Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Độc Giang

Tiểu thuyết gốc · 2016 chữ

Diệu Thiện thấy Kinh Tâm lặng im không nói, khuôn mặt buồn rầu, lại chợt sợ phu nhân tổn thương, trong lòng cũng buồn bã lây lan, khẽ thở hắt ra một tiếng, nói:

- Phu nhân đừng buồn tôi nhé.

Kinh Tâm nói:

- Em chẳng buồn Tiên Sinh, em chỉ nhớ lại tính Tiên Sinh thích lo việc trên đời, giống như em ngày còn sống, còn em thì can ngăn Tiên Sinh lại giống hệt như Nguyễn Tử Hậu, thủ hạ năm xưa vẫn thường can ngăn em, cũng chỉ vì em ham lo việc thiên hạ mà Tử Hậu phải bỏ mạng nơi đường đi, nỗi đau ấy bao nhiêu năm tháng vẫn chẳng nguôi ngoai được, vì thương mà em buồn đó thôi, mong Tiên Sinh chớ có gặp việc, nếu không thì em chẳng còn biết nương tựa vào đâu…

Lại nói Diệu Thiện đã được nghe Kinh Tâm kể lại câu chuyện, biết rằng vào thời Kinh Tâm sống cũng là một Pháp Sư, vì lo bắt yêu quái ở Mã Thượng Giang mặc cho người hầu can ngăn, cuối cùng gặp phải yêu quái dữ, để chết mất người hầu, giờ đây Kinh Tâm lại can Diệu Thiện y như thế, Diệu Thiện hiểu tâm tư của Kinh Tâm, lòng cũng buồn thương lắm, thở hắt ra một tiếng não nề.

Lại nói Lệ nãy giờ vẫn ngồi im chăm chú quan sát nhưng không thấy hồn ma Kinh Tâm, chỉ thấy Tiên Sinh ngồi như tượng cả nửa tiếng đồng hồ chẳng nói năng, mắt chỉ nhìn về nơi xa vắng, thì cũng đâm sốt ruột, toan gọi hỏi thử nhưng Chân Như đã vội gạt đi, giơ tay lên miệng làm dấu im lặng rồi khẽ nói:

- Tiên Sinh có cách xem bệnh không giống người thường, Cô cứ ngồi im đó. Tiên Sinh ngồi cả buổi chưa than mệt mỏi thì thôi, Cô là người đi cầu cạnh việc Pháp, cô sốt ruột cái gì?

Lệ nghe thế lại ngồi im, trong lòng bồn chốn khó chịu, cứ liếc nhìn Diệu Thiện lấm lét, nhưng không dám nói gì.

Bấy giờ Diệu Thiện lại nói:

- Thế phu nhân xem giúp có cách gì không? Ví như tôi thấy lá Bùa Y Lặc Ma Thiên Chú đã có công hiệu nhất định, nên Yêu Ma mới chưa giết người mẹ ngay được?

Kinh Tâm nói ngay:

- Tiên Sinh nghĩ thử mà xem, rõ ràng loài nhập vào gia đình nọ là loài Anh Linh, nó có phép Lây Nhiễm và phép Phân Tách, là các phép mạnh nhất trong nòi Anh Linh Huyền Môn, nên mới dễ dàng lây nhiễm và ám thị lên cả gia đình bốn người. Bùa Y Lặc Ma* của Tiên Sinh vẽ ra tuy là Bùa truyền đời từ Bồ Tát dạy lại, oai lực nó vô song nhưng mỗi Bùa chỉ sinh ra để át chế một Vong thức Quỷ Thần, nếu đối với loài có phép Phân Thân Lây Nhiễm thì gần như nó vô tác, Bùa chỉ ám lên một bản Phách và gìn giữ nó, Tiên Sinh không thể vẽ ra bốn lá Bùa cho bốn người trong gia đình nhà đó. Thêm nữa loài Anh Linh đã có phép Lây Nhiễm thì dùng nhiều dạng Phách cùng gỡ Bùa, nhất thời nó chưa gỡ ngay được vì Bùa tan thì nó cũng chết Phách thể nên Cô gái này mới hãy còn được sống, nhưng mỗi ngày nó dời Phách thể sang một chính Căn khác nhau, thì lâu dần lung lạc được Bùa, nó sẽ có cách phá đi từ từ, tới khi Bùa suy yếu nó chỉ cần bỏ đi một Phách thể là hủy được Bùa và trọn đời không dính lại Bùa.

(*Y Lặc Ma: gọi đủ là Y Lặc Ma Thiên Chú, là Bùa trừ tà do Bồ Tát Phổ Hiền sáng minh ra, truyền đời tới đệ tử phát triển lên, là một trong các Bùa thuyết dựa vào Kinh Kim Cang, chuyên để trừ Tà Ma, mỗi Bùa ám theo một Vong Phách nhất định và sẽ cùng phát tác giết chết Vong Phách khi Bùa bị hủy, loại Bùa này ngày nay không ai còn luyện ra được, vào thời bấy giờ chỉ có một số ít người luyện được đều ở vào thời của các sư Đại Trí, Đại Minh, Đại Tuệ, về sau truyền cho Diệu Thiện là người có Căn U Ẩn mới luyện được.)

Diệu Thiện nói:

- Cái này đúng là tôi chưa nghĩ tới, hiểu biết của phu nhân thật sâu sắc, vậy ví như bây giờ tôi xuống sông hỏi việc với Thủy Thần có được không? Năm xưa thầy Đại Trí tôi cũng từng xuống sông Hạc mà hỏi thần đó thôi?

Kinh Tâm nói:

- Làm như thế thì rất nguy hiểm, vì Kim Giang có phép Yểm m Binh mạnh hơn Hạc Giang nhiều, chưa kể tới khi đó thầy Đại Trí có công phu cao nhất, có tăng đoàn hộ niệm bên trên, còn Thủy Thần Hạc Giang chỉ có mình nó, còn hiện giờ Tiên Sinh vướng em, không thể Xuất Hồn* được, dưới Kim Giang lại binh tướng trùng trùng, nếu Tiên Sinh xuống đó sợ không trở lên được thì em phải ôm hận cả đời, mong Tiên Sinh suy xét.

(*Xuất Hồn: thuật mạnh bậc nhất của người Huyền Nhân, sau khi lập đàn và thực hiện đầy đủ các nghi thức thì người Hành Giả xuất lìa tám hồn ra khỏi cơ thể, hồn đó có thể thâm nhập vào các nơi Huyền Địa, Huyền Thủy, để làm việc, có thể bay đi xa và dùng các thuật mà chỉ có hồn mới dùng được, khi đó hồn người dùng thuật sẽ như m Binh, dùng được thuật của hồn, nhưng lại vẫn có đầy đủ Huyền Thuật của người sống nên vô cùng mạnh mẽ về thuật, tuy nhiên hồn xuất ra thường yếu và gặp nhiều rủi ro, chỉ cần có bất trắc không về được xác là người Hành Giả coi như chết hồn, phải sống đời thực vật, hoặc bị hóa điên, mù lòa, câm điếc… Tùy vào phần hồn bị tan, thầy của Diệu Thiện là thầy Đại Trí vì thuật này mà không còn bước ra được khỏi chùa, và vị Bát Tổ núi Vu là thầy Huyền n đều vì thuật này mà mất mạng, ngay bản thân Diệu Thiện cũng vì thuật này mà bị yếu đi rất nhiều, không tự chủ được cơ thể, trong đời không thể dùng lại thuật, chỉ riêng có Cửu Tổ Huyền Vi của phái Vu Sơn là người rất thông minh và có năng khiếu dùng thuật, từng dùng thuật này kết hợp được với phép Biến Di Vô Lượng đi rất xa để làm việc, sau đó vẫn về xác bình an.)

Lại nói tới Diệu Thiện vốn là kẻ có thể dùng thuật Xuất Hồn rất giỏi, nhưng vì bóng Ma đi theo là Kinh Tâm vốn có Vía thánh rất nặng, Diệu Thiện là người có Căn U Ẩn Thượng Bồ Tát nên gánh được vía của Kinh Tâm, ngoài Diệu Thiện ra thì người bình thường không gánh nổi được Vía của vị này, sẽ bị vị này quật cho chết. Chính vì đã gánh Vía của vị này mà Diệu Thiện không thể dùng phép Xuất Hồn bởi lẽ nếu Xuất Hồn ra, phần thể xác chẳng thể chống lại được Phách của Kinh Tâm. Kinh Tâm đã tan mất bảy mảnh hồn chỉ còn lại phần Phách thể nên không thể tự chủ được, khi xác Diệu Thiện mất hồn thì Kinh Tâm sẽ tự dùng hết các phép Lây Nhiễm, tị khí, đoạn hồn mà có thể giết chết Diệu Thiện ngay. Do đó thầy của Diệu Thiện là Đại Trí từng căn dặn rằng nếu không phải tình huống đằng nào cũng chết, thì trọn đời không được sử dụng các thuật về hồn. Kinh Tâm biết rõ điều đó nên ra sức can ngăn Tiên Sinh không dùng phép Xuất Hồn để xuống sông Kim Giang.

Kinh Tâm ngập ngừng nói:

- Tiên Sinh vì con ả này mà dùng phép đó thì nguy hiểm, nếu Tiên Sinh yêu nó, tôi phải giết chết nó ngay để gìn giữ cho Tiên Sinh.

Diệu Thiện nói:

- Không có chuyện đó đâu, phu nhân chớ có lo, để phu nhân bên mình tôi đã tự thệ nguyện cả đời này không đụng tới nữ nhân. Vậy cách nào cũng không được, nay tôi có thể làm gì? Xin phu nhân vì tôi, xem như đây là việc của tôi mà ra sức nghĩ giúp cho.

Kinh Tâm trầm ngâm hồi lâu, sau đó thì nói:

- Tiên Sinh có quen ai bên Phủ Mẫu không?

Diệu Thiện hỏi:

- Ý phu nhân ra sao?

Kinh Tâm nói:

- Độc Giang Cửu Huyền vẫn thuộc về phần thủy phận của trời Nam, tức nó là nhánh bộ của Mẫu Thoải, nay xét ra thần sông Kim Giang là về hàng Quan Hoàng của phủ đó, nó chỉ nghe Lệnh các Mẫu và Quan Hoàng, nếu như Tiên Sinh quen được các bậc đó có thể nhờ họ nói đỡ lời cho.

(*Mẫu Thoải: từ thoải đọc chệch đi của từ thủy, Mẫu Thoải chỉ người đứng đầu cai quản Thủy Phủ, là một trong bốn phủ của Đạo Mẫu Việt Nam gồm có: Phủ Thiên chỉ miền trời, Phủ Địa chỉ miền đất, Phủ Nhạc chỉ miền núi rừng, Phủ Thoải chỉ miền sông nước. *Quan Hoàng: hàng vị quan rất cao trong một phủ, ở một phủ thì đứng đầu là Mẫu cai quản, kế tới đó là Quan Hoàng, thường có năm vị, gọi là ngũ vị quan lớn từ quan đệ nhất tới quan đệ ngũ, các quan này làm các thần coi giữ các miền trong phủ của mình, dưới Quan Hoàng này còn rất nhiều các chức sắc khác, kế đến như Tứ Vị Thánh Bà, chầu bà, gồm có bốn người thị nữ đi theo các Mẫu, rồi kế tới là Thập Ông Hoàng, gồm có mười vị thường giữ chức thành hoàng làng, sau mười vị này tới mười hai Cô từ Cô đệ nhất tới Cô mười hai, gọi là Cô bé, sau các Cô thì tới các Cậu Quận, là các vị phò trợ cho Ông Hoàng, thường có mười hoặc mười hai Cậu, sau các Cậu thì tới ông Lốt và ông Hổ, là các loài thú rắn và hổ để canh giữ các phủ. Thần lốt Sa Đà là con của Quan Hoàng, tuy vai vị thấp nhưng sau này kế nhiệm làm thần nên có phép cao, Lưỡng Long là thần thú, là thuật của người Bắc, tồn tại ở sông Kim Giang có lẽ do Thuật Yểm lên của Cao Biền, Thanh Từ là chiến tướng, thì chưa xác định được rõ chức sắc trong phủ.)

Diệu Thiện nghe xong nói:

- Tôi không phải người của tứ phủ nhưng cũng có tìm hiểu qua, các Bậc Mẫu và Quan Hoàng đâu phải người thường, sao tôi quen nổi các vị đó.

Kinh Tâm chợt hướng mắt sang nhìn Chân Như, nói:

- Vậy có thể dùng những người Phụng Thánh* để liên hệ với các vị đó, tiểu muội của Tiên Sinh chẳng phải là người có Căn Phụng Thánh hay sao?

(*Phụng Thánh: chỉ những người hầu Đồng Bóng, là những người mà các vị Mẫu sẽ Giáng Đồng, tức là truyền lời, hoặc các vị quan sẽ Nhập Đồng, tức là nhập xác, hay còn gọi là mượn ghế bóng, những người này thường xinh đẹp, có nhiều lộc, được thập phương tín nhiệm, có nhiều tài lạ mà các hàng chức sắc trong phủ ban cho để làm việc.)

Diệu Thiện nghe nói thế, quay sang nhìn Chân Như, bấy giờ vẫn đang ngồi im cùng với Lệ chờ đợi Diệu Thiện truyền ý…

Bạn đang đọc Tựa Độc Giang sáng tác bởi espgtrong
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Kanolin
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 11

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.