Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

TRỞ VỀ CHÍNH MÌNH

Phiên bản Dịch · 2374 chữ

Chương 4

TRỞ VỀ CHÍNH MÌNH

1. Đạo Trading là gì?

William Eckhardt, một trader tỷ phú đã nhận xét: “Mục đích thực sự của trading không phải để kiếm tiền. Nếu đó là mục đích của bạn thì có lẽ bạn sẽ phải vật lộn với nó. Nhưng mà các mục đích sau đây sẽ mang lại kết quả tốt. Nếu mục đích của bạn là trở thành một trader cao thủ, bạn sẽ làm tốt. Nếu mục đích của bạn là sử dụng trading làm thước đo sự trưởng thành của bản thân, bạn sẽ làm tốt. Nếu bạn chỉ yêu công việc trading và đó là lý do bạn tham gia thì miễn là chính bạn vẫn muốn tiếp tục làm việc đó, bạn sẽ làm tốt. Theo kinh nghiệm của tôi, những mục đích trên là những động lực chính mang lại thành công trong trading.”

Thật ngẫu nhiên là tôi đã chọn mục đích “sử dụng trading làm thước đo sự trưởng thành của bản thân” từ nhiều năm trước nên giờ đây tôi rất tâm đắc với nhận xét này của Eckhart. Đạo Trading không chủ trương nỗ lực với nghề trading để mau chóng làm giàu mà nó nhằm chỉ ra con đường thoát khỏi mọi trói buộc của công việc trading mà thực chất của sự trói buộc này là do mỗi người tự tạo ra. Một thành viên gạo cội (rongdo007) của diễn đàn chứng khoán f319.com có câu kệ rất hay, thể hiện được quan điểm của Đạo Trading:

*Ai bảo đời chứng là khổ ải

Biết sầu, biết bi, biết sự đời

Ta đây chăn trâu đời tư lự

Nhìn thấu Càn Khôn, hiểu sự đời.*

(chứng: chứng khoán; chăn trâu: ám chỉ thuần hóa tâm)

Hàng ngày trader chúng ta phải đối diện với các thị trường tài chính biến hóa liên tục, phát sinh vô số tình huống cần phải ra quyết định có liên quan trực tiếp đến tài sản của chúng ta. Trong thử thách ấy, bản ngã của chúng ta bị va đập mạnh mẽ và bộc lộ muôn mặt của nó, kéo theo hàng loạt các phiền não. Và trong biển phiền não đó, nhờ tánh biết (bản tánh của tâm) soi sáng mà chúng ta trở nên tỉnh thức hơn, thấy rõ thân tâm hơn, xua tan ảo tưởng; chúng ta dần vượt thoát vòng kiềm tỏa của bản ngã, vượt thoát vòng luân hồi (những hồi tưởng về quá khứ, thắng thua, sợ hãi,..) và sinh tử (những ảo tưởng tương lai, viễn cảnh giàu có…), lan tỏa sự tỉnh thức ra mọi mặt sinh hoạt đời sống của mình. Lợi nhuận chúng ta gặt hái được từ công việc trading chỉ là hệ quả của sự tỉnh thức, bén nhạy, quan sát tinh tế, hành động thận trọng, chính xác. Nó không phải và không nên là mục đích chính của chúng ta. Bằng cách hướng tâm đúng đắn trong nghề nghiệp, chúng ta ngày càng trở nên sống trọn vẹn với thực tại, an nhiên tự tại trong cuộc sống như trong kinh Nhất Dạ Hiền Giả:

*Quá khứ không truy tầm

Tương lai không ước vọng

Quá khứ đã đoạn tận

Tương lai thì chưa đến

Chỉ có Pháp hiện tại

Tuệ quán chính là đây

Không động không rung chuyển Hôm nay nhiệt tâm làm Ai biết chết ngày mai!*

Thế thì Đạo Trading là gì? Đó là Sự Thật của công việc trading. Tôi còn gọi đó là con đường tu học thông qua công việc trading để thấy ra Sự Thật nơi thị trường và nơi bản thân mình. Đạo Trading chỉ hướng cho mỗi trader soi sáng chính mình ngay trong công việc mưu sinh để tự chuyển hóa tâm thức mình, lấy giác ngộ làm sự nghiệp (Duy tuệ thị nghiệp).

2. Trading là một trường học giác ngộ

Một trader đã hỏi Thiền sư Viên Minh làm thế nào để giữ cho tâm bình an trong công việc trading thì được Ngài trả lời như sau: “Nếu xem thị trường chứng khoán là nơi tranh giành được mất, hơn thua, thành bại... thì đương nhiên phải học bài học vui khổ chứ làm sao mà bình an được; còn nếu xem thị trường chứng khoán là bài học giác ngộ tính chất vô thường, khổ, vô ngã thì đó chính là thiền giúp thấy ra sự thật chứ không phải để cầu bình an.”

Thật vậy, chính khi đối diện với một thị trường hung hãn như vậy thì tâm chúng ta càng mau trưởng thành, đó mới có được “phúc lành” như lời Đức Phật dạy trong Kinh Hạnh Phúc:

*Khi xúc chạm việc đời

Tâm không động, không sầu,

Tự tại và vô nhiễm,

Là phúc lành cao thượng.*

Bao quát hơn thì cuộc đời là một trường học giác ngộ dù chúng ta có muốn học bài học của mình hay không:

“Giác ngộ giải thoát không phải là đạt được một chân trời lý tưởng an toàn trong thường, lạc, ngã, tịnh, mà chính là nhận chân bản chất của đời sống là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh để không còn chỗ cho cái ta chấp thủ bám trụ. Khi không còn chỗ để bám trụ thì bạn mới buông cái ta đối kháng để đón nhận trọn vẹn bản chất bất toàn của đời sống một cách vô ngại, đó chính là thái độ nhẫn nại đích thực. Nhờ đó mọi phiền não mới thực sự chấm dứt để bạn có thể ung dung trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau với một nụ cười an nhiên, vô úy. Cuộc sống, quả thật, đầy phiền não khổ đau, nhưng đó cũng chính là môi trường tốt nhất cho giác ngộ giải thoát, đúng như một danh ngôn: “Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối”.

Và thật là thông minh, chính xác khi nói rằng:

*Con người là kẻ học nghề,

Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau,

Không ai tự biết mình đâu,

Nếu chưa từng trải đớn đau nhiều bề.*

Đau khổ chính là liều thuốc đắng kỳ diệu nhất có thể loại trừ được bệnh tà kiến và tham ái. Nếu tà kiến và tham ái không đưa đến khổ đau thì không bao giờ bạn thấy được đó là những thái độ sai lầm. Vậy cuộc đời là một trường học giác ngộ mênh mông vô tận. Và những vị thầy lỗi lạc nhất chính là những khổ đau mà bạn gặp phải trong suốt đời mình. Những vị thầy tận tụy này, không ngừng chỉ cho bạn thấy những sai lầm trong cách sống, cách ứng xử... để bạn có thể biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi nơi chính mình; giúp bạn phát huy được những đức tính cần yếu như nhẫn nại, yêu thương, cảm thông, chia sẻ v.v... Nói cách khác, đời là tấm gương phản ánh trung thực nhất diện mạo bạn trong mọi tình huống để bạn thấy ra chính mình.” - Thiền sư Viên Minh

"Bạn sẽ phải học các bài học trong đời. Chúng ta đã đăng ký trọn thời gian trong một trường học không chính thức, được gọi là cuộc đời. Toàn bộ cuộc đời của chúng ta là một trường học. Chúng ta học dưới mái trường này, từ lúc mới mở mắt lọt lòng cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, từ giã cõi đời. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong đời, mỗi âm thanh, mỗi hình ảnh, dù tốt dù xấu cũng đều chỉ là những bài học, không có một ngoại lệ nào cả. Nếu chúng ta có thể học hỏi từ nó, chúng ta sẽ trở nên ngày càng trí tuệ hơn. Nhưng để có thể học được các bài học từ trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, lại cần phải có chánh niệm. Nếu chúng ta thất niệm, đãng trí và với cái tâm chai cứng, nhẫn tâm thì sẽ không học được bài học nào cả và cũng chẳng có chút trí tuệ nào.”- Thiền sư Sayadaw U. Jotika

3. Trở về chính mình

Và để hỗ trợ bạn đọc có thể “học tốt” trong trường học cuộc đời này, tôi xin ghi chép lại ở đây cách thực tập trong đời sống hàng ngày do Thiền sư Viên Minh hướng dẫn:

“Khi tâm thất niệm, thiếu tỉnh giác, buông lung, phóng dật, chạy theo những ảo tưởng, vọng niệm thì chỉ cần buông tất cả những quan niệm, suy tư và kết luận chủ quan ấy ra, tâm liền tự trở về với thực tại như nó đang là.

Khi hữu sự, tức là khi làm công việc liên quan đến bên ngoài như lái xe, may áo thì chỉ cần thận trọng-chú tâm-quan sát, các vọng niệm, ảo tưởng sẽ không khởi lên. Nên lưu ý rằng thận trọng-chú tâm-quan sát sự tương giao giữa mình và những gì đang diễn ra trong công việc, nhưng hướng luôn là trở về để biết mình. Lúc đầu mức độ thận trọng-chú tâm-quan sát có thể chưa tự nhiên, làm một chút lại quên, hay do nỗ lực hơi quá nên tâm bị căng thẳng. Nhưng chỉ cần kiên nhẫn thực hành, theo thời gian dần dần quen rồi thì tâm sẽ tự ứng ra thận trọng-chú tâm-quan sát một cách tự nhiên với mức độ tùy theo đòi hỏi của công việc và hoàn cảnh. Giống như mới biết lái xe thì còn bị căng thẳng, khi nhuần nhuyễn rồi thì cứ thế mà lái một cách hoàn toàn tự nhiên. Lúc này tâm không còn bị lôi kéo bởi các ảo tưởng, vọng niệm nữa. Ba yếu tố thận trọng-chú tâm-quan sát chính là giới-định-tuệ ở dạng tùy dụng.

Khi vô sự, không cần phải làm công việc gì thì chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là. Dần dần tâm sẽ tự biết tất cả những gì đang xảy ra bên trong lẫn ngoài như một tổng thể với thái độ hoàn toàn sáng suốt-định tĩnh-trong lành. Ba yếu tố sáng suốt-định tĩnh-trong lành chính là giới-định-tuệ ở dạng tự tánh.

Khi đã buông xuống hoàn toàn, không còn để ý đến bất kỳ điều gì, không mong cầu bất cứ điều gì, cũng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì thì chỉ còn tâm rỗng rang-lặng lẽ-trong sáng, đó chính là giới-định tuệ ở dạng tịch tịnh. Đức Phật gọi lúc đó là an trú tính không, một loại đại định-tuệ. Đó chính là Niết Bàn với 3 yếu tố Không - Vô Tướng - Vô Tác.

Trong đời sống hàng ngày đều xảy ra cả 4 tình huống nêu trên chứ không thể lựa chọn một tình huống ưa thích nhất mà bỏ đi những tình huống còn lại. Người thực hành đúng thì biết tùy theo hoàn cảnh cụ thể trong đời sống mà ứng ra, tùy lúc mà buông ra để trở về- trọn vẹn tỉnh giác với thực tại, tùy lúc mà thận trọng-chú tâm-quan sát, tùy lúc mà nghỉ ngơi vô sự một cách sáng suốt-định tĩnh-trong lành, tùy lúc mà hoàn toàn buông ra để tâm rỗng rang-lặng lẽ trong sáng.

Tùy pháp hành theo 4 tình huống đã nói ở trên hoàn toàn tương ứng với 3 mức độ trở về với thực tại đang là, đầu tiên xa lìa ảo tưởng xuất phát từ quan niệm, tư tưởng chủ quan để trở về với hình tướng, hiện tượng đang xảy ra nơi thân-thọ-tâm-pháp, tiếp tục tùy lúc mà thận trọng-chú tâm-quan sát hoặc sáng suốt-định tĩnh-trong lành mà thấy ra được tất cả các hiện tượng và hình tướng bên ngoài đều vô thường, khổ và vô ngã, từ đó không còn bám víu, nương tựa vào bất cứ hình tướng nào, hoàn toàn buông xuống để trở về với tánh biết/bản tâm bất động vốn rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng.”

Thực hành như vậy là hoàn toàn theo đúng hướng xả ly-ly tham-đoạn diệt-an tịnh-chánh trí-giác ngộ-Niết Bàn với đầy đủ 3 yếu tố Không-Vô Tướng-Vô Tác (Vô Nguyện/Vô Cầu).

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với 5 đặc tính của pháp (sự thật) mà Đức Phật dạy, tức là:

Ehipassiko: Trở về mà thấy

Opanayiko: Thấy trên thực tại đang là ấy

Sanditthiko: Thấy ngay lập tức

Akaliko: Không qua thời gian

Paccata Veditabbo Viññuhi: Mỗi người tự cảm nhận như nó đang là

Trong quá trình trở về với thực tại (pháp) thì có thể thực tại đầu tiên là những vọng tưởng, thực tại thứ hai là những hình tướng, hiện tượng đang xảy ra, thực tại thứ ba chính là cái tâm (cái thấy) hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng. Cái pháp cuối cùng mà mình trở về là khi bắt gặp cái thấy tịch tịnh, không chỉ thanh tịnh nơi mình mà tràn ngập khắp mọi nơi. Ở nơi mọi người cũng giống như nơi mình, ai ai cũng đang ở nơi thanh tịnh, hoàn toàn hoàn hảo, chỉ có tâm họ đang khởi lên vọng tưởng, tìm cầu mà rơi vào giấc chiêm bao đầy phiền não, khổ đau của chính họ thôi.

Sự thật ở khắp mọi nơi, luôn luôn đầy đủ và hoàn hảo, ở nơi mỗi người có những nhận thức sai lầm, hành vi sai lầm dẫn tới đau khổ, đó chỉ là thế giới ảo của riêng họ, còn sự thật thì họ vẫn luôn đang ở nơi hoàn toàn thanh tịnh. Chính vì vậy chỉ cần tỉnh thức, thoát khỏi chiêm bao, ảo mộng của chính mình thì liền trở về nơi thanh tịnh. Thế giới này không phải là ảo mà hoàn toàn chân thực và hoàn hảo, chỉ có mỗi người tự tạo ra ảo mộng về thế giới, mọi hạnh phúc và đau khổ trong cuộc đời đều được xây dựng trên những ảo tưởng đó.”

Bạn đang đọc Đạo Trading của Vô Vi
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy14742415
Phiên bản Dịch
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.