cả hôm nay cũng về nhà rồi, từ nay cũng là một thành viên trong gia đình nên cũng phải làm việc trong nhà.” - Ông Lý nói xong một câu, đưa ánh mắt nhìn mọi người trong nhà một lượt rồi dừng lại ở tôi như ý hỏi tôi thấy thế nào.

Tôi nghe thấy thế đương nhiên là đồng ý tích cực rồi. Bởi vì có việc làm mới có cơ hội tiếp xúc, ra ngoài mà làm nhiều thứ hơn. Tôi “vâng” một câu rồi nhìn ông chăm chú. Đây là cách mà bố tôi dặn khi nói chuyện với người lớn. “Con phải nhìn về phía họ, vào mắt họ hoặc phần ấn đường, phải đối đáp lại với họ để họ có cảm giác là con tôn trọng và lắng nghe họ. Bất kỳ ai khi nói cũng mong muốn có người nghe.”

Tôi luôn nghi nhớ những lời dặn dò của bố mẹ. Tôi nhìn ông chăm chú, gương mặt bình thản không hoảng hốt cũng không sợ hãi, lắng nghe ông. Có lẽ vì biểu hiện của tôi tương đối tốt nên ông nhìn tôi gật gật đầu. Ông nói tiếp:

“Giờ ở xưởng xát gạo nhiều việc thì để mợ cả ra đó làm.”

Tôi nghe thấy được đi ra ngoài làm, trong lòng sung sướng mà không để lộ ra ngoài mặt. Thế nhưng tôi còn chưa kịp vui thì một giọng nói vang lên:

“Không được!” - cậu Phú lên tiếng.

“Lý do?” - Ông Lý Quan chỉ nói đúng hai câu, quắc mắt nhìn cậu Phú.

Dường như cậu Phú rất sợ ông, ông vừa nhìn cậu ta thì cậu ta đã co rụt thân thể béo ục ịch này lại, miệng lắp bắp cố gắng nói thành câu:

“Thưa thầy… Bởi vì… bởi vì chị dâu vừa đến nhà, còn chưa quen với gia đình ta, nên để chị làm quen trước, sau này làm cũng không vội.”

Ông Lý nghe vậy thì cười vang xua xua tay.

“Không lo, hiện tại con đang quản lý xưởng thì con chỉ cần giao lại sổ sách, sau đó cho mợ Yến tập làm dần là được. Mợ học cao hiểu rộng, ta tin mợ Yến sẽ làm tốt.”

Tôi thấy cậu Phú mặt như tái trắng đi không nói được gì. Cuối cùng dừng lại một chút mới thốt được lên:

“Vâng, vậy thầy cho con một tuần con chuẩn bị rồi con giao lại cho mợ.”

“Ừ, cứ vậy đi. Xưởng xát gạo là mối làm ăn lớn trong làng, ai ai cũng phải đến nhà ta. Con nhớ làm cho cẩn thận, học hỏi cho tốt.” - Ông Lý nhìn cậu Phú rồi lại quay sang tôi ôn tồn dặn dò.

“Vâng, con xin nghe thầy.” - Tôi cũng học theo mọi người gọi ông là thầy.

Xong chuyện, mọi người giải tán. Tôi đi sau cùng, bé Linh dắt lấy tay tôi, đòi theo tôi về phòng chơi. Tôi đương nhiên là rất vui rồi. Bởi vì ở đây quá nhàm chán, dù cậu Đức có đẹp trai nhưng cả ngày ngồi không ngắm cậu cũng chẳng có ích gì cho mục đích của tôi. Tôi muốn nhanh chóng làm quen với hoàn cảnh ở đây, thông thuộc mọi chỗ. Tôi có thể nhờ bé Linh dẫn tôi đi thăm quan hết phủ. Vì bây giờ tôi cũng là một thành viên ở đây, chẳng có nơi nào mà tôi lại không được đến.

Chỉ là vì ý nghĩ này của tôi, mà lần này suýt nữa thì hai chị em tôi bị rơi xuống hồ.

Nếu yêu thích đừng ngại để lại bình luận dưới các chương truyện của mình nha. FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất hân hạnh được kết bạn! https://www.facebook.com/tranthom1995/

Nhóm đọc truyện của mình trên fb: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/

Bạn đang đọc Chồng Tôi Là Tên Thiểu Năng Láu Cá sáng tác bởi danguyetthanhkhau
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi danguyetthanhkhau
Thời gian
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.