Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

CHUẨN BỊ CHO CUỘC CHIẾN

Tiểu thuyết gốc · 2436 chữ

"Sẽ có rất nhiều người ở đây phải chết, thần linh đã nói cho tôi biết, quân Hán lần này tiến sang, chúng sẽ đồ sát hết thảy, chỉ giữ những người mạnh khỏe làm nô lệ".

Nghe đến đây thì dù chẳng biết có thật hay không nhưng dân làng đã xôn xao lên một mảng. Thời nhà Hán chính sách đồng hóa đã bắt đầu gắt gao hơn rất nhiều, người dân Việt cũng nếm đủ khổ đau, biết bao người phải chết khi lên rừng xuống biển kiếm trai mò ngọc, lấy sừng tê. Người thì chết khi phu phen lao dịch trong các hầm mỏ, còn có những bộ lạc, những làng nhỏ, thường xuyên bị lũ bộ tộc tay sai của người Hán đi săn giết mua vui. Không ít người đứng dưới kia cũng từng là những người dân của các bộ lạc nhỏ chạy loạn. Họ bị các bộ tộc lớn làm tay sai quân Hán đè nén, từng có người trong nhà chết đói vì bị vắt đến hạt lúa cuối cùng để nộp tô.

Hắn lại ra hiệu cho mọi người yện lặng và nói tiếp về chuyện gặp thần linh. Đại thể là khi rơi xuống vách núi hắn được thần linh đưa đi, vị thần hắn gặp không có hình dạng mà chỉ là đốm sáng chói chang như mặt trời, hắn nói đây là vị thần tối cao, thần không có hình hài mà cũng muôn hình muôn vẻ, những vị thần như Lang thần, Tản viên thần, hay cả Long thần Lạc thần, đều là một phân thân của người, người tạo ra con người đế sống chan hòa, tộc nào cũng là con của thần do thần tạo ra, nhưng có những kẻ vẫn lạc lối lợi dụng thần thánh mà tàn sát lẫn nhau, thần đau lòng lắm nên đã gặp và trao cho hắn hiểu biết của thần, để giúp tộc Việt tránh họa diệt vong mà xa hơn là giúp đỡ những giống nòi khác. Về thờ phụng thì hắn nói thần đến thế gian dưới mọi hình dạng, các vị thần khác đều do thần phân thân nên không cần thay đổi sự thờ cúng. Hắn cũng dự định có quy củ, thần điện, cúng lễ đoàng hoàng nhưng đó sẽ là việc của sau khi hắn chuyển giao hết cho hai vương.

Lạc rất kiên nhẫn, kể ra hắn cần thì cứ ra lệnh thôi, dù sao vùng này vẫn là hắn quản lý nhưng hắn quyết tâm phải tạo dựng ra một hình tượng, chính xác là một tôn giáo và hệ tư tưởng, với thứ vũ khí đánh vào lòng người này, tương lai tộc bách việt có thêm nhiều hy vọng được thống nhất, họ không bị làm nô lệ hay đồng hóa thành người Hán. Còn chuyện tin hay không thì cần có thời gian, hắn chẳng sợ, tương lai hắn còn đưa ra cả đống phát minh nữa, với sự tiến bộ cả ngàn năm thì muốn người khác không tin hắn được thần dạy cũng khó.

Hắn dừng lời, xôn xao một lúc một lão già có phần gầy còm, đóng khố, lão này hơi khác vì chỉ xăm mỗi hai chân dưới bắp đùi. Lão tên là Vừng, già làng của làng Mễ, lão hỏi.

"Thưa khun, thần linh đã giúp đỡ cho bộ tộc ta thì quả thật là việc đáng mừng. Nhưng giờ thanh niên trai tráng đi đánh trận theo nữ vương hết cả, lại chẳng có vũ khí thì biết làm sao?".

Hắn mỉm cười với lão: "Xin mọi người yên lòng, thần đã dạy tôi cách làm vũ khí, cách thắng quân thù, nhưng tôi cần mọi người giúp".

Nói đoạn hắn đánh mắt cho thằng Dần, thằng dần hiểu ý, trưng ra cây cung trợ lực và cây kiếm Gladius. Sau khi chứng kiến sức mạnh của những thứ vũ khí này thì các chiến binh còn lại ưng lắm, cứ phải nói là thích mê. Người dân thì cũng dần dần tin tưởng rằng có thần linh đang giúp họ. Đột nhiên lão Sửu lúc này quỳ xuống, ngửa mặt lên trời mà hô to tạ ơn thần linh. Người dân trong làng ngỡ ngàng vài giây, rồi cũng quỳ xuống theo Bồ Chính. Lạc cũng thế, nhưng mà hắn không nói gì, ngửa mặt lên trời hắn hơi nhếch mép, hắn cảm thấy những người Việt cổ này thật đáng yêu. Chiều muộn, dân các làng tỏa đi về nơi ở, họ nhận được lệnh của lạc, tập trung mọi thứ đồ đạc và lương thực về làng Ngụ.

Tối đó dưới ánh đuốc leo lét, Lạc mải mê phác họa lại bản đồ Lĩnh nam, kiếp trước hắn đọc sử khá nhiều, và với trí nhớ siêu phàm hiện tại thì hắn dễ dàng phác lại bản đồ tổng quát của đất Giao Chỉ, nhưng chỉ là sơ phác, vì thứ hắn nhìn kiếp trước vốn rất giản lược, gần như không có yếu tố địa hình, lại còn chưa kể đến sự dịch chuyển mảng lục địa, bồi đắp hay sự chuyển dòng của các con sông nữa. Đại khái thôi, sau này hắn sẽ cho người đi vẽ chi tiết. Lão sửu ở bên phụ hắn ghi chú, vì hắn đâu biết chữ thời này, tiếng Anh, một chút tiếng Ý hay Pháp thì hắn có thể thử chứ còn đâu thì quỳ thật, hắn nghĩ xem ra tương lai lại phải mở bình dân học vụ rồi. Xong bản đồ thì thống kê lại nhân lực hiện giờ, chín làng hiện tại có sáu trăm ba mươi bốn người gồm cả hắn. Trong đó chỉ có tám mươi chiến binh khỏe mạnh, phần đa là người già cả. Quá ít, nhưng thôi kệ, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, hắn cũng chả dở hơi mà đi nướng quân vào đánh trực diện, hắn đã có chiến lược rồi, nhưng ra sao tiếp thì phải xem tình hình đã.

Cùng ngày hôm ấy bên bờ sông Khúc Giang, có một nhóm nhỏ quân Lĩnh Nam đang bị vây chặt, trước mặt họ là cả ngàn chiến binh, còn sau lưng thì là dòng sông Khúc Giang đang cuồn cuộn chảy. Đau lòng cho họ là những chiến binh đang vây quanh họ kia lại đều là người bách việt. Nhóm quân này chừng một trăm người đa phần là các nữ binh, họ chiến giáp tơi tả, khuôn mặt xám đi vì bụi bẩn và máu bắn lên, họ đa phần đều mang thương tích trên người, người bị đao chém, người trúng tên, có người còn cụt cả một cánh tay. Đây hóa ra là phần còn sót lại của đội quân của Trần thị phương Châu hay còn gọi là Nam Hải công chúa và trung nghĩa tướng quân Đô Thiên. Đô Thiên vốn là người Hán nhưng sau khi lấy vợ người Âu Việt và chung sống, ông luôn coi mình là người Âu Việt, trước kia ông theo hai bà Trưng khởi nghĩa và đóng quân tại Uất Lâm.

Vốn là một mãnh tướng lại có lối sống chẳng khác gì, nên các bộ lạc xung quanh chưa bao giờ không dám nghe lời. Nhưng ai ngờ được cha dạy học thì con đốt sách. Vốn định hợp binh với Nam Hải công chúa để cự địch thì ông bị chính đứa con yêu dấu của ông là Đô Kiên đã đầu hàng theo Hán quân. Hắn lừa cha vào bẫy mai phục của quân Hán, lại được giao binh của các bộ tộc đã quy phục rồi dùng kế trá hàng mà lừa gạt bà Châu. Tiếp đó thì là thứ đang diễn ra, họ bị chia cách và giờ là bị vây chết trên bờ Khúc Giang này. Đô Thiên lúc này đã bị mấy vết đao chém, ông đang gầm lên trong đôi mắt đỏ ngầu.

"Thằng ranh con, khốn nạn, mau ra đây. Thằng súc sinh, mày chỉ vì chút hư danh mà hại cả cha mình sao?".

Lúc này đạo quân phía trước hơi tách ra, một gã người Hán tướng mạo khôi ngô bước lên, nhếch mép mà cười:

"Cha à, kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, ta nay đã là đại Hán một vị tướng quân, phụ thân cớ sao người còn u mê chưa tỉnh? Hai mụ đàn bà Lĩnh Nam kia sớm muộn cũng bị ngắt đầu dâng cho Hán đế. Còn cha con ta sẽ vĩnh viễn được cai quản đất Uất Lâm này. Lúc này chính là lúc làm đại sự a".

Nhìn Đô Thiên bi thương, Nam Hải công chúa mới tiến lên đặt tay lên vai ông mà nói: "Đô huynh, sự đã rồi. Đừng nên đau lòng, chúng ta chết, vẫn còn ngàn vạn người chiến đấu, rồi có ngày hai Vương sẽ báo thù cho chúng ta".

Đô Thiên ngửa mặt lên trời than: "Hận ta mắt mù, sinh ra nghiệt tử. Hai vương, ta có lỗi với hai vương".

Bà Phương Châu khẽ lắc đầu, rồi mắt phượng nghiêm nghị nhìn về trăm người binh sĩ mà hỏi: "Chư quân, Lĩnh Nam ta có ai sợ chết không?".

Không khí như bị nén lại, rồi nổ tung ra bằng một chữ "không" từ miệng cả trăm người.

Bà Phương Châu lại hét lớn: "Đã không ai sợ chết, vậy lấy máu lũ phản bội này làm lễ cho chúng ta được về với thánh mẫu và đức Long Quân".

Đô Thiên cũng chậm rãi nhấc đao mà đứng lên nói: "Tốt, con trai, bổng lộc nằm trên đầu tao này, để cha tới đưa cho mày".

Thế rồi hai người không hẹn mà cùng xông về phía trước, những chiến binh còn lại cũng ầm vang hô giết mà lao tới. Họ như những con thú hoang bộc lộ ra những dã tính cuối cùng trước khi chết, mặc kệ vết thương mà tiến lên, có người bị chém lìa tay mà chẳng chịu gục xuống cố dùng miệng để cắn trả một miếng. Khí thế của họ làm Đô Kiên chẳng dám đối mặt mà lùi tít tận về sau. Mãi cho tới tận khi người cuối cùng của quân Lĩnh Nam nằm xuống trong vũng máu, hắn vẫn còn kinh hoảng mà nhìn về phía người từng là cha mình. Ông ngạo nghễ quỳ trên một gò xác chết của vài chục người, trên người chi chít những vết thương, đầu người cúi xuống nhưng thanh đao vẫn đứng thẳng.

Lạc không hề biết từ đầu tháng này, Hán quân đã xuất binh. Chỉ hơn một tháng, cả dải đất từ Uất Lâm qua Thương Ngô trải dài tới Khúc Giang đã nằm trong tay quân hán. Bởi nền tảng cai trị còn chưa được vững vàng, quân đội Lĩnh Nam chỉ nắm các vùng chiến lược còn gần như các vùng đất vẫn nằm trong sự tự quản của các bộ tộc lớn nhỏ. Lợi dụng sự rời rạc của sắc tộc và sắp xếp nội gián nên hầu như Hán quân gần như không gặp lực cản nào mà thẳng tiến. Giờ này hai đạo quân đang hội quân, đó là nhánh quân của phó tướng Lưu Long và đại tướng Mã Viện, Mã Viện lúc này đã năm mươi tám tuổi nhưng cơ thể vẫn rất tráng kiện, đôi mắt lão lạnh lùng và nghiêm nghị lắng nghe tên phó tướng báo cáo.

"Bẩm tướng quân, quân ta đã chiếm toàn bộ dải đất phía nam dãy Ngũ Lĩnh tới sát ranh giới Hợp Phố, điểm quân hoàn tất, ba ngàn bộ tốt, một ngàn cung thủ, hai ngàn kỵ binh, một vạn lính hỗn hợp chinh triệu từ các vùng man dân. Hai man tướng của địch bị ta trảm thủ, nghe nói có một ả được phong công chúa, hiện thủ cấp đang chuyển về cho Hán đế. Ngoài ra lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí cũng đã hoàn tất, bốn ngàn thủy quân đã sẵn sàng lên đường. Quân ta còn gom được hai vạn dân phu di chuyển phía sau hai mươi dặm".

Mã Viện gật đầu rồi quay sang phân phó: "Lục bình hầu tách hai ngàn quân làm tiên phong, tiến sát thành hợp phố tìm hiểu địch quân, không nên gấp, hãy y theo sách lược của lão phu".

Hàn Vũ chắp tay nói: "Lĩnh mệnh", rồi giục ngựa phóng đi.

Mã Viện gật đầu rồi quay sang nói với Lưu Long "toàn quân di chuyển tới cách Hợp Phố năm mươi dặm, báo với Đặng Chí, chờ tín hiệu của ta".

Lưu Long chắp tay tỏ ý đã hiểu rồi cũng giục ngựa mà bước. Đoàn quân hán nối đuôi lầm lũi mà tiến bước, chúng như một cơn sóng đen kịt đang xô về đất Lĩnh Nam nhỏ bé.

(Năm 42, Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú hạ chiếu cho các quận Trường Sa, Hợp Phố chuẩn bị xe thuyền, sửa đường và trữ lương đi đánh Giao Chỉ.

Vua Hán phong tướng Mã Viện đã 58 tuổi làm Phục ma tướng quân, Lưu Long làm Phó tướng, Đoàn Chí làm Lâu Thuyền tướng quân sang đánh đất Giao Chỉ. Quân đội của nhà Hán bao gồm 8.000 quân lấy từ các quân Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, 12.000 quân lấy ở bộ Giao Chỉ .

Tổng cộng quân Hán có 2 vạn người cùng 2000 thuyền xe. Đội quân này gồm toàn người Hoa Nam, quen thuộc thủy thổ phương Nam, lại có sự chỉ huy của Mã Viện, viên tướng giàu kinh nghiệm chiến trận - đương nhiên đây là dị giới nên các bạn đừng thắc mắc tại sao nhiều chỗ không trùng với lịch sử hay dã sử nhé.

Trần Thị Phương Châu: Tuẫn tiết ở Khúc Giang (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) năm 39 Sau Công nguyên, được Trưng Vương phong làm Nam Hải công chúa. Hiện có đền thờ ở Khúc Giang . Sử cũ có chép vào năm 1288, vua Trần Nhân Tông đã sai Đại thần Đoàn Nhữ Hài qua Khúc Giang trùng tu đền thờ bà.

Đô Thiên: Người Hán, ứng nghĩa theo Lĩnh Nam, được Trưng Vương phong làm Động Đình công, giữ chức Trung Nghĩa đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Hán Trung, tổng trấn Trường Sa. Hiện vùng Lưỡng Quảng của Trung Quốc có rất nhiều miếu, đền thờ ông)

Bạn đang đọc Ta Trở Về Thời Hai Bà Trưng sáng tác bởi tunglamsk209
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi tunglamsk209
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 7
Lượt đọc 245

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.