Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Kho báu

Tiểu thuyết gốc · 2483 chữ

Ba mươi lính cận vệ theo lão Nghĩa đến một hang núi bí mật cách trại hai dặm đường. Lão bảo họ dọn mấy tảng đá lớn cạnh vách hang ra lộ ra một lối thông đủ cho năm người đi vào. Tay trung đội trưởng theo lão tiến vào thì thấy cả một hang toàn vàng bạc, ngà voi cùng sừng tê giác phải đến hàng ngàn chiếc. Nhưng bất ngờ chưa dừng ở đó, trong hang còn có đến hai trăm khẩu thần công cỡ lớn bằng đồng cùng hàng ngàn quả đạn gang tròn, đao kiếm gươm giáo nhiều vô số kể. Số của cải quân nhu này đủ vũ trang cho một đạo quân thời phong kiến đông đến hàng vạn người. Thấy ba mươi người không đủ sức vận chuyển đống của cải này đi, tay trung đội trưởng vội cho người báo lại với Ưng Lịch để đem thêm lính đến giúp. Một lát sau, có hai đại đội được cử đến chi viện, hơn hai trăm người cứ thế hì hục đến sáng cuối cùng cũng chuyển đồ xong. Đống súng thần công cùng vũ khí bị bỏ lại hang, để lần sau chuyển tiếp. Ưng Lịch thống kê được số của cải phải đến hai tấn vàng thỏi, mười tấn bạc, ba ngàn chiếc sừng tê giác cùng một ngàn cặp ngà voi. Số của cải này vốn do Quang Trung lệnh cho Vũ Văn Dũng chôn giấu tại hang núi này phòng khi có biến sẽ dùng để chiêu binh mãi mã phản công chiếm lại kinh thành Phú Xuân. Ai ngờ Quang Toản phế quá, mới mất kinh thành đã chạy luôn ra bắc làm chúng không có đất dùng. Sau này Vũ Văn Dũng nản lòng thoái chí nên cũng mặc kệ chúng tại đó. Lão Nghĩa vì biết đạo lý ''mang ngọc có tội'' nên cũng không dám tiêu xài chúng, nếu để lộ ra có khi tai họa lớn sẽ ập xuống sơn trại và con cháu của lão. Mà thực ra những thứ này trên miền núi còn chẳng hữu dụng bằng muối và lương thực, đó mới là thứ đảm bảo cuộc sống của những người này. Lần này cũng vì Ưng Lịch không so đo lại còn lấy thuốc cứu chữa và thu nạp sơn trại của lão nên lão Nghĩa mới hiến chúng ra làm đầu danh trạng của mình. Chúng nhiều đến mức phải dùng đến hai trăm chiếc xe cùng một tiểu đoàn hộ tống mới chở hết được. Đống sừng tê cùng ngà voi được đưa trực tiếp về Hội An để bán cho đám thương nhân Thanh triều. Mặc dù đống sừng này đã có tuổi chừng trăm năm nhưng chất lượng vẫn tốt vô cùng, giá bán của chúng hiện tại cũng cực kì cao. Một chiếc sừng tê giác châu Á có giá ngang với số vàng bằng trọng lượng của nó. Ba ngàn chiếc sừng tê giác, trung bình mỗi chiếc nặng đến hai cân thực sự là một kho báu khổng lồ. Việc vận chuyển chúng về cũng rất bí mật, Ưng Lịch không muốn dính vào những phiền phức không cần thiết vì đống của cải này. Cũng may hắn có thể sử dụng mấy chục thương đội để ngụy trang cho đám kho báu này, chỉ cần nói là sang Lào với Cao Miên thu mua sừng tê và ngà voi thôi.

Trong sơn trại, công việc đang vô cùng tất bật: người khỏe mạnh thì quét dọn hậu quả của trận chiến đêm qua, binh lính thì lo cứu chữa những kẻ bị thương cùng những người bị sốt rét liệt giường. Không khí làm việc diễn ra vô cùng ái ngại giữa những kẻ tối qua còn sống mái với nhau, hôm nay lại phải giúp đỡ lẫn nhau. Ưng Lịch ngồi trong sảnh cùng mấy sĩ quan chỉ huy và Ông Ích Khiêm họp tổng kết lại những trận chiến hôm qua:

- Đầu tiên, về trận tập kích cướp xe muối, nguyên nhân thương vong do tân binh chưa quen nên hành quân chậm, không theo kịp đội hình nên phải tách đường, đi tắt để đuổi kịp đoàn quân. Đây là nguyên nhân chính của việc các anh bị phục kích mà mãi sau mới có người đến cứu. Ai cho phép các anh đi đường tắt như vậy! Nếu kẻ tập kích là quân Pháp thì bây giờ có khi ta phải chôn bốn mươi cái xác rồi! Có biết không? Có biết không?

Hắn mắng xối xả vào mặt tay trung đội trưởng bị trúng mai phục ngày hôm qua. Thực ra trung đội này cũng rất dũng cảm, trừ anh chàng bị hỏa cầu ném trúng bị bỏng, những người khác kể cả thương binh bị trúng đạn đều ở lại cầm chân đám cướp cho dân phu chạy thoát. Họ chỉ có sáu cây súng trường cùng hơn ba mươi cây nỏ đấu với phe kia nhưng không ai bỏ chạy cả. Mặc dù bị cướp mất ba xe muối nhưng không dân phu nào bị thương.

Ưng Lịch sau một hồi mắng chửi bèn dịu xuống nói tiếp:

- Toàn bộ trung đội, trừ các thương binh ra sẽ phải dọn hầm phân một tuần. Bắt đầu thi hành kỷ luật từ hôm nay.

Án phạt như vậy cho việc làm sai quân lệnh bị cướp mất vật tư là quá nhẹ nhàng, phải biết rằng tội làm tổn thất vật tư lương thực trong quân thời phong kiến có khi mất đầu cả đám ấy. Tuy vậy, cái việc dọn hố phân cho mấy ngàn con người không đơn giản chút nào. Thắng - chỉ huy đại đội đặc công không nhịn được mà phì cười vì cái hình phạt đó liền bị Ưng Lịch trừng mắt phải ngậm miệng lại gấp. Hắn bắt đầu nói với viên đại đội trưởng đặc công:

- Đại đội đặc công hôm qua làm rất tốt, chỉ có một số chiến sĩ bị trẹo chân do nhảy tiếp đất sai tư thế. Việc hạn chế giết chóc cũng làm rất tốt, bốn mươi kẻ bị bắn chỉ có mười lăm người chết. Tuy nhiên, các anh cũng có cần lưu ý một điểm sau đây. Tối qua các anh bắn hơn năm trăm viên đạn cùng ném ra ba mươi quả lựu đạn nổ và hai mươi đạn khói. Kết quả chỉ có hơn bốn mươi quân địch chết và bị thương. Bắn phí đạn như các anh nếu luồn sâu đánh trên đất địch mà hết đạn thì làm sao? Các anh lấy dao mà ném à? Lần sau nhớ rút kinh nghiệm.

- Dạ rõ, thưa tổng tư lệnh! – Tay Thắng hô to.

- Thôi, các anh không thương vong là tốt rồi. Chốc nữa mỗi người đến chỗ quân nhu lãnh hai cân thịt khô.

Thịt lợn khô được tẩm ướp ớt là món ăn ưa thích của rất nhiều người lính nhưng nó chỉ được bán hoặc phát cho sĩ quan từ cấp đại đội trở lên. Mỗi người một tháng chỉ được cấp khoảng hai đến năm lạng, lính bình thường muốn ăn phải bỏ tiền ra mua với giá gấp mấy lần thịt lợn tươi. Hai cân thịt khô tính ra là tiêu chuẩn bốn tháng của một trung đoàn trưởng.

Cuối cùng, Ưng Lịch quay sang an ủi Ông Ích Khiêm:

- Mục Chi đại nhân đừng buồn, thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh. Ngài thua chẳng qua do vũ khí kém hơn mà thôi!

Trận tỷ thí tối qua làm lão quê hết cả mặt. Ông Ích Khiêm luôn tự nhận mình là đệ nhất dũng tướng Đại Nam nhưng hôm qua lão lại bị đối thủ vô danh đánh gãy cả đao làm bây giờ lão không dám lên mặt với đám lính của Ưng Lịch nữa. Âu đó cũng là một việc tốt, hắn ngay từ đầu cũng muốn tìm cơ hội để tỏa cái nhuệ khí của vị kiêu tướng này. Ông Ích Khiêm nghe vậy chỉ nói:

- Mạt tướng kỹ không bằng người, thua là đáng! Xin chúa công cho thần mấy tháng sau tỷ thí lại một trận với lão ta.

- Hai người giao lưu võ nghệ thì được chứ đừng để bị thương lẫn nhau mà làm tổn hại hòa khí. Việc tỷ thí ngài tự bàn với lão Nghĩa đi.

- Đa tạ chúa công!

Tiếp theo, mọi người bắt đầu bàn về nguyên nhân vụ cướp vừa xảy ra. Đơn vị trinh sát thậm chí còn phát hiện có một số kẻ lảng vảng theo dõi đoàn người từ mấy hôm nay, có lẽ còn những nhóm người khác cũng có mưu đồ như đám lão Nghĩa, chẳng qua do sợ binh lính của hắn nên chưa dám ra tay thôi. Ưng Lịch hỏi mọi người trong cuộc họp:

- Tình hình rất nguy hiểm cho chúng ta! Rất nhiều nhóm người giống đám lão Nghĩa đang tìm cách làm loạn. Cuộc di chuyển của chúng ta có lẽ sẽ thất bại nếu họ tập kích vào đoàn dân phu cùng gia đình họ. Sáu vạn người mà chạy loạn lên thì chúng ta nát là cái chắc. Mọi người cho ta ý kiến giải quyết việc này đi.

- Thần đề nghị giết sạch đám kẻ cắp ấy, treo đầu chúng lên cây làm gương để những tên khác phải sợ uy của chúng ta – Ông Ích Khiêm cho ý kiến.

- Điều này hoàn toàn không ổn chút nào, chém giết như ngài chỉ làm tăng thêm kẻ thù thôi. Ngài không thấy vì sao đất Bắc Hà trước khi tổng tư lệnh ra lại loạn như nồi cháo à? Vì các ngài giết nhiều quá, giết ác quá nên dân nó ghét các ngài. Bọn phản tặc cứ nói ngọt một chút là dân chúng đi theo tạo phản vì cách làm của các ngài làm mất lòng dân. Phải ân uy tịnh thi như bọn ta mới được! Tốt nhất là áp dụng phương pháp giống tối qua, cho trinh sát tìm chỗ của bọn nó rồi lấy pháo đến bức hàng – Cường, trung đoàn trưởng trung đoàn 4 phản bác lại ông ta.

- Trẻ con như các ngươi thì biết cái gì? – lão Khiêm trợn mắt lên.

- Còn hơn người bị lão già thất thập cổ lai hi đánh gục, thua không được còn đòi đấu lại! – gã Cường cũng chẳng kém lời.

Ông Ích Khiêm hay có thái độ kiêu ngạo nên quan hệ với đám sĩ quan chỉ huy của Ưng Lịch không tốt cho lắm. Trong lịch sử, quan hệ của lão và Tôn Thất Thuyết xấu đi cũng do điều này. Nghe xong lời tay trung đoàn trưởng, lão bèn quát lớn:

- Mày có ngon ra ngoài đánh nhau với ông! Đồ nhà quê thất học!

- Thằng này sợ gì! Cái loại hủ nho chỉ biết nói mồm!

Thấy cả hai đấu võ mồm ỏm tỏi, Ưng Lịch phải quát lớn:

- Thôi ngay! Đây không phải cái chợ mà cho hai người gây gổ! Ai cho các người đánh nhau! Coi ta là không khí à.

Cả hai nghe vậy bèn cúi gằm mặt xuống:

- Thần có tội!

- Thôi, lần đầu ta tha! Lần sau còn gây gổ thì kỷ luật.

Hình phạt kỷ luật cho tội gây gổ với nhau trong quân rất đáng sợ. Những đối tượng vi phạm sẽ phải ôm nhau áp má đứng ở trước cổng doanh trại suốt một ngày. Sau lưng họ sẽ treo cái biển ghi “tôi là thằng khốn nạn vi phạm kỷ luật”. Đến sáng hôm sau khi quân đội tập chạy qua cổng ba vòng mới được tha. Hình phạt này không đau đớn về thể chất( chỉ bỏ đói, bỏ nước một ngày) nhưng độ nhục nhã của nó khủng đến thôi rồi.

Một tên lính thông tin đến nói nhỏ vào tai Ưng Lịch một câu. Gã tổng tư lệnh nhóc con bèn bảo:

- Mang lão vào đây!

Lát sau, lão Nghĩa bước vào phòng họp hành lễ với chủ mới của mình. Lão nói:

- Bẩm chủ công, đã xử lý xong đống đồ đó rồi!

- Tốt lắm! Lão có biết bao nhiêu chỗ như lão bị đám người kia dụ dỗ tấn công bọn ta không? Nếu lão dẫn bọn ta đến chỗ chúng càng tốt!

Vũ Văn Nghĩa vội quỳ xuống:

- Xin chủ công tha cho bọn họ, họ chỉ túng quá hóa liều thôi. Nếu biết chủ công có thuốc chữa bệnh sốt rét thì họ không nghe theo đám kia đâu ạ! Xin để lão đến bảo ban những kẻ đó quay về theo lẽ phải.

Ưng Lịch nghe lời này mà mắt sáng lên. Hắn nói với lão già:

- Bọn chúng sẽ nghe lão chứ?

- Bẩm chủ công, bọn họ trước kia đều chịu ơn của lão. Nếu lão nói hết việc người lấy đức báo oán như hôm qua thì bọn họ sẽ chịu thôi. Có đường sống thì ai muốn liều mạng làm chi.

- Chỗ bọn linh mục ở nơi nào lão có biết không?

- Bẩm, già này biết ạ. Chúng nó cách đây hơn chục dặm đường thôi!

- Anh Hùng, anh cho trinh sát đến dò xét chỗ đó cho ta, đợi ta cho đại quân đến làm thịt bọn nó!

- Rõ, thưa tổng tư lệnh!

Ưng Lịch giao phó các nhiệm vụ xong bèn cho người đưa lão Nghĩa đến những buôn làng kia cùng một số thuốc trị sốt rét để cứu chữa người bệnh. Loại thuốc này được làm bằng cách chiết xuất từ dây kí ninh, được hắn mang theo hàng tấn để đối phó với căn bệnh sốt rét rừng nguy hiểm bậc nhất xứ Nam Bàn này. Nó không có Quinin nhưng cũng có khả năng trị sốt rét. Ngay từ khi thu mua dược liệu ở miền núi phía Bắc, hắn đã nghĩ đến loại cây này.

(Dây ký ninh là một loại dây leo, thân rất xù xì, màu nâu nhạt, dài tới 6-7m hay hơn, mọc rất khoẻ. Lá mọc so le, hình tim, mép nguyên, trông hơi dày, dài 8-12cm, rộng 56cm, cuống gầy ngắn như phiến lá. Hoa tập hợp thành 1-2 chùm ở kẽ lá. Quả chín có màu đỏ, dài chừng 12mm, có một hạt dẹt. Chúng ninh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như Hà Tây, Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. trong nhân dân nước ta cũng như một số nước khác, người ta vẫn dùng dây ký ninh để trị sốt rét, trị sốt và làm thuốc bổ giúp sự tiêu hoá như cây canhkina. Dùng dưới hình thức cao, bột, viên)

Bạn đang đọc Đại Đế châu Á sáng tác bởi tyrantX
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi tyrantX
Thời gian
Lượt thích 6
Lượt đọc 137

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.