Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Những con chuột trong bóng tối

Tiểu thuyết gốc · 2325 chữ

Nói thêm về việc tại sao hai bà Trưng buộc phải quyết chiến tại Lãng Bạc. Một số người cho rằng không nên, bởi hoàn toàn có thể tận dụng địa hình dừng núi, kéo dài chiến tranh. Hán quân từ xa tới, khó có thể đảm bảo cung ứng cũng như sĩ khí lâu dài. Bỏ lợi thế của mình để giao tranh trực diện chẳng phải là hạ sách hay sao?

Có lẽ có ba lý do như sau, một là nhà nước Lĩnh Nam mới lập, các thế lực tuy thuần phục ngoài mặt nhưng ai biết nội tâm ra sao. Hai là Lĩnh Nam là một quốc gia chứ không còn là một cuộc khởi nghĩa. Nếu để Hán quân ra vào tự do thì người dân sao có thể an tâm về chính quyền. Đó là sức nặng và sự khác biệt của cuộc nổi dậy và việc lãnh đạo đất nước.

Lý do thứ ba có lẽ nặng hơn cả, đó là lương thực.

Về mặt định vị gần nhất, Lãng Bạc có thể chính là vùng Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay. Thời ấy địa hình vẫn còn là một vùng đất cao, giao cắt giữa vùng núi Long Uyên và phần đồng bằng sông Hồng. Nói đơn giản là chiếm được Lãng Bạc sẽ nắm quyền kiểm soát một vùng lương thực rất lớn của Giao Chỉ.

Quân của bà Trưng có chừng 3-4 vạn chưa tính phụ binh, dân phu. Làm một phép tính đơn giản, mỗi ngày mỗi người cần trung bình 2000-2500 calo chưa kể chiến đấu thì dễ đói hơn.

Tạm quy nó thành 3 lạng gạo. Nhân số đó với 3 vạn người thì là một con số khổng lồ. Mỗi ngày mở mắt ra hai bà Trưng phải ném đi 9 tấn gạo. Một năm sẽ là bao nhiêu, thôi nghĩ cũng đừng nghĩ. Chiến tranh không chỉ là cuộc đấu về binh sĩ, tướng lãnh, mà còn có cả chính trị, hậu cần. Là cuộc so tài về quốc lực.

Mất đi những vùng tài nguyên và dân cư, là mất đi lương thực và nguồn mộ lính. Kết quả của hai bà sẽ giống như những vị tướng của hai bà trong lịch sử. Bị đẩy vào từng góc, suy yếu rồi biến mất.

Việc khởi nghĩa thành công cũng một phần nhờ Tô Định tham lam, bóc lột. Chân chạy nhanh hơn não, Hán quân cũng bị bất ngờ. Nhưng Mã Viện là ai, cả đời chinh chiến sa trường. Có câu "da ngựa bọc thây" về sau, cũng là từ lão mà ra đấy.

Vậy nên không phải hai bà Trưng không hiểu dùng binh, mà là bị đưa vào thế buộc phải đánh. Chuyện tử thủ Cấm Khê sẽ được giải thích sau.

Tuy ra quân thắng lợi về khí thế, nhưng thiệt hại của Hán quân không đáng kể. Nga Sơn cũng không dám mạnh mẽ truy kích vì e ngại kỵ binh Hán quân. Bẫy là bẫy, một khi quân Hán kịp phản ứng. Thì cánh phải rất nhanh sẽ bị diệt gọn, tiếp đó người bị bao vây chính là nàng.

Đại doanh Hán quân, Hàn Vũ mặt mày ỉu xìu như bánh đa ngâm nước. Không nhờ có Mã Viện thì giờ này thi thể hắn có lẽ đã cứng như đá, lạnh giá như băng. Mã Viện thì vẫn bình tình ngồi uống trà, lão đang đợi. Đợi lũ chuột Lão thả vào Lĩnh Nam bắt đầu nhe răng cắn phá.

Trong những ngày sau đó, trong toàn quân Lĩnh Nam có rất nhiều tộc trưởng, thủ lĩnh có những vị khách bất ngờ ghé thăm. Những thủ lĩnh này lãnh đạo đủ các tộc lớn, nhỏ. Có người không nổi danh, có người thậm chí từng chiến đấu với hai vương khi khởi nghĩa.

Khách của họ là những gã bịt mặt, mặc đồ đen từ đầu đến chân, mang theo một lệnh bài chữ Mã. Đặc biệt nhất, dễ nhớ nhất có lẽ chính là Đô Kiên, gã này thậm chí còn đang đóng quân cùng hai vương.

Tiên phong doanh quân Lĩnh Nam, Thiều Hoa cùng Nga Sơn ngồi trầm mặc. Trước mặt họ là một người đội kín chiếc mũ nan rộng vành, vai khoác chéo vải bố màu xám. Họ nói gì đó chừng nửa canh giờ, Thiều hoa chợt kéo tay Nga Sơn mà nói.

"Chị, xin hãy để em làm việc này".

Nga Sơn khẽ mỉm cười lắc đầu. " Khi chồng ta theo đức Lạc Long Quân về trời, ta vốn định báo thù cho chàng rồi cũng sẽ đi theo".

Lặng yên một lát nàng tiếp tục cất lời :" Nhưng càng chiến đấu, ta càng gặp những con người còn cơ cực, bất hạnh hơn ta gấp nhiều lần. Ta thực lòng muốn, nếu có thể đánh đổi. Để trả lại đất nước này một mảnh trời tươi sáng, ta nguyện chết trăm lần. Vả lại ta đang là chủ tướng, bắt buộc phải là ta, em hiểu chứ?".

Người đội nón rộng vành đứng lên chắp tay cúi người với Nga Sơn rồi nói.

"Chuyện này hai vương cũng không biết, bởi hai nàng tuyệt đối không đồng ý. Việc này dẫu thành bại, ta xin thay mặt trăm vạn con dân Lĩnh Nam, bái tạ ngài".

Cả ba chào nhau, bên ngoài soái trướng một người vô cùng cao lớn đang kính cẩn chờ sẵn. Người mũ rộng vành cùng hắn rất nhanh biến mất khỏi doanh trại, dưới sự bao bọc của thân binh nàng Nga Sơn, không một ai biết vừa có một cuộc gặp như vậy. Trong soái trướng, Nga Sơn trầm mặc hồi lâu rồi nói với Thiều Hoa.

"Gọi giúp ta Trương Tế".

Từ trên một nơi cao, người bí ẩn tháo xuống chiếc mũ rộng vành để lộ ra khuôn mặt xinh đẹp tuyệt mỹ. Nàng rất trẻ, chỉ chừng mười bảy, mười tám. Chớp chớp đôi mi cong vút, nàng khẽ thở dài nhìn xa xa. Cả dải đất rộng vài cây số giờ chi chít những doanh trại, đồn gác và những làn khói đen lập lờ.

Nếu là một tướng lĩnh cao tầng trong quân, hoặc người dân châu Bạch Hạc thì chỉ liếc qua sẽ nhận ra ngay nàng. Nàng Nội, biểu tượng hy vọng của vùng Bạch Hạc. Lịch sử ít có ghi chép. Nhưng quân Bạch Hạc không ai không kính nàng như thần.

Nàng cực kỳ thông minh, giỏi mưu kế, tinh thông cả thủy bộ chiến. Gọi nàng là túi khôn trong Lĩnh Nam quân cũng không ngoa. Đặc biệt nàng còn có một nhánh quân tựa như quân đặc công. Họ đầu đội mũ gắn lông chim Trĩ, ở Bạch Hạc gọi là Trĩ quân.

Người đàn ông đứng cạnh nàng không ai khác chính là Hàm Thái, đệ nhất dũng sĩ đô vật châu Bạch Hạc. So với thời bấy giờ, thể hình chàng thuộc loại khổng lồ. Chàng cao hơn một mét tám, những hình săm Giao Long uốn lượn theo những đường cong của cơ bắp tạo ra một bức tranh hoàn mỹ. Từ dáng đứng của chàng cũng toả ra một khí thế bức người, chàng như một cỗ máy chiến đấu đích thực.

"Chủ nhân, người nên sớm về lại Bạch Hạc". Hàm Thái lên tiếng.

"Bạch Hạc không đáng ngại, ta có linh cảm Hán quân đang che giấu điều gì đó. Một âm mưu rất lớn, ta cần khám phá ra nó trước".

Hàm Thái yên lặng không nói gì nữa, cả hai lặng nhìn vùng chiến trường,họ ngước mắt trông theo những cánh én chao lượn trên bầu trời trong trẻo đầu xuân chẳng thể làm vơi đi sự ngột ngạt của những con người dưới chân chúng. Cách họ vài chục bộ, chi chít những chiến binh trên mũ gắn vài chiếc lông chim, họ đứng đó như những pho tượng, lẫn vào trong những tán lá.

Chiến trường lặng yên được gần chục ngày. Hôm đó, trên con đường đất từ Liên Lâu tới doanh trại Nga Sơn. Vài trăm chiến binh Lĩnh Nam cùng với hơn trăm dân phu đang áp tải trăm chiếc xe bò chở quân nhu chầm chậm tiến bước. Người chỉ huy hô hào.

" Các anh em nhanh chân lên chút, Nga Sơn công chúa đang chờ lương thực này để đánh lũ chó Hán".

Chợt anh ta hơi nheo mắt, từ xa xa một đám bụi bốc lên, trong con ngươi tràn đầy sự bất ngờ anh kinh hoàng hô lên.

"Kỵ binh, kỵ binh quân Hán".

Hơn 300 kỵ binh hán quân không hiểu từ đâu xuất hiện, lao đến vùn vụt. Do quá bất ngờ nên sự đội vận lương gần như không kịp phản ứng gì. Bởi đây là sau lưng quân Nga Sơn, ai ngờ được Hán quân có thể xuất hiện ở nơi này. Phải biết lương thực là mạch máu của quân đội, đường vận lương luôn được thay đổi và bảo mật. Sao chúng có thể biết mà phục binh ở đây.

"Bảo vệ lương thực, cung thủ nấp sau xe mà bắn".

Vị chỉ huy nhanh chóng phản ứng. Nhưng kỵ binh Hán quân thực sự quá nhanh. Binh sĩ Lĩnh Nam chưa kịp hình thành thế trận thì chúng đã ập tới. Kỵ binh trong quân Hán không chỉ có người Hán.

Trước khi được cử đi dẹp loạn Giao Chỉ. Mã Viện từng bình định người Khương ở Cam Túc, quá nửa số kỵ binh đi theo lần này chính là các chiến binh Khương tộc. Họ không chỉ hiếu chiến, mà còn là những kẻ chiến đấu trên lưng ngựa rất điêu luyện.

Những gã kỵ binh người Khương nhẹ nhàng lách qua những kẽ hở rồi vung đao chém giết. Có gã đu hẳn được xuống dưới bụng ngựa, có gã bám trái, bám phải. Trông chúng rất giống một binh đoàn tổ lái, chúng giống như đang đi biểu diễn hơn là đánh trận. Nhưng hiệu quả né sát thương thì đúng là rất cao.

"Hừ".

Trong khu rừng xa Hàm Thái suýt không nhịn được. Nàng Nội chỉ khẽ đưa tay ra chặn lại. Nàng lắc đầu ra hiệu chưa phải lúc. Hàm Thái đành ngồi xuống, ánh mắt chàng long lanh giận dữ.

Kỵ binh đối đầu với bộ binh, lại xấp xỉ về số lượng và bị đánh bất ngờ nên không khó hình dung kết quả. Tuy chiến đấu rất dũng cảm nhưng họ cũng đành rút chạy vào rừng sau khi gần trăm chiến binh anh dũng hy sinh. Số còn lại đành phải rút lui vào rừng

Quân Hán cũng không ham truy sát, chúng đốt sạch số quân nhu. Có thằng còn tận đến mức giết cả những con trâu kéo, những người dân phu đang quỳ xuống van xin. Xong việc, chúng ngạo nghễ cưỡi ngựa rời đi. Lúc ấy từ trong rừng, những người lính đội mũ lông chim cũng lặng lẽ rút đi, họ tới lui nhẹ nhàng như không khí. Nếu bỏ qua trang phục và hình săm, thì nhìn cách họ di chuyển rất có thể nhầm thành Ninja Nhật Bản.

Doanh trại Nga Sơn, nhìn các tướng lãnh trầm mặc, Nga Sơn mỉm cười.

"Chỉ là bị cướp lương thôi mà. Hôm nay các người vẫn được ăn đấy chứ?".

Lê Cảm trả lời đầy cay cú:" Bẩm chủ tướng, cơm vẫn có ăn, nhưng thực sự nuốt không nổi. Ba đội lương thực, cứ như bị Giao Long nuốt mất vậy".

Gã Lê Cảm một thời từng là thủ lĩnh một khu vực rộng lớn ở Cửu Chân. Hắn có trong tay vài trăm chiến binh thiện chiến, cả chục bộ lạc nhỏ phụ thuộc. Sau này khi Nga Sơn dần gây dựng thế lực, hắn đã đến xin theo. Rất đáng tiếc là khi hai bà Trưng khởi nghĩa thì hắn bị thương ngay từ lúc đánh xuống Khúc Dương. Không có cơ hội được thể hiện nhiều nên giờ vẫn là phó tướng, hắn chịu trách nhiệm dẫn một số bộ tộc theo Nga Sơn.

Nhìn các tướng một vòng, Nga Sơn mỉm cười:" Đừng hẹp hòi như thế, Hán quân từ xa tới. Cho chúng ăn no một chút cũng không sao. Ba ngày nữa, đích thân ta sẽ mời chúng ăn, cho chúng bể bụng thì thôi".

Nga Sơn nói ra muốn tương kế tựu kế, phục kích quân Hán cướp lương. Nhất thời các tướng sục sôi hào hứng, nhưng để ý kỹ sẽ có vài gã thủ lĩnh hơi thâm trầm, đôi mắt thi thoảng lại láo liên. Thiều Hoa thì chẳng hiểu sao không hào hứng, nàng đứng trầm mặc nhìn Nga Sơn đang nói cười. Các tướng lĩnh cũng mải mê mà không nhận ra sự vắng mặt của Trương Tế cả chục ngày này.

Trương Tế không có mặt ở doanh trại, vì chàng đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật. Chàng cùng hơn trăm chiến binh đang mải miết trong rừng. Họ ai ai cũng bôi kín bùn từ đầu đến chân, lặng lẽ biến mất trong những khu rừng rậm rạp.

Qua hai ngày, liên tiếp có những bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện ra vào doanh trại Lĩnh Nam quân. Điều kỳ lạ là Nga Sơn bố phòng cực kỳ nghiêm ngặt, nhưng chúng vẫn rất nhẹ nhàng căn được thời điểm mà lách qua những toán lính tuần tra, trạm gác ngầm rồi hoà vào cùng doanh trại.

Nhưng chúng không hẳn là tránh được tất cả, chúng được thu vào đôi mắt của những chiến binh đội mũ lông chim. Không ai thấy họ di chuyển, nhưng dường như họ lại ở khắp mọi nơi.

Bạn đang đọc Ta Trở Về Thời Hai Bà Trưng sáng tác bởi tunglamsk209
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi tunglamsk209
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 7
Lượt đọc 268

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.