Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM THỨC TRONG TRADING(NỘI TÂM- BẢN TÁNH)

Phiên bản Dịch · 3520 chữ

NỘI TÂM

(Nyanaponika) – “Một người có nội tâm chưa được làm chủ và không cân bằng do chưa từng thực hành thiền, khi nhìn vào các suy nghĩ và hoạt động thường ngày của chính mình sẽ thấy trong đó là cả một cảnh tượng hỗn loạn. Anh ta thấy, ngoại trừ một số dòng suy nghĩ và hoạt động có chủ đích, còn ở tất cả mọi nơi là sự đan xen mắc mớ hàng đống những dòng suy tưởng, nhận thức, cảm xúc và những cử động thường xuyên, liên tục của cơ thể, một tình trạng lộn xộn, rối rắm đến mức không thể chịu đựng nổi. Nhưng đó chính là tình trạng mà chúng ta coi là điều bình thường trong phần lớn thời gian thức và hoạt động tinh thần hàng ngày của mình. Bây giờ chúng ta hãy thử khảo sát xem bức tranh lộn xộn đó trông như thế nào.

Đầu tiên, chúng ta sẽ gặp phải một số lượng lớn các loại cảm nhận giác quan thông thường như hình ảnh, âm thanh đang liên tục trôi qua tâm. Hầu hết chúng đều rời rạc và mờ nhạt; thậm chí một số còn dựa trên những đánh giá hoặc cảm nhận sai lầm. Mang theo những khiếm khuyết cố hữu đó, chúng thường là cơ sở không được kiểm chứng để cho ra những đánh giá hoặc quyết định ở tầm mức tâm cao hơn. Đúng, tất cả những cảm nhận giác quan thông thường này không cần và cũng không thể là đề mục để thiền sinh chú tâm. Một hòn đá nằm lăn lóc bên đường sẽ chỉ khiến chúng ta phải chú ý khi nó cản trở đường đi hay thu hút sự chú ý của bạn vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên quá lơ là đối với những cảm nhận giác quan này, thì có lúc sẽ vấp phải đá trên đường, hay bỏ qua nhiều viên đá quý khác.

Bên cạnh những cảm nhận giác quan thông thường đó, còn có những cảm nhận, suy nghĩ, cảm xúc và tác ý rõ ràng và có ý nghĩa – vốn liên kết chặt chẽ với cuộc sống có chủ ý của chúng ta. Ở đây cũng thế, chúng ta thấy đa phần chúng ở trong trạng thái hoàn toàn rối bời.

Hàng trăm suy nghĩ chợt thoáng qua trong tâm, và ở mọi nơi là những “đầu, mẩu” của các dòng suy nghĩ đứt đoạn, những trạng thái tình cảm bị đè nén và những cảm xúc thoáng qua. Rất nhiều trong số chúng đều chết yểu. Bởi vì bản chất mờ nhạt, mong manh bẩm sinh của chúng, do sức tập trung kém của chúng ta hoặc sự lấn át của các cảm nhận giác quan mạnh hơn, nên chúng không tồn tại và phát triển lên được. Nếu quan sát tâm mình, chúng ta sẽ thấy các suy nghĩ đổi hướng dễ dàng như thế nào, cách hành xử của chúng cứ như mấy đứa con nít cãi nhau, liên tục ngắt lời nhau, không chịu lắng nghe đứa khác nói. Nhiều dòng suy nghĩ lại vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai hoặc bị bỏ qua không được thể hiện thành ý chí hay hành động, bởi vì không đủ can đảm để chấp nhận những hậu quả thực tế về đạo đức hay tri thức của nó. Tiếp tục xem xét kỹ hơn những cảm nhận, suy nghĩ hay đánh giá thông thường của mình, chúng ta sẽ phải chấp nhận một điều rằng phần nhiều trong số đó là không đáng tin cậy. Chúng chỉ là những sản phẩm của thói quen, bị chi phối bởi các loại định kiến: tri thức hay cảm xúc, bởi lựa chọn yêu ghét của chính mình, bởi sự quan sát sai lầm hay hời hợt, bởi tính lười biếng hay ích kỷ. Một cái nhìn vào những góc kín bị bỏ quên từ lâu trong tâm như vậy sẽ mang đến một cú sốc tốt đối với người quan sát. Nó thuyết phục anh ta rằng yêu cầu cấp thiết bây giờ là phải rèn luyện tâm mình một cách bài bản, đào sâu xuống bên dưới lớp mỏng bề mặt của tâm, tới những vùng tâm thức mờ ảo rộng lớn mà chúng ta vừa ghé thăm đó. Người quan sát khi đó sẽ nhận ra rằng vùng tâm thức nhỏ lộ ra trước luồng sáng của ý chí và suy nghĩ có chủ đích không phải là thước đo đáng tin cậy sức mạnh nội tâm và sự sáng suốt tổng thể của tâm thức. Anh ta cũng thấy rằng không thể đánh giá chất lượng tâm của cá nhân chỉ dựa vào một vài kết quả hoạt động tâm thức tốt nhất đạt được trong một giai đoạn ngắn ngủi và gián đoạn nào đó. Nhân tố quyết định để xác định chất lượng tâm là sự hiểu biết bản thân và tự kiểm soát chính mình như thế nào: sự ý thức (chánh niệm) trong tâm và bộ phận các hoạt động không kiểm soát (vô thức) hàng ngày đang có xu hướng tăng lên hay giảm đi.

Chính sự dễ duôi, lơ là nho nhỏ trong suy nghĩ lời nói và hành động mỗi ngày, trải qua nhiều năm tháng trong cuộc đời chúng ta (và như Đức Phật dạy, qua nhiều kiếp sống) là thủ phạm chính của tình trạng lộn xộn, rối rắm mà chúng ta thấy trong tâm mình. Sự dễ duôi này tạo ra rắc rối và cho phép những rắc rối ấy tiếp diễn. Chính vì vậy mà những vị trưởng lão thời xưa đã nói: “Dễ duôi tạo ra rất nhiều bụi bặm. Trong nhà cũng như trong tâm, một hai ngày mới chỉ có một chút xíu bụi bám vào, nhưng cứ tiếp diễn như thế nhiều năm, nó sẽ trở thành một đống rác khổng lồ”.

Những góc lộn xộn, tối tăm trong tâm là nơi ẩn náu của những kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta. Từ nơi đó, chúng tấn công mà chúng ta không hề hay biết, và đánh bại chúng ta quá thường xuyên. Cái thế giới chạng vạng đó chứa đựng những khao khát không được thỏa mãn, những nỗi uất ức bị kìm nén, sự dao động, chập chờn, những ý nghĩ chợt thoáng qua, và rất nhiều hình ảnh mờ ảo, tạo nên một cái nền mà từ đó những cảm xúc bột phát – tham, dục, sân hận, tức tối – tìm kiếm được sức hỗ trợ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự mờ tối của vùng chạng vạng ấy là mảnh đất nuôi dưỡng và cũng chính là loại phiền não gốc (akusalamūla) thứ ba mạnh nhất - si.

Các cố gắng đoạn trừ các loại phiền não gốc - tham, sân, si - sẽ thất bại chừng nào những phiền não này vẫn tìm được chỗ trú ngụ và hỗ trợ ở những vùng mờ tối không được kiểm soát của tâm; chừng nào những sợi suy nghĩ và cảm xúc nửa vời, vốn khít chặt và phức tạp, vẫn đan dệt nên tấm phông nền của tâm, mà trong đó hiếm hoi mới đan xen vài sợi suy nghĩ sáng suốt và cao thượng. Nhưng chúng ta phải xử lý cái khối cồng kềnh và lộn xộn ấy như thế nào đây? Thường thì chúng ta chỉ cố gắng lờ nó đi và dựa dẫm vào các xung lực đối trị của lớp tâm bề mặt. Nhưng phương thuốc an toàn duy nhất là đối diện với nó – bằng chánh niệm. Không có gì khó khăn cả, chỉ cần huân tập thói quen hướng sự chú ý, ghi nhận thuần túy tới những suy nghĩ thô sơ đó càng thường xuyên càng tốt. Nguyên lý hoạt động ở đây dựa trên một sự thật đơn giản là hai suy nghĩ không thể tồn tại trong cùng một lúc: khi ánh sáng chánh niệm có mặt, sẽ không có chỗ cho khoảng tối của vô thức. Khi chánh niệm liên tục đã có chân đứng vững chắc, thì việc phải đối phó như thế nào với các suy nghĩ, cảm xúc và trạng thái tâm thô sơ ấy sẽ chỉ còn là vấn đề thứ yếu. Chúng ta có thể chỉ cần gạt bỏ chúng và thay thế bằng những suy nghĩ có chủ đích khác; hay cho phép hoặc thậm chí buộc chúng phải nói ra hết những gì chúng muốn nói. Ở trường hợp thứ hai, thường là chúng sẽ bộc lộ sự nghèo nàn và yếu ớt thực sự. Khi đó sẽ không khó khăn để buông bỏ một khi chúng đã bị buộc phải lộ diện. Quy trình ghi nhận thuần túy này rất đơn giản và hiệu quả; cái khó chỉ là sự kiên trì áp dụng nó một cách liên tục mà thôi.

Quan sát một sự việc phức tạp có nghĩa là xác định những thành phần cấu tạo nên nó, loại trừ dần từng sợi dây nhỏ đã dệt nên cả bó dây rối rắm ấy. Nếu áp dụng điều này vào trong dòng đời phức tạp của tâm mình và cuộc sống thực tế, thì một cách tự động, ảnh hưởng điều tiết mạnh mẽ của nó sẽ được nhận thấy rất rõ. Như thể ngượng ngùng trước một cặp mắt quan sát trầm tĩnh, các dòng suy nghĩ sẽ bớt vô tổ chức và bớt thay đổi bất thường hơn; chúng sẽ không dễ bị chuyển hướng nữa, và sẽ ngày càng giống như một dòng sông được điều tiết nước và hướng dòng cẩn thận.”

BẢN TÁNH

(Minh Đức Triều Tâm Ảnh) - Tâm tánh hoặc cá tính là bản chất cố hữu của một con người. Tâm tánh, cá tính mỗi người mỗi khác là do hành nghiệp trong quá khứ khác nhau... Chính những hành động, thói quen, tập nghiệp, tập khí của mỗi người tạo ra tâm tính hoặc cá tính đặc thù, riêng biệt.

Trong Abhidhamma và cả trong Visuddhimagga có nêu ra 6 loại tâm tính, cá tính khác nhau của con người; ấy là *tính tham, tính sân, tính si, tính tín, tính trí, tính tầm. Tạm phân chia như vậy, nhưng thật ra các tính trên có thể xen lẫn trong nhau, ở đây ta chỉ cần hiểu theo nghĩa tương đối.

1- Tánh Tham (Rāgacarita)

Người có cá tính gốc tham thường thiên nặng về tham ái, ham thích, mê đắm, tầm cầu các khoái lạc giác quan mà không chịu từ bỏ chúng mặc dầu nó rất có hại cho mình, như tổn giảm sức khỏe, hao tốn tiền tài, đôi khi hư mục cả đạo đức và thiện pháp nữa.

Người có tánh tham thì biểu lộ ra bên ngoài:

- Lúc đi: Rất tự nhiên, có bước đi cẩn thận, đặt chân xuống từ từ, khoan thai, bước đi nhịp nhàng, uyển chuyển.

- Lúc trải giường và ngủ: Họ trải giường một cách chậm rãi, cẩn trọng, không vội vàng.

- Lúc nằm xuống cũng từ từ đặt thân xuống, sắp đặt gối mền, chân tay đều thẳng thớm, ngay ngắn; sau đó mới nằm ngủ, ngủ một cách an ổn.

- Qua hành động: Lúc quét sân thì cầm cái chổi vững vàng, quét sạch, đều đặn, không vội vàng, không tung lá rác đất bụi lên. Mọi việc làm khác cũng làm một cách khéo léo, từ tốn, cẩn thận. Lúc mặc y áo, người tính tham không mặc chật quá, lỏng quá, lúc nào cũng ngay ngắn, tươm tất.

- Qua cách ăn: Thích ăn vật thực ngọt ngào, béo bổ. Khi ăn, không ăn từng miếng quá lớn hay quá nhỏ. Ăn chừng mực, vừa phải, biết thưởng thức vị ngon.

- Qua cách nhìn: Khi thấy một cái gì thích ý, người gốc tham nhìn ngắm lâu, tỉ mỉ, như ngạc nhiên, như thú vị. Khi đi thì tiếc nuối, không muốn rời.

- Qua tâm lý: Người tham căn thường có những tính xấu như: Lừa dối, gian lận, kiêu mạn, ác dục, đa dục, làm đỏm, khoe khoang...

Người có tính tham thường thích những đối tượng khả ái, khả hỷ, khả lạc, dễ bị mê đắm nhục dục ngũ trần.

2- Tánh Sân (Dosacarita)

Người có cá tính gốc sân thì ít tình cảm, thiếu vắng tình cảm, đôi khi khô nhạt tình cảm. Họ thường ít bám víu, dính mắc đối tượng lâu, thường tìm lỗi của người khác “ở lỗi không thật có” hoặc không được rõ ràng để buộc tội họ.

Người nặng tính sân thì biểu hiện bên ngoài:

- Lúc đi: Như thể đào đất bằng những đầu ngón chân, đặt chân xuống nhanh, dở lên nhanh, có vẻ hấp tấp, vội vã.

- Lúc trải giường, nằm ngủ: Họ trải giường vội vàng, cẩu thả, thế nào cũng xong, gieo mình xuống ngủ với khuôn mặt không được an lành. Lúc thức dậy rất mau lẹ. Trả lời ai thì có vẻ bực mình, khó chịu.

- Qua hành động: Lúc quét tước, người tính sân cầm chổi rất chặt nhưng quét không sạch, không đều, gây tiếng động, hất tung lá rác đất cát lên. Họ luôn làm việc có vẻ căng thẳng.

- Mặc y áo hơi bất cẩn, cẩu thả, sao cũng được, không tươm tất, chẳng chịu sửa sai, điều chỉnh.

- Qua cách ăn: Thích ăn đồ dai và chua. Khi ăn, họ ăn từng miếng lớn đầy cả miệng, ăn hấp tấp, vội vàng, không biết thưởng thức vị ngon. Ăn cái gì không khóai khẩu là nó bực.

- Qua cách nhìn: Có cái gì khó ưa, không nhìn lâu, thường xoi mói những khuyết điểm nhỏ, bỏ qua những đức tính thực. Khi từ giã, họ đi ngay, đi nhanh, có vẻ không tiếc nuối, không lưu luyến gì cả.

- Qua tâm lý: Có nhiều tính xấu như giận dữ, thù hận, thích phỉ báng người, ưa thống trị, nhiều ganh tỵ và dễ hiềm hại người khác.

Người có tính sân dễ căng thẳng, nóng nảy, bực bội, nhiều bất mãn, dễ trái ý, nghịch lòng trước mọi hoàn cảnh.

3- Tánh Si (Mohacarita)

Họ có những biểu lộ ra bên ngoài:

- Lúc đi: Có dáng đi bối rối, nhấc chân lên, đặt chân xuống thường do dự, lưỡng lự, đôi khi nhấn mạnh đột ngột.

- Lúc trải giường: Lệch lạc, cẩu thả, không bao giờ ngay ngắn, phần nhiều ngủ úp mặt, khi thức dậy thì lừ đừ, từ từ, chậm chạp.

- Qua hành động: Lúc quét sân, tâm tánh si cầm chổi lỏng lẻo, quét không sạch, không đều, đất cát cỏ rác vung vãi tứ tung. Làm việc gì cũng vụng về. Ăn mặc thường lỏng và không bao giờ được tươm tất, ngay ngắn.

- Qua cách ăn: Ăn uống không có lựa chọn nhất định, ăn uống rơi rớt lung tung, tâm trí phiêu lưu chỗ này chỗ khác.

- Qua cách nhìn: Không có chủ đích với các đối tượng ngoại giới. Nghe người ta khen, chê cũng khen chê theo, nó luôn bình thản, luôn vô tâm, vô tư của một người không có trí.

- Qua tâm trạng: Thường lờ đờ, đờ đẫn, dao động, bất an, bất định, âu lo; bám víu vào cái gì thì không chịu rời bỏ.

Người có tính si thường thiếu sáng suốt, tỉnh táo, hay thụ động, dao động, dễ mê tín, mê muội.

4- Tánh Tín (Saddhācarita)

Đặc tính của tín gần giống với tham, nghĩa là nó cũng thiên nặng về tình cảm. Trong lúc tham tâm tầm cầu các khoái lạc giác quan thì tín tâm cầu công đức như bố thí, trì giới...

Ngoài ra giữa tham và tín:

- Tham thì không từ bỏ cái gì có hại, tín thì không từ bỏ những gì có lợi.

- Cái gì tham có thì tín có, tuy nhiên, nơi một người có tín thường có tâm trạng rộng rãi, mong muốn gặp những bậc thánh, thiện hữu trí thức để tầm cầu học hỏi, nghe pháp. Họ hồn nhiên, vui vẻ, thành thực, tin tưởng những gì đẹp, hay, chân chánh; thích những gì nhằm tăng trưởng đức tin.

Người có tính tín rất dễ thân cận với thiện pháp, tâm lý ổn định, xử sự mọi việc luôn đàng hoàng, đúng đắn, thường được mọi người tin tưởng, tin cậy.

5- Tánh Trí (Bodhicarita)

Đặc tính của trí giác gần giống với sân vì trí mạnh, nhanh thường do thiện nghiệp phát sanh nơi người nhiều sân.

- Sân ít tình cảm hoặc lạnh lùng về tình cảm thì trí cũng vậy, tình nhẹ hơn trí.

- Sân hay tìm lỗi của người khác - đôi khi lỗi không thực có - còn trí cũng hay tìm lỗi, nhưng là lỗi có thật. Sân buộc tội người này người kia, nhưng trí chỉ buộc tội các hành nghiệp.

- Qua cách nhìn, đi đứng, ăn nói, sinh hoạt tính trí tương tợ tính sân nhưng bình tĩnh, ổn định và tỉnh giác nhiều hơn. Ngoài ra, tính trí dễ nói, dễ dạy, có nhiều bạn tốt, biết tri túc trong tứ sự, ưa sự thức tỉnh, vắng lặng, nỗ lực đúng đắn và mục đích hướng thượng tốt đẹp.

Tính trí hay tính giác này có nhiều sáng suốt, tỉnh thức nên tâm ít vọng động, mơ mộng hão huyền - thường sáng trong và rất bén nhạy lúc giao tiếp, ứng xử và cả sự tu tập.

6- Tánh Tầm (Vitakkacarita)

Người có tánh tầm tương tự với tánh si. Khi si giải đãi, phóng dật thì tầm tìm kiếm, suy nghĩ lung tung; và cả ngay lúc làm việc thiện nó cũng bối rối, bất an. Si dễ nông cạn nhưng tầm thì dễ đoán mò, thích suy luận, phê phán, đánh giá...

Tánh tầm thích nói nhiều, dễ hòa mình nhưng thường không tích cực hoặc nỗ lực hết lòng cho điều thiện; nó ít khi hoàn tất được một công việc gì cho chu đáo, toàn vẹn.

Nói tóm lại, các bậc trí nói rằng, tính chất, cá tính dị biệt của con người là do nguồn gốc tập khí từ nhiều đời kiếp về trước. Chính hành nghiệp đã làm việc ấy. Tuy nhiên, chẳng bao giờ có người thuần là một tánh mà tánh ấy thường được trộn lẫn hoặc có liên hệ với các tính khác. Ta có thể biết trong 6 tánh ấy, tánh nào nhiều hơn, mạnh hơn thì được xem như ta thuộc về tánh ấy. Và còn nữa, tham không thể khởi nếu không có si, sân không thể khởi nếu không có si; riêng si thì có thể tự khởi một mình. Biết được tánh của mình thì công phu tu tập sẽ không bị uổng phí vô ích và vì sự chết nó không chờ ngày giờ!

(lược trích từ Nhặt lá rừng xưa)

Có thể thấy rằng bản ngã (cái tôi ảo tưởng) là gốc rễ sâu thẳm gây ra mọi sai lầm và căng thẳng bất an trong nghề trading. Khi thừa nhận thị trường luôn luôn đúng như nó là thì bạn không còn đối kháng hay đòi hỏi thị trường; không có ảo tưởng tham sân si xen vào thì bạn có thể buông vị thế của mình ra tùy thị trường, không mong chỉ thắng mà không được thua. Có lúc bạn chợt thấy rằng chỉ có hành động giao dịch chứ không có người giao dịch, chỉ có lệnh thua lỗ chứ không có người thua lỗ, chỉ có lệnh thắng chứ không có người thắng, chỉ có lệnh ngược hướng chứ không có người bị kẹt lệnh…

Tóm lại, thiền vipassana là giải pháp mà Đạo Trading đề xuất để hóa giải các vấn đề liên quan đến tâm lý trong nghề trading mà chánh niệm là rất quan trọng. Bằng cách thực tập thận trọng - chú tâm - quan sát trong mọi sinh hoạt đời sống và công việc, chúng ta dần dần giảm đi các ý nghĩ miên man, các ham muốn ảo tưởng, chỉ còn làm việc căn cứ trên cái thực trước mặt để trả lại một cái tâm tĩnh lặng trong sáng và bình an.

Để kết thúc phần này, tôi xin lập lại bí quyết của tôi: “Tôi không là chuyên gia về tâm lý hay trading. Tôi là chuyên gia về chính mình.”

** Thực ra, không có năng lực nào tốt hơn khả năng có thể kiên trì nhẫn nại trước mọi thử thách cam go đầy phiền não khổ đau trong cuộc sống hiện tại để học ra bài học giác ngộ của mình.

Năng lực đó không xuất phát từ ý chí phấn đấu kiên cường của cái ta dũng mãnh mà từ một tâm hồn giản dị, bình thường, thầm lặng và vô ngã.

Viên Minh**

Bạn đang đọc Đạo Trading của Vô Vi
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy14742415
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 3

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.