Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Độc Giang

Tiểu thuyết gốc · 2069 chữ

Lại nói đến Chân Như, đi tới đất Tây An rồi, đoạn tìm tới đền phủ Thượng Ngàn ở đất này. Đền phủ ấy rất nổi tiếng ở đây, nghe đâu linh lắm, người dân thường hay đến làm lễ xin, lễ ta, Chân Như chẳng khó khăn gì mà được người địa phương chỉ cho tới ngay.

Đền phủ nằm trên núi Bảo, ở cổng đền có hai người đang ngồi chơi cờ, đều là người đã già, cùng ngồi uống nước chè mà đánh cờ với nhau, trông ung dung thư thái, Chân Như lại hỏi:

- Thưa hai ông, cho cháu hỏi đây có phải đền thờ Nguyệt Mẫu phủ Thượng Ngàn không?

Hai ông dừng chơi, một ông nói:

- Đúng rồi thưa cô, cô tới thắp hương cho Mẫu thế thì mời cô vào trong, chúng tôi là người giữ đền cả.

Chân Như lễ phép cúi đáp, vậy là một trong hai người đứng dậy dẫn cô vào trong, Chân Như bước vào trong đền thì thấy nơi đây chẳng được nguy nga như đền phủ Sơn Trang của Cô Linh, thậm chí các tượng cũng đều đơn sơ, màu sơn đã ngả hết cả, thế nhưng trong đền phủ vô cùng sạch sẽ, chẳng có lấy một cọng mạng nhện, các tượng và bàn thắp hương cũng ngăn nắp gọn gàng chứ chẳng bày bừa đồ lễ hào nhoáng như ở phủ Sơn Trang.

Ngay chính giữa đền là một hình người nữ được tạc rất đẹp, có khuôn mặt hiền hòa, dáng ngồi ung dung thư thái, ông già nói:

- Đó là Nguyệt Mẫu*, người chủ của vùng sơn cước ở đây, Mẫu Linh mà hiền lắm, cô muốn xin gì thì cứ xin rồi Mẫu cho. Nghe các thầy nói cứ mỗi năm Mẫu lại Giáng Đồng vài lần để thăm nom việc trong địa phương, cô cứ ghi giấy treo ở đây, khi nào Mẫu về thì Mẫu đọc.

Nói đoạn trỏ tay vào một xấp giấy đỏ để trên bàn…

Đây là giấy để kêu cầu, con nhang con khói các nơi muốn cầu gì xin gì thì ghi vào trong đó cả.

(*Nguyệt Mẫu: Mẫu họ Ngũ, tên Thu Nguyệt, sống dưới triều đại nhà Trần nước Đại Việt, Mẫu là vợ của đại tướng quân Trần Cao Vân, là danh tướng đương thời, Mẫu có công trong việc giúp chồng và quân đội chống lại nội loạn trong nước cũng như dẹp yên được nhiều cuộc xâm lăng quấy nhiễu biên giới của người Đại Lý và từ nước Nam Tống, nước Nguyên. Mẫu khi sống là người hiền lành, đức độ, có lòng nhân nghĩa yêu thương chúng sinh, Mẫu tự giết con trai không để cho rơi vào tay giặc, rồi gieo mình xuống sông để giặc chẳng bắt được, từ đó mà đại quân thắng lợi, vì vậy khi Mẫu mất, nhân dân lập đền mà thờ, nguyên quán Mẫu ở núi Bảo, Tế Giang sau này trở thành đất Tây An, nên đền thờ Mẫu lập ở Bảo Sơn. Tương truyền khi sống Mẫu là nòi hồ ly, do đó mà khí rất linh thiêng, ai xin đường tình duyên hay cầu tự đều thường đến đền của Mẫu mà xin, danh tiếng bấy giờ rất nổi, đã trải qua trường kì theo thời gian.)

Chân Như hỏi:

- Cháu nghe nói đền Nguyệt Mẫu là đền nổi tiếng nhất ở đây, nhạc Mẫu Thượng Ngàn cai quản khắp cả cõi Thượng Ngàn, cháu cứ tưởng đền phải nguy nga tráng lệ như cung điện, nhưng đến nơi sao thấy dân dã quá chừng.

Ông già trông đền nói:

- Khi sống Mẫu là người thanh tịnh, chẳng thích diêm dúa cầu kì, chỉ cốt sao cho có lòng thành là đủ, nên đền Mẫu chỉ giữ cho sạch sẽ là chính, nếu bày biện nhiều lâu lâu Mẫu về Giáng Đồng lại quở chúng tôi.

Chân Như gật đầu, đoạn tìm đến hương, thắp lên mà khấn lạy Mẫu.

Ông già nói:

- Vậy cô cứ ghi chép, giấy bút đều có, cứ tự nhiên cô nhé, tôi còn đang dở dang ván cờ với ông bạn.

Chân Như cười nói:

- Dạ cụ cứ tự nhiên ạ, xin cứ mặc kệ cho cháu.

Bấy giờ Chân Như cầu khấn, mắt nhìn vào tượng, thế rồi chợt thấy như có gió nhẹ thổi vào trong đền, các bức tượng trên ban thờ ngỡ như chuyển động, rồi có giọng nói tràm khàn vang lên Chân Như nghe thấy rõ nhưng chẳng thấy ai cả:

- Dạ thưa Mẹ, có người đệ tử Phật tới thắp hương cho Mẹ.

Thế rồi bỗng Chân Như nhìn thấy nơi tượng Nguyệt Mẫu xuất ra một làn khói xanh rất đẹp, tụ lại dần thành hình người con gái, dáng cao thon thả, khuôn mặt diễm lệ, xinh tươi muôn lần, lại trông trẻ trung hiền hòa. Người đó tóc cài thành búi, có trâm cài màu bạc, mặc y phục màu xanh cây, đi hài màu xanh, đôi tay thon dài trắng muốn, cầm một cây quạt, người đó chính là người được nhân dân tôn sùng ngưỡng vọng mà gọi bằng danh hiệu cao quý: Nguyệt Mẫu Thượng Ngàn.

Mẫu nhìn Chân Như, nở nụ cười hiền hòa mà nói:

- Nay về thăm đền, khéo gặp được người con Phật tới, có duyên lành lắm thay.

Chân Như vội quỳ khấu đầu nói:

- Con lạy Mẹ.

Nguyệt Mẫu nói:

- Đứng lên đi cho, tôi nào phải Mẹ em, em là người của Phật Gia, thực là cao quý tột bậc.

Chân Như không đứng lên mà nói:

- Dạ thưa Mẹ, con có Phật tính nhưng nay đã tôn nhang bản mệnh, làm người con của đạo tứ phủ, xin Mẹ chớ kính như thế mà phước con gánh không nổi.

Mẫu cười nói:

- Con tên gì thế?

Chân Như đáp:

- Dạ thưa Mẹ, con tên Huệ, danh ở chùa của con gọi là Chân Như.

Mẫu khoát tay ra hiệu, lập tức có một bức tượng cử động, rồi trong tượng bước ra một vị quan hoàng, chắp tay nói:

- Mẹ cho gọi con ạ.

Mẫu nói:

- Ông Tư, bé con này thực có căn Thượng Ngàn lớn lắm thay.

Quan Hoàng nói:

- Người có căn Phật, lại có căn Mẫu, thực dung hòa giữa phật Mẫu, trên đời có mấy người đâu, nay có phước lành gặp được Mẹ, chi bằng Mẹ giữ lại đây lo việc khói nhang.

Bấy giờ Mẫu hỏi:

- Này con Chân Như, con tôn nhang ở đâu thế? Để Mẹ tới đó xin con về, con có chịu theo Mẹ thì cả đời con ăn sung mặc sướng.

Quan Hoàng lại nhìn Chân Như mà truyền:

- Mẹ chẳng mấy khi mà nhận người, nay thấy mày có điềm lành tươi sáng, lại có căn Phật nên Mẹ yêu, Mẹ thích, đó là phúc, là phần, chối là phải tội, các phủ Thượng Ngàn trong khắp nhân gian, chẳng nơi đâu qua được Nguyệt phủ, các Thầy Bà Cô Cậu trong khắp nhạc phủ, chẳng ai uy lớn hơn Mẹ, dù có đang làm đệ tử nhang khói ở đâu cũng đều là chỗ thấp hơn, giờ bỏ chỗ thấp theo chỗ cao, ở lại đây với Mẹ thì thực tột bậc danh vọng trong tứ phủ, thầy bà khắp bốn phương đều phải kính nể nghiêng mình, còn không đảnh lễ Mẹ đi?

Chân Như nghe thế vội quỳ lạy mà nói:

- Con tạ Mẹ đã đoái thương cho con, thưa Mẹ con tôn nhang ở phủ Sơn Trang với Cô Linh Sơn Trang ạ.

Mẫu gật đầu hài lòng nói:

- Đất lành chim đậu, con bé Linh cũng thực khéo nhìn được người.

Chân Như lại nói:

- Dạ thưa Mẹ được hầu Mẹ là phúc phần con chẳng dám chối, nhưng nói thực với Mẹ nay con đến là có việc muốn giãi bày, xin Mẹ rủ lòng thương nghe con bày tỏ, nếu không con sợ việc trễ lại hỏng ra.

Mẫu nói:

- Con muốn xin gì? Con về đây với ta thì muốn gì cũng có.

Chân Như nói:

- Dạ thưa Mẹ, nay Cô Linh đắc tội với Quỷ Thần của sông Kim Giang, đã giết mất tiểu thần của họ, đang bị họ truy sát, thực nguy hiểm lắm, Cô Linh không rời khỏi phủ được nên sai con tới thay chuyển lời, xin thỉnh Mẹ về phủ Sơn Trang xem việc mà cứu vớt cho ạ.

Mẫu nghe xong thì đổi sắc mặt, Quan Hoàng chợt nhiên đổi mặt giận dữ, thét:

- Sông Kim Giang là của thủy phủ, đã có lệnh của Mẹ người của phủ Thượng Ngàn không ai được đụng tới chúng nó, cớ sao dám làm trái lời Mẹ, giờ có bị tai vạ lại đến đây mở miệng cầu xin?

Quan Hoàng vừa dứt câu, chợt thấy gió nổi lên ầm ầm, gió đẩy tung cả các quân cờ mà hai ông lão đang chơi, ngỡ như có cơn cuồng phong lớn lướt qua, thế rồi các bức tượng trong phủ lay động, xuất ra vô vàn bóng hình tiên nhân, các Cô Cậu đứng chật kín cả.

Chân Như thấy thế kinh sợ quá, dập đầu sát đất.

Mẫu vẫn từ tốn hỏi:

- Linh là đứa biết điều, phải có nguyên do thì mới như thế chứ? Sự việc thế nào kể lại ta nghe?

Chân Như được Mẫu đỡ lời, liền mạnh dạn kể lại tất cả mọi chuyện của gia đình cô Lệ cũng như việc Diệu Thiện Tiên Sinh và Cửu Tổ Huyền Vi cùng tới phủ Sơn Trang.

Mẫu im lặng lắng nghe, nghe xong thì trầm ngâm, đôi mắt buồn rầu xa vắng.

Chợt có làn khói mỏng hiện lên bên cạnh Mẫu thành người đồng nam rất đẹp, là Cậu Bảy của phủ Thượng Ngàn, Cậu chắp tay nói:

- Lạy Mẹ, Kim Giang là nơi có Bùa Chú phương Bắc yểm vào, lâu nay các nơi trong tứ phủ không tiếp xúc đụng chạm tới, xin Mẹ liệu chừng ạ.

Mẫu buồn rầu trả lời:

- Cao Biền ta chẳng ngại đâu, ta chỉ ngại có Tiểu Ngọc. Tiểu Ngọc là Mẫu Thoải, lại là em chồng ta, về lý phải thân tình nhưng Tiểu Ngọc vốn chẳng ưa ta, tính tình lại trẻ con nóng nảy, lâu nay làm gì đụng chạm tới ta đều phải nhường. Nay việc đụng đến Kim Giang mà không nói với Tiểu Ngọc, tự ý hành xử thì Tiểu Ngọc nổi giận, mà để con ta bị Kim Giang làm hại thì ta cũng chẳng đành, giờ nên làm ra sao thì được…

Quan Hoàng Ba nói:

- Thưa Mẹ, nếu Mẹ ra mặt xin cho phủ Sơn Trang thì tât nhiên người Kim Giang không dám phạm tới Mẹ, họ sẽ mang việc đó nói với Ngọc Mẫu, như thế làm Mẹ khó xử lắm thay, nhưng cũng chẳng bỏ Cô Linh không cứu được, hay Mẹ mang việc này nói với Thiên Tướng*, nhờ người phân giải?

Nguyệt Mẫu nói:

- Phu quân ở cõi trời sắc giới, nào có về mà nói…

(*Thiên Tướng: ở đây nói tới danh tướng dưới thời Trần, họ Trần, tên Cao Vân, là vị chiến tướng có công chống giặc loạn quân và giặc ngoại xâm, đánh trận rất giỏi lừng lẫy cả vùng trời Nam, tướng Trần Cao Vân là chồng của Nguyệt Mẫu, là anh kết nghĩa của Ngọc Mẫu nên hai người này là chị dâu em chồng. Khi sinh thời Cao Vân được vua Trần Thánh Tông yêu lắm, gả con gái cho và phong hầu, hiệu là Bách Thắng Hầu, nhưng tướng từ chối không cưới công chúa và không nhận chức hầu, chỉ xin cho giữ hiệu là Thiên Tướng, tước hầu cao hơn tước tướng quân nên điều này thể hiện nhân nghĩa của Cao Vân. Trước khi tướng mất thì căn dặn thủ hạ con cháu không để danh Trần Bách Thắng Hầu, mà để danh thờ tự là Thiên Tướng (tướng của họ Thiên) để tỏ lòng tôn kính với chủ cũ họ Thiên, do trước khi thành hầu, tướng làm thuộc hạ cho Thiên Gia, nên gọi là Thiên Tướng. Từ đó về sau, trong nhân gian gọi là Thiên Tướng Trần Cao Vân.)

Bạn đang đọc Tựa Độc Giang sáng tác bởi espgtrong
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Kanolin
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 13

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.