Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM THỨC TRONG TRADING(THÓI QUEN-CÔ ĐƠN)

Phiên bản Dịch · 2185 chữ

THÓI QUEN

(Nyanaponika) - “Một sự việc thường xảy ra là lúc đầu chúng ta coi một hành động hay một thái độ nào đó trong tâm là không quan trọng đối với cá nhân mình. Hành động hay thái độ đó có thể là bàng quan, thờ ơ và không gây hậu quả về đạo đức. Ban đầu chúng ta sẽ thấy rất dễ từ bỏ nó, thậm chí thay thế bằng một thái độ ngược lại, bởi vì không có cảm xúc hay định kiến nào thúc đẩy chúng ta thiên vị một bên nào cả. Nhưng do lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta dần dần coi những loại hành động và suy nghĩ mình lựa chọn đó là “thích thú, đáng mong muốn, và đúng đắn”, thậm chí là “chính đáng” nữa; và do đó đồng hóa mình với nó, coi đó là tính cách của mình. Hậu quả là, chúng ta cảm thấy bất cứ sự phá vỡ nào đối với thông lệ đó là không thích thú hay sai trái. Bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng khiến chúng ta tức giận, thậm chí còn coi là mối đe dọa tới “những nguyên tắc và lợi ích sống còn” của mình nữa.

Thực ra, những tâm hồn hoang sơ, dù là “văn minh” hay không, lúc nào cũng nhìn những kẻ lạ mặt với “phong tục lạ đời” như là kẻ thù, và cảm nhận sự có mặt thân thiện của họ là đầy thách thức và đe dọa.

Lúc đầu, khi một thói quen nhất định không được coi là quá quan trọng, sự dính mắc thành hình dần dần ấy không hướng tới bản thân của hành động nhiều bằng sự thích thú do thông lệ thường làm không bị cản trở. Sức mạnh của sự dính mắc vào thông lệ một phần đến từ sức ỳ của thân và tâm chúng ta – sức ý đó là một động lực rất mạnh trong con người. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét một nguyên nhân nữa khiến mình dính mắc vào thông lệ. Do sức mạnh của thói quen, một đối tượng - dù là đối tượng vật chất, một hành động hay cách suy nghĩ – sẽ được đầu tư thêm bằng sự gia tăng cường độ cảm xúc, đến mức sự dính mắc vào những thứ không quan trọng và tầm thường, vô nghĩa lại có thể trở nên mạnh mẽ, dai dẳng như thể đó là những nhu cầu thiết yếu nhất. Vì vậy, thiếu kiểm soát tâm có thể biến những thói quen nhỏ nhất thành những ông chủ đầy quyền lực của cuộc đời chúng ta. Nó ban cho chúng quyền lực nguy hiểm để hạn chế và làm cứng nhắc tính cách, hạn chế tự do tâm linh và tri thức của chúng ta. Do phục tùng thói quen, chúng ta tự mua dây buộc mình, và làm cho mình dễ bị tổn thương trước những dính mắc mới, sân hận, định kiến và sở thích mới; nghĩa là những đau khổ mới. Mối nguy hiểm đối với sự phát triển tâm linh do ảnh hưởng thống trị của thói quen ngày nay còn nghiêm trọng hơn rất nhiều; bởi vì sự phát triển các thói quen đặc biệt dễ nhận thấy trong thời đại ngày nay khi sự chuyên môn hóa và chuẩn hóa đã vươn tới rất nhiều lĩnh vực tư tưởng và đời sống.

Xu hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của thói quen này ăn sâu bén rễ ở ngay trong tâm chúng ta. Nó bắt nguồn không chỉ từ sức mạnh (thụ động) của sự trì trệ (sức ỳ) đã nói ở trên, mà trong nhiều trường hợp còn từ ý chí áp đặt và chinh phục của chúng ta. Một số loại tâm hoạt động tích cực, cường độ mạnh, có xu hướng tự lặp lại chính nó. Mỗi tâm cố vật lộn để chiếm ưu thế, để trở thành trung tâm mà các trạng thái thân và tâm khác yếu hơn phải vận động xung quanh, tự thay đổi để thích ứng với và phục vụ cho trung tâm ấy. Xu hướng này không phải là không bao giờ bị thách thức, song nó vẫn chiếm ưu thế, và ngay cả các loại tâm phụ thuộc và ở ngoại vi cũng có cùng động lực vươn lên như thế. Điều này rất giống với xu hướng tự khẳng định mình và độc đoán, áp đặt lên người khác của những con người ngã mạn, khi họ tiếp xúc, giao tiếp với xã hội.

Cần phải nói rõ là thói quen, vốn được gọi là “vú nuôi của con người”, không thể và không nên biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta. Chỉ cần nhớ xem, nhất là đối với những con người thành phố với cuộc sống đông đúc và phức tạp, thật nhẹ nhàng biết bao khi chúng ta có thể xử lý rất nhiều công việc khác nhau một cách tương đối máy móc mà chỉ cần chú ý “một nửa”. Thói quen làm đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta. Nếu tất cả mọi công việc nhỏ nhặt, buồn tẻ đều phải làm với sự cố gắng đầy chủ ý và chú ý sát sao thì thật là căng thẳng. Thực ra, rất nhiều công việc tay chân, những công đoạn kỹ thuật trong nghệ thuật, và ngay cả một số quy trình công việc đầu óc, nếu tiến hành một cách khéo léo theo thói quen thường lệ sẽ mang lại kết quả tốt hơn và đều đặn hơn. Tuy nhiên ngay cả sự đều đặn của các công việc thói quen ấy cũng sẽ đạt đến điểm dừng. Nếu không được tiếp sức bởi một hứng thú mới, nó sẽ bộc lộ triệu chứng mỏi mệt và bắt đầu suy thoái.”

CÔ ĐƠN

(J. Krishnamurti) – “Chúng ta hiểu trạng thái cô đơn là gì? Nó là một cảm thức về sự trống rỗng, không có gì cả, một trạng thái cực kì hoang mang mờ mịt, không bến không bờ. Nó không phải là nỗi tuyệt vọng hay thất vọng, nhưng là một cảm thức về hư vô, một cảm thức về sự trống không và một cảm thức về sự ẩn ức bất toại. Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều đã từng cảm thấy trạng thái đó, những người hạnh phúc lẫn những người bất hạnh, những người thật năng nổ hoạt động lẫn những người mê say kiến thức. Tất cả họ đều biết trạng thái này. Nó là sự cảm nhận nỗi đau bất tận, thực sự, một nỗi đau không thể che giấu, mặc dù chúng ta cứ cố che giấu. Chúng ta hãy tiếp cận lại vấn đề này để thấy cái gì thực sự xảy ra, để thấy bạn làm gì khi bạn cảm thấy cô đơn.

Bạn cố gắng đào thoát khỏi tình cảnh cô đơn của bạn, bạn cố gắng đọc tiếp một quyển sách, bạn theo một lãnh tụ nào đó, hay bạn đi xem chiếu bóng, bạn trở nên hết sức năng nổ về mặt xã hội, bạn đi lễ bái cầu nguyện, hay bạn vẽ, bạn làm một bài thơ về nỗi cô đơn. Đấy là điều đang thực sự xảy ra. Khi bắt đầu thức giác về nỗi cô đơn, nỗi đau của nó, nỗi sợ hãi khác thường và sâu thẳm về nó, bạn tìm kiếm một lối thoát và lối thoát đó trở thành quan trọng hơn và do vậy các thứ hoạt động của bạn, kiến thức của bạn, các thần linh của bạn, những chiếc radio của bạn, tất cả trở thành quan trọng, không phải thế sao? Khi bạn đặt tầm quan trọng vào những giá trị thứ yếu, chúng đưa bạn tới bất hạnh và hỗn loạn; những giá trị thứ yếu tất nhiên là những giá trị của cảm giác; và nền văn minh hiện đại đặt nền tảng trên những giá trị ấy cống hiến cho bạn lối đào thoát này - đào thoát qua việc làm của bạn, qua gia đình của bạn, tên tuổi của bạn, việc học tập của bạn, qua việc họa vẽ v.v...; tất cả nền văn hóa của chúng ta được đặt nền tảng trên lối đào thoát đó. Nền văn minh của chúng ta được xây dựng trên đó và đấy là một sự kiện. Bạn có bao giờ thử nghiệm ở trạng thái một mình chưa? Khi bạn làm thế bạn sẽ cảm thấy nó khó khăn khác thường đến dường nào và chúng ta phải có sự thông minh khác thường đến dường nào để ở vào trạng thái một mình, bởi vì tâm thức không chịu để cho chúng ta một mình. Tâm thức trở nên náo động, lăng xăng với những cách đào thoát, vậy chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ cố gắng lấp đầy cái trống không khác thường này bằng cái biết được. Chúng ta phát hiện phải năng động thế nào, phải bặt thiệp ứng xử ra sao; chúng ta biết phải học tập như thế nào, nghe radio như thế nào. Chúng ta sẽ lấp đầy cái thực thể ấy mà chúng ta không biết bằng những thứ mà chúng ta biết. Chúng ta cố lấp đầy cái trống rỗng ấy bằng đủ loại kiến thức, các mối quan hệ, hay các đồ vật. Há không phải là thế sao? Đấy là quá trình của chúng ta, đấy là cuộc hiện sinh của chúng ta. Giờ đây khi bạn nhận chân điều gì bạn đang làm, bạn có còn nghĩ rằng bạn có thể lấp đầy cái trống rỗng đó hay không? Bạn đã cố dùng mọi phương cách nhằm lấp đầy sự trống rỗng này của nỗi cô đơn. Bạn có thành công trong việc lấp đầy nó hay không? Bạn đã cố đi xem phim ảnh và bạn đã không thành công và do vậy bạn đi theo các chân sư của bạn và những kinh sách của bạn, hoặc bạn trở thành người hoạt động rất tích cực về mặt xã hội. Bạn có thành công trong việc lấp đầy nó không hay là bạn chỉ che giấu nó mà thôi? Nếu bạn chỉ che giấu mà thôi thì nó vẫn tồn tại ở đó; do vậy nó sẽ trở lại. Nếu bạn có khả năng đào thoát hoàn toàn thì bấy giờ bạn bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, hoặc bạn trở nên mê đần hết mức. Đấy là điều đang xảy ra trên thế giới. Liệu sự trống rỗng này, trạng thái hư vô này, có thể lấp đầy được hay không? Nếu không thể lấp đầy được thì liệu chúng ta có thể chạy trốn nó, đào thoát khỏi nó hay không? Nếu chúng ta đã từng kinh nghiệm qua và đã thấy một lối đào thoát nào đó là vô giá trị thì, do vậy há chẳng phải mọi lối đào thoát khác cũng đều là vô giá trị hay sao? Dù bạn lấp đầy sự trống rỗng ấy bằng thứ này hay thứ khác, việc đó cũng chẳng quan trọng gì. Cái gọi là thiền định cũng là một lối thoát. Thay đổi cách đào thoát của bạn, việc ấy chẳng quan trọng bao nhiêu.

Vậy làm thế nào bạn sẽ phát hiện ra cái gì cần phải làm về nỗi cô đơn này? Bạn chỉ có thể phát hiện ra cái cần phải làm khi nào bạn ngưng dứt đào thoát. Chẳng phải thế sao? Khi bạn sẵn sàng đối mặt cái đang là - tức là bạn không được mở radio, tức là bạn quay lưng lại với nền văn minh - lúc bấy giờ nỗi cô đơn đi đến chỗ chấm dứt, bởi vì nó được chuyển hóa hoàn toàn. Nó không còn là nỗi cô đơn nữa. Nếu bạn không hiểu cái đang là thì bấy giờ cái đang là là cái thuộc về thực tại. Bởi vì tâm thức cứ luôn lẩn tránh, đào thoát, không chịu lấy cái đang là nên nó tạo sinh ra những chướng ngại cho chính nó. Bởi vì chúng ta có quá nhiều thứ chướng ngại ngăn cản chúng ta nhìn thấy nên chúng ta không thông hiểu cái đang là và do vậy chúng ta đang chạy trốn thực tại; mọi thứ chướng ngại này đã được tạo ra bởi tâm thức để không thấy cái đang là. Thấy cái đang là không những đòi hỏi nhiều năng lực hành động và thức giác trong hành động mà còn có nghĩa là quay lưng lại với mọi thứ gì mà bạn đã xây dựng nên, tài khoản ngân hàng của bạn, tên tuổi của bạn và mọi thứ gì mà chúng ta gọi là văn minh.

Khi bạn thấy cái đang là, bạn sẽ phát hiện nỗi cô đơn được chuyển hóa như thế nào.”

Bạn đang đọc Đạo Trading của Vô Vi
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy14742415
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 3

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.