Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Lại đến Thôi gia trang

Phiên bản Dịch · 1868 chữ

Phỉ Tiềm thầm than, không thể vừa nghe có việc đã co giò chạy mất, vừa thất lễ lại còn bị người ta xem thường, cho nên hắn vẫn kiên trì đi gặp Thái Diễm. Con gái thời Hán không giống thời Minh – Thanh, cũng xem như tương đối tự do. Việc nam nữ ngồi chung phòng bị đàm tiếu chỉ xuất phát từ nhà Tống do công của Chu Hi (nhà triết học trải qua bốn đời vua Tống) phát dương quang đại, đến Minh Thanh còn kinh dị hơn, danh thần Hải Thụy (vị quan ngự sử làm việc qua ba đời vua Minh) chỉ vì con gái nhận một miếng bánh từ tay người hầu đã chỉ trích:

“Con gái làm sao có thể tùy tiện nhận đồ từ đàn ông? Ngươi không xưng làm con gái ta, muốn nhận cha thì chết đói đi!”

Sau đó con gái Hải Thụy khóc đến ngất xỉu rồi nhịn ăn đến chết trong vòng bảy ngày. Điều khủng khiếp hơn là con gái ông ta khi đó chỉ mới năm tuổi! Mấy lão nhà nho như kiểu đồng chí Chu Hi rất hay rao giảng đạo lý, nhưng lại nói một đằng làm một nẻo, có phong cách của người thời hiện đại.

Chu Hi có hai chuyện bị người ta chê cười, một là vào năm sáu mươi tuổi, đồng chí này nạp thêm một tiểu thiếp trẻ măng. À thật ra Chu Hi thích múi mít cũng đúng thôi, nhưng vấn đề là múi mít này có quá khứ làm ni cô. Chu Hi nhìn thấy cô gái ấy hấp dẫn quá, thế là dâm tính nổi lên cướp luôn người từ tay phật tổ. Ngoài ra nhà hắn có một cô con dâu thủ tiết thờ chồng, chưa bao giờ gặp đàn ông, đùng một phát cô ta có thai! Vì hai chuyện này nên Chu Hi bị đối thủ lôi ra để bêu xấu, ngay cả Tống Ninh Tông Triệu Khoách cũng nghe mà giật nảy mình.

Chu Hi từng làm thầy của Tống Ninh Tông, cho nên trên danh nghĩa Tống Ninh Tông vẫn là đệ tử của lão, nhìn thấy thầy bị người ta chê cười, Ninh Tông chẳng vui vẻ chút nào cả. Hắn quyết định tự mình đi hỏi thăm thầy, xem chuyện này có phải thật hay không? Chu Hi trả lời lập lờ nước đôi, thái độ mập mờ, lão gián tiếp thừa nhận Lý học chính là ngụy học, một thuyết học thuật sai lầm. Sau này “ngụy học” trở thành lý do để quyền thần Hàn Thác Trụ công kích các đại thần và lưu đày họ, trở thành Họa Đảng Cấm nổi tiếng trong lịch sử.

Tóm lại, nếu một cô gái lỡ chân xuyên không, hãy cầu xin phật tổ cho mình xuyên vào thời Hán Đường, xem như vẫn tốt số, chứ lỡ rơi vào thời Tống trở đi thì xong rồi.

Phỉ Tiềm trông thấy Thái Diễm đang ngồi chép lại sách như thường nhật, nàng nhận ra sư đệ đến nên đặt bút xuống. Thái Diễm học tập từ Thái Ung nên chữ viết cũng như người ngọc, toát lên vẻ đoan trang hiền thục. Kiểu chữ viết Trung Quốc gồm có Chữ Giáp Cốt, chữ Kim, chữ Triện, chữ Lệ, chữ Khải và chữ Hành, Thảo. Trong đó chữ giáp cốt do nhà Thương nghĩ ra, chuyên dùng để bói toán. Chữ Khải chuyên dùng cho in ấn và chữ Hành để viết thư gửi cho người có quan hệ thân thiết xuất hiện ở thời Hán và phát triển nhất ở thời Đường. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có chữ Thảo để tăng tốc độ viết, thường được vua chúa dùng khi soạn chiếu thư nên gọi là Thảo, và chữ Triện để dùng cho việc điêu khắc ấn tín do nét chữ phức tạp khó giả mạo.

Sách của Thái Diễm đều được viết bằng chữ Lệ. Đây là một kiểu chữ đặc biệt do Trình Mạo đời Tần phát minh ra trong lúc bị giam để giúp cai ngục viết dễ hơn, Lệ có nghĩa là tù nhân. Chữ viết của người hiện đại Trung Quốc cũng được xây dựng từ chữ Lệ. Thái Diễm cầm bút vô cùng chắc tay, viết như mây trôi nước chảy, khác hẳn nét chữ gà bới của Phỉ Tiềm. Nàng mỉm cười bảo:

“Số sách ta liệt kê cho đệ, đệ đọc được mấy cuốn rồi?”

Phỉ Tiềm nhẹ nhàng đáp:

“Sư tỷ đừng lo, khiêm tốn mà nói, ta vẫn chưa đọc một cuốn nào cả.”

“Ồ, vậy tức là ngươi vẫn chưa tập viết chữ luôn.”

“Chính xác!”

Thái Diễm chết lặng rồi trợn đôi mắt xinh đẹp lên:

“Ngươi học hành kiểu gì thế? Phải biết cố gắng chăm chỉ chứ!”

Phỉ Tiềm cúi đầu chắp tay đáp:

“Đệ xin tạ lỗi, chỉ là mấy ngày nay đệ bận quá….”

Hắn lại nghĩ có lẽ nên để cho Thái Diễm phụ mình khuyên Thái Ung một phen, nếu có thể chạy khỏi Lạc Dương, tương lai của hai cha con cũng sẽ không thê thảm đến thế. Vì vậy Phỉ Tiềm liền kể hết toàn bộ những chuyện phát sinh mấy ngày nay, Thái Diễm mải chép sách nên không hề đi ra ngoài, không ngờ lại xảy ra nhiều chuyện động trời như thế, nàng im lặng nghe Phỉ Tiềm nói. Cuối cùng Phỉ Tiềm có nhắc về điển cố của Tấn Văn Công, Thái Diễm cũng gật đầu tán thành. Bỗng nhiên nàng thở dài:

“Thời xưa có văn thần họ Đổng bạo chính, hiện giờ lại có võ thần họ Đổng nhiễu loạn triều đình, thật là….”

Phỉ Tiềm biết ý nàng nói là Đổng Trác dùng vũ lực bức ép triều đình, bắt Lưu Biện thoái vị, nhưng văn thần họ Đổng là thằng cha nào?

“Hừm, đến tên họ Đổng đó mà đệ cũng không biết? Mau về xem kĩ lại Hán Thư đi! Lần sau đệ mà còn không nghe lời…”

Thái Diễm cười có chút giảo hoạt, lấy lý do sư đệ cần học thêm sách đuổi khéo Phỉ Tiềm về nhà, cảnh tượng chơi đùa cùng giai nhân mà Phỉ Tiềm thầm mơ cũng tan theo mây khói. Chỉ đọc nhiều sách hơn ta một chút, thế mà lại khi dễ ta, làm ta cảm thấy bị tổn thương. Thấy Thái Ung không, hỏi gì đáp nấy, sao Thái Diễm nàng không học một chút tác phong của cha vậy?

Phỉ Tiềm ra khỏi Thái phủ, hắn thấy trời hãy còn sớm nên quyết định đi sang nhà họ Thôi một chuyến. Từ sau sự kiện núi Bắc Mang, đã lâu hắn vẫn chưa gặp lại người anh em Thôi Hậu, vả lại nhà họ Thôi dù sao cũng có một mạng lưới quan hệ, có thể thông qua đó tìm hiểu một chút về tình hình các châu quận hiện nay.

Thế là Phỉ Tiềm liền quay đầu đi thẳng ra phía bắc thành. Trên đường hắn chứng kiến người đi đường vội vội vàng vàng, biểu cảm vô cùng hoảng sợ, mất đi vẻ thư thả vui tươi, khiến trong lòng không khỏi thở dài. Đây là những bình dân bị thế gia sĩ tộc coi chẳng khác gì pháo hôi, nhận ra triều đình có biến nên bắt đầu cảm thấy bất an. Nhưng nào ai biết tương lai còn đáng sợ hơn rất nhiều.

Lúc Phỉ Tiềm đến Thôi gia trang, Thôi Thôi Hậu tự mình đi ra ngoài đón tiếp. Hắn cũng hỏi thăm sức khỏe Thôi Nghị, Thôi Hậu buồn rầu lắc đầu. Ở đời sau Phỉ Tiềm chỉ là một anh nhân viên, bệnh xoàng tự mua thuốc uống, khi nào cần thiết lắm mới phải đến bệnh viện vì tiền khám quá mắc. Hắn chẳng biết gì về y học cả, chỉ tự lập từ sớm nên có chút kiến thức rộng mà thôi. Thôi Nghị tốt nhất nên tĩnh tâm, hạn chế nóng giận, nếu không cơ thể sẽ rất dễ bị tổn thương. Theo như Thôi Hậu miêu tả, tình trạng của Thôi Nghị cũng giống như trúng gió vậy, nhưng ngay cả thời hiện đại cũng chẳng có liệu pháp đặc trị nào, bởi vậy các đại phu nhà Hán trên cơ bản cũng đành bó tay.

Hừm, muốn cứu Thôi Nghị chắc chỉ có thể nhờ đến thần y như Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh may ra giúp được. Đáng tiếc cả hai đều không sống ở Lạc Dương, muốn tìm cũng chẳng biết phải đi đâu. Thôi Hậu đã chuẩn bị tâm lý nên cũng chẳng nói thêm gì, xã giao vài câu rồi đem những tác phẩm ngọc lưu ly được điêu khắc theo phương pháp Phỉ Tiềm dạy cho hắn xem thử. Phải công nhận trí tuệ thời cổ đại vượt khỏi tầm hiểu biết của Phỉ Tiềm, chỉ dựa vào phương pháp thiếu sót của hắn, đám thợ thủ công đã có thể điều chỉnh ra thành phẩm giống hệt như trang sức ở thời hiện đại, chỉ là kinh nghiệm thợ bị giới hạn nên không bắt mắt bằng thôi.

Phỉ Tiềm rất bội phục nhà họ Thôi, trang sức lưu ly có lợi nhuận vô cùng cao nhưng không phải người dân bình thường có thể làm ra nổi, cho nên Thôi Hậu chỉ đem những món tốt nhất bán ra cũng đã có thể kiếm được một món hời lớn. Bây giờ Phỉ Tiềm đã trở thành đệ tử chân truyền của hai đại nho đương thời, Thôi Hậu cũng rất tôn kính hắn, nhất quyến lấy một phần lợi nhuận để chia sẻ với Phỉ Tiềm.

Trong lòng Phỉ Tiềm biết phần lợi nhuận này là Thôi Hậu đánh giá cao tương lai bản thân mình nên quyết định đầu tư, nhưng hắn cũng chẳng từ chối. Dù sao có người chấp nhận đầu tư tức là bản thân hắn có giá trị đúng chứ? Có điều lấy tiền sẽ làm thanh danh hắn giảm đi, nên Phỉ Tiềm bảo:

“Vàng bạc chỉ là vật ngoài thân, Thôi huynh xin đừng khách khí. Chẳng qua đệ đến đây đúng là có việc cần nhờ.”

“Hiền đệ cứ nói, nếu ta làm được, tuyệt không chối từ.”

“Tiểu đệ nay đã bái Thái lão gia làm sư phụ, nên bổn phận phải túc trực hầu hạ bên cạnh. Tuy nhiên đệ không hiểu về địa lý của Kinh Tương, Dự Châu, Kí Châu và Từ Châu lắm. Chẳng hay Vĩnh Nguyên huynh có tin tức này không?”

Thôi Hậu cân nhắc rồi bảo:

“Nếu chỉ là chi tiết về địa hình các châu, nhà họ Thôi cũng có biết một chút, chỉ là không biết có thể làm cho hiền đệ hài lòng hay không?”

Nói xong Thôi Hậu lệnh cho người hầu vào thư phòng lấy một quyển sổ rất mỏng ra rồi đưa cho Phỉ Tiềm. Hắn hiếu kì xem thử rồi giật nảy mình. Hóa ra thời Đông Hán lại có cả thứ này!

Bạn đang đọc Quỷ Tam Quốc [bản dịch] của Mã Nguyệt Hầu Niên
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimsa
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 80

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.