Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Cối xay thóc bằng Đá

Tiểu thuyết gốc · 2695 chữ

Phòng giã gạo,

Trong sự mong đợi của mọi người, Đinh Liễn cuối cùng cũng đã lên tiếng.

“Có một vài cách mà không cần dùng sức người để giã gạo”.

“Ồ. Bệ hạ. Ngài nói thật sao?”

“Thật chứ. Chúng ta chỉ cần thiết kế một số cơ quan và lợi dụng những thứ trong thiên nhiên để giã gạo cho chúng ta. Sức người thì có hạn nhưng sức thiên nhiên thì vô hạn. Ta có thể lợi dụng sức gió để tạo ra Cối xay gió, lợi dụng sức nước để tạo ra cối xay nước. Thế nhưng, tuy có ý tưởng nhưng muốn làm ra vật ấy còn phải mất một thời gian nữa. Hai loại cối xay đó có thể làm việc suốt ngày, suốt đêm mà không cần nghỉ. Mỗi khắc cũng có thể tạo ra cả trăm cân gạo, thậm chí còn hơn. Chỉ cần một người canh chừng là được”.

Ánh mắt mọi người sáng rực rỡ.

“Có vật thần kỳ như thế sao?”

“Tại sao lại không có? Trên đời này cái gì cũng có thể xảy ra cả”.

“Đúng vậy, đúng vậy. Ai nói ta còn không tin chứ bệ hạ mà nói là ta tin. Bệ hạ là thần mà. Thần nói ngươi không tin sao?”

“Ta tin chứ. Nhưng tại ta không tưởng tượng nổi ra thôi”.

Lương Ngọc vội vàng chờ mong Đinh Liễn :

“Bệ hạ. Ngài có thể hóa phép ra vật ấy được không vậy?”

Đinh Liễn như muốn phun máu. Ngươi cho rằng ta thật là thần hay sao mà cái gì cũng hóa phép ra được? Ta mà là thần thì còn ngôi đây lăn lộn chém gió với các ngươi à?

Đinh Liễn liếc mắt nhìn sang?

“Đương nhiên là không rồi. Trẫm biết cái đó là cái gì? Làm ra như thế nào ? Nhưng hóa phép ra thì không? Việc này, sau quốc tang sẽ lập ra trung tâm nghiên cứu. Trẫm muốn chính các ngươi sẽ là tạo ra vật thần kỳ này. Nếu tạo ra được thì mỗi làng chỉ cần một cái cối xay gió hoặc một cối xay nước là đủ xay gạo cho cả làng ăn đủ. Khuyết điểm của nó là phải cần dựa vào gió và nước. Cho nên nơi xây dựng cũng phải cần có sông, hồ, suối, thác hoặc nơi có gió thổi mạnh mới được”.

Nhìn thấy mọi người có vẻ hơi hơi thất vọng, Đinh Liễn mỉm cười nói tiếp.

“Tuy trẫm không thể hóa phép ra cái Cối xay gió hay cối xay nước nhưng cũng có thể tạo ra cối xay thóc cá nhân ngay bây giờ. Trẫm cũng không biết liệu nó có thể hơn cối giã gạo bằng chân bao nhiêu nhưng chắc chắn là sẽ hiệu quả hơn. Nào, mọi người tránh xa ra một chút”.

Kiếp trước, Đinh Liễn cũng không biết cái cối xay thóc có từ bao giờ, do ai sáng tạo nhưng chắc chắn nó chỉ xuất hiện mới trong thế kỷ 20. Đến tận những năm 2000 hắn vẫn còn thấy đâu đó ở các vùng nông thôn.

Hắn nhớ lại ký ức của kiếp trước, cái cối xay lúa hay cối xay thóc dùng để biến hạt thóc thành ra hạt gạo, vì thế nó là vật dụng không thể nào thiếu được của người dân thôn quê. Bất đắc dĩ lắm mới phải đi xay nhờ hàng xóm, chẳng hạn như cối nhà bị hỏng mà chưa làm kịp.

Làm một cái cối xay lúa thì cầu kỳ và không dễ chút nào, phải là những ông thợ chuyên nghiệp gọi là ông phó cối. Thoạt tiên dùng tre đan vanh tròn cho thớt trên và thớt dưới, sau đó đổ đất sét ẩm vào dầm kỹ. Thớt trên có cái họng gỗ vuông ở giữa. Một thanh ngang bằng gỗ hoặc luồng xuyên qua vành thớt trên, phần thừa ra là 2 tai có lỗ để cắm giằng xay. Giằng xay hình chữ T, một đầu có trục để cắm vào tai xay, còn đầu chữ T để hai tay nắm chặt, đẩy thớt trên quay vòng. Giằng xay được cố định bằng giây thừng buộc lên trên xà nhà.

Giữa thớt dưới là cái trục thẳng đứng (gọi là ngõng xay), xuyên qua thanh ngang thớt trên để định vị thớt trên khi xay. Người ta chia mặt thớt thành tám phần đều nhau, rồi nêm vào phần đất của hai thớt các dăm gỗ nhãn hoặc gỗ dẻ theo một quy luật. Vì thế chỉ được quay theo chiều kim đồng hồ rất êm khi xay, lúa được tách ra gạo và vỏ trấu riêng biệt. Nếu quay ngược lại thớt trên sẽ chạy kênh cao, phát ra tiếng kêu lục cục, lúc này chỉ có lúa chảy ra mà thôi và sẽ hỏng cối.

Chèn dăm, nạo rãnh đâu đấy, rồi khoét đất một hình chảo lõm ở thớt trên là nơi đổ thóc vào; thóc chảy xuống họng và lan đều trên mặt thớt dưới, để khi quay hai mặt cọ sát tách riêng gạo và vỏ trấu.

Ông phó cối đến đóng cối cho nhà nào là được gia chủ trọng đãi lắm, nếu nhà xa thì nghỉ lại; cơm gà, cá gỏi như thượng khách. Người có uy tín sẽ được dân làng mời làm luân phiên hết nhà này sang nhà khác. Bởi vậy, ông phó cối mỗi lần đi vài tháng mới về nhà. Người ta sẽ truyền tai nhau về một cái cối tốt, quay nhẹ, chảy nhanh và không bị sống (bóc vỏ không kỹ, còn thóc, hoặc bị nát). Gỗ làm dăm và họng cối nếu kiếm được cây nhãn già là khéo nhất, nó dẻo và dai, lại lâu mòn dăm.

Cái cối xay trong nhà cũng là hình tượng biểu thị tính cách của từng gia chủ. Cối làm cầu kỳ thường là sở hữu của những chủ nhân cẩn thận, căn cơ. Cối làm cẩu thả, rách nát phản ánh lối sống của những anh tạm bợ, qua quýt. Cối hoạt động đều đặn, thường xuyên cho biết gia đình này kinh tế dư dả, sung túc. Nhà không có nổi cái cối xay thì chắc rằng cũng chỉ suốt đời ăn đong, vay nợ.

Lại nữa, nghe tiếng xay lúa biết được tính cách, nết người. Tiếng quay đều đều là người chăm chỉ chứ không thẽo thợt, dựa dẫm. Tiếng quay như giông bão là của người xốc nổi, thiếu kiên trì; hoặc của các bà xa chồng đêm đêm đổ trấu vào xay!!! (*) mà xay kiểu ấy thì dễ hỏng cối lắm. Người yếu, người khỏe tiếng cối nghe cũng khác nhau.

Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, ở Tây Bắc vẫn giữ thói quen dùng cối giã gạo bằng sức nước hoặc dùng chày tay. Làm sao đủ gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng?

Bộ chỉ huy mặt trận, huy động hàng trăm thợ đóng cối xay từ Thái Bình, Nam Định lên Điện Biên, tổ chức thành nhiều tổ đóng cối xay lúa. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm chiếc cối xay lúa phục vụ kịp thời cho chiến dịch thắng lợi.

Những năm đánh Mỹ, cơ quan lương thực tổ chức phát xay. Từng nhà nhận lúa về xay giã, nộp gạo cho nhà nước theo tỷ lệ. Một việc làm không có công xá gì. Có chăng, chỉ được hưởng cám và trấu. Nhà nhà vẫn vui vẻ làm vì “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”

Tạm dừng nhớ lại, Đinh Liễn bắt đầu chỉ huy các thợ mộc. Vừa chỉ huy vừa sử dụng siêu năng lực tạo ra các bộ phận cần thiết.

“Các ngươi nghe cho rõ: một cái cối xay phải gồm 3 bộ phận là chân cối, thân cối và tay truyền lực. Phía ngoài thân cối xay được bao bọc bởi những sợi nan tre hoặc dây mây quấn theo vòng tròn. Phía trong được nhồi đất thịt nện chặt rồi được chêm vô số những thanh tre nhỏ gọi là nêm cối. Ở đây trẫm làm mẫu nên sẽ tạo ra bằng đá. Nhưng để phổ biến ra bên ngoài thì phải làm theo cách trên”.

“Thân cối bao gồm hai thớt khá đều nhau, mỗi thớt cao chừng một gang tay và cao khoảng một vòng tay người ôm. Thớt dưới trẫm sẽ đặt cố định trên chân cối làm bằng...đá luôn nhưng khi phổ biến ra ngoài dân gian thì có thể bằng hai đoạn tre già hoặc hai cây gỗ. Sắp xếp như thế này thì giữa cối xay và mặt đất bao giờ cũng có một khoảng trống, cao chừng nửa gang tay, các ngươi cho luồn nong, nia vào đây để hứng gạo mỗi khi xay thóc”.

“Ở chính giữa thớt dưới sẽ nhô lên một trục đá, các ngươi có thể thay bằng gỗ dùng để giữ cho thớt trên chuyển động xoay tròn. Thớt trên phải đúc lõm vào trong như một cái cối để thóc, phải làm một cái lỗ dẫn thóc phía trên chảy từ miệng cối xuống, lọt vào các rãnh nhỏ và nông ở mặt thớt dưới.

Hai mặt cối tiếp xúc với nhau phải có các rãnh nhỏ xẻ dọc hoặc ngang để tạo ra ma sát khi quay. Điều này sẽ làm cho hạt thóc tróc vỏ ra thành gạo và vỏ trấu. Hạt gạo nào bị vỡ ra thì thành hạt gạo tấm. Thớt nằm trên phải gắn một đoạn gỗ được khoét lỗ 2 đầu, chìa ra khỏi vành cối, dùng để lắp với tay truyền lực. Trẫm làm mẫu nên sẽ đúc luôn bằng đá. Hình dạng nó như thế này này.

Tay truyền lực là một đoạn tre dài khoảng hai cánh tay, trẫm sẽ không làm bằng đá vì nó quá nặng; một đầu lắp với cối xay còn đầu kia được đóng vuông góc vào khoảng giữa một đoạn tre khác. Đỗ Quang, ngươi mang sợi dây này treo lên xà nhà. Việc này ngươi quen thuộc mà. Sợi dây này sẽ buộc vào tay truyền lực để giảm sức nặng, còn khi không dùng đến nữa thì tay truyền lực có thể được tháo ra khỏi cối, cất đi cho gọn gàng.

Các ngươi ghi nhớ, khi xay thóc phải quay đều tay, nếu không thóc sẽ “sống” nhiều hoặc hạt gạo sẽ bị nát.

Nào bây giờ, ai sẽ ra thử xay thóc cho mọi người chiêm ngưỡng?”

“Bệ hạ...để hạ thần. Hạ thần muốn thử ạ”.

Trịnh Minh đô đốc đạo Hà Tuyên xung phong.

“Uh. Tướng quân lại đây. Nhớ kỹ là phải quay theo thuận chiều nhé. Quay ngược lại là không được đâu”.

Đinh Liễn quay sang các cung nữ.

“Các ngươi bỏ thóc vào cối xay. Mỗi lần bỏ thì sẽ được khoảng 10 cân thóc. Nhớ chú ý quan sát vì sau này công việc này các ngươi phải làm”.

“Dạ. Chúng nồ tì biết rồi ạ”.

Một cung nữ mang thóc đổ vào cối trên. Trịnh Minh Đô đốc cũng hơi hồi hộp. Nhìn to con như gấu ấy vậy mà cũng rất khẩn trương. Hắn bắt đầu dùng sức quay mạnh.

“Ai da. Ngươi quay từ từ thôi. Từ chậm đến nhanh chứ”.

“Dạ, dạ. Hạ thần quá khẩn trương ạ”.

“Ha ha. Đánh nhau bao nhiêu trận không thấy ngươi khẩn trương. Thế mà nay lại đổ mồ hôi nhỉ”.

- Ha ha ha.

Chiếc cối xay bắt đầu quay. Hạt thóc từ cối trên rớt xuống dưới khe hở giữa hai thớt. Bị ma sát, chúng liền tách vỏ ra. Sau đó theo khe hở mà rớt ra ngoài. Tiếng ma sát ù ù nghe như ông trời đang hậm hực. Chỉ trong vòng một phần ba khắc ( 5 phút), 10 cân thóc đã được xay hết. Mọi người bắt đầu chạy tới xem.

“Bệ hạ. Thời gian đã rút ngắn từ một khắc xuống một phần ba nhưng số lượng thóc lại tăng lên gấp 5 lần. Trời ơi. Đây chính là thần khí”.

“Nhưng mà bệ hạ. Hình như gạo bị nát ra rất nhiều thành bột mất rồi”.

Đinh Liễn nhìn xem, trầm tư.

“Có thể là do thớt trên quá nặng. Để trẫm điều chỉnh ra loại chất liệu đá khác xem”.

“Nói xong hắn liền thây đổi chất liệu của cối trên làm cho chúng nhẹ đi một nữa”.

“Các ngươi, ai thử xay mẻ thứ hai xem hiệu quả như thế nào?”

Lập tức lại có một Đô Đốc xung phong nhận việc. Mỗi lần xay là một lần điều chỉnh thay đổi. Lúc thì thay đổi các rãnh phía dưới, lúc thì thay đổi mở rộng lòng thớt trên, lúc thì thu nhỏ lại lỗ rơi thóc...

Cho đến cuối cùng một vị đô đốc ra tay, cối xay thóc đã hoàn thiện. Tỷ lệ gạo lên tới hơn 90%. Tỷ lệ gạo tấm chỉ còn xuống dưới 10%. Chỉ có một số ít hạt thóc lẫn vào. Hiệu quả so với giã thì không chỉ nhanh và hiệu quả hơn gấp 10 lần. Lúc này, cả Quân thần và chúng cung nữ, ngự lâm đều cười rất vui vẻ.

Trong đây, vui vẻ nhất có lẽ là Lương Ngọc. Trong đầu của Tân Bộ Trưởng Bộ Tài Chính này đã suy nghĩ đến việc như thế nào lợi dụng nó để buôn bán kiếm lợi về cho quốc khố. Bệ hạ đã tin tưởng hắn, hắn sao có thể để bệ hạ thất vọng cho được.

Các sư phó thợ mộc còn đang nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm. Đặng sắp tới sẽ tạo phúc chúng sinh.

“Bệ hạ. Vậy cuối cùng thì ngài muốn phổ biến cối giã chân hay cối xay thóc ra ngoài đây ạ?”

Đinh Liễn cũng chợt nhận ra vấn đề. Ừ nhỉ. Giờ có cả hai phương pháp, vậy nên truyền cái nào ra? Tất nhiên, cối xay thóc sẽ có lợi hơn nhưng kỹ thuật cũng đòi hỏi cao hơn làm cối giã rất nhiều lần, đòi hỏi tay nghề phải khéo léo và có kinh nghiệm.

“Cả hai đi. Các ngươi nghiên cứu thật kỹ để tạo ra cối xay bằng tre, đất. Mấy ngày nữa, bắt đầu mang ra quảng trường trưng bày và giới thiệu cho nhân dân quan sát. Loại cối giã chân đơn giản nên hầu như gia đình nào cũng làm được”.

“Loại cối xay khó hơn cần thợ tay nghề cao thì các ngươi hãy tạo xưởng chế tạo sẵn rồi mang ra đó bán. Gia đình nhà nào cần thì đến mua. Giá cả đắt chút cũng không sao. Cứ giá nguyên vật liệu + tiền công gấp 3 lần/ngày + tiền thuê mặt bằng + tiền thuê nhân viên vận chuyển và bán hàng + tiền lãi thêm 30%. Tất cả chia đều cho 10 cái/ngày sẽ ra giá bán một cái. Lương Ngọc, ngươi phụ trách tính toán”.

“Đây coi như một sản phẩm mới của Hoàng Gia đi. Cối giã chân coi như miễn phí. Cối xay coi như sản phẩm để bán. Quân đội hay thương nhân đều có thể đặt hàng trước cho xưởng sản xuất. Tiền bỏ ra trước ba mươi phần trăm làm cọc. Tính toán trước mắt cứ như vậy đi”.

----

P/s: Hai chương này nói về thần khí ở nông thôn nước ta nhiều năm trước cũng là sợi ký ức về thời ấu thơ. Tác xin tặng cho các độc giả lớn tuổi, nơi mà chày giã gạo, cối xay thóc đã trở thành những nơi vui chơi, chạy nhảy.

(*) Chuyện những nhà có đàn ông vắng nhà, đàn bà đêm đêm xay thóc thì tác vẫn chưa giải thích được. Có lẽ do nhớ chồng khó ngủ hay sao? Hoặc có lý do nào khác? Mọi người có thể chia sẻ nhận định của mình phía dưới bình luận nhé.

-------

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Lượt thích 2
Lượt đọc 85

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.