Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Đoàn thám hiểm Trịnh Hòa

Tiểu thuyết gốc · 2044 chữ

Chỉ với chục vạn đại quân mà dám mang binh đi tấn công Trung Nguyên quả là điên cuồng, không ít thế tộc đất Việt đều hoang mang, không hiểu ý đồ của Vũ Đại Hải là gì? Hắn nghĩ mình là thiên hạ vô địch rồi ư?

Không, Đại Hải chỉ mang quân đi đánh thôi chứ đâu có ý định chiếm đất Trung Nguyên, đánh và chiếm khác nhau rất nhiều. Để có thể chiếm trọn Trung Nguyên thì dù có trăm vạn đại quân vẫn hơi quá sức. Phải biết rằng dân Hán rất đông, họ có thể thua trận nhưng bất kỳ dân tộc nào chinh phục thống trị họ thì chỉ qua trăm năm là bị đồng hóa hết sạch, Ngũ Hồ thập lục quốc, đế chế Mông Cổ, hoàng tộc Nữ Chân,…rất nhiều, rất nhiều đội quân hùng mạnh bị đồng hóa ở đây. Việt tộc với dân số chưa đủ mười triệu, kể cả chiếm hết đất Trung Nguyên cũng có khả năng bị đồng hóa ngược, lúc đó thì hiểm họa vô cùng.

Cất quân đi đánh Đại Minh vừa trả thù nhà nợ nước, vừa nhân cơ hội làm suy yếu Đại Minh. Chu Đệ mới tiếm ngôi chưa đủ chục năm, lòng dân chưa thuận, sau hàng loạt các vụ thảm sát, tiêu diệt tàn dư của Chu Doãn Văn, các gia tộc lớn, các vương gia họ Chu bề ngoài quy phục nhưng trong lòng thì chỉ có trời mới biết. Sở dĩ y điên cuồng cất quân tiến đánh thảo nguyên phương Bắc cùng nam chinh phương Nam cũng phần nào hướng sự chú ý của trong nước ra bên ngoài, quên đi sự kiện Tĩnh Nan chi biến kia, chiến thắng trong các cuộc viễn chinh cũng sẽ củng cố uy vọng của y trong dân gian.

Không thể không nói, phương pháp này của Chu Đệ hoàn toàn đúng, vào thời của y, quân sự Đại Minh lên đến mức cực thịnh, con cháu đời sau không thể nào bằng được. Danh vọng của y cũng cao, được dân gian hết sức tôn sùng, dù có vết nhơ Tĩnh Nan cũng không ảnh hưởng.

Nhưng ở thời không này, mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác, chiến sự ở phương Bắc không thuận lợi, các đạo quân du mục dù bị đánh tan nhưng không thể tiêu diệt hoàn toàn được, thậm chí còn ngày càng hùng mạnh hơn, trang bị thêm phần tinh mỹ, theo thám báo được biết thì dân du mục có một nguồn cung vũ khí lương thực lớn tận mãi xa nơi phương Bắc, không rõ là ai? Cao Ly hay Đông Doanh? Thám báo chưa tìm hiểu được.

Phương Nam, hơn hai chục vạn quân cùng hàng chục vạn phu xuất chinh, nhanh chóng chiếm được đất Đại Ngu nhưng một tháng nay lại ít thấy tin tức truyền lại Nam Kinh, chưa rõ tình hình ra sao, hẳn là có gì đó bất thường. Dẫu có vậy, Chu Đệ cũng không lo lắng, quân viễn chinh phương Nam phần lớn lấy ở Lưỡng Quảng, Vân Nam, có tổn thất đôi chút cũng không sao, hậu quả thế tộc đất đó chịu, triều đình không mất mát gì nhiều, có khi lại dễ bề cử người xuống khống chế. Đại Minh quân lực trăm vạn, tổn thất đôi chút thổ binh, lính địa phương không có gì phải xoắn cả.

Nói thì nói thế, quân Minh quả có chục vạn quân nhưng phải chia ra đóng giữ nhiều nơi, đặc biệt là biên cương phương Bắc, không thể cứ động tí là huy động được trăm vạn, kể cả huy động được trăm vạn thì cũng phần lớn là tân binh thôi, quân tinh nhuệ đóng ở các nơi không thể dễ dàng động đến. Chu Đệ thực sự chỉ có hơn hai mươi vạn cấm quân ở Nam Kinh là có thể tùy ý điều động. Dẫu có vậy cũng đã là rất kinh khủng rồi, nên nhớ bây giờ mới là đầu thế kỷ 15, cách mạng công nghiệp còn chưa nổ ra đâu, để duy trì một đội quân khổng lồ, sẵn sàng chiến đấu như thế là rất không dễ dàng.

Qua việc nhìn quân đội Đại Minh mới thấy, Vũ Đại Hải có thể có 10 vạn quân luôn sẵn sàng chiến đấu cùng 3 hạm đội là rất không đơn giản, quốc lực Vạn Xuân cũng không hề yếu chút nào. Đại Hải cũng không ham hố tiến đánh Đại Minh, chiếm lại đất Lưỡng Quảng lắm nhưng tình thế này là bắt buộc. Khi Nam Kinh được tin quân viễn chinh thất trận kiểu gì thì kiểu cũng sẽ cử một đạo quân khác tới trả thù, nhanh thì một vài năm, chậm thì chục năm, kiểu gì cũng sẽ viễn chinh một lần nữa. Đây không còn là vấn đề thắng thua nữa rồi, là vấn đề danh dự của Trung Hoa, mang tiếng thiên triều mà thất trận nơi đất man hoang, nhục không sao tả xiết, Chu Đệ nếu không phục thù thì ngai vàng của y cũng lung lay dễ đổ, bề tôi không còn kính sợ.

Một thế lực khác lớn mạnh ở phương Nam không phải điều mà Đại Minh muốn nhìn thấy, các thế tộc cũng sẽ bỏ xuống ân oán mà hiệp trợ triều đình, cất quân xuôi nam tiêu diệt. Chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Vậy sai không nắm lấy quyền chủ động vào tay mình, như Thái úy Lý Thường Kiệt khi xưa “tiên phát chế nhân”. Chiến tranh tốt nhất diễn ra trên đất địch, nếu để chiến tranh lan tới lãnh thổ mình thì có thắng cũng thắng thảm mà thôi.

Có muôn vàn lý do để Vũ Đại Hải cất quân lên phía Bắc, quyết đánh một trận làm suy yếu Đại Minh, tan giã được là tốt nhất. Có một hàng xóm quá mạnh, Vạn Xuân muốn yên bình phát triển cũng khó. Nhân cơ hội nội bộ Đại Minh còn chưa vững như thành đồng nên nhanh chóng ra tay. Không nói đến một trận diệt vong Đại Minh nhưng làm cho chúng sứt đầu mẻ trán cũng không tệ chút nào, nếu chia năm xẻ bảy ra thì không thể tốt hơn.

Cứ theo lẽ đó, sau khi điểm quân ở Đông Bộ Đầu, Vũ Đại hải thân chinh dẫn mười vạn đại quân giong thuyền tiến lên phương Bắc.

……………

Cùng thời điểm đó, mãi tận biển Đông xa xôi, một trận hải chiến quy mô lớn đang diễn ra giữa hạm đội Đông Hải, Nam Hải của Vạn Xuân cùng với đoàn thuyền thám hiểm Đại Minh dưới sự lãnh đạo của Trịnh Hòa.

Như đã biết, từ năm 1405, Trịnh Hòa nhận lệnh vua Minh, bắt đầu giong thuyền ra khơi, khám phá các vùng đất mới, dương uy thiên triều với các tiểu quốc lân cận. Nghe thiên hạ đồn, đoàn thám hiểm của Trịnh Hòa đã đi đến tận châu Phi, có khi sang cả châu Mỹ, theo như lời mấy anh người Tàu nói, sự thật ra sao thì không ai rõ nhưng có thể khẳng định, đoàn thám hiểm đã đi được đến những vùng đất xa xôi.

Chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa ngỡ như mở đầu cho kỷ nguyên đại hàng hải của phương Đông nhưng không, nó giống như đi khoe hơn là đi thám hiểm. Các hạm đội lớn, lênh đênh nhiều ngày trên biển, khám phá nhiều vùng đất mới mang về biết bao thứ hiểm lạ nhưng lại không có quá nhiều lợi ích kinh tế, thế nên sau vài ba chuyến ra biển đã bị hủy bỏ. Duy trì một hạm đội khổng lồ như vậy đi biển mà không mang lại lợi ích gì quả không hề dễ dàng kể cả cho quốc lực dồi dào như Đại Minh. Sau thời Trịnh Hòa, người Minh cũng không còn những chuyến đi xa nữa. Có lẽ, ngay từ khi bắt đầu, Đại Minh không nên cử hẳn một đoàn thám hiểm hàng vạn người như thế ra ngoài, nhiều người như vậy tiền tấn cũng không đủ.

Trái lại, phương Tây bắt đầu các chuyến thám hiểm với đội tàu nhỏ hơn, quân số cũng ít hơn lại mang về lợi ích kinh tế lớn nên được duy trì mạnh mẽ, thúc đẩy cuộc đại hàng hải, mang về không biết bao của cải, kiến thức để phương Tây vươn lên, dần dần cướp lấy vị trí bá chủ thế giới. À, mục đích ban đầu của họ đã là đi tìm kiếm đường đến vùng đất Ấn Độ vàng bạc đầy đường, hương liệu đầy đất chứ cũng không phải hiển uy gì cho cam.

Đoàn thuyền thám hiểm của Trịnh Hòa trang bị những chiến thuyền to lớn, hiện đại bậc nhất của Đại Minh lúc bấy giờ. Soái hạm là bảo thuyền dài cả trăm mét, một quái vật trên biển thực thụ, ngoài ra còn mã thuyền, lương thuyền, chiến thuyền,…..Chuyến đi từ 1405 – 1407, Trịnh Hòa mang theo gần 3 vạn người cùng hơn 300 thuyền lớn, quả là một hạm đội khổng lồ, còn lớn hơn cả hạm đội quân Minh đánh Đại Ngu nữa.

Trịnh Hòa có thể coi là một nhà hàng hải vĩ đại của phương Đông, Vũ Đại Hải biết đến y, cũng đọc qua và bàn luận về những chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa trên các diễn đàn. Với trí nhớ tốt hơn bao giờ hết, sau khi đánh tan thủy sư Đại Minh ở biển Vũng Áng thì hắn cũng nhớ tới hạm đội của Trịnh Hòa đang trên đường về. Một hạm đội như vậy, làm sao mà Đại Hải hắn có thể tha cho được cơ chứ.

Dù đội tàu thám hiểm của Trịnh Hòa không mang theo quá nhiều binh lính, chỉ cỡ khoảng hơn vạn nhưng sư tử vồ thỏ còn dùng toàn lực, Vũ Đại Hải không dám chủ quan chút nào. Kể cả khi có ưu thế vượt trội về hải chiến, hắn cũng để 2 hạm đội chủ lực lại chặn đánh Trịnh Hòa. Trịnh Hòa không phải vật trong ao, lại am hiểu thủy chiến, để y nhởn nhơ ngoài biển, Đại Hải tiến quân đánh Minh cũng không thấy yên tâm. Chưa kể gần 3 vạn binh lính, thủy thủ lênh đênh trên biển 2 năm, kỹ năng chiến đấu khỏi bàn rồi, quân Vạn Xuân nếu không cẩn thận thì khéo lại lật thuyền trong mương, bị bón hàng ngập miệng. Chính bởi lẽ đó, một trận phục kích chiến nổ ra tại biển Kỳ La.

Tại sao lại là Kỳ La ư, vì đây là đường mà đội thuyền Trịnh Hòa ắt sẽ đi qua. Hạm đội của nhà Minh to lớn thật nhưng cũng không dám mạo hiểm đi xa bờ, loanh quanh vùng nước gần bờ để dễ bề tiếp tế, thuyền quân Minh đánh sông thì hết nước chấm nhưng đi biển hơi đuối. Một hạm đội lớn đi biển không thể thiếu được tiếp tế, Trịnh Hòa đã đến Virinu (Thị Nại) một lần năm 1405 để tiếp tế nước ngọt và lương thực, lúc về hẳn cũng sẽ ghé qua bổ sung rồi mới đi thẳng về nước. Và không để Vạn Xuân thất vọng, gần cuối năm 1407, chỉ cách hải chiến Vũng Áng hơn tháng, hạm đội của Trịnh Hòa có ghé qua Virinu.

Hạm đội khổng lồ cũng không khiến quân Vạn Xuân đóng ở đây khiếp sợ, họ vẫn như bình thường, tiếp đón người Minh nhiệt tình, muốn nước có nước, muốn lương cho lương. Trịnh Hòa hơi ngớ người vì đón tiếp không phải người Chiêm thành nhưng cũng mặc, mấy tiểu quốc phương Nam đánh nhau suốt ngày, nay thành là của nước nọ, mai lại của nước kia, không đáng ngạc nhiên, một lũ man di mà thôi. Y cũng không xuống thuyền, chỉ lệnh cho binh lính nhanh chóng bổ sung rồi lên đường.

Bạn đang đọc Tân Phục Hưng sáng tác bởi hoangdinh2125
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi hoangdinh2125
Thời gian
Lượt đọc 64

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.