Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tartaruga (2)

Tiểu thuyết gốc · 2932 chữ

Tartaruga, căn cứ lớn thứ hai của cướp biển Keraenean, thực sự là một thị trấn “không thể tin được’ Khác hẳn với suy nghĩ ban đầu về một nơi đầy rẫy tội phạm, những trò cờ bạc, bắn giết và tùm lum thứ khác, thì trừ khu cảng dành cho cướp biển ra, nơi đây chẳng khác gì… làng chài cả! Ngoài cảng, thuyền sloop, loại thường được người vùng này dùng đi đánh cá, cột dây neo chặt vào những thanh gỗ trên cầu cảng, trong khi những mẻ cá được dỡ xuống, đem bán ngay trực tiếp trên đường. Nhiều người biến tàu thành cái sạp, ngồi trên ghế, khách tới mua cá thì cứ mang ra cân rồi bán lấy tiền. Lưới được giăng phơi trên những bộ khung riêng, căng rộng ra cho ánh Mặt trời sưởi ấm, cùng những chiếc cần câu để dựa vào.

Đi trên con đường, mà cũng chẳng hẳn là đường, đầy cát và sỏi, kéo dài từ cảng biển vào, thuyền trưởng dẫn bầy mèo và năm cô gái đi, cùng với đội “hô tống” gồm hai bác già, María và Antonio, vũ trang đầy đủ. Họ đi lướt qua ánh nhìn của người dân trấn, những người đàn ông mặc sơ mi hay cởi trần, quần dài với giày da đầy đủ, cùng mấy cô phụ nữ váy áo gọn gàng, nhưng vẫn chẳng đủ che vòng một ngồn ngộn. Qua dưới mấy tòa nhà nhiều tầng xây bằng gỗ, trên có ban công và mái hiên che nắng, đám Elena thấy rất nhiều những gái bán hoa ăn mặc khiêu gợi đứng trong đó nhìn ra. Khiếp, ai cũng ngực căng tròn, chiếc váy xòe bên dưới lại ôm bó sát nửa trên, đẩy cặp núi đôi ấy dội thẳng vào mắt người nhìn. Trang điểm không đậm, vùng này nghèo lắm, nhưng nhìn mái tóc dài lả lướt và điệu bộ khoanh tay đẩy ngực lên là đã thấy khó chịu rồi.

- Đi gần vào.

Thủ hộ phía sau, lão Giusepp bảo:

- Khu này nhiều điếm lắm, nếu không muốn bị cà khịa thì đừng có tách ra. Điếm từ gái tới mấy thằng ranh choai choai mới học cách kéo buồm.

- Ý ông là… cướp biển mới vào nghề? – Eleonora hỏi.

- Cướp biển, thủy thủ, ngư dân, tới cả đám lính giải ngũ, thất nghiệp từ lục địa già trôi dạt về đây, đủ thứ thượng vàng hạ cám. Mấy cô đi lang thang dễ bị tụi nó bắt cóc lắm, lúc đó thì đừng hỏi sao số em xui.

- Nơi này nguy hiểm vậy à?

- Chỉ nguy hiểm nếu gặp mấy thằng thiếu gái cháy túi thôi. Còn lại thì dân chúng khá biết điều.

Khịt khịt mũi bên cạnh, ông chú Silvers nói, trên vai vẫn vác theo chiếc rìu chiến sáng lóa lưỡi kim loại. Họ đi như vậy, thuyền trưởng dẫn đầu, thuyền phó và lái chính bảo vệ hai bên cánh, thủy thủ trưởng đi sau còn Antonio lon ton phía ngoài đội hình, thực chất là cảnh giới vòng ngoài. Người nào cũng đeo đầy súng, kiếm giắt hông, không thì cũng chơi quả rìu chiến sẵn sàng bổ đầy bất cứ ai dám lại gần.

Trong mấy ngày trên tàu, ngoài việc phụ giúp dưới bếp, hai cô hầu cũng được dạy những thế đánh cơ bản, để khi có chuyện thì họ còn phản kháng được. Việc huấn luyện được Silvers thực hiện, vì ông xuất thân từ tàu lùng của hải quân Angland nên quen với việc này hơn. Isla đặt biệt có tài năng với kiếm thuật, đã nhanh chóng làm chủ được những thế ban đầu, có thể tập nhiều hơn. Nhưng cô ta dường như không chú tâm mấy tới việc chiến đấu, thay vào đó lại thích làm việc hậu cần hơn nên cũng không bắt ép gì. Esmeralda, ngược lại, cho thấy thiên hướng dùng vũ khí cần nhiều lực như rìu. Cơ thể cô khá “cơ” so với hầu gái bình thường, do vốn sinh ra trong nhà làm thợ mộc nên từ nhỏ đã phải quen lao động chân tay. Dùng rìu cán ngắn thích hợp với người lực mạnh, trong khi kiếm cong thanh mảnh lại vừa vặn cho cô nàng mảnh khảnh, linh hoạt kia.

Mà, vì lý do gì đó mà họ vẫn chưa biết bắn súng. Thời gian không nhiều, lại do phân công vào tổ hậu cần, làm việc dưới bếp nên không có lúc học? Chẳng biết nữa, mấy chuyện này Silvers chịu trách nhiệm. Bình thường thì thuyền phó sẽ quản lý chung, thuyền trưởng không can dự tới, nên Martin cũng chẳng để tâm.

Bước qua vài dãy phố, dưới bóng mấy tòa nhà hai, ba tầng xây cất khang trang bằng gỗ núi, qua từng hàng người đi trên đường phố, họ gần như tiến vào nơi trung tâm nhất của thị trấn cảng. Trên đường, những thành viên mới không khỏi bỡ ngỡ khi thấy hầu hết dân chúng đều tỏ ra vô cùng lịch sự, vui vẻ với các thuyền viên của El Draque. Nhiều thủy thủ đã vào trước, mua đồ ăn trong các quầy, các sạp được người dân chào đón vô cùng niềm nở. Họ nói chuyện, cười đùa, bá vai bá cổ nhau, trong khi lính già giới thiệu tân binh với người khác.

Đường chỉ trải toàn cát biển, che nắng bởi những ngọn dừa cao vời vợi, lủng lẳng trái, bên dưới là nơi dân chúng buôn bán, đông đúc, nhưng khi thấy người của El Draque thì liền dạt ra. Vẻ mặt vô cùng cung kính, mấy bác gài, bà dì lại mỉm cười đầy tự hào, vui vẻ gọi nhau í ới, rõ ràng coi trọng họ lắm. Thủy thủ đáp lại cũng vô cùng lịch thiệp, nhã nhặn, không thấy sự phách lối, cộc cằn thường có của hải tặc. Chẳng ai tỏ vẻ lên mặt, phá làng phá xóm, mà dân chúng cũng không sợ. Trẻ con còn chạy ra giỡn được, tụi nhóc tì cỡ năm, sáu tuổi gì đó, trai cởi trần, gái mặc váy, chân đất phóng thẳng qua bãi cát dài, nghịch ngợm với mấy anh mấy chú mới trên con tàu đen đó xuống.

Thật sự khó có thể tin được. Trông cứ như El Draque được mong chờ về đây lắm vậy.

- Thấy lạ chứ? Lần đầu tôi tới cũng vậy thôi!

Đi bên ngoài, Antonio mỉm cười, bảo:

- Sao? Mặt mấy cô rõ ràng ngờ nghệch rõ ra rồi! Lần đầu thấy thị trấn cướp biển à?

- Thị trấn cướp biển?

Không giấu được sự ngạc nhiên, Isla bật thành lời.

- Nó thực sự tồn tại sao?

- Là gì cơ? – Công chúa quay lại hỏi.

- Thưa… Đó là chuyện kể về một thị trấn được xây dựng bởi những cướp biển thời đầu và con cháu họ, từ khi bắt đầu kỷ nguyên hải tặc… Tôi đã nghĩ nó chỉ là chuyện nói cho vui…

- Cô đang ở ngay đó đây, cô gái! – Antonio reo lên – Tartaruga vốn là thuộc địa của Iberia, sau bị Angland chiếm! Về sau nó bị bão tàn phá, rồi mấy cướp biển thời đầu hùn vốn vô xây lại thành cảng như giờ! Gọi nó là cứ điểm số hai sau Naszeure không phải tự nhiên đâu! Nhiều người đặt trụ sở ở đây lắm đó!

- Thiệt á? – Annatar’re khẽ kêu.

- Đúng vậy.

Đi bên cạnh, María gật đầu. Tay cô để trong túi áo, nhưng nhìn thanh gươm lớn với lồng bảo vệ dạng rổ đeo bên hông cùng khẩu súng kíp giắt sau lưng, dám cá chẳng tên điên nào dám mò tới kiếm chuyện.

Cô tiếp:

- Ông già, con nói được chứ?

- Có sao đâu. – Thuyền trưởng đáp – Họ là thành viên, và thành viên có quyền biết.

- Dạ… Cảm ơn,… cha?

“Hự!”

Giây phút ấy, thuyền trưởng bỗng thấy người vợ đã mất đứng chờ trước cổng Thiên đường! Mấy người đi cùng, trừ các nàng kia ra, bụm miệng cười. Họ đều chung một suy nghĩ, đắng lòng ông già cả mấy năm trời mới được nghe con gái gọi một tiếng “cha”!

Thị trấn này thực sự tràn đầy sức sống. Qua những dãy nhà nằm san sát nhau, công chúa và đám mèo thấy những bà nội trợ mặc quần áo kín đáo, đầu quấn khăn cầm chổi quét trước hiên nhà, vài ông chú mới sáng bảnh mắt đã nhậu nhẹt với rum, hay những quầy hàng bán thức ăn trên phố. Có quán mở ngay trong nhà, quán lại ở ngoài đường, dưới những gốc dừa cao tỏa bóng mát rười rượi. Đồ ăn nướng trên bếp lửa hồng, nghe tiếng lách tách vui tai cực, lại cảm thấy rõ cái bụng réo đòi ăn mỗi khi hương thơm nức ấy xộc vào đôi cánh mũi. Cá, tôm, cua, hàu,… đầy ra, chất thành đống. Giá bán rẻ như cho, chỉ năm peso cho một con cá nướng chín, hay hai escudo, tức tám peso, là có ngay con cua lớn vật vã, nấu lên đỏ lừ trong nồi nước luộc.

Kẻ mua người bán tấp nập, vui vẻ, không nghe kỳ kèo to tiếng gì. Vẫn có trả giá, nhưng nó phát ra từ mấy chỗ bán hải sản tươi, chứ khu đồ ăn này không hề thấy. Những cửa tiệm, dù khang trang bề thế hay chỉ là chiếc quầy gỗ mượn dừa làm dù, đều được chăm chút đàng hoàng, có bàn ghế cho khách ngồi ăn và đặc biệt là không thiếu rượu. Họ ăn tại chỗ, nhậu tại chỗ, bất chấp bây giờ đang là ban ngày. Những người cao lớn, mặt mày bặm trợn, trần mình hay mặc áo đều có. Râu ria xồm xoàm, tóc tai rối như tơ vò, họ đưa cánh tay lực lưỡng, vạm vỡ ra tóm lấy chai rum rồi đưa lên miệng tu ừng ực như không có ngày mai. Người xung quanh reo hò cổ vũ, đôi khi cười ồ khi có kẻ xỉn quá té tại chỗ. Tuyệt không thấy tranh cãi, chửi lộn. Ồn ào, nhưng trật tự.

Đi đằng đầu, thuyền trưởng chợt nói, giọng điệu bình thản lạ lùng, không lên xuống nhấn nhá gì:

- Đánh giá một thị trấn, cách tốt nhất là nhìn vào mấy khu ăn uống này. Tartaruga không chỉ là cứ điểm hải tặc, mà còn là trung tâm đánh bắt cá cỡ lớn. Những tàu các cô thấy ở cảng đúng là tàu cướp biển, nhưng ở nơi khác còn có cảng dành cho người dân. Chỗ này thủy thủ hiền lành hay cướp biển đều như nhau, chết chìm trong rượu và đồ ăn cả.

- Và gái nữa! – Giusepp nói vọng lên – Ông bạn, lát cho tôi mượn xíu tiền lẻ nha? Có vài “nhu cầu” cần “giải quyết” ấy mà, khà khà!

Nghe mấy lời ấy, María ngượng chín đỏ mặt, quay đi, trong khi Antonio tỏ rõ vẻ khó chịu. Xáp lại gần, nó huých cùi chỏ vô ông bác mấy cái, ý bảo chú ý tình hình. Họ đang đi với rất nhiều “phái nữ”, không thể cứ bô bô cái mồm ra được.

Đúng lúc này, Antonio lại nhớ ra điều gì đó.

- Nói về nơi này, có một “huyền thoại” vẫn được lưu truyền trong giới đi biển! Đó là ngày xưa khi Tartaruga vừa trở thành đất của cướp, những gã “đồng tính” vốn bị xã hội kềm kẹp quá hà khắc đã chuồn tới đây, sống thật với chính mình. Năm này qua tháng nọ, hòn đảo dần trở thành cái động đồng tính, nơi lũ con trai thoải mái ôm ấp, quấn quít nhau cả sáng lẫn tối! Việc kinh doanh dầu cọ, vốn rất trơn, cũng trở nên phát đạt vì lý do “ai cũng biết”! Do hải tặc tôn thờ chủ nghĩa tự do, cho phép các cá nhân tự do thể hiện con người mình, nên họ không phiền trước điều đó! Chuyện có những cặp đôi đồng tính trên tàu cực kỳ bình thường!

- Cái gì? Đồng… đồng… đồng tính?

Nghe đến thế, Camine đã không còn giọt máu nào trên mặt nữa. Eleonora nhắm mắt, bịt tai, còn công chúa Elena choáng tới đứng không vững. Xem ra đối với mấy người ở tầng lớp thượng lưu, chuyện yêu đương đồng giới vẫn còn bị nhìn nhận tệ hại lắm.

Tất nhiên, mấy nước “gia giáo” kia không chấp nhận được. Họ ngứa mắt trước chuyện ấy, điều mà trong tôn giáo rõ ràng là hành vi dơ bẩn, báng bổ, chống lại quy tắc tự nhiên của đấng sáng tạo gì đó. Francois là nước hành động đầu tiên, họ đã thương thảo với hải tặc để mở hẳn một chuỗi các “nhà nghỉ” trên đảo, kỳ thực là lầu xanh, và cho gái điếm bị lưu đày từ chính quốc tơi đây phục vụ, làm tăng số lượng đàn bà lên đáng kể. Hi vọng của người Francois là làm thế này, những cô nàng bán ‘vốn tự có” kia sẽ giúp bẻ thẳng lại đám đồng bóng, và xóa sổ cái thứ “dịch bệnh” đó khỏi đảo. Ý tưởng thoạt nghe điên rồ, nhưng chẳng hiểu tên chóp bu nào gật đầu mà đồng ý. Thế là giờ chị em bán hoa có mặt ở khắp mọi nơi trong trấn, sang tới mấy chỗ khác luôn.

Còn kế hoạch thành công hay không, chẳng ai biết cả.

Tuy nhiên, hôm nay dẫn theo các nàng xuống bến không phải để đi du lịch… dù ở khía cạnh nào đó, Martin cảm thấy cái này chẳng khác gì đoàn hướng đạo dã ngoại của mấy trường dòng nữ. Qua nhiều con phố khác, chào hỏi người dân, công chúa mua vài quả táo xanh ăn còn đám Annatar’re thì nhất quyết đòi cá nướng, họ cũng bỏ tiền ra hết. Người bán rất niềm nở, và khi nhận ra “ông Majorca”, thậm chí còn không lấy tiền. Nói mãi mới nhận.

Vừa cắn quả táo xanh, đã rửa ngay tại sạp, Elena nói:

- “Ông Majorca”? Thuyền trưởng, ông nổi tiếng ở đây lắm à?

- Một trong các thành viên sáng lập và ủy viên hội đồng thị trấn đấy! – Antonio nói – Dân “bụng bự” đó!

- Đụng chạm nha thằng lỏi! – Giusepp hét to.

- Bạn già, xử lý hết đống mỡ dư của ông đã! Ha ha ha! – Đi gần đó, Silvers bật cười.

- Mấy người cơ bắp nhồi não biết giề! Cái bụng này là bụng kiến thức, kế hoạch tác chiến đổ bộ! Nghe chưa!

Vừa nói, Giusepp hai tay nâng bụng, làm đống mỡ chảy xệ xuống đến phát ớn. Nhưng điệu bộ của ông ta chỉ khiến họ cười ầm lên.

Trong khi đó, thuyền trưởng đã đứng lại trước một nhà trọ. Khang trang, rộng lớn, với màu sơn xam xám u ám bên ngoài. Tường làm từ đá, cửa đôi điêu khắc hình tiên cá rất đẹp. Phía trước nó có ban công, đỡ bằng cặp trụ đá núi lớn chạm khắc tinh xảo hình rắn biển quấn mình, sóng nước và những con thuyền nhỏ. Căn nhà ba lầu nằm áng ngữ ngay trên mặt tiền đường, lại là trục đường huyết mạch dẫn từ cảng thẳng vào trong kia. Kế bên nó, nhà xây san sát, nhưng không cái nào hoành tráng bằng. Cũng chẳng nhà nào xây bằng đá như thế, lại có cửa sổ kính, thứ xa xỉ đến nỗi chỉ nhà giàu như quý tộc, hoàng gia hay phú thương mới mua nổi. Nhìn vào thôi cũng đã thấy giàu sụ rồi.

Ngẩng lên nhìn, các nàng thấy những chiếc đèn lớn, loại dùng trên tàu, được gắn trước ban công. Hai chiếc, với phần khung và nóc thép tạo hình như chiếc lồng chim. Bản thân ban công cũng được làm cong, với lan can đá có hàng cột đỡ dài giống như đuôi tàu. Bên dưới nó treo tấm bảng tên quán, tấm bảng đồng móc vào mấy sợi xích và để lủng lẳng trên đầu. “Quán Walrus”, nó viết bằng cả tiếng Angland và Iberia.

Quay lại những thuyền viên mới, thuyền trưởng bảo:

- Vào trong này rồi đừng làm gì bậy bạ. Không ai cứu nổi đâu, biết chưa?

- Nhưng nơi đây là gì? – Annatar’re hỏi.

- Không phải nhà tro thông thường, đúng chứ?

Khoanh tay lại dưới bộ ngực phì nhiêu, Eleonora nói:

- Nhà trọ chúng ta đi qua đều xây bằng gỗ, có mỗi cái này dùng đá. Kiểu dáng cũng quá xa hoa, không thể nào chỉ là chỗ bình thường được! Thuyền trưởng, chúng tôi muốn một lời giải thích!

- Không cần đâu, cứ vào thôi.

- Nhưng…

- Kệ đi, không sao.

Bước lên bậc tam cấp dẫn vào cửa lớn, Silvers nói:

- Chỗ này có thể coi là “tổng bộ” của cướp biển Tartaruga. Những gã đầu sỏ nhất đề thuê phòng dài hạn ở đây. Nên nếu làm bậy thì các cô chết ngay đấy.

- Hả? Tổng bộ của hải tặc Tartaruga?

Elena kinh ngạc, mắt tròn to như chiếc đèn.

Và họ thậm chí còn đứng hình hơn khi María bước tới, mở cửa rồi nói:

- Và… là tư dinh của ông già tôi đó!

Bạn đang đọc Quỷ biển - Cộng hòa Tự do sáng tác bởi IvanDFakkov
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi IvanDFakkov
Thời gian
Lượt đọc 6

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.