Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Gặp lại ông lão ăn xin

Tiểu thuyết gốc · 3017 chữ

“Còn sớm lắm mẹ cứ ngủ tiếp đi.”

“Mẹ chuẩn bị đồ tý nữa chú Tín đưa ra bên ngoài lấy xe gửi làng bên kia.”

Sáng nay dậy sớm, bố tôi bảo hôm nay tôi tự đi với anh Thể còn bố chuẩn bị đồ và dặn dò mẹ mang đồ xuống. Tôi gật đầu vâng dạ rồi làm công tác chuẩn bị nhanh chóng, hít một hơi thật sâu đi ra sân đợi. Đúng 5h30 ông Phúc và anh Thể, anh Thế đến nơi. Tôi ra chào ông, bố tôi ra nói vài câu với ông rồi vào với mẹ. Tôi nhìn xô nước đầy thêm một vạch trong lòng đau đớn như kim châm. Thế nhưng gương mặt tôi vẫn tươi cười tự khích lệ. Bởi vì bố tôi nói rằng đối với người khác không quan trọng con làm được bao nhiêu nhưng trước hết thái độ mới là thứ họ thấy đầu tiên. Sức người thì có hạn nhưng thái độ chính là thước đo giúp đo tiềm năng tương lai. Dù hôm nay con làm không bằng một nửa mong đợi nhưng thái độ cầu tiến chắc chắn sẽ khiến con đi xa hơn. Đối với việc học tập, đi làm cũng thế, người trên sẽ nhìn thái độ của con mà bao dung hay hỗ trợ, chỉ đường cho con.

Tôi vẫn luôn giữ gìn và ghi nhớ lời dạy vàng ngọc của bố suốt bao năm nay. Đúng là khi áp dụng đã đạt được nhiều thành quả, nhiều sự ưu tiên trong mọi tổ chức, câu lạc bộ, lớp học… Trong mắt tôi bố chính là cuốn bách khoa toàn thư, bố cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi cũng tốt và đặc biệt bố vô cùng yêu thương tôi.

Tôi không nói lời nào nhanh chóng đi ra hít một hơi dài gánh đòn gánh lên vai. Sức nặng của hai xô nước khiến tôi hơi mất thăng bằng một chút nhưng lại nhanh chóng lấy lại được. Ông Phúc nhìn tôi cười bảo:

“Ta còn định giảm nửa số nước xuống cho con sợ con không chịu được, xem ra thế này thì ta không phải lo nữa rồi. Thể đi theo con bé đi.”

Mặt tôi bỗng nhiên cứng lại. Ai nói cứ thái độ tốt sẽ được hưởng ưu đãi tốt đây. Tôi đau lòng quá rồi. Anh Thể đem theo một chai nước rồi hai anh em cùng nhau đi. Hôm nay tôi cảm thấy cả người tràn đầy năng lượng nên cũng đi được một đoạn dài khá là nhanh. Chỉ là chẳng mấy chốc hai xô nước này lại rút cạn sức lực của tôi.

Anh Thể thấy tôi đã thở hồng hộc bằng miệng thì nhắc nhở:

“Đi chậm lại, hít thở sâu bằng mũi, ngậm miệng lại nếu không sẽ ảnh hưởng đến cổ họng, phế quản và phổi. Nghe theo nhịp đếm của anh, đếm đến bốn thì hít vào, đến tám thì thở dần ra.”

“Vâng!”

Tôi nhìn gương mặt nghiêm túc của anh Thể làm theo. Quả nhiên tôi cảm thấy cơ thể như được thông suốt, nhanh chóng đều đều theo nhịp bước chân, tốc độ lại nhanh chóng tăng lên. Tôi đuổi theo bước chân anh thế mà so với hôm qua lại tăng tốc gấp đôi mà còn chưa kiệt sức.

Bỗng tôi thấy một bóng dáng quen thuộc ở ngã rẽ phía trước, đúng là ngã rẽ mà tôi sẽ đi nên nhanh chóng đuổi theo. Tôi vọt lên nhanh chóng anh Thể còn phải gọi tôi:

“Yến đi chậm lại kẻo kiệt sức không về được đến nơi, mới có nửa vòng thôi. Đang duy trì tốc độ tốt lại muốn cậy mạnh à?”

“Em tìm người kia.”

Tôi vọt lên đến ngã rẽ thế nhưng lại chẳng thấy bóng dáng người đàn ông nào cả. Toàn là chị em phụ nữ xách rỏ tre đi chợ buổi sáng. Đi qua đây đúng là chỗ chợ hôm trước bố con tôi đi. Tôi lại thấy ông già ăn xin kia ngồi ở ngay đầu chợ. Thấy ông đang ngồi tôi nói với anh Thể:

“Anh có tiền không?”

“Anh có vài đồng thôi.”

“Cho em vay mười đồng (10 nghìn) lát về em trả anh.”

Anh Thể rút mười nghìn ra, tôi lại xin thêm chai nước, đặt quang gánh trước mặt ông già ăn xin nói với ông:

“Ông ơi, ông ăn sáng chưa? Con biếu ông chai nước với ít tiền ông mua gì ăn nhé.”

Ông ngẩng đôi mắt đục ngầu lên nhìn tôi. Bà Nhã hôm nay ăn mặc vẫn lòe loẹt như thế, nhìn tôi như nhìn sinh vật lạ:

“Cho tiền lão ta cũng chẳng ai dám bán. Mà đây, cơm hôm nay của lão đây.”

À thì ra là bà Nhã mỗi ngày phải chuẩn bị đồ ăn cho ông lão, thế nên ông sẽ không bị đói nữa. Bà ta dù là mang cơm cho ông lão nhưng lại không quên mỉa mai vài câu. Nhìn thì đúng là thực hiện cho có lệ mà thôi. Tôi nghe vậy cũng hiểu có lẽ ông ở chợ này ít người dám gần.

“Ông ơi ông có muốn mua gì không? Con mua giúp ông.”

Ông lão mắt sáng lên một ít tôi nhìn cũng có thể nhận ra sự biến hóa này.

“Cô cho thì tôi xin nhưng để hôm khác tôi nhờ cô mua được không?”

Ông nhận tiền và chai nước. Tôi không ngờ ông lại đề nghị như thế nhưng cũng gật đầu rồi chào ông vội ra đi. Nhìn phần cơm sáng trên đất đầy đủ tôi biết là ông sẽ không bị đói trong thời gian này nữa. Kể ra cậu ba nhà họ Lý tuy có hung hăng nhưng cũng được việc đó chứ.

Tôi hạ quang gánh xuống được một lúc cũng thấy đỡ đau vai hơn nhiều. Lần này vừa tiếp tục tôi đã làm theo công thức anh Thể nói. Đúng là cái gì cũng có phương pháp của nó. Nhìn tôi bước đều, tốc độ nhanh chóng hơn anh Thể cũng phải khen tôi. Kết quả là mới chỉ hai tiếng hơn tôi đã về đến sân. Ông Phúc và anh Thế nhìn tôi nghi ngờ.

“Không thể nào, mới chưa đầy ba tiếng, nhanh hơn hôm qua đến hai tiếng. Không thể nào.”

Tôi đã quen với việc này nên vừa để quang gánh xuống, vào cúi chào ông Phúc rồi đưa tay nhận lấy bát nước trà ấm ông Phúc đưa cho. Uống nước ấm sẽ giúp giãn nở mạch máu, lưu thông khí huyết. Ông vuốt râu cười hài lòng. Nhìn ánh mắt có phần kinh ngạc lại sáng ngời kia có lẽ chính ông cũng không nghĩ đến tôi lại làm được điều này. Tôi nhìn ông cười tươi rói.

“Hôm nay có tiến bộ cho con nghỉ ngơi ba mươi phút, tý nữa lại tiếp tục.”

“Vâng, con cảm ơn ông. Hôm nay nhờ anh Thể giúp con mới làm được như vậy.”

Ông Phúc vuốt chòm râu trắng gật đầu. Thím Hoài tôi bưng lên mấy bát chè đỗ đen đưa lên.

“Ông nghỉ ngơi cùng mọi người ăn chè.”

Ông Phúc vẫy mọi người lại vây quanh bàn trà cùng ăn. Ông lại nói một chút về công dụng của đỗ đen đối với cơ thể. Đối với người mang cơ thể âm hàn hoặc mắc bệnh phong hàn tuyệt đối không nên ăn. Nếu phải dùng cần phải dùng thảo mộc vị ấm nóng để trung hòa.

Tôi vừa nghe ông nói lại học thêm được vài điều. Hóa ra là những thứ này cũng có nhiều thứ phải chú ý đến thế. Tôi hỏi ông vài điều thắc mắc liên quan đến tính chất vị thuốc còn mắc chưa hỏi bố ra hỏi ông. Ông Phúc đúng là người học rộng kiến thức sâu mang hết những thứ tôi thắc mắc giúp tôi tháo gỡ được khúc mắc trong lòng. Tôi như được đả thông tư tưởng, thấu hiểu thêm nhiều kiến thức. Nhờ đó mà những phần kiến thức liên quan cũng được tôi suy đoán cặn kẽ.

Xong xuôi lại được thêm một bát chè đen thơm ngon, ngọt bổ nữa cơ thể như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi trước nay ít khi ăn sáng hẳn hỏi, chủ yếu ăn sáng chỉ cần cái bánh mình rồi đi đánh răng hoặc uống hộp sữa là đủ. Hôm nay ăn được bát chè mới phát hiện ra tôi đã quá coi thường cơ thể mình. Từ mai tôi sẽ chú trọng đến bữa sáng cho mình.

Hôm nay học đứng tấn ba phút, anh Thể cầm cây gỗ chỉnh tư thế cho tôi, lần này cố gắng tôi đã hoàn thành được thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua này. Năm phút, đương nhiên là… cũng có thể. Hôm nay anh Thể dạy tôi tư thế đối kháng. Ông Phúc nói tôi chủ yếu cần dùng thực tế thế nên sẽ rèn luyện thể chất và các thế võ đối kháng thực chiến.

Tôi luyện tập theo các thế võ, động tác này mà mệt nhoài. Đến hơn chín giờ thì bố tôi từ bên ngoài về. Chắc là đưa mẹ sang làng bên bây giờ mới về.

“Con chào bố!”

Tôi đang cố thử mọi cách để thoát khỏi cánh tay như gọn kìm cầm lấy cổ tay tôi của anh thể. Bố tôi thấy vậy ừ một tiếng rồi đi vào chỗ ông Phúc, đằng sau lại ra hiệu tôi xoay vòng tay từ trong ra ngoài. Tôi làm theo, thực sự là thoát khỏi khống chế của anh Thể rồi. Tôi vui mừng sung sướng chưa được mấy giây lại bị anh lặp lại. Tôi làm đến muốn rụng cả khớp cổ tay ông Phúc mới bảo dừng chuyển sang động tác khác. Cứ thế cứ thế tôi học cách thoát thân khỏi bị giữ tay, giật tóc, bóp cổ, ôm bụng, ôm người và học phản công.

Chẳng mấy chốc đã đến mười một giờ, thím Hoài từ bên cửa hàng tạp hóa cách cổng nhà mấy chục mét trở về. Chú Tín hôm nay nhân tiện mẹ tôi về thành phố thì cũng đi theo lên nhập hàng. Ở cái làng này chỉ có dòng họ Nguyễn nhà chúng tôi và họ nhà ông Lý chuyên buôn bán nhập đồ từ bên ngoài vào. Ngay cả điện đóm cũng là nhà ông Lý phân bổ. Thế nhưng ở trong làng này người ta dùng điện tiết kiệm như của quý vậy. Bật một tý là lại tắt ngay vì người ta tin rằng mở lâu thì điện sẽ có ngày hết. Thế nên chỉ để khi thật sự cần. Chẳng mấy nhà giống như nhà chú tôi nào tủ lạnh tivi, cái gì cũng có cả.

Thế nên nhà ông Lý mỗi tháng mới mở cái hội xem tivi hằng tháng mấy chục năm nay, từ cái thời còn dùng tivi đen trắng cho đến giờ tivi màu mấy chục đời đã thành cái văn hóa. Ông Lý cũng chẳng thu tiền của ai, vì thế mà người trong làng này gần gũi và cũng yêu quý gia đình ông. Họ coi ông như bậc trưởng làng uy vũ bậc nhất ở đây.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu trưa nay không có người bắc loa đi thông báo. Rằng mấy hôm nữa rằm nhà ông Lý sẽ có việc bận chuẩn bị cho hôn sự thế nên tối nay sẽ mở hội chiếu tivi. Nghe tiếng thông báo bên ngoài tôi như trở về tuổi thơ. Cái thời mà đoàn xiếc ở đâu đó về rồi mang xe chạy dọc phố thông báo, bán vé vào cửa. Ông Phúc lúc này vừa dịp cho tôi nghỉ ngơi. Tôi cúi chào ông, đợi ông ra khỏi cửa tôi ngồi bệt xuống cái sạp gỗ lim thở dốc một lúc rồi mới chạy xuống giúp thím làm bếp.

“Yến mang rổ rau này ra rửa giúp thím.”

“Vâng, chỗ hành này để làm gì đây ạ? Thím để cháu bóc luôn.”

“Ừ thế mang làm sạch hành với tỏi này giúp thím.”

Tôi mang rau ra rửa sạch rồi lại lăng xăng vào trong bếp phụ thím vài việc lặt vặt bởi vì làm món chính thì tôi làm gì biết làm. Thím cũng hiểu thế nên chỉ tôi cách làm rồi nói sơ qua nguyên lý chung trong nấu mấy kiểu món ăn. Nào là luộc, xào, chiên, hấp, hầm, nướng qua cách dạy của thím trở lên sống động khiến tôi còn có ảo giác ngửi thấy mùi gà nướng thơm nức, mùi thịt xào dứa ngốn cơm hay mấy món rán dậy mùi đặc hữu.

Thím thấy tôi có vẻ cũng thông minh sáng dạ khen tôi một tiếng. Thế nhưng còn chưa kịp phổng mũi thì chảo cá rán dưới sự chỉ đạo và sản xuất của tôi đã đi tong một nửa. Bởi vì có ba khúc thì một khúc đã cháy một nửa rồi. Tôi nhìn thím mặt như mếu. Thím cười an ủi tôi mấy câu rồi vẫn tin tưởng cho tôi làm món cá rán này. Thím bảo yên tâm rồi sẽ quen.

Tôi thật sự nghi ngờ tài năng của bản thân. Đúng là tôi đã bỏ vài hạt muối, chờ chảo mỡ sôi, cá cũng không bắn nước nhưng khi lật lên thì cháy đen mất rồi. Lần này tôi cứ ba phút lại lật. Thím cứ kệ tôi làm mặc dù khúc cá này cũng không khá hơn, bởi vì lớp da của nó đã bong ra, dính vào đáy chảo. Tôi gắp ba khúc cá ra ngoài, mùi thì có thơm đấy nhưng khét thì cũng không ít, đã thế còn có khúc “róc xương trả đũa róc da trả chảo” nữa. Cũng may cũng có một khúc nhìn tương đối ra hồn. Thím lại bảo tôi tự tay làm bát nước chấm như hôm trước thím dạy. Lần này thì không phải nấu nên tôi không sợ cháy. Tôi hồi tưởng lại những gì thím dạy mà làm. Quả nhiên là công thức chuẩn làm là ngon. Tôi nếm xong đã lấy lại tự tin phong độ. Đúng là nhân tài hiếm có trong làng nấu ăn, chỉ học một lần là biết. Tôi vẫn sung sướng nhìn vào bát nước chấm nhưng khi đánh mắt sang đĩa cá ba màu: màu đen cháu sôcôla huyền bí, màu trắng thịt bong, màu vàng vừa lửa thì lại thấy tự ti đi vài cung bậc. Haizzz quả nhiên muốn học cái gì cũng khó. Lý thuyết là một chuyện, học xong ra làm lại là một chuyện VÔ CÙNG VÔ CÙNG VÔ CÙNG KHÁC.

Bữa cơm hôm nay chỉ có bố con tôi và thím. Bàn thờ bà vẫn ấm hương khói, tôi ngẩng mặt lên mời ông bà tổ tiên thầm trong lòng rồi mới ăn cơm. Bố tôi nhìn đĩa cá này chưa kịp ăn đã biết là tác phẩm của tôi.

“Yến hôm nay cũng biết rán cá rồi à. Nào để bố ăn thử xem nào.”

Rõ ràng tôi thấy bố gắp miếng cá, không biết có ngon không nhưng nhìn mặt ông tự hào lắm. Tôi cười thầm trong lòng, miệng cũng nhếch lên thành vòng cung. Hôm nay có món đầu cá nấu măng muối chua, cá rán và cà muối và bí luộc. Mùa hè mà ăn canh chua thì cứ phải gọi là hết bay nồi cơm. Cơm nước xong xuôi tôi lại dọn dẹp rồi nghỉ trưa, buổi chiều tiếp tục học tập.

Nếu mọi chuyện cứ thế trôi đi thì quá bình thường. Nhưng hôm nay thím tôi rủ tôi buổi tối đến xem phim nhà ông lý tổ chức ở sân đình cuối làng. Tôi năn nỉ bố một lúc cuối cùng bố cũng cho tôi đi xem. Nhắc tôi ăn mặc đúng phong tục, không được làm gì thái quá, cái gì cũng phải hỏi thím trước. Tôi gật gật đầu, buổi chiều bữa cơm ăn cũng thấy ngon hơn. Chú Tín đã về từ xế chiều, mua cho thím và tôi mấy thứ quà bánh trên thành phố.

Buổi chiều tối gần sáu giờ, trời lúc này vẫn còn sáng sáng, tôi chọn một bộ váy kín đáo màu sắc đơn giản hôm nọ thím Hoài chọn cho rồi mặc vào. Sau đó lại đeo một cái ruột tượng bằng da mà bà tôi để lại rồi đi cùng thím. Thím cầm theo cái đèn pin vì đoạn đường này đến cuối làng tương đối xa, dễ phải có đến ba kilomet. Thế nhưng vì sự mới lạ tôi lại thấy đoạn đường này chẳng nhằm nhò gì. Trên đường đi người người nườm nượp còn đông hơn cả chợ sáng. Già có trẻ có, rồi trẻ con tung tăng cầm đèn pin, đèn lồng cũng có. Hôm nay nhà nào cũng treo đèn lồng ở bên ngoài còn thắp cả điện nữa thế nên ngoài đường sáng như ban ngày.

Tôi nhìn cảnh này trong lòng cũng có cảm giác vui lây. Thím thấy tôi hứng khởi cũng vui vẻ giải thích thêm cho tôi một số điều ở trong làng. Khi ngồi xem phim hai bên nam nữ riêng biệt. Không được để con trai chạm vào người. Đặc biệt là phụ nữ phải tránh va chạm, không được để rơi khăn tay ở đó. Tôi cảm thấy may mắn vì hôm nay không mang theo khăn tay.

Đình làng đã thấp thoáng hiện ở đằng trước. Lúc này một giọng nói quen thuộc vang lên.

“Chị ơi!”

Lời tác giả: FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất vui được mọi người đọc và yêu thích truyện của mình. Link fb: https://www.facebook.com/tranthom1995/

Nhóm đọc truyện của mình: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/

Bạn đang đọc Chồng Tôi Là Tên Thiểu Năng Láu Cá sáng tác bởi danguyetthanhkhau
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi danguyetthanhkhau
Thời gian
Lượt đọc 1

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.