Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 3

Tiểu thuyết gốc · 2967 chữ

Mấy hôm rày Mai chỉ loanh quanh trong khu điện các chính của lầu Vân Du. Xương nói tướng quân đi vắng, hình như cất quân đánh xứ Chiêm Thành càn quấy đằng biên giới phương Nam, phải mấy hôm nữa mới về. Từ dạo đó tới nay, mọi chuyện trong điện đều do tổng quản Bống phụ trách. Chỉ trừ việc đưa Mai lên đây do tướng quân an bài từ trước, còn lại con cá thành tinh kia tự xử. Tướng quân căn dặn rằng cậu đạo sĩ là “khách”, không được vô lễ. Quán triệt chỉ đạo của chủ công, Bống ra lệnh cho toàn bộ quân lính, người hầu trong lầu không được làm gì khiến cậu chàng khó chịu. Thuộc loại người biết điều, cậu chẳng lấy đó làm cớ lấn tới. Chỉ thơ thẩn xung quanh thôi.

Kiến trúc lầu Vân Du quả thực chẳng giống bất cứ chỗ nào Mai từng thấy trước đây. Mang dáng dấp cung đình nhưng lại trông hết sức giản đơn, ngoài hàng cột trụ được chạm khắc hình mãng xà và bệ đỡ tạo hình con Bá Hạ, một trong chín đứa con của rồng theo truyền thuyết nước Bắc, ngụ ý vững chãi, trường thọ. Còn hình rắn, Mai nghĩ bụng, chắc vì chủ nhân nơi này là rắn thành tinh chăng? Nhà dựng vách gỗ lim, gỗ sưa chắc chắn, cửa lớn dạng bình phong áng ngữ hết mặt tiền gian chính, các gian bên đối xứng nhau qua trục giữa ấy. Như mọi kiểu nhà lớn, điện các trong lầu xây với số gian lẻ, hay gian lẻ chái chẵn, mang tính đối xứng rõ nét. Ngước mắt lên nhìn thấy rõ hệ đấu – củng đỡ lấy bộ mái nhà, cùng ngói vàng tươi lợp kín hết.

Hệ thống nhà san sát, nằm sau bức tường đất đắp cao chục trượng tạo thành hình chữ “Vạn” hết sức đặc biệt. Hai dãy lớn, mỗi dãy hai nhà, tạo thành chữ thập trước. Sau đó mỗi rìa dãy nhà có thêm một căn, làm vuông góc vào trục thẳng, nhìn từ trên cao xuống trông hệt chữ Vạn của đạo Phật. Ngay chính giữa ký tự khổng lồ kia có tòa tháp cao chín tầng, đâm thẳng lên mây tạo thành quần thể kiến trúc chủ đạo của lầu Vân Du. Khu vực này mỗi nhà chỉ có năm gian, không chái và được khóa kín cẩn thận. Bậc thềm dẫn lên làm từ đá núi, với tượng rắn hổ khổng lồ uốn mình giữa đám mây, đầu ngẩng cao, bành đôi mang vừa hẹp vừa dài và trừng trừng mắt nhìn xuống. Như thể chúng muốn cảnh cáo kẻ vào trong đừng hòng có ý nghĩ đen tối.

Còn lại mấy khu nhà khác, như nơi Mai được bố trí ở, cũng chính là chỗ cậu tỉnh dậy hôm nọ, nằm ở phần ngoại vi: Một vòng bát giác xây bên ngoài, mỗi cạnh tạo thành từ ba căn, mỗi căn lại có chín gian, mỗi gian dài một trượng. Chúng có cửa cái trổ vào sân trong, trừ bốn căn nằm giữa hướng mặt ra bốn góc trời có thêm cửa ra phía ngoài. Mọi khu đều có cách thiết kế giống nhau, ít nhất nhìn mặt ngoài như thế, với nhiều gian rộng rãi thoáng mát, cửa sổ to có song gỗ, phía trên mái lợp ngói vàng ươm. Mái nhà nhìn giống kiến trúc bên ngoài, với phần dốc thẳng và đầu đao cong vút, chứ không như người Tống nói về kiến trúc bên họ với mái cong nhẹ từ đỉnh xuống. Đầu đao mọi căn đều trang trí hình rắn lớn bành mang, ngóc cao đầu, coi tướng vừa dễ sợ, lại uy nghiêm lạ lùng.

Phượng vĩ trồng dọc theo rìa trong mấy nhà đấy, hướng về khu chính điện, còn dương liễu lại mọc men theo dãy Bắc – Nam của hình chữ Vạn. Sân lát đá láng bóng, các khối được cắt vuông vức và đặt vào nhau khít kín đến bất ngờ. Cổng chính để rời khỏi thành trung tâm, bất ngờ thay, lại chẳng dẫn thẳng ra “ngoài”. Mà nó hướng xuống đâu đó, chỗ không được Xương nói cho. Vả lại, muốn mở ra phải dùng hệ thống cơ quan đặc biệt, còn bình thường chỉ có nước đánh nát, bằng không chẳng cách gì mở được bộ khóa.

– Hê, đạo sĩ! Làm gì đứng giữa trời vậy?

– Đang coi nhà cửa chút thôi.

Chẳng phải ngoảnh lại, Mai thừa biết giọng nói kia thuộc về ai. Cô Xương chứ chẳng người nào khác, yêu quái được cắt cử làm nhiệm vụ “giám sát” mình. Thật chẳng biết lúc này ai trông chừng ai nữa. Nhiệm vụ đạo quán giao cho là tới đây canh yêu ma, cuối cùng bản thân bị canh ngược. Cậu vẫn còn thấy lăn tăn vụ đạo quán Vô Ưu có liên kết với lầu Vân Du, nhưng ngẫm lại, chuyện không phải hoàn toàn vô lý. Mấy thế hệ đàn anh đi trước đều có một vài người nhận việc đi vào Thanh Hóa một thời gian, lúc trở lại thì tư duy, thân pháp lẫn linh lực tăng cao bất thường. Nên dám vụ đi đêm này là thật lắm.

Trong lúc đang nghĩ vớ vẩn, Mai không kịp nhận ra Xương nhảy phốc từ trên bức tường thành cao mười trượng xuống, đạp vào mái nhà – nhẹ nhàng như cánh hoa rơi – rồi tung mình lần nữa, đáp ngay xuống trước mặt. Điệu nghệ như dân múa chuyên nghiệp vậy. Hôm nay, Xương chỉ mặc mỗi chiếc áo giao lĩnh trắng, do phải làm việc nhiều mà áo sam với thường lại khá cản trở chuyển động. Chiếc váy bên dưới quấn cao lên chút, còn phần cổ áo chéo kia, bên dưới lấp ló chiếc yếm lót màu hạt điều ôm lấy bộ ngực căng tràn nhựa sống. Mái tóc đen dài mọi khi giờ cột gọn thành búi lớn trên đầu, xõa xuống một đoạn tựa đuôi ngựa đung đưa sau ót. Thậm chí nhìn kỹ vào còn thấy phần gáy và cổ trắng ngần, tựa như tượng báu làm từ ngà voi quý hiếm. Chân cô nàng đi dép cỏ, cùng một thứ với đôi của Mai, nhưng nom cũ hơn.

Có điều, Mai lúc này chẳng tâm thế đâu mà ngắm gái. Bởi cậu đang dán mắt chằm chằm vô thứ Xương mang theo trên vai. Chiếc đòn gánh lớn, làm từ thứ tre già được xử lý kỹ lưỡng, hai đầu hơi cong xuống, chính giữa tỳ lên vai, nom như cánh cung. Gớm, cái đòn phải cỡ một ngũ, mỗi bên đeo vào một lu nước lớn có dây thừng chằng lại, quấn quanh miệng rồi kéo qua cái móc đằng đầu tay đòn.

Vốn dĩ Mai cao hơn cô nàng kia một tấc, nên dù hơi không rõ, cậu nhìn thấy trong miệng lu chứa đầy nước. Nước sóng sánh, vỗ vào thành sành, trong vắt nhìn thấy đáy. Dựa vào kích thước, Mai đoán áng chừng mỗi cái phải cỡ hai mươi đấu. Nếu thế, chúng nặng bằng mấy con heo, vậy mà người kia vác nhảy như không. Lại chẳng có dấu vết tràn ra, chứng tỏ khi mang vác Xương di chuyển rất đều, nhẹ nhàng, mới làm nước trong lu dù gần ngang miệng vẫn chẳng đánh ra giọt nào.

Hoặc có thể vì chúng khô rồi…?

Bước lại gần, Mai hỏi:

– Cô lại lấy nước à? Không phải hôm qua mới gánh sao?

– Ngày nào tôi chẳng gánh! – Nháy mắt, Xương đáp – Mang chúng đi mà không được để rơi mất giọt nào, trong vòng nửa cây nhang phải xuống sông múc đầy và quay về mà không được phép bay, coi như luyện khinh công luôn!

– Tôi chưa từng thấy cách tập luyện nào dị như vầy đấy! – Mai cau mày.

– Phư phư, với loài người thì chưa rồi! Còn bọn tôi khác! Với lại nước này để tưới cây thôi, chứ tụi tôi lấy nước giếng hay bồn chứa thì tổng quản cạo đầu mất!

Chuyện này Mai đã biết từ hôm vào đây. Lầu Vân Du chiếm lĩnh toàn bộ núi Mây với tổng cộng bốn vòng tường thành, mỗi vòng đều cao mười trượng, ngước nhìn muốn gãy cổ. Đường đi phía trên rộng hai trượng một ngũ, dưới đáy năm trượng, đắp bằng đất nện chặt, bên ngoài ốp gạch cắt từ đá núi. Bốn mặt đông tây nam bắc đều chỉ có nước với nước: Phía Tây và Nam giáp ngay sông Mã, mặt Đông có sông Bưởi đoạn đổ vào sông Mã, còn ngay phía Bắc lại có một dòng kênh đào dài, rộng đến trăm trượng, nối liền hai con sông. Đồng thời “hào” ấy chia tách hoàn toàn núi Mây khỏi quần thể đất đai xung quanh, tạo ra con đường tắt nối hai dòng nước lớn với nhau. Dựa vào địa phận này, cậu đoán núi Mai chắc nằm trong huyện An Định hay Tế Giang, cách thành chính Thanh Hóa khoảng sáu mươi ba dặm về mặt Tây Bắc.

Dẫu xung quanh toàn sông ngòi, kênh đào, người trong lầu lại chỉ dùng hai nguồn nước chính cho chuyện sinh hoạt, là giếng đào với các bồn hứng trữ nước mưa cỡ lớn. Còn như nước sông, bất luận thế nào, cũng không đụng tới. Cùng lắm chỉ mang về tưới cây, rửa đồ đạc, thậm chí tới chuyện rửa gạo cũng phải lấy nước từ giếng lên. Mai thấy làm lạ, lân la hỏi chuyện vài cô hầu trong này, cả Xương nữa, nhưng chỉ nhận về cái lắc đầu như nhau. “Tướng quân dặn thế”, họ bảo. Dường như cô ta kỵ cái gì đó, nỗi sợ ấy lan tỏa ra khắp mọi người ở đây.

Bất chợt, chẳng biết trong đầu đang nghĩ gì, Mai lên tiếng:

– Để tôi xách chúng được không?

– Chúng?

Xương ngạc nhiên, rồi cô hiểu ra ngay. “Chúng” ở đây chỉ có thể là cái đòn gánh thôi. Bởi thế cô nói:

– Gãy lưng đó, không giỡn đâu! Người cậu như cọng bún thiu thì mang gì nổi!

– Coi thường nhau quá vậy! Tốt xấu gì thằng tôi đây cũng là đạo sĩ, có học và biết đánh võ nhá! Hai lu nước thì đã sao!

– Ừm… Vậy thì được thôi.

Thay đổi thái độ nhanh hơn lật bàn tay, Xương gật đầu ưng ý. Cô cẩn thận cúi người, đặt cùng lúc cặp lu xuống đất. Nhẹ nhàng đến độ chẳng nghe thấy âm thanh gì, và không hề đổ lấy giọt nào. Thanh đòn gánh bằng tre còn nằm trong tay, người thiếu nữ kia trao cho Mai, bảo:

– Nhấc chúng nó lên được quá mắt cá thì tôi cho cậu gánh!

– Được thôi! Chấp nhận thử thách!

Miệng tuyên bố hùng hồn là thế, nhưng khi cầm lấy cây đòn từ Xương, Mai mới biết chuyện này không dễ. Đòn gánh làm từ thân tre già rất chắc, lại xử lý tốt nên chịu lực cực khỏe. Ban đầu cầm giơ tới mức dây thừng căng ra hết khá nhẹ nhàng, nhưng sau đó mới bắt đầu giai đoạn “ác liệt”.

Dùng sức một chút, thân tre oằn xuống, còn cặp lu sành chẳng thèm nhúc nhích lấy một phân. Dùng thêm chút, Mai cảm nhận được sức nặng từ hai đầu. Thêm nữa, thêm nữa, những gì chàng đạo sĩ tập sự làm được chỉ đơn giản khiến bản thân mất sức hơn. Mồ hôi tuôn lấm tấm trên trán, trong khi lu nằm im re. Phồng mặt, trợn mắt, đỏ tía vành tai, chân đứng tấn, dùng hết hai tay cùng toàn sức bình sinh, thậm chí rống lên như con bò bị thằng bé nông dân lấy cây chọt mông vì không chịu di chuyển cũng chẳng khá khẩm hơn. Có mỗi sức lực hao mòn dần theo thời gian, theo từng nhịp thở.

– Hà… Hà…

Buông đòn gánh ra, lúc này lòng bàn tay đã đỏ tấy, Mai cúi gập người, chống tay lên đầu gối, thở hùng hục chẳng khác gì trâu mộng mới cày mấy mẫu ruộng xong. Người cậu ướt đẫm mồ hôi, do dùng lực nhiều quá nên sinh nóng bên trong. Thậm chí linh khí hóa lực, chuyển lực vào cơ thể đặng tăng cường thêm sức nâng mà vẫn hoàn toàn không thể.

Lúc này, Xương mới tới trước mặt. Cầm đòn gánh, cô nàng nhấc nó nhẹ nhàng y hệt người ta giơ chiếc đũa lẻ, đặt lên bờ vai nhỏ nhắn thục nữ mà chẳng cần phải tốn chút sức lực nào. Tay trái giữ gánh, tay phải đưa tới búng nhẹ trán Mai, cô nói:

– Tự tin là tốt, nhưng tự tin quá sẽ hại cậu đấy! Còn cần cố gắng nhiều, hì!

– Nghe cô nói mà tôi chẳng thấy cảm động chút nào… hà…

– Thở được câu dài vậy là khỏe rồi! Dậy theo tôi chút nào!

Chưa kịp hồi phục đàng hoàng, Mai đã bị Xương dắt đi. Tuy nhiên, cái đầu cậu lúc này trống rỗng. Thầy u ơi, mười mấy năm trên đời, lần đầu tiên thằng Mai biết cảm giác nắm tay gái là như thế nào! Mềm mại, ấm áp, khác hoàn toàn ấn tượng về đám yêu ma sinh ra từ người chết vốn “người đi chân lạnh toát”. Hơi siết vào, cậu chàng còn cảm nhận rõ mồn một nhịp mạch đằng cổ tay, mấy chiếc móng cắt gọn gàng trên ngón tay búp măng, cùng hơi ấm lan khắp. Lúc này, cậu chẳng còn quan tâm chuyện thở không ra hơi, hay bàn tay đỏ tấy và khó chịu nữa. Ước gì được giữ mãi thôi…

Cùng nhau, hai người họ xắn tay áo vào tưới hết chỗ cây dương liễu trong sân. Xương nói, những cây liễu này tất thảy đều mang về từ vùng Bạch Hạc, tức châu Phong theo địa danh hiện giờ. Nơi đó từng có một rừng liễu lớn, rất lớn, mọc quanh một cây chiên đàn cao đến trời. Tuy nhiên, từ khi cây thần “tha hóa” và trở thành quỷ Xương Cuồng, rừng liễu chết dần, chết dần và khi con người tới đó, đã chẳng còn lại gì ngoài một rừng cây chết khô đã lâu cùng một mộc tinh tàn ác.

Các cây này phải mấy ngàn năm tuổi rồi, cô nàng bảo, ít nhất tướng quân nói thế. Sống lâu vậy, hấp thụ linh khí đất trời, lại thêm yêu khí cực nồng tướng quân tỏa ra, chúng sớm đã thành tinh. Nhưng chúng nó chưa có nhận thức. Chưa có năm giác quan, chưa biết tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống. Bọn nó chỉ ở đây, cung cấp yêu khí cho toàn bộ núi Mây. Và việc của Xương là trông chừng lũ này.

Đã từng có lần vài con đứng bật dậy, bỏ chạy lang thang và người ta phải đi bắt về rất mệt. Năm đó Xương chưa tới đây, tổng quản Bống bảo rằng đợt ấy nắng hạn, trời mưa ít, người trong lầu quên chuyện tưới cây. Thế là đám cây tự xách rễ lên mà đi tìm nước luôn! Chuyện chắc phải lần về trước thời Triệu Đà, hơn ngàn năm rồi. Từ dạo đó, tưới cây hai lần mỗi ngày vào lúc cuối giờ Thìn và đầu giờ Thân, Lý giải cho việc này, Xương bảo rằng từ cuối Thìn đầu Tỵ trời sẽ nắng nóng, nên cây cần nhiều nước. Tới khoảng giờ Thân, nước thêm buổi sáng đã dùng hết nên phải tưới lần hai. Từ khi này đến lúc tối, trời trở mát nên không cần châm thêm. Vả lại còn có sương, và tưới nước lúc trời lạnh kỳ thực là hại cây.

Nghe những điều Xương nói, Mai cảm thấy thật khó hiểu. Yêu quái lại nuôi yêu quái như cây kiểng thế này, quả thực lần đầu tiên được chứng kiến. Cầm cái gáo gỗ trên tay, loại dùng múc nước với thanh tay cầm xỏ xiên qua chính giữa, Mai xúc đầy một gáo to rồi tạt xuống. Dưới gốc liễu, hàng đám cỏ non, cỏ dại xanh rì mọc phủ khắp, vây quanh cái thân cây tối màu, xù xì nứt nẻ. Nước vừa ập tới, chúng lập tức cong rạp mình xuống, để mặc cho dòng nước mát lấy dưới sông kia “tắm” lên thân theo cách không thể thô bạo hơn. Ấy thế mà khi vừa hết đợt nước, bọn đấy lại bật thẳng lên, y như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đọng lại trên lá chỉ có mấy giọt long lanh bé xíu xiu, còn mặt đất bên dưới ướt đẫm.

Mỗi gốc cây sẽ tưới khoảng hai, ba gáo nước. Xong một chỗ, họ đi sang nơi tiếp theo. Xương gánh lu, còn Mai đi cùng chỉ việc thọc gáo vào múc và tưới nước. Cô bảo, làm thế nhanh hơn chuyện cứ tới nơi lại phải đặt lu xuống, tự tưới rồi xách lên đi tiếp. Dĩ nhiên tiện hơn tay trái mang, tay phải múc rồi. Nhưng Mai thì chẳng thấy vậy chút nào. Đàn ông con trai lại đi làm phần nhẹ nhàng, để phái nữ cáng đáng việc nặng nhọc thế sao? Không được! Cậu không chấp nhận, và nhất định sẽ khắc phục vụ này!

Bạn đang đọc Vân Du Lâu sáng tác bởi anhmai2302

Truyện Vân Du Lâu tại TruyenYY đã đến chương cuối. Hãy nhấn vào nút Theo Dõi để được nhận thông báo khi có chương mới nhé! Chúc đạo hữu có những giây phút vui vẻ tại YY Giới.

Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi anhmai2302
Thời gian
Lượt đọc 10

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.