Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Độc Giang

Tiểu thuyết gốc · 2037 chữ

Đêm hôm đó trời vắng, là ngày chẳng có trăng sao, chỉ có một màu tối đen bao trùm không gian hoang vu lạnh lẽo tới vô cùng tận, tựa như nhật nguyệt đều có điềm báo xấu về việc sinh tử, nhưng việc sinh tử ấy là của người hay của Quỷ Thần đây?

Đàn lễ trai giới đã được chuẩn bị sẵn sàng ở gian chính điện của phủ Sơn Trang, Cô Linh tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ quần áo xanh đơn giản bằng thụng lụa, trông như đồ ngủ của người, trên đầu cô quấn khăn xanh, đội mũ xanh, ngồi giữa đàn lễ. Trên đàn lễ, ngay dưới tượng các vị Mẫu là đàn dùng cho việc trục Vong, các nghi thức xếp đàn dài và không tiện nói trong tiểu thuyết. Có hai người đệ tử ngồi hai bên giữ cho Cô, trước mặt Cô đặt một thanh đao lớn, một cái đĩa nhỏ đựng muối, và một cái đĩa để trống, cùng nhiều dây chỉ buộc màu đỏ.

Cô Linh nói với hai đệ tử:

- Hôm nay tôi sẽ dùng Thuật Xiên Lình*, các Cô hãy giúp tôi cho khéo kẻo nguy đến thân tôi.

(*Thuật Xiên Lình: là một thuật của phủ Đức Thánh Trần, lẽ ra đây là phủ riêng nhưng trong nhiều đền phủ của tứ phủ cũng có phủ này, vị Đức Thánh Trần khi còn sinh thời họ Trần, tên Quốc Tuấn, là danh tướng dưới thời Trần, sau khi chết đi được phong Thánh, có phủ đền riêng nhưng vì nhiều lý do mà nhập với đạo tứ phủ, vai vế của vị này cao hơn Quan Hoàng, ở dưới Mẫu, thường được xếp đặt nghi thức riêng, Thuật Xiên Lình là thuật mượn vía của vị này nhập đồng để trừ tà ma, đây là nét đặc trưng của những người thờ phủ Đức Thánh Trần, bởi lẽ các vị này nhập đồng trực tiếp chứ không giáng đồng như một số vị bên tứ phủ. Người thầy Pháp làm được thuật này rất khó và nguy hiểm, nếu không phải người có căn nặng gánh được có thể đột tử trong lúc thi triển thuật này, thông thường các thầy nào hầu bên tứ phủ thì chỉ làm các nghi thưc trừ tà bên tứ phủ, thầy nào làm các nghi thức trừ tà như bên phủ thánh Trần là riêng, Cô Linh là người giỏi, có thể thực hiện được cả hai.)

Bấy giờ việc chuẩn bị xong xuôi cả, Cô Dung liền tới phòng riêng của Hạ, thấy đèn bên trong sáng, Cô hỏi nhỏ:

- Thưa Cửu Tổ, Cô Linh cho mời.

Nói xong Cô vội vã đi ngay bởi cảm giác tức ngực khó thở ở đâu ra khi đứng gần cánh cửa phòng.

Cô Dung vừa đi khỏi rồi, người trong phòng liền đứng dậy khỏi tọa thiền, lập tức có con chim cắt bay lên đậu lên vai, hai bên tả hữu người đó liền có hai Quỷ xuất hiện ngay, chúng là Hỏa Thiên Di và Kỷ Như, chúng cùng nói:

- Đã đến giờ lành, mọi việc được bài trí theo như ý Tổ, xin hỏi Tổ sẵn sàng chưa?

Hạ gật đầu, Quỷ nói:

- Mời Tổ làm phép Xuất Hồn.

Đoạn nói xong, hai Quỷ cùng bước ra bên ngoài cửa, trong phòng Hạ quỳ ngay xuống một điện tràng đã được sắp đặt sẵn, có đầy đủ hương hoa ngũ quả đèn dầu như chuẩn bị từ sáng, giữa đàn là một tọa ngồi khác, xung quanh có tám ngọn nến.

Bấy giờ chỉ còn chim cắt Kinh Ma Lạc, đoạn nói:

- Thưa Tổ, tám hồn Tổ chỉ có bảy là còn, hồn kia lạc đâu chưa rõ, nay dùng phép Xuất Hồn ra thì yếu đuối, dù được việc hay không xin nhớ kĩ cho trước khi cây nhang cháy hết phải trở về ngay, nếu không thì hồn lạc mất.

Hạ nói:

- Tôi hiểu rồi.

Lại nói trong ba ngày qua, ngày nào Hạ cũng kiên trì thiền định trong gian phòng riêng, cả ngày ngồi thiền không nghỉ, khi xả thiền thì liền mang sách ra đọc, bấy giờ đọc bỗng tự nhiên hiểu được ý nghĩa của những lời viết trong sách.

Sách viết:

“Xuất Hồn là phép khó bậc nhất của Huyền Nhân, hồn xuất ra khỏi xác vừa lạnh vừa run sợ, rất dễ theo gió mà tan đi, một khi đã tan đi rồi không nhập được về xác cũng coi như chết lâm sàng, điên điên dại dại, do đó phép ấy không thể dùng bừa, hồn xuất ra đã yếu như thế, nhưng các bậc cao tay không chỉ xuất được hồn ra, mà còn phải dùng hồn ấy mà làm được việc thì mới gọi là có công phu thâm sâu, như việc dùng hồn xuất ra để gọi m Binh, để luyện thần chú, để đi do thám, hoặc dùng hồn xuất ra để đi nói chuyện, để lặn xuống nước, hoặc vào nơi núi sâu: khó nhất của Xuất Hồn là dùng hồn thực hiện phép Biến Di, đưa hồn đi đến nơi rất xa chỉ trong nháy mắt…

…Con người Xuất Hồn có thể tự tại đi lại, bởi lẽ hồn được cấu bởi tám thức, người phi thường có Quỷ Thần bên cạnh đôi khi chẳng đủ tám thức vẫn có thể Xuất Hồn, nhưng hồn ấy mỏng manh lợt lạt, người thuộc về hàng Căn Cơ U Ẩn có thể dùng hồn xuất ra để thực hiện các thuật trấn yểm khó mà lại không làm hư hao gì cho thân, và chỉ có hồn mới vượt được qua ranh giới của người tứ đại mà làm được các thuật đó…

…Đối với người chết tự nhiên, khi rơi vào lâm sàng thì các hồn bắt đầu rút ra, lúc cơ thể tan rã thì toàn thân đau nhức, địa đại vỡ tan, khi đó nhãn thức rút ra đầu tiên, người ta chẳng thấy gì. Kế đến thủy đại tan rã, người ta như chìm dưới làn nước sâu, chới với giữa dòng, khi ấy nhĩ thức rút lui, tai người không nghe được nữa. Kế lại hỏa đại tiêu tán, người ta như thiêu như đốt trong tâm, hồn thứ ba là tỷ thức, hồn thứ tư là thiệt thức dần dần rút lui, người ta ban đầu thấy mồm miệng khô đét, răng đóng váng vàng, kế nữa mũi mất tính ngửi, hít thở khó khăn. Tới nữa phong đại tan rã, người ta ngừng hít thở, hồn thứ năm là thân thức rút lui, người ta hết cử động được, ấy là đã xong sự chết lâm sàng, bước sang sự chết lâm chung, khi đó hồn thứ sáu là ý thức rút lui, người ta chẳng còn nghe biết đã lâu, chẳng còn động cựa, giờ đây chẳng còn ý thức, chẳng có cách gì giao cảm với thế giới xung quanh, vậy là qua đời, chuyển sang giai đoạn Pháp Tính.

Khi sang Pháp Tính, hồn người chỉ còn Mặc Na Thức, nó cùng với ý thức rút vào trong A Lại Da Thức, là phần cuối thoát ra ngoài lúc đó trôi nổi trong nhân gian, thường lạnh và sợ, gặp nơi nào có khí ấm thì đậu vào, không còn xác nên điên đảo quay cuồng, không được an trụ, muốn đi đến đâu thì đến, nhưng đến rồi liền theo gió mà lôi đi, không trụ lại được, thấy nơi khí ấm từ hàng súc sinh các con chó lợn gà, bướm ngài, rắn rết đều cố sức mà nhập vào, khổ ải vô cùng tận.

Hành giả luyện thuật Xuất Hồn này ví như tự đưa mình vào cái chết, để tới giai đoạn lâm sàng, phải chịu đau đớn khi hỏa đại tan rã, để nhãn thức được thoát ra cho hồn được nhìn, kế đến được chạm đến giai đoạn lâm chung, khi đó phải chịu cái đau đớn khi thủy đại tan rã như người chìm giữa dòng, để cho nhĩ thức thoát ra, để hồn được nghe, và lần lượt như thế cho tới sau lâm chung, hành giả rơi được vào Pháp Tính, rồi vượt qua được ấy là khi tám hồn thoát ra khỏi xác. Bấy giờ cần phải lợi dụng khi đó của hồn ở chỗ tính linh động đi lại tùy ý của nó, khả năng kết các Ấn Mật Chú Thoát Thân* khi đó của nó, nhưng phải đề phòng những điều nguy hại về Tính Không An Trụ* của nó. Hành giả làm được thế mới thực có công phu về thuật Xuất Hồn.

(Ấn Mật Chú Thoát Thân: đó là những ấn mật chú mạnh hành giả khi có thân người thì bị vướng tính đất, nước của người, không kết ấn được, chỉ khi là hồn mới kết ấn được.Tính Không An Trụ: hành giả làm phép Xuất Hồn ví như người đã chết qua các giai đoạn lâm sàng, lâm chung, bấy giờ rơi vào giai đoạn Pháp Tính, hồn đã ra hẳn ngoài, thường sợ hãi mà nhập đại vào người thân hoặc con vật, đó gọi là tính không an trụ, người Huyền Nhân dẹp bỏ được cảm giác sợ hãi đó để giữ cho hồn được tập trung làm việc âm.)

Ấy thế mới nói Xuất Hồn thuật là thuật tự đưa đến cái chết tạm thời, dùng tám ngọn nến mà neo giữ làm nơi cho hồn về xác sau khi xong việc, những nỗi đớn đau trong đời người khi chết sẽ được tái hiện đầy đủ trên thân xác hành giả khi hành giả dùng phép Xuất Hồn, những rủi ro thì nhiều lớn vô kể, hành giả mà không có một tâm an định vững vàng thì hồn lạc mất chẳng về được xác, hành giả Xuất Hồn thường xuyên và xem như công cụ, đó thực là hành giả giỏi, giàu nghị lực và giàu sức chịu đựng lắm thay.

- Thượng tọa Đại Trí chắp bút .”

Hạ có các Quỷ bày cho cách, các Quỷ lại hết sức giữ gìn cho các nến và luôn theo sát sưởi ấm cho hồn, bản tính Tổ lại sẵn liều lĩnh không hề biết sợ hãi nên liền thực hiện ngay phép ấy.

Trong ngày đầu tiên, Hạ thoát được bốn hồn ra, hồn đi xa được tới cửa phòng thì thân xác đau đớn quá không chịu đựng được, lại phải quay lại.

Trong ngày thứ hai, Hạ thoát được sáu hồn ra, hồn đi được ra tới chính điện thì nôn nao khó chịu, gió thổi cho bay, Hỏa Thiên Di lại dùng phép Hỏa mà sưởi cho ấm lại thân thì mới được lâu.

Vậy mà trong ngày thứ ba, bảy hồn đã xuất ra đi lại tùy ý, có thể tự làm chủ và dùng được thuật, các Quỷ đều thấy thế làm kinh hãi, bởi lẽ không nghĩ Tổ luyện được vậy.

Hạ nói:

- Cũng không phải giỏi dang gì, tôi có cảm giác phép này tôi từng luyện.

Kinh Ma Lạc nói:

- Khi xưa trên đỉnh Vu Sơn, một mình Tổ ở trong hang, không cần ma Quỷ trợ lực, không cần ai bày cho, cũng trong ba ngày là học được, đó là thiên tư của Tổ, không lấy gì làm lạ. Thầy Đại Trí cũng từng nghĩ Tổ phải học trong ba tháng mới làm được.

Hạ lấy thế làm hài lòng.

Lại nói bấy giờ giữa đàn, hồn Tổ từ từ xuất ra, vặn mình vài cái, đoạn cầm lấy thể hồn của con dao Vu, dắt vào trong người, nói:

- Tôi đi đây, chim hãy giữ xác cho tôi, cắt được đầu nó tôi mới về lại.

Đoạn chim nhìn lại, thấy mắt Tổ sáng rực, toàn thân bốc ra sức nóng, nơi hồn lại bốc ra hỏa khí cao ngút, đôi mắt cháy rực lửa, chim thất kinh bất động chưa kịp nói gì, bấy giờ Tổ đã cầm dao Vu đi thẳng ra bên ngoài…

Bạn đang đọc Tựa Độc Giang sáng tác bởi espgtrong
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Kanolin
Thời gian
Lượt đọc 13

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.