Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Thu phục

Tiểu thuyết gốc · 2299 chữ

Buôn Hóc nằm trong một thung lũng khép kín gần cao nguyên Kontum. Người dân trong buôn thuộc về tộc người Bana, người đứng đầu là già Cun năm nay đã gần tám chục tuổi rồi. Họ sống khép kín, chỉ thỉnh thoảng mang theo sừng tê, da cọp xuống xuôi để đổi muối với đám dân miền xuôi. Bỗng dưng sau mùa mưa năm nay, dịch sốt rét rừng ập tới, cướp đi sinh mạng hàng chục người trong buôn. Trong cơn tai nạn này sức người dường như bất lực.Già Cun lại nhớ đến ký ức kinh hoàng bảy mươi năm trước, cha mẹ lão cùng mấy trăm dân làng chết vì dịch sốt rét năm ấy. May sao mấy hôm trước có lão linh mục Sáu Lèo truyền đạo Gia Tô của lũ người Kinh di cư lên vùng này đem thuốc đến cho, hai chục thanh niên nhờ thế mà thoát cơn hiểm nghèo. Lão Sáu Lèo nói với già làng, muốn có thêm thuốc thì phải đi cướp gạo, cướp muối, chặt đầu đám người Kinh sắp di cư lên đây mà đổi. Lúc bình thường, già làng không thích giao du với đám người này vì chúng xấu bụng lắm. Chúng hay dụ người các làng theo đạo chúng, khi vào đạo rồi thì bắt không được thờ Giàng, thờ rừng cúng giỗ tổ tiên. Chúng bắt thờ cái cây gỗ hình chữ thập có cái ông da trắng râu rậm bị đóng đinh trên đó, coi ông ta hơn mẹ hơn cha của mình. Chẳng qua trong hoàn cảnh như bây giờ thì buôn làng cần thuốc lắm. Sau khi bàn bạc với đám thanh niên, họ quyết định liều mạng vì cái buôn làng này. Đám thanh niên xách đao, xách nỏ và tên độc đến theo dõi đám người Kinh, đợi vài hôm nữa lúc họ mất cảnh giác sẽ ra tay, tốt nhất là rủ thêm được các buôn làng khác thì càng chắc ăn. Đám người Kinh này chẳng có thù gì với buôn Hóc cả, nhưng không cướp muối của chúng thì người trong buôn chết hết mất.

Già Cun đang ngồi trước nhà rông làm lễ cầu an cho buôn làng và đám thanh niên thì thằng cháu già chạy vào gọi:

- Ông ơi, có ông Nghĩa đến chơi với ông!

- Mày mời ông Nghĩa vào đây!

Một lát sau, lão Nghĩa đi vào gặp ông bạn già của mình. Lão hét lớn:

- Già Cun còn khỏe không thế?

- Cám ơn cụ Nghĩa, thân già này còn tốt lắm, chỉ thương đám thanh niên thôi!

- Buôn ta có đi săn đám người Kinh không thế?

- Trại của lão cũng đi à? Tình hình thế nào? Có cướp được xe muối nào không?

- Đừng nói cướp nữa lão ơi. Đám người Kinh có súng, chúng nó bắn chết mấy chục người rồi chiếm luôn trại ta rồi. Đánh chúng nó không được đâu.

- Thế trại của lão bây giờ thế nào? Chúng nó giết hết rồi à?

- Không, họ còn tha và chữa bệnh sốt rét cho người trại ta nữa. Người Kinh có thuốc chữa sốt rét, họ hứa chữa hết cho các buôn làng nếu mọi người đến gặp vua người Kinh đấy. Lão gọi đám thanh niên về hết đi, có thuốc rồi không cần liều mạng nữa.

- Ồ, ta biết rồi, để ta bảo thằng cháu gọi đám thanh niên về.

Nghe xong già Cun nói vậy, lão Nghĩa bèn từ biệt ngay, lão phải sang mấy buôn khác nữa. Lão không thể để thanh niên trong vùng mất mạng vô ích được. Cũng may Ưng Lịch cho lão một chiếc xe đạp nên tốc độ của lão nhanh gấp mấy lần chạy bộ, chỉ trong hai ngày đã đến hết được các buôn làng. Lão Nghĩa vừa khuyên nhủ vừa dọa dẫm khiến già làng các buôn phải gọi hết đám thanh niên về.

Lúc lão Nghĩa đang bàn chuyện với già Cun, trong một thung lũng nhỏ, có vài trăm người miền núi tụ tập với nhau bên đống lửa.Họ ăn mặc, tết tóc không hề giống nhau, đến từ đủ các tộc người như Xơ Đăng, Bana, Gia Rai,Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm.... Người nào người nấy đều mang theo vũ khí như đại đao, trường đao, lao, nỏ tẩm tên độc. Đặc biệt hơn, họ còn mang theo cả chục thớt voi. Những người không biết nhìn vào có lẽ đều tưởng họ sắp xuống miền xuôi ăn cướp vào những năm trên vùng này mất mùa hoặc trong vùng tổ chức đi săn voi tập thể vậy. Vẻ mặt họ vô cùng nặng nề, giống như việc họ sắp làm là đi vào chỗ chết vậy. Một người đàn ông trung niên cường tráng lên tiếng:

- Chúng mày có cách gì không? Đám người Kinh đông quá lại còn có nhiều súng nữa.

- Không đánh được tụi nó đâu anh Dút ơi. Đám lão Nghĩa giỏi võ thế kia mà bị nó bắn chết hai chục thằng kìa.

- Thế cứ để dân buôn mày chết vì bệnh hả Heng? Anh mày cũng đang sốt rét mà.

- Nhưng cũng không thể lao đầu vào mù quáng thế được. Cả lũ chết hết thì ai mang đồ về đổi thuốc.

Đám người miền núi này cứ tranh cãi mãi suốt mấy giờ liền, cuối cùng cũng thống nhất được phương án tác chiến: Đợi đến buổi tối ba ngày sau sẽ dùng voi lùa đàn thú rừng vào đám người Kinh rồi nương theo đó tập kích, mọi người đánh nhanh rút gọn trong một canh giờ, chiến lợi phẩm chia đều. Người đưa ra phương án này là anh chàng Heng vẫn đăm chiêu lo lắng, không biết qua lần này có bao nhiêu thanh niên mất mạng đây.

Ngoài lối vào thung lũng, có một thằng bé hớt hơ hớt hải chạy tới, nó hét lớn:

- Anh Heng ơi, Anh Heng ơi! Đừng đi đánh nhau nữa, già làng bảo về buôn!

Heng chạy ra, thấy nó liền hỏi:

- Sao thế Y Tun, không đánh bọn Kinh làm sao có thuốc chữa bệnh?

- Ông Nghĩa xin được thuốc từ người Kinh rồi. Không cần đánh nhau nữa anh ơi!

- Láo! Đám lão Nghĩa đánh bọn người Kinh, bị chúng nó bắn chết mấy chục người, làm sao mà xin được thuốc bọn nó.

- Ông ấy đầu hàng đi theo đám người Kinh rồi. Chúng nó bây giờ đang chữa bệnh cho trại Ông Nghĩa đó. Ông ấy mang thuốc đến cho buôn mình rồi bảo nếu mình về gặp vua người Kinh thì họ sẽ cho thêm thuốc với muối đấy.

- Ồ, thế thì để tao gọi bọn kia về! May quá, không cần đánh nhau nữa!

Ngày sau, các buôn khác cũng làm theo buôn Hóc. Đám thanh niên trai tráng thì thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng không cần liều mạng. Bây giờ việc của họ là hộ tống già làng đến gặp vua người Kinh để xin thuốc.

Quay lại sơn trại của lão Nghĩa, sau hai ngày cứu chữa, bệnh tình của đa số người bệnh đã đỡ hẳn. Mấy tên bị đạn bắn trúng cũng được mổ và khâu vết thương lại. Có bảy người chết do nhiễm trùng, còn lại đều ổn cả. Việc phẫu thuật trong quân được lão Bái, đao phủ già nhất của bộ Hình thực hiện. Sau lần hành hình năm ngoái, lão cùng mấy tên đệ tử được Ưng Lịch chiêu mộ về dưới trướng nhưng không phải để làm đao phủ mà để học phẫu thuật cứu người. Kĩ năng mổ người của lão không thua gì những bác sĩ thời hiện đại cả. Sau khi được phổ biến một số kiến thức y khoa phẫu thuật thời hiện đại như tiêu độc- khử trùng cùng rửa vết thương bằng rượu mạnh, lão đã thành công thực hiện nhiều ca phẫu thuật như mổ đẻ, mổ sỏi thận hoặc khâu viết thương do bị thú dữ vồ. Lão Bái thậm chí còn lập lời thề phải cứu được gấp năm lần số người lão đã chém nữa.

Ngoài việc cử lão Nghĩa đi đến các buôn làng, Ưng Lịch cũng cho tăng cường cảnh giới trong đoàn dân phu. Cứ hai lính chính quy mang theo tám dân phu thành một tổ cảnh giới, mấy chục tổ như vậy liên tục trông chừng trong đoàn người, đặc biệt là đám dân phu độc thân. Những kẻ có biểu hiện khả nghi bị bắt ngay lại thẩm vấn. Việc bắt giữ không được thực hiện công khai để tránh gây hoang mang trong đoàn người, những tên nào được xác định là gián điệp sẽ biến mất theo “quy trình tai nạn đi rừng”. Những người không phải gián điệp cũng bị đe giữ kín miệng nếu không sẽ phạt nặng.

Nghe xong gã lính cận vệ báo cáo hai ngày nay bắt được hơn hai chục tên gián điệp mà Ưng Lịch toát hết mồ hôi hột. May mà kịp bắt bọn này trước khi chúng làm loạn nếu không hậu quả khó mà lường hết được. Nhỡ đang chiến đấu mà đám này gây loạn thì nguy to. Hơn năm vạn con người loạn lên thì có khi cha con hắn cũng không còn mạng ấy. Đám đặc công cùng bắn tỉa mấy hôm nay mật phục khắp nơi để cảnh giới. Đại đội trinh sát thì liên tục theo dõi ngoài làng của đám linh mục, nếu không phải mấy hôm nay bận canh chừng đám người miền núi thì đại quân đã đến làm cỏ cái làng Việt gian này rồi.

Sau ba ngày lão Nghĩa đi thương thuyết, tất cả các buôn đều gọi hết người về, thuốc chữa bệnh cũng được đem đến một phần cho bọn họ. Phần còn lại các già làng phải đến gặp mặt cha con Hồng Cai để lấy thuốc. Ở sơn trại, sau khi chứng kiến tận mắt quá trình cứu chữa bệnh nhân của đám người Kinh, sự nghi ngờ của họ đã biến mất hẳn. Ưng Lịch nghĩ lại cũng lấy làm may mắn vì tha cho lão già này, nếu như hôm trước hắn cho chém chết lão thì bây giờ có lẽ bốn ngàn năm trăm quân của hắn phải đánh trận với một nửa dân cư của vùng Kon Tum này rồi. Hắn không muốn đánh trận với đám người miền núi này một chút nào vì thắng cũng chẳng có cái vẹo gì; thua còn tệ hại hơn, sẽ mất người mất của. Người miền núi cứ thua là họ chạy rồi họ quấy phá liên tục, sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác vùng Nam Bàn này. Ngoài các buôn làng, bộ tộc bị bệnh ra, trong lần tiếp đón này còn có những buôn làng, bộ tộc nhỏ có làm ăn buôn bán với thương đoàn từ năm trước.

Ưng Lịch từ từ tiếp đón từng người già làng một, lão Nghĩa đứng hầu một bên giúp phiên dịch lại cho những người không biết tiếng Kinh. Hầu như toàn bộ các buôn trong vùng đều thuần phục khi nghe những điều kiện của hắn như sau:

- Các buôn cho người đến làm công hoặc đi lính cho phủ Quận vương

- Tiền công trả cho các buôn có thể đổi thành lương thực,muối hoặc thuốc

- Phủ Quận vương sẽ cấp thuốc điều trị miễn phí cho đợt dịch sốt rét này và các đợt dịch bệnh về sau.

- Phủ Quận vương sẽ cho đóng ở mỗi buôn một đội chuyên chữa bệnh và giúp dạy các buôn làng kỹ thuật canh tác mới.

- Mỗi tuần sẽ có một phiên họp chợ trên cao nguyên Kon Tum, dân cư trong vùng có thể mang lâm sản lên để trao đổi.

- Cam kết sẽ không ép giá hàng hóa giống như những đám lái buôn trước đây ở vùng sơn phòng hay làm với họ. Bảng giá thu mua được niêm yết rõ ràng, kẻ nào làm trái sẽ bị xử tội.

Một buổi cắt máu ăn thề được tổ chức ngay lập tức, Hồng Cai với tư cách là người đứng đầu cùng các vị già làng, tộc trưởng trong vùng uống chung một hũ rượu cần để nhận sự thuần phục của các bộ tộc vùng này. Ưng Lịch thì ra lệnh cho một ngàn lính đi đến các buôn để chữa bệnh, cứ một trung đội sẽ phụ trách một đến hai buôn ở gần nhau. Sau buổi cắt máu ăn thề, họ được mời lại để chứng kiến trận chiến đánh dẹp đám linh mục kia. Quân số huy động cho trận chiến này là một ngàn năm trăm quân, hai ngàn lính còn lại sẽ tiếp tục hộ tống Hồng Cai và đoàn dân phu lên cao nguyên. Sở dĩ cần huy động cả một trung đoàn để đánh một ngôi làng vì Ưng Lịch đã nhận được một thông tin khá quan trọng: trong làng có lính Pháp, số lượng ước chừng hơn một đại đội. Để áp đảo chừng đó lính Pháp cùng hơn năm trăm dân đinh trong làng kia một cách kín đáo thì một ngàn năm trăm lính là con số cần thiết tối thiểu. Hắn không muốn cho một tên nào trong đó chạy thoát về miền xuôi được. Việc đánh dẹp lần này sẽ được báo với triều đình do thổ phỉ tấn công làng này, còn đám thổ phỉ nào thì hắn không biết, tên nào biết lên đây mà điều tra, hắn không chịu trách nhiệm an toàn cho kẻ đó.

Bạn đang đọc Đại Đế châu Á sáng tác bởi tyrantX
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi tyrantX
Thời gian
Lượt thích 9
Lượt đọc 107

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.